Mới đây, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú đã ký Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025. Trong đó, có yêu cầu nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện); định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Theo đó, Kết luận nêu rõ yêu cầu của Ban Bí thư, các đơn vị nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện); sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh. Việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh là vấn đề được nhân dân đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có tiêu chuẩn cụ thể để xác định phương án sắp xếp cụ thể.
Thực tế, nước ta đã trải qua nhiều lần sáp nhập, chia tách, đến nay cả nước có 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 57 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương bao gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Huế.
Việc xác định đơn vị hành chính cấp tỉnh hiện nay được dựa trên Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết 27/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ tiêu chuẩn của tỉnh.
Cụ thể, tỉnh miền núi, vùng cao diện tích từ 8.000 km2, dân số 0,9 triệu; tỉnh còn lại diện tích 5.000 km2, dân số 1,4 triệu. Thành phố trực thuộc trung ương diện tích 1.500 km2, dân số một triệu. Tất cả tỉnh, thành phố đồng thời phải có từ 9 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên.
Nếu căn cứ theo tiêu chuẩn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra thì nhiều địa phương chưa hoàn toàn đạt tiêu chuẩn về đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Theo số liệu từ tổng cục thống kê và cổng thông tin điện tử các tỉnh năm 2023, toàn quốc có 10 tỉnh chưa đạt đồng thời cả ba tiêu chuẩn dân số, diện tích, số đơn vị hành chính cấp huyện (dưới 9). Ở miền núi, có ba tỉnh là Bắc Kạn, Tuyên Quang, Đăk Nông. Trong đó Bắc Kạn dân số ít nhất cả nước, chỉ 0,3 triệu; Đăk Nông 0,68 triệu; Tuyên Quang 0,8 triệu. 7 tỉnh còn lại không đáp ứng đồng thời ba tiêu chuẩn là Hà Nam, Ninh Bình, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hậu Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu.
Trong đó Hà Nam có 6 đơn vị hành chính cấp huyện, ít nhất cả nước. Là tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, Hà Nam chỉ rộng 862 km2, dân số 0,88 triệu. Ninh Bình rộng 1.400 km2, dân số hơn một triệu. Trước đây, Ninh Bình và Hà Nam từng thuộc tỉnh Hà Nam Ninh.
Ninh Thuận rộng 3.358 km2, chỉ có 0,6 triệu người và 7 đơn vị hành chính cấp huyện. Vĩnh Long rộng 1.526 km2 một triệu dân; Hậu Giang 1.622 km2 với 0,72 triệu dân; Bạc Liêu rộng 2.668 km2 với gần một triệu dân.
Xét đồng thời hai tiêu chuẩn diện tích và dân số thì có 12 tỉnh không đạt, trong đó khu vực miền núi có 5 tỉnh là Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình. Các tỉnh này đều có dân số thấp, trong đó Cao Bằng chỉ có 0,54 triệu.
Các tỉnh còn lại chưa đạt hai tiêu chuẩn dân số và diện tích là Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Quảng Trị, Tây Ninh, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng. Trong đó, Hưng Yên chỉ rộng 930 km2. Quảng Trị có 0,6 triệu dân.
Ba tỉnh thành không đạt tiêu chuẩn diện tích và đơn vị hành chính cấp huyện là Đà Nẵng, Bắc Ninh, Thái Bình. Ba địa phương đều chỉ có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, dưới chuẩn quy định.
Là thành phố trực thuộc trung ương, Đà Nẵng chỉ rộng 1.285 km2, trong khi tiêu chuẩn là 1.500 km2. Bắc Ninh rộng 823 km2, là tỉnh nhỏ nhất Việt Nam. Thái Bình rộng 1.585 km2.
Hai tỉnh không đạt tiêu chuẩn về dân số và đơn vị hành chính cấp huyện là Lai Châu và Quảng Bình. Trong đó, tỉnh miền núi Lai Châu chỉ có 0,489 triệu dân và 8 đơn vị hành chính cấp huyện. Quảng Bình cũng có 8 đơn vị hành chính cấp huyện với 0,9 triệu dân.
Tính riêng tiêu chuẩn về diện tích, 13 tỉnh, thành không đạt trong đó có Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Bình Phước. Thái Nguyên và Phú Thọ chỉ rộng hơn 3.500 km2; Bắc Giang rộng 3.896 km2. Cần Thơ rộng 1.400 km2, nhỏ hơn 100 km2 so với tiêu chuẩn thành phố trực thuộc trung ương.
Các tỉnh còn lại không đạt tiêu chuẩn diện tích là Hải Dương, Nam Định, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang. Nam Định và Hải Dương là hai tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, đều rộng hơn 1.660 km2. 9 tỉnh không đạt tiêu chuẩn về dân số, trong đó miền núi có Lạng Sơn, Điện Biên, Kon Tum. Ba tỉnh này dân số chỉ từ 0,6 đến 0,8 triệu. Các tỉnh còn lại là Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Cà Mau. Phú Yên chỉ có 0,8 triệu dân.
Như vậy, toàn quốc hiện có 49 tỉnh, thành chưa đáp ứng một hoặc cả ba tiêu chuẩn so với quy định.
Đưa ra quan điểm về các yếu tố để sáp nhập các tỉnh, thành phố, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, để xác định nhập tỉnh nào với tỉnh nào thì phải có tiêu chí. Trong đó có tiêu chí về quy mô dân số và diện tích nhưng cũng có những yếu tố đặc thù về văn hóa, lịch sử, từ địa lý đến tập quán, con người... Ví dụ như một tỉnh mà có hơn 300.000 dân như Bắc Kạn thì quá bé".
Tuy nhiên, theo ông Dĩnh, việc đầu tiên là phải dựa vào quy mô dân số và diện tích tự nhiên và xem xét đến 5 yếu tố khác theo Nghị quyết 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030.