Vì sao ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp?

Chính sách về bảo hiểm, tích tụ ruộng đất vướng, thuế, nguồn vốn, ứng dụng KHCN hạn chế…là những “nút thắt” khiến các doanh nghiệp (DN) không mấy mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, việc tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới gặp không ít khó khăn.
vi-sao-dn-it-dau-tu1
Ông Nguyễn Bắc Hà, Trưởng Ban Hội viên và Đào tạo (VCCI) cùng lãnh đạo Sở KH&ĐT, Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Bình chủ trì Hội thảo

Tại Hội thảo “Phát triển DN nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới” mới đây do Ban Hội viên và Đào tạo – Phòng TM & CN VN (VCCI) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến và tư vấn đầu tư – Sở KH&ĐT tỉnh Thái Bình tổ chức, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển NNNT cho biết, xu hướng đầu tư vào nông nghiệp thấp, số lượng DN nông nghiệp nhỏ hơn 1%.

Thiếu nguồn lực cho đầu tư

Trong khi đó, theo ông Tuấn, DNVVN trong nông nghiệp chiếm tới 96,53 % nhưng năng lực KHCN hạn chế. Có đến 75% DNVN đang sử dụng máy móc hết khấu hao; đổi mới sáng tạo yếu, sản phẩm KHCN ít; chưa có cơ chế gắn kết giữa các chương trình nghiên cứu của các Viện; tỷ lệ tổn thất trong và sau thu hoạch cao; logistics và dịch vụ hỗ trợ yếu…

Là “vựa lúa” của miền Bắc, tỉnh có số DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp lớn trên cả nước, 150/4.880 DN, chiếm gần 3,07%, ông Trần Huy Quân, P.GĐ Sở KH&ĐT tỉnh Thái Bình cũng chỉ ra một loạt các bất cập hiện nay. Đó là, DN nông nghiệp rất thiếu đất cho vùng nguyên liệu, giá thuê đất cao.

Các quy định và hướng dẫn về góp vốn bằng quyền sử dụng đất chưa đầy đủ, rõ ràng để người dân an tâm góp vốn với DN. Chính sách khuyến khích chuyển đổi, tích tụ ruộng đất nông nghiệp dưới hình thức trang trại, cánh đồng lớn chưa có hiệu quả. Hầu hết DN khó tiếp cận vốn tín dụng. Đặc biệt, việc rà soát xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung một số cơ chế chính sách hết hiệu lực chưa kịp thời. Năng lực liên kết với các đối tác, khả năng tìm kiếm và tiếp cận thông tin thị trường của DN còn yếu. Mặt khác, DN thiếu hiểu biết về các rào cản kỹ thuật, các quy định thương mại quốc tế… ảnh hưởng rất nghiêm trọng cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Xuân Dương – P.GĐ Sở NN&PTNT cũng cho rằng, nguồn lực để thực hiện các nội dung của Đề án tái cơ cấu còn gặp khó khăn, việc thuê và góp đất sản xuất quy mô lớn còn nhiều kẽ hở trong hoạt động quản lý nhà nước và đất đai, chưa hình thành được các thương hiệu sản phẩm trồng trọt… Quá trình hút lao động của các ngành công nghiệp – dịch vụ ra khỏi khu vực nông nghiệp chưa hiệu quả. Các chính sách thu hút đầu tư chưa thực sự hiệu quả nên chưa thu hút DN đầu tư vào trong khu vực nông nghiệp.

Cần cơ chế ưu đãi hợp lý

Nói về các chính sách hỗ trợ DN nông nghiệp, ông Tăng Minh Lộc – Phó Chủ tịch Hội KH&PT nông thôn cho biết, NĐ 210/2013/NĐ-CP còn thiếu tính khả thi và chưa đủ mạnh để thúc đẩy DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn – một lĩnh vực nhiều rủi ro hơn các lĩnh vực khác. Vì thế, chính sách nhà nước nên hướng vào giải quyết các yếu tố là cản trở lớn đối với DN đầu tư như: quy hoạch, hạ tầng, tín dụng, dễ bị nông dân bội ước trong hợp đồng…

Dưới góc độ DN, bà Tạ Thị Thanh Vân, Công ty CP TM tổng hợp Toan Vân cho biết, mặc dù tỉnh cho chủ trương đầu tư nhưng DN vướng vì phải có quy hoạch, kế hoạch sử dụng ruộng đất, sau đó đền bù thuê lại người nông dân… “để tích tụ 25 ha thì quả là rất khó”, bà Vân lắc đầu. Do vậy, cần có cơ chế ưu đãi cho DN khi thực hiện các dự án như thuê đất, chính sách cụ thể với DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Và nguồn tín dụng thế nào bởi DN nông nghiệp chịu nhiều rủi ro về thiên tai nên khi ký kết bao tiêu sản phẩm cần có chế độ bảo hiểm để DN yên tâm sản xuất.

Từ thực tế tại Thái Bình, ông Quân đề xuất, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, sửa đổi một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư nông nghiệp nông thôn như thuế, tích tụ ruộng đất, hỗ trợ DN đầu tư mở rộng sản xuất nông nghiệp… Đồng thời, xây dựng và phát triển hệ thống định chế tài chính và đầu tư đến tận nông hộ, ưu đãi đầu tư và thuế cho các ngành liên thông với nông nghiệp. Tạo điều kiện để các DN trong sản xuất nông nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn, quỹ đầu tư, gắn nghiên cứu với ứng dụng chuyển giao công nghệ  cao trong sản xuất nông nghiệp…

Ông Nguyễn Bắc Hà, Trưởng Ban Hội viên và Đào tạo (VCCI) cho rằng, để hút đầu tư vào nông nghiệp cần làm ngay hai việc là tích tụ ruộng đất và đẩy mạnh kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp. Có cơ chế hợp lý như giảm thuế cho DN nông nghiệp, cấp bù lãi suất vay ngân hàng ở cả cấp trung ương và địa phương. Đặc biệt, “cần bỏ ngay tư duy xin – cho vì không bền vững, không hiệu quả” ông Hà thẳng thắn.




Theo Khắc Lãng(Báo DĐ DN)




Theo

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: [email protected]

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: [email protected]
Website: https://thuonggiaonline.vn/