Nhận định này được đa số các đại biểu đưa ra tại buổi chia sẻ "C asean Vietnam 2024: Góc nhìn về văn hóa ẩm thực và sự di chuyển” diễn ra mới đây, do C asean tổ chức trước thềm kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN.
Theo ông Chử Hồng Minh, Chủ tịch Chi hội Nhà hàng Việt Nam, mục tiêu đưa Việt Nam trở thành "Kinh đô ẩm thực mới của thế giới" vào năm 2030 không còn xa vời. Chiến lược này dựa trên ba trụ cột chính: phát triển nguồn lực, thúc đẩy hợp tác quốc tế, và khai thác giá trị kinh tế từ ẩm thực.
Những hoạt động như tổ chức các cuộc thi ẩm thực khu vực và hợp tác với Hiệp hội Du lịch Ẩm thực Thế giới (WFTA) đã đưa ẩm thực Việt Nam ngày càng gần hơn với công chúng quốc tế.
Đồng thời, các giải thưởng uy tín như Global Culinary Travel Awards đã giúp nâng tầm các thành phố Việt Nam trên bản đồ du lịch ẩm thực.
Ông Chử Hồng Minh cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc hợp tác chặt chẽ giữa ẩm thực, dịch vụ di chuyển và du lịch trong việc nâng cao giá trị và sự công nhận quốc tế đối với ẩm thực Việt Nam. Ông cho rằng, việc kết hợp những yếu tố này sẽ không chỉ giúp ẩm thực Việt lan tỏa rộng rãi mà còn tạo ra những cơ hội mới cho sự phát triển bền vững trong ngành.
Bàn về tầm quan trọng của yếu tố di chuyển, bà Đặng Thùy Trang, Giám đốc Đối ngoại Grab Việt Nam khẳng định, sự phổ biến của các nền tảng giao đồ ăn trực tuyến đã thay đổi cách người Việt tiếp cận và thưởng thức món ăn. Thực tế, không ít nhà hàng Việt Nam đã tận dụng nền tảng công nghệ để tối ưu hóa chiến lược quảng bá và quản lý. Điều này không chỉ giúp tăng khả năng tiếp cận khách hàng mà còn mang lại cơ hội giới thiệu văn hóa ẩm thực Việt trên quy mô toàn cầu.
Chính nhờ sự kết nối này, ẩm thực Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng, được ghi nhận và tôn vinh trên bản đồ ẩm thực quốc tế thông qua giải thưởng Ngôi sao Xanh Michelin – giải thưởng dành riêng cho những nhà hàng cam kết bảo vệ môi trường.
Ông Ahmad Faiez Mohamed Pisal, Tổng Giám đốc Michelin Việt Nam cũng cho rằng, các nền tảng giao đồ ăn trực tuyến đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá và bảo tồn văn hóa ẩm thực truyền thống của Việt Nam.
Tuy nhiên theo Tổng Giám đốc Michelin Việt Nam, Michelin không chỉ gói gọn trong hình ảnh những ngôi sao danh giá trong ngành ẩm thực. Chúng ta bắt đầu thấy tính bền vững là một phần của ẩm thực Việt Nam, từ nguyên liệu truyền thống đến từng câu chuyện đằng sau món ăn đều phản ánh cam kết bảo vệ văn hóa và môi trường.
Nhiều đại biểu có mặt tại sự kiện cũng cho rằng, hành trình đưa Việt Nam trở thành "Kinh đô Ẩm thực mới của thế giới" không chỉ dừng lại ở những ngôi sao Michelin hay các giải thưởng quốc tế, mà còn là sự chung tay của cả cộng đồng – từ các đầu bếp, doanh nghiệp, đến từng người dân Việt Nam. Với sự hỗ trợ từ tổ chức C asean, ẩm thực Việt được kỳ vọng sẽ trở thành cầu nối văn hóa, thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển bền vững.
C asean là một tổ chức xã hội hướng đến mục tiêu tăng cường kết nối khu vực ASEAN. Đây là nền tảng hợp tác kết nối kinh doanh, nghệ thuật và văn hóa. Kể từ khi thành lập vào năm 2015, C asean đã hợp tác với các tổ chức khác nhau nhằm tăng cường kết nối trong khu vực, thúc đẩy các hoạt động phát triển bền vững trên tất cả các phân khúc của nền kinh tế. C asean Vietnam tại Hà Nội là chi nhánh đầu tiên của C asean tại nước ngoài, được thành lập vào tháng 6/2022. Khi tổ chức các cuộc đối thoại về nghệ thuật và văn hóa ASEAN, C asean tin rằng đó là ngôn ngữ thống nhất tạo nên sự kết nối mạnh mẽ của sự hiểu biết và sự hòa hợp.