TPP được ví như nồi cơm Thạch Sanh

TPP không phải miếng bánh người này ăn sẽ không còn phần người khác, mà giống như nồi cơm Thạch Sach luôn đầy đặn, quan trọng là phải có đủ sức để ăn và ăn được nhiều, Trưởng phòng FTA thuộc VCCI Phùng Thị Lan Phương ví von.

Bà Phùng Thị Lan Phương trao đổi với VnExpress về cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), sau khi vòng đàm phán cuối cùng kết thúc thành công. Phòng FTA là đơn vị trực thuộc Trung tâm WTO và Hội nhập của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là đầu mối cung cấp thông tin liên quan đến các Hiệp định thương mại tự do theo nhu cầu của doanh nghiệp; thực hiện tư vấn, hướng dẫn hiệp hội, doanh nghiệp xử lý các vụ việc trong hội nhập và tổ chức các hoạt động để tham vấn với Chính phủ trong đàm phán, thực thi các cam kết thương mại quốc tế nhằm bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp.

- Đàm phán TPP vừa kết thúc trong sự phấn khích của Bộ trưởng Thương mại 12 nước. Bà nhìn nhận thế nào về sự kiện này?

- Ngày 5/10/2015 được coi là kỳ tích mới của Việt Nam trên chặng đường hội nhập. Chúng ta đều biết FTA ký với một đối tác đã mở ra nhiều cơ hội. Tham gia TPP là chơi với 12 nước, trong đó có Mỹ, Canada, Mexico, Peru - những quốc gia Việt Nam chưa có FTA, do đó cơ hội là cực kỳ lớn. Đàm phán kết thúc sớm ngày nào thì tốt cho nền kinh tế và doanh nghiệp ngày đó.

TPP cũng là đàm phán khó khăn nhất từ trước tới nay đối với Việt Nam. Đây được đánh giá là hiệp định tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới. Trong khi đó, Việt Nam lại là thành viên kém phát triển nhất, nhưng chúng ta đã dám chơi, chủ động chơi và là một trong những thành viên đàm phán tích cực. Điều này cho thấy quyết tâm hội nhập và đổi mới của Việt Nam.

Với việc TPP hoàn tất đàm phán, cùng với FTA Việt Nam - EU, 3 FTA vừa mới ký với Lào, Liên minh kinh tế Á - Âu, Hàn Quốc và Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập vào cuối năm nay, có thể nói năm 2015 được đánh giá là bước ngoặt, dấu mốc mới cho giai đoạn hội nhập mới của Việt Nam.


tpp-duoc-vi-nhu-noi-com-thach-sanh
Bà Phùng Thị Lan Phương, Trưởng phòng FTA. 

- TPP khác gì so với WTO và các FTA Việt Nam đã ký?

- WTO giống như một hiệp định nền cho các quốc gia tham gia vào sân chơi chung toàn cầu, từ đó, nếu một số nước muốn chơi riêng, tạo thuận lợi hơn cho thương mại của nhau thì sẽ ký FTA. Chẳng hạn như với các cam kết về hàng hóa, theo WTO, Việt Nam dỡ bỏ 30% số dòng thuế trong biểu thuế. Với các FTA đã ký, tỷ lệ này là 80-90%.

Tiêu chuẩn của TPP cao hơn nữa. Với hàng hóa, các nước cam kết mở cửa gần 100% các dòng thuế. Và không chỉ hàng hóa, các cam kết về dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ… trong hiệp định cũng rất cao. TPP còn bao gồm cả những vấn đề chưa từng xuất hiện trong một FTA như doanh nghiệp nhà nước.

Vị thế của Việt Nam khi tham gia Hiệp định này cũng khác. Với WTO trước đây, Việt Nam đứng trên cương vị xin gia nhập và đàm phán với các nước, họ đồng ý mới được vào và phải chấp nhận những quy tắc có sẵn trong WTO. Đối với TPP, Việt Nam hoàn toàn chủ động khi là thành viên tham gia ngay từ đầu, có quyền đưa ra đề xuất để cùng đàm phán, trao đổi.

- Quá trình đàm phán diễn ra 5 năm và tưởng chừng có lúc bế tắc, theo bà nguyên nhân tại sao?

- TPP bao gồm 12 nước có trình độ phát triển khác nhau nên cần nhiều thời gian để tìm được tiếng nói chung. Bên cạnh đó, hiệp định có quá nhiều vấn đề, tổng cộng TPP có tới 30 chương bao trùm từ thương mại, dịch vụ, đầu tư, và cả những vấn đề rất mới so với các FTA truyền thống trước đây như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước. Đây là lý do khiến đàm phán kéo dài và có lúc tưởng chừng bế tắc.

Đàm phán TPP cũng là đàm phán duy nhất có rất nhiều các cuộc gặp mặt lãnh đạo, các phiên họp của các Bộ trưởng các nước thành viên. Điều đó cho thấy hiệp định bao gồm rất nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm mà chỉ có thể giải quyết được ở cấp lãnh đạo.

- Tại sao Việt Nam - một quốc gia có thu nhập trung bình thấp lại được mời tham gia hiệp định thế kỷ này?

- Việc mời Việt Nam tham gia và chúng ta chấp nhận cuộc chơi này có thể giúp TPP lôi kéo thêm nhiều thành viên, bởi một nước có xuất phát điểm thấp mà vẫn dám chơi thì không lý gì các nước khác lại không gia nhập.

TPP sẽ mang đến cơ hội như thế nào cho nền kinh tế?

- Với hàng rào thuế quan được gỡ bỏ gần 100%, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam với các nước thành viên TPP chắc chắn sẽ được gia tăng đáng kể.

Còn về đầu tư, thực hiện TPP sẽ khiến môi trường kinh doanh của Việt Nam cải thiện theo hướng minh bạch, công bằng và thuận lợi hơn cho cả các nhà đầu tư  trong nước và nước ngoài. Điều này sẽ giúp tăng cường thu hút vốn ngoại, đặc biệt là từ các nước TPP, trong đó có Mỹ.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư còn nhìn thấy ở Việt Nam 16 FTA mà chúng ta đã ký hoặc đang đàm phán. Cơ hội cho họ không chỉ là ở riêng thị trường các nước TPP mà cả các thị trường mà chúng ta đã có FTA. Chẳng hạn như nếu nhà đầu tư đầu tư sản xuất hàng hóa tại Việt Nam thì khi xuất khẩu sang thị trường các nước ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… cũng được hưởng ưu đãi thuế quan từ các FTA này.

Một cơ hội khác có thể không đo đếm được bằng tiền nhưng lợi ích lại thực sự rất lớn, đó là TPP sẽ là một động lực, một sức ép hợp lý để Việt Nam cải cách thể chế. Bởi nếu thực thi TPP, Việt Nam sẽ phải sửa đổi rất nhiều các quy định pháp luật trong nước, khiến cho môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng và thuận lợi hơn cho các doanh nghệp…

Sau WTO, tôi kỳ vọng TPP sẽ tạo ra làn sóng cải cách thể chế lần thứ hai, biến áp lực từ bên ngoài thành động lực cải cách ở bên trong. Kết quả là nền kinh tế và các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi.

tpp-duoc-vi-nhu-noi-com-thach-sanh-1

 TPP sẽ mang lại lợi ích lớn, không đo đếm được bằng tiền là thể chế, môi trường kinh doanh được cải cách. Ảnh: Quý Đoàn

- Vậy còn thách thức thì sao?

- Cái gì cũng có hai mặt, và FTA là một cuộc chơi có đi có lại, có cơ hội và cả thách thức. Chẳng hạn như đối tác dành cho ta các cơ hội về tiếp cận thị trường, thì đổi lại ta cũng phải mở cửa thị trường cho họ, khi đó sẽ là thách thức đối với doanh nghiệp trong nước khi phải cạnh tranh với hàng hóa và dịch vụ từ nước ngoài.

Còn về đầu tư, cũng có ý kiến cho rằng miếng bánh to của TPP sẽ thuộc về các doanh nghiệp ngoại (FDI), bởi họ có nguồn lực mạnh và khả năng tận dụng FTA tốt hơn. Còn các doanh nghiệp trong nước, với trên 90% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, sẽ chỉ giành được miếng bánh nhỏ và siêu nhỏ. Tuy nhiên, theo tôi miếng bánh TPP giống như nồi cơm Thạch Sanh, không phải FDI ăn hết thì không còn gì cho doanh nghiệp nội địa, mà miếng bánh sẽ luôn đầy đặn cho cả hai, vấn đề là có đủ điều kiện để được ăn và ăn được nhiều hay không.

Dĩ nhiên, trong quá trình đó, doanh nghiệp nào làm không đúng cách thì sẽ bị tổn hại, doanh nghiệp đúng cách thì phát triển thịnh vượng. Suy cho cùng đó cũng là một hình thức sàng lọc tự nhiên, chúng ta đã tham gia vào sân chơi toàn cầu thì phải chấp nhận cuộc chơi, chấp nhận có được, có mất, không thể thắng hoàn toàn. TPP là cơ hội doanh nghiệp trải nghiệm và vươn lên.

Ngoài các thách thức ở thị trường nội địa, thì khi xuất khẩu sang các nước TPP phải đối mặt với những thách thức gì?

- TPP giúp các doanh nghiệp gỡ bỏ các hàng rào thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường khu vực, nhưng vẫn còn đó các rào cản về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn dịch tễ và đặc biệt là các vụ kiện phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ). Như chúng ta đã biết, cho tới nay Mỹ đã tiến hành 16 vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam. Nếu thực thi TPP mà hàng hóa của chúng ta xuất khẩu sang thị trường Mỹ nhiều hơn, thì nguy cơ bị kiện cũng sẽ lớn hơn. Tương tự ở các thị trường khác trong TPP cũng vậy.

- Bà đánh giá thế nào về sự sẵn sàng của doanh nghiệp với TPP?

- Ở VCCI, tôi đã làm việc và tư vấn cho rất nhiều doanh nghiệp, thì thấy đa số họ rất bị động và hầu như không biết tới các FTA Việt Nam đã ký. Ví dụ, có doanh nghiệp làm ăn với Nhật Bản nhưng chỉ khi đối tác yêu cầu doanh nghiệp xin C/O để hưởng ưu đãi theo FTA ASEAN - Nhật Bản thì mới biết có FTA này.

Một bộ phận khác dù biết tới FTA, nhưng họ không biết cách tận dụng thế nào, hoặc để tận dụng được thì phức tạp và tốn chi phí nên lại chuyển sang xuất khẩu theo thuế MFN như bình thường. Từ đó, có thể thấy là doanh nghiệp của chúng ta đã bỏ phí rất nhiều FTA mà Chính phủ đã tốn bao công đàm phán.

Còn đối với các FTA mới của Việt Nam, đặc biệt là TPP, các doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm rõ ràng hơn, nhưng có vẻ vẫn chỉ dừng ở việc biết tới chứ chưa thực sự hiểu TPP là gì. Nhiều doanh nghiệp gọi điện đến Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI để hỏi về TPP, nhưng các câu hỏi chủ yếu xoay quanh việc bao giờ TPP được ký kết/có hiệu lực, cam kết về thuế trong TPP sẽ như thế nào? Các cam kết khác, cũng rất quan trọng và có tác động tới doanh nghiệp như như lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ…. thì vẫn chưa biết đến hoặc chưa quan tâm.

Hơn nữa, tôi nhận thấy các doanh nghiệp quan tâm nhiều tới TPP lại chủ yếu là khối FDI, một số doanh nghiệp lớn ở các thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh, còn các doanh nghiệp nhỏ, ở các địa phương, hầu như không biết tới hoặc không hiểu TPP là gì.

- Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào tới quá trình triển khai, thực thi hiệp định cũng như tận dụng các cơ hội, thưa bà?

- Nếu TPP được ký kết và có hiệu lực, Việt Nam sẽ phải sửa đổi các quy định pháp luật cho phù hợp với các cam kết của TPP. Mặc dù công việc này là của các cơ quan nhà nước, nhưng các ý kiến góp ý của doanh nghiệp là rất quan trọng để các quy định pháp luật được sửa đổi vừa phù hợp với TPP lại vừa có lợi cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không hiểu rõ về TPP và không có tham vấn với cơ quan nhà nước, thì có thể những quy định mới đưa ra sẽ không phản ánh được các nhu cầu và lợi ích của doanh nghiệp.

Và quan trọng hơn, nếu không biết và không hiểu về TPP, doanh nghiệp sẽ không biết đến các lợi ích mà TPP có thể đem lại hoặc không biết cách tận dụng các lợi ích đó. Tôi lấy ví dụ như doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng sang Mỹ mà không biết đến TPP có quy định cắt giảm thuế quan đối với mặt hàng xuất khẩu của mình, hay quy tắc xuất xứ thì vẫn xuất khẩu theo cách thông thường, áp dụng thuế MFN, thì không được hưởng lợi từ thuế ưu đãi theo TPP.

- Theo bà, các doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để có thể sớm tận dụng được TPP một khi được ký kết và có hiệu lực?

- Để có thể cạnh tranh tốt, tận dụng các cơ hội và vượt qua những thách thức từ các FTA thì trước hết doanh nghiệp phải hiểu kỹ về TPP, về những tác động của hiệp định với các hoạt động của mình. Rút kinh nghiệm từ bài học WTO và các FTA trước đây, đối với TPP và các FTA mới của Việt Nam, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin, nội dung đàm phán từ khi hiệp định chưa được ký kết để có bước chuẩn bị và tận dụng ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Trên cơ sở phân tích các thông tin thu được, doanh nghiệp có thể chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, chiến lược sản phẩm sao cho tận dụng được các cơ hội từ FTA cũng như tránh được hoặc vượt qua những thách thức cạnh tranh từ các đối thủ nước ngoài.

Một điểm tôi cũng rất lưu ý với doanh nghiệp, đó là “buôn có bạn, bán có phường”, kinh doanh ở thị trường nước ngoài, cạnh tranh với đối tác nước ngoài lại càng cần phải có sự liên kết giữa các doanh nghiệp, với các hiệp hội. Đây dường như là cách thức rất tốt để doanh nghiệp tận dụng hiệu quả cơ hội từ các FTA sắp tới.

Trên tất cả, doanh nghiệp phải tự tìm cho mình cách thức để cải thiện năng lực cạnh tranh, tìm được thị trường ngách để có chỗ đứng bền vững. Đây luôn là bài toán đặt ra ở bất kỳ thời điểm nào đối với các doanh nghiệp, nhưng trong bối cảnh mới của TPP và các FTA mới, đòi hỏi này lớn hơn bao giờ hết.

Phương Linh

 

Theo

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: [email protected]

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: [email protected]
Website: https://thuonggiaonline.vn/