Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa chính thức công bố, 5 tháng đầu năm, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giải ngân được 4,6 tỷ USD, tăng 0,4 % so với cùng kỳ năm 2013.
Miki Industry, một trong những dự án FDI đi vào hoạt động trong 5 tháng qua,
góp phần nâng tổng vốn FDI giải ngân lên 4,6 tỷ USD
Tuy nhiên, trong khi vốn giải ngân vẫn có dấu hiệu tích cực, thì vốn đăng ký mới tiếp tục xu hướng giảm.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/5/2014, cả nước có 500 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 3,669 tỷ USD, bằng 83% so với cùng kỳ năm 2013.
Trong khi đó, cũng tính đến thời điểm này, có 167 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 1,84 tỷ USD, bằng 46,4% so với cùng kỳ năm 2013.
Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 5 tháng đầu năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 5,509 tỷ USD, bằng 65,7% so với cùng kỳ 2013.
Một điểm dễ nhận thấy, từ đầu năm tới nay, không nhiều dự án FDI lớn đầu tư vào Việt Nam. Đó là lý do vì sao vốn FDI trong 5 tháng qua giảm so với cùng kỳ.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì lớn nhất trong 5 tháng qua, vẫn chỉ là Dự án Nhà máy Xi măng Thăng Long của nhà đầu tư Indonesia, với tổng vốn đăng ký 352,65 triệu USD.
Tiếp đó, là Dự án Bệnh viện Quốc tế Đại An Việt Nam của nhà đầu tư Canada tại Hải Dương, với tổng vốn đầu tư 225 triệu USD.
Dự án lớn thứ ba là dự án của nhà đầu tư Texhong, đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Texhong Hải Hà tại Quảng Ninh, với tổng vốn đăng ký 215 triệu USD…
Tuy nhiên, trái ngược với xu hướng vốn đầu tư chậm lại so với năm trước, các doanh nghiệp FDI vẫn đạt kết quả kinh doanh tốt ở Việt Nam.
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, 5 tháng đầu năm, kể cả dầu thô, khu vực FDI ước xuất khẩu 39,45 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 67% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu không kể dầu thô, con số này là 36,39 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ 2013.
Với lượng nhập khẩu là 32,55 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 57% kim ngạch nhập khẩu, tính chung 5 tháng, khu vực FDI xuất siêu 4,46 tỷ USD.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, 5 tháng qua, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, với 254 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 3,92 tỷ USD, chiếm 71,2% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 5 tháng năm 2014.
Lĩnh vực xây dựng đứng thứ 2 với 49 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 463,17 triệu USD, chiếm 8,4%.
Đứng thứ 3 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, với 9 dự án đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 399,33 triệu USD, chiếm 7,2%.
Hiện, Hàn Quốc vẫn đứng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam từ đầu năm tới nay, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 1,31 tỷ USD, chiếm 24% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Nhật Bản nằm ở vị trí thứ ba, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 588,6 triệu USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư.
Trong khi đó, Hồng Kông đứng hàng thứ hai, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 629,9 triệu USD, chiếm 11,4 % tổng vốn đầu tư.
HÀ NGUYỄN