Toàn cảnh buổi tọa đàm “Kinh nghiệm xây dựng thương hiệu từ các doanh nghiệp Anh quốc”
Thương hiệu và sở hữu trí tuệ đang ngày càng chi phối giá trị của mỗi sản phẩm toàn cầu. Chỉ riêng giá trị thương hiệu hiện nay đã chiếm 1/3 giá trị nền kinh tế toàn cầu. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu đối với một quốc gia nói chung, cũng như các doanh nghiệp nói riêng. Hiện nay, lượng đăng ký và sở hữu trí tuệ ở lĩnh vực đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, sáng chế, bảo hộ kiểu dáng công nghiệp… của các doanh nghiệp ở trong nước tăng khá nhanh, đặc biệt là khi nước ta hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, hiện nay, ở nước ngoài mới chỉ có khoảng 1.000 thương hiệu của Việt Nam được đăng ký. Con số này là rất nhỏ nếu nhìn vào tổng số hàng trăm nghìn các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động. Với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các thương hiệu trong từng ngành hàng và giữa các ngành hàng với nhau, việc sở hữu một thương hiệu được khách hàng, người tiêu dùng tin cậy, xã hội công nhận sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp đó.
Theo Phó Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Khương, trong giai đoạn mở cửa thị trường và hội nhập với nền kinh tế thế giới, việc xây dựng thương hiệu ngày càng trở nên quan trọng cho sự phát triển của doanh nghiệp. Hiện nay, rào cản trong việc định vị thương hiệu Việt thường là do lãnh đạo doanh nghiệp còn thiếu ý thức xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp thiếu tiền chi cho hoạt động truyền thông. Đa số doanh nghiệp trong nước đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, do vậy thường gặp nhiều khó khăn khi đầu tư vào truyền thông nhằm xây dựng và nâng cao thương hiệu, đặc biệt là những doanh nghiệp đã lựa chọn phân khúc thị trường là người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thấp. Đầu tư vào truyền thông sẽ đẩy giá thành sản phẩm lên cao và như vậy làm mất lợi thế chi phí thấp của họ.
“Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn chưa thật sự hiểu rõ vai trò của thương hiệu. thường đánh đồng, nhầm lẫn thương hiệu chỉ là logo hay dấu hiệu nhận biết. Với xu thế mới, thương hiệu của một quốc gia, một doanh nghiệp cần phải truyền tải được thông điệp về sự khác biệt, về văn hóa, có tính cạnh tranh cao cả ở thị trường nội địa và quốc tế. ” – Phó Chủ tịch VCCI nói.
Xây dựng thương hiệu nên theo xu hướng đơn giản
Các doanh nghiệp của Anh cho rằng, để doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu mạnh thì cần phải nắm rõ, đến gần hơn với người tiêu dùng để “lắng nghe” những đánh giá của họ, từ đó, thấy thương hiệu của mình đang ở đâu để có những sản phẩm, dịch vụ ngày càng tốt hơn và chuyên nghiệp hơn. Việc xây dựng thương hiệu phải chuyển tải được thông điệp đến người tiêu dùng một cách đơn giản, dễ hiểu, các sản phẩm phải đảm bảo an toàn, đạt chất lượng tốt. Khâu quảng bá thương hiệu, marketing cũng rất quan trọng khi tung sản phẩm ra thị trường.
Bà Sarah Turner – Giám đốc điều chiến lược Công ty Crumchy Frog
Theo bà Sarah Turner – Giám đốc điều hành chiến lược Công ty Crumchy Frog: “Hiện các doanh nghiệp Anh đang cố gắng chuyển từ thương hiệu được xây dựng theo hướng có kết nối về mặt tình cảm, mong muốn, khát vọng của người tiêu dùng đến mục tiêu người tiêu dùng khi mua sản phẩm không phải chỉ là lý trí mách bảo mà còn kết nối cả con tim nữa. Nhiều doanh nghiệp đang chuyển sang thiết kế một thương hiệu đơn giản, không truyền tải quá nhiều thông điệp cùng một lúc để từ đó người tiêu dùng có thể tiếp cận được một cách đơn giản và nhanh chóng nhất đối với thương hiệu đó”.
Đất nước đang hội nhập sâu rộng, do đó để tiếp tục là một thị trường hấp dẫn, hứa hẹn nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh, doanh nghiệp Việt Nam cần phải nỗ lực và sáng tạo không ngừng. Một trong những yếu tố để kinh doanh thành công, phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh mới, chính là làm thế nào để xây dựng một nền kinh tế “thương hiệu Made in Việt Nam” có sức cạnh tranh cao và dễ dàng tiếp cận được thị trường các nước trên thế giới.
Hoàng Sang (Enternews.vn)