Vì sao tôm Việt mắc kẹt ở Mỹ?

Mới đây, Mỹ áp mức thuế mới cho tôm Việt Nam cao gấp gần 5 lần so với năm trước và cao hơn 2-3 lần so với các nước cạnh tranh khác.
Vì sao tôm Việt mắc kẹt ở Mỹ?

Vốn là niềm tự hào của ngành thủy sản Việt Nam khi chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu thủy sản, xuất khẩu tôm lại đang gặp nhiều khó khăn và đối mặt với nguy cơ mất thị trường Mỹ.

Lại đụng rào cản chống bán phá giá

Theo Cục Xuất nhập khẩu, tôm hiện chiếm 50% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản và Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất. Năm 2015, Việt Nam xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 657 triệu USD. Còn tính riêng 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ tăng 16,3%, đạt 364,8 triệu USD.

Nhu cầu trong nước tăng nên nửa đầu năm nay, Mỹ vẫn duy trì nhập khẩu tôm Việt Nam ở mức cao vì những nguồn cung khác từ Ấn Độ, Indonesia, Ecuador, Thái Lan tăng giá do gặp khó khăn về nguyên liệu. Tuy nhiên, mới đây, Mỹ áp mức thuế mới cho tôm Việt Nam cao gấp gần 5 lần so với năm trước và cao hơn 2-3 lần so với các nước cạnh tranh khác như Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia.

Cụ thể, tất cả các lô hàng tôm đông lạnh Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 1/2/2014 đến ngày 31/1/2015 sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá là 4,78%, trong khi mức thuế lần gần nhất là 0,91%. Chỉ duy nhất Công ty Thủy sản Minh Phú được hưởng mức thuế 0%, còn lại các doanh nghiệp khác đều phải chịu mức thuế cao. Với mức thuế này, doanh nghiệp muốn xuất khẩu tôm vào Mỹ phải chịu chi phí cả triệu USD và sẽ thua lỗ rất lớn vì nguyên liệu đầu vào ngày càng cao.

Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, phán quyết này không khách quan vì Bangladesh được chọn để tính thuế không có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, Hiệp hội đang chuẩn bị hồ sơ khiếu nại để yêu cầu Mỹ đưa mức thuế về 0% vì Việt Nam không bán phá giá tôm.

Trong thời điểm hiện nay, tôm nguyên liệu đầu vào của Việt Nam đang sụt giảm do khô hạn, khiến giá tôm tăng lên 39-50% so với trước đây. Giá bán tôm của Việt Nam xuất vào thị trường Mỹ cao hơn 1-2 USD so với Thái Lan và Ấn Độ.  Theo ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty Minh Phú, trước tình hình khó khăn về nguồn nguyên liệu, Công ty vẫn phải nhập khẩu tôm về dùng để chế biến xuất khẩu khi không mua đủ trong nước. Một doanh nghiệp lớn đầu ngành như Minh Phú cũng phải nhập khẩu thì những doanh nghiệp khác chắc chắn không tránh khỏi khó khăn. “Do mức giá của các nước khác như Ấn Độ và Indonesia thấp hơn Việt Nam nên chỉ có cách làm hàng giá trị gia tăng mới có hiệu quả. Nhưng khó khăn là doanh nghiệp Việt Nam làm hàng giá trị gia tăng cũng không thể làm hết 100% được”, ông Quang chia sẻ.

Theo VASEP, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu thủy sản từ 75 nước và vùng lãnh thổ để phục vụ cho hoạt động chế biến, xuất khẩu, với tổng giá trị nhập khẩu đạt 485 triệu USD, tôm chiếm tỉ trọng cao nhất 37%.

Khó chồng khó

Dự kiến cả năm nay, xuất khẩu tôm sẽ đạt giá trị hơn 3 tỉ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu thủy sản cả năm cán đích trên 7 tỉ USD. Sau những khó khăn của xuất khẩu cá tra, tôm được kỳ vọng sẽ giúp ngành thủy sản duy trì và tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, liên tục chịu mức thuế chống bán phá giá cao, có thể con tôm sẽ mất thị trường xuất khẩu Mỹ, ảnh hưởng tới mục tiêu của ngành.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng khi đã chấp nhận sân chơi quốc tế, đương nhiên Việt Nam phải đối đầu với các vấn đề như chống bán phá giá. Trước khó khăn của xuất khẩu tôm, ngoài nỗ lực ứng phó với thuế chống bán phá giá từ Mỹ, việc mở rộng khai thác thị trường khác cũng rất quan trọng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương tìm hướng ra cho tôm với nhiều thị trường mới khác như Úc.

Mới đây, lãnh đạo Bộ đã sang Úc để thúc đẩy khả năng xuất khẩu tôm nguyên con sang thị trường này. Đây là thị trường nhập khẩu trung bình 30.000 tấn tôm mỗi năm. Dự kiến, tháng 11 tới, đoàn đại diện của Úc sẽ sang tổng kiểm tra những điều kiện cuối cùng, mở ra triển vọng thúc đẩy xuất khẩu tôm nói riêng, thủy sản nói chung sang thị trường lớn này.

Tuy nhiên, thực tế, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong vài năm gần đây còn gặp nhiều khó khăn nội tại khác. Đặc biệt, một số thị trường nhập khẩu đánh giá thấp chất lượng của tôm Việt Nam. Ông Lê Văn Quang chia sẻ: “Tôi vừa sang Nhật, nhiều khách hàng nói không muốn mua tôm Việt Nam nữa vì lẫn tạp chất, tăm tre. Họ định chuyển sang mua tôm của Indonesia, Philippines dù giá cao hơn Việt Nam khoảng 2,5-3 USD/kg. Nhiều lô hàng của Việt Nam bị Nhật trả về vào năm ngoái. Gần đây, Nhật yêu cầu kiểm tra 100% lô tôm khiến giá xuất khẩu đội lên, tôm Việt Nam càng khó cạnh tranh với các nước trong khu vực”.

Không chỉ có Nhật, vài năm nay, châu Âu cũng đã cảnh báo về tôm Việt. Tháng 5.2016, Tổng vụ Sức khỏe và An toàn Thực phẩm (DG-SANTE), Ủy ban châu Âu (EC) đã có công thư gửi Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản phản ánh thủy sản của Việt Nam vẫn chưa khắc phục hiệu quả nạn lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong sản xuất và kinh doanh. Do vậy, các cơ sở chế biến thủy sản của Việt Nam sẽ bị EU đưa ra khỏi danh sách các cơ sở chế biến thủy sản được phép nhập khẩu vào EU trong trường hợp có lô hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường này bị phát hiện nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm theo quy định. Chưa hết, việc Anh tách ra khỏi Liên minh châu Âu cũng sẽ khiến tôm của Việt Nam bị giảm thị phần tại đây.

Nhiều công ty thiếu nguyên liệu sản xuất từ giữa năm tới nay đang ngày càng tăng, trong khi thuế lại tăng cao, chắc chắn các doanh nghiệp tôm sẽ phải đóng cửa hoặc bán nhà máy. “Công ty chúng tôi thành lập 23 năm nay, chuyên xuất khẩu thủy sản vào thị trường Nhật và chưa bao giờ phải ngừng hoạt động. Thế nhưng, năm nay, Công ty phải ngừng hoạt động vì thiếu nguyên liệu. Thậm chí, sản lượng chế biến 6 tháng đầu năm chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ các năm trước”, ông Trần Đình Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh, cho biết.



Theo NCĐT

Theo

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: vanphong.vacod@gmail.com

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: toasoan@thuonggiaonline.vn
Website: https://thuonggiaonline.vn/