Xin ông cho biết đánh giá của mình về các biện pháp mới đây của Chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế?
Sau khi Việt Nam công bố cơ bản hoàn thành đàm phán để gia nhập Hiệp định tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), một số công ty nước ngoài đã quyết định đầu tư vào Việt Nam. Điều này cho thấy nhiều nhà đầu tư đang nhận định tích cực về môi trường đầu tư ở đây.
Để duy trì xu hướng này, Việt Nam được kì vọng sẽ tăng cường sức cạnh tranh công nghiệp hơn nữa, để có thể tự tin tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và thu nhiều lợi ích từ việc tham gia đó.
Đối với Nghị quyết 19 được Chính phủ đưa ra nhằm cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, dù đã phát huy hiệu quả, nhưng đáng ra Nghị quyết có thể đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh hơn nữa nếu các biện pháp được thực hiện theo kế hoạch đề ra.
Đối với việc cấp phép đầu tư, việc phân quyền từ Bộ Kế hoạch và đầu tư cho các Sở Kế hoạch và đầu tư của mỗi tỉnh được đánh giá là có lợi cho khu vực tư nhân.
Chúng tôi nhận thấy một số tỉnh thành đã quan tâm nhiều đến việc thúc đẩy các thủ tục hành chính và các Sở Kế hoạch và đầu tư có lợi thế là liên lạc chặt chẽ với từng công ty, qua đó có thể chỉ dẫn và hỗ trợ kịp thời.
Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực này nhằm thu hút và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư để có thể làm ăn trôi chảy và hiệu quả.
Tuy nhiên, điều quan trọng để tối đa hóa các nỗ lực nêu trên là liệu Chính phủ Việt Nam có thể thực hiện và giám sát các biện pháp đó một cách hợp lý và hiệu quả trong môi trường kinh doanh hiện nay.
Thông qua một số các cuộc gặp gỡ thường kì để báo cáo và trao đổi với các đối tác Việt Nam, chúng tôi nhận thấy các quan chức Việt Nam thường xuyên thay đổi và có vẻ họ không nắm được bức tranh toàn cảnh và không được báo cáo về tiến độ thực hiện một cách chi tiết.
Ngoài ra, còn tồn tại khoảng cách về chia sẻ thông tin giữa cơ quan chịu trách nhiệm và các bên liên quan khác.
Ông có khuyến nghị gì đối với Chính phủ để giúp Việt Nam ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, và khuyến khích phong trào khởi nghiệp cũng như khu vực tư nhân?
Môi trường đầu tư và kinh doanh có thể được xem xét từ hai góc độ: (1) cấu phần cứng, bao gồm các công trình cơ sở hạ tầng, và (2) các cấu phần mềm, bao gồm khung pháp lý và nhân lực.
Đối với cấu phần cứng, JICA đã xác định cải thiện cơ sở hạ tầng là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và cải thiện môi trường kinh doanh nói riêng.
Đơn cử như từ năm 2015, Hà Nội đã khánh thành Nhà ga số 2 của Sân bay Quốc tế Nội Bài, cầu Nhật Tân và đường nối từ sân bay đến cầu Nhật Tân. Việc đưa vào vận hành các công trình này đã góp phần cải thiện đáng kể đường giao thông huyết mạch từ cửa ngõ quốc tế đến trung tâm thành phố, giúp không chỉ Hà Nội mà còn các tỉnh lân cận trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn hơn.
Cầu Nhật Tân được xây dựng với vốn ODA của Nhật Bản. Ảnh: Internet
Tuy vậy, Việt Nam vẫn đang trong quá trình đạt đến ngưỡng có thể hoàn toàn hấp dẫn các doanh nghiệp tư nhân để mở rộng hoạt động và/hoặc khuyến khích các hoạt động hiện tại.
Về cơ bản, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn cho các công trình cơ sở hạ tầng như đường vành đai để lưu thông thuận lợi, và các mạng lưới vận chuyển công cộng nhanh nhằm tạo điều điện tốt nhất cho việc thực hiện giao dịch thông thường.
Đến đây, chúng tôi muốn nêu ra mối quan ngại lớn nhất về môi trường kinh doanh và đầu tư ở Việt Nam, đó là sự chậm trễ trong việc thực hiện dự án. Khi bị chậm trễ ở nhiều khâu, một dự án sẽ không chỉ bị đội chi phí mà còn có khả năng chịu tổn thất lớn về lợi ích kinh tế. Tình trạng này gây xáo trộn cho chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân.
JICA đang chuẩn bị thiết lập và sớm đưa vào áp dụng Hệ thống theo dõi mạng lưới dự án, qua đó có thể giám sát các công đoạn mua sắm của các gói thầu và thực hiện của các dự án được Nhật Bản tài trợ vốn ODA.
Bước tiếp theo, cùng với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và đầu tư, chúng tôi dự định nâng cấp hệ thống này để bao quát toàn bộ các dự án đầu tư công ở Việt Nam nằm nâng cao tính hiệu quả và minh bạch của các dự án.
Với hệ thống này, JICA kì vọng thông tin về các nguyên nhân gây chậm trễ và các cơ quan thuộc Chính phủ gây ra chậm trễ trong quá trình đưa ra quyết định có thể được công bố cho báo chí và công chúng. Do đó, hệ thống sẽ giúp thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án.
Trong bối cảnh này, Chính phủ Việt Nam được trông đợi sẽ áp dụng hệ thống này để giảm chậm trễ và hỗ trợ việc cấp phép cho doanh nghiệp, qua đó giúp cải thiện môi trường đầu tư tại đây.
Đối với các cấu phần mềm, Cơ quan xúc tiến ngoại thương của Nhật Bản (Jetro) chỉ ra trong một báo cáo mới đây rằng 64% các doanh nghiệp Nhật Bản đang có kế hoạch mở rộng hoạt động ở Việt Nam trong vòng hai năm tới.
Tỷ lệ này cao thứ ba trong số các nước châu Á (chỉ thấp hơn Campuchia, Myanmar, nhưng cao hơn Philippines, Indonedia, Thái Lan và Malaysia).
Động lực chủ yếu cho việc mở rộng kinh doanh là sự nới lỏng các quy định pháp luật, khả năng thuê nhân lực và sự tăng trưởng quy mô thị trường trong tương lai.
Mặt khác, các doanh nghiệp này còn nghi ngại về tính phức tạp của các thủ tục, nguyên liệu đầu vào, tỷ lệ cung ứng nội địa, tăng lương cơ bản và chất lượng nguồn lao động.
Đối với tính phức tạp của các thủ tục, JICA khuyến nghị Chính phủ Việt Nam tập trung nhiều vào việc thực thi chính sách hơn là đưa ra các quy định mới.
Các cơ quan trung ương đã có nhiều nỗ lực trong việc đề ra các quy định mới hoặc xem xét lại các quy định hiện hành. Tuy vậy, nhiều quy định không được thực hiện đúng kế hoạch trong khi một số quy định lại mập mờ và gây nhầm lẫn. Điều này tạo ra thực trạng là nhiều người quen hiểu rằng các chính sách của Chính phủ thường phi thực tế và nghi ngại về việc thực thi chúng.
Bởi vậy, JICA khuyến nghị Chính phủ Việt Nam đánh giá năng lực của hệ thống chính phủ, bao gồm nhân lực, thực trạng ngân sách, môi trường liên quan… để làm sao có thể đưa ra các quyết định thực tế và khả thi.
Ngoài ra, Chính phủ cần cải thiện sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước để khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao năng suất để gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhiều cơ quan trực thuộc các Bộ Tài chính, Công thương, Khoa học và công nghệ và các bộ khác thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp một cách độc lập để cải thiện năng suất. Đáng tiếc là sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan còn yếu, dẫn đến việc nhân rộng các kinh nghiệm tốt chưa được phát huy.
Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng việc phối hợp hiệu quả giữa các bên liên quan là cách tốt nhất để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng tính chủ động và các nỗ lực không ngừng của Chính phủ Việt Nam sẽ khuyến khích và tạo động lực cho môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Xin cám ơn ông!
Theo Nhịp sống Kinh doanh