Từng là biểu tượng lừng lẫy một thời, nhiều doanh nghiệp gạo đang vật lộn với khủng hoảng tài chính

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, chỉ đứng sau Ấn Độ và Thái Lan. Trong 9 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo mang về cho Việt Nam 4,37 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước, hứa hẹn năm 2024 sẽ là năm mà ngành gạo lần đầu tiên chạm mốc doanh thu 5 tỷ USD. Những con số ấn tượng này, cùng với chất lượng ngày càng cao, đã giúp gạo Việt Nam chinh phục nhiều thị trường khó tính như châu Âu và Nhật Bản.

Thế nhưng, trái ngược với sự thăng hoa của xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành như Tập đoàn Lộc Trời, Gạo Trung An, Angimex lại đang chìm trong khó khăn.

Điều đáng nói, trong quá khứ, các doanh nghiệp này từng vươn lên khẳng định vị thế dẫn đầu trong ngành gạo. Tuy nhiên, đến hiện tại, tình hình đã thay đổi hoàn toàn. Họ đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, từ những vấn đề tài chính nghiêm trọng, sự lao dốc của giá cổ phiếu, đến việc bị hạn chế giao dịch, và thậm chí bị hủy niêm yết.

TẬP ĐOÀN LỘC TRỜI LAO ĐAO TRONG KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán: LTG), tiền thân là Công ty Bảo vệ Thực vật An Giang, được thành lập vào năm 1993. Trải qua hơn ba thập kỷ phát triển, Lộc Trời đã vươn lên trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu của ngành nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực lúa gạo và nông dược.

Tuy nhiên, từ năm 2023 đến nay, tập đoàn này đang đối mặt với hàng loạt khó khăn lớn về tài chính, bao gồm nợ nần chồng chất, lỗ ròng sau thuế, cùng với nhiều biến động trong bộ máy lãnh đạo.

Mới đây nhất, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã quyết định đưa hơn 100 triệu cổ phiếu LTG của Tập đoàn Lộc Trời vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 24/10. Nguyên nhân là do công ty chậm nộp báo cáo tài chính bán niên 2024 quá 45 ngày kể từ thời hạn quy định. Điều này đồng nghĩa với việc từ ngày 24/10, cổ phiếu LTG chỉ được giao dịch vào phiên thứ sáu hàng tuần trên sàn UPCoM.

Việc trì hoãn nộp báo cáo tài chính là dấu hiệu rõ ràng về những khủng hoảng nghiêm trọng mà tập đoàn này đang phải đối mặt. Trong văn bản giải trình gửi tới HNX, Lộc Trời cho biết doanh nghiệp đang phải đối mặt với sự kiện bất khả kháng liên quan đến vấn đề dòng tiền hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến toàn bộ công ty phải tập trung vào việc xử lý các vấn đề tài chính cấp bách.

Ngoài ra, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của Lộc Trời diễn ra muộn hơn thường lệ, dẫn đến nhiều thay đổi trong đội ngũ lãnh đạo và hợp đồng kiểm toán, khiến tiến trình soát xét báo cáo tài chính bị chậm trễ.

tap-doan-loc-troi-ltg-bo-nhiem-tan-tong-giam-doc-6710d4fe9b8c8-4604-3011.jpg
Tập đoàn Lộc Trời đang phải đối mặt với những khó khăn về tài chính

Nhìn lại giai đoạn trước, Lộc Trời từng duy trì hoạt động kinh doanh ổn định. Từ năm 2015 đến 2019, doanh thu của công ty dao động trong khoảng từ 7.800 đến 9.000 tỷ đồng, với lợi nhuận sau thuế đạt từ 320 đến 414 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2019 trở đi, tình hình kinh doanh của công ty bắt đầu đi xuống khi doanh thu giảm còn 8.309 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 335 tỷ đồng.

Mặc dù doanh thu của Lộc Trời tăng mạnh trong các năm tiếp theo, thậm chí đạt đỉnh hơn 16.000 tỷ đồng vào năm 2023, nhưng lợi nhuận lại lao dốc mạnh. Năm 2023, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 16,4 tỷ đồng, giảm tới 96% so với năm trước đó.

Sang đến quý 1/2024, doanh thu thuần của Lộc Trời đạt 3.848 tỷ đồng, tăng 56,9% so với cùng kỳ năm trước, nhờ sự đóng góp lớn từ mảng lúa gạo. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp giảm 10,2%, chỉ còn 245 tỷ đồng, do chi phí giá vốn tăng mạnh.

Hơn nữa, các khoản doanh thu tài chính giảm gần một nửa trong khi chi phí tài chính tăng 28,3%, dẫn đến khoản lỗ sau thuế 96,2 tỷ đồng, tăng so với khoản lỗ cùng kỳ năm trước.

Tình trạng thua lỗ đã khiến Tập đoàn Lộc Trời gặp khó khăn về dòng tiền. Cụ thể trên báo cáo dòng tiền quý 1/2024, Lộc Trời đang thu không đủ bù chi. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 434 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái cũng đã âm 2.709 tỷ đồng.

Trên bảng cân đối kế toán, lượng tiền mặt cũng chỉ còn lại 105,6 tỷ đồng cùng lượng tiền gửi ngắn hạn 120 tỷ đồng. So với đầu năm, lượng tiền mặt công ty đã giảm gần 5 lần.

hinh-chan-dung-bo-nhiem-ceo-3819-9234.jpg
Ông Nguyễn Tấn Hoàng giữ chức Tổng Giám đốc của Tập đoàn Lộc Trời

Ngoài những thách thức tài chính, Lộc Trời còn đang đối mặt với tình trạng bất ổn trong bộ máy lãnh đạo. Mới đây nhất, doanh nghiệp đã bổ nhiệm ông Nguyễn Tấn Hoàng làm Tổng Giám đốc từ ngày 16/10/2024, thay thế ông Nguyễn Duy Thuận, người đã bị miễn nhiệm hồi tháng 7.

Tuy nhiên, căng thẳng nội bộ chưa dừng lại ở đó. Cùng với việc thay đổi lãnh đạo, Lộc Trời cũng gửi công văn tới UBND tỉnh An Giang yêu cầu áp dụng biện pháp ngăn chặn ông Nguyễn Duy Thuận, cáo buộc ông có dấu hiệu vi phạm pháp luật và gây thất thoát tài sản của công ty.

ongthuanloctroi92501-1052-1728099286609-172809928670539823861-339-407.png
Ông Nguyễn Duy Thuận, cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời bị đề nghị có biện pháp ngăn chặn vì gây thất thoát tài sản của công ty

Trước đó, ngày 24/7/2024, doanh nghiệp này đã yêu cầu thu hồi thẻ APEC và tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Thuận do lo ngại ông có ý định rời khỏi Việt Nam để trốn tránh trách nhiệm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Lê Văn Phước, đã chỉ đạo chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý theo thẩm quyền.

Không chỉ vậy, tình hình nhân sự cấp cao của công ty tiếp tục biến động khi vào ngày 23/8, ông Johan Sven Richard Boden, một Thành viên Hội đồng quản trị mới được bầu nhiệm kỳ 2024 - 2029 tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, đã nộp đơn xin từ nhiệm chỉ sau chưa đầy hai tháng.

Quảng cáo

Tiếp đó, vào ngày 22/7, bà Nguyễn Thị Thuý, Thành viên Ban kiểm soát, cũng đệ đơn từ chức. Những biến động liên tiếp trong bộ máy lãnh đạo cho thấy rõ tình trạng khó khăn mà Lộc Trời đang phải đối mặt.

ANGIMEX - GIẤC MƠ “TƯỢNG ĐÀI LÚA GẠO” TAN VỠ

Tương tự, Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu An Giang (Angimex – mã chứng khoán: AGM), từng được mệnh danh là “vua gạo” một thời, cũng phải đối mặt với tình trạng kinh doanh thua lỗ những năm gần đây.

Trước khi rơi vào khủng hoảng, Angimex từng có giai đoạn tăng trưởng ấn tượng. Trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến 2021, doanh thu của công ty luôn duy trì ở mức trên 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Lợi nhuận sau thuế cũng có xu hướng tăng, từ 11,2 tỷ đồng vào năm 2017 lên 27,3 tỷ đồng vào năm 2018; và 40,3 tỷ đồng vào năm 2019. Mặc dù năm 2020, lợi nhuận sau thuế giảm xuống còn 24,7 tỷ đồng, nhưng lại tăng đột biến lên 44,7 tỷ đồng vào năm 2021.

Năm 2021 cũng là năm đỉnh cao trong hoạt động của Angimex khi doanh thu tăng mạnh, đạt 3.924 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng gần gấp đôi, đạt gần 45 tỷ đồng.

Đây cũng là thời điểm Angimex mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, vay nợ để tăng cường đầu tư. Trong vòng một năm, tổng tài sản của công ty tăng từ 758,6 tỷ đồng lên 1.856 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả cũng tăng đáng kể, lên đến 1.373 tỷ đồng, trong đó gần 1.000 tỷ đồng là vay ngắn hạn.

blue-photo-modern-listing-presentation-2-8204-8489.png

Sự tăng trưởng trong kết quả kinh doanh giai đoạn 2017 - 2021 của Angimex phần lớn đến từ việc Công ty Cổ phần Louis Holdings do ông Đỗ Thành Nhân làm Chủ tịch, mua lại cổ phần của Angimex và đưa công ty vào hệ sinh thái của mình.

Thay thế nhóm cổ đông cũ là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim, Louis Holdings đặt mục tiêu vực dậy Angimex thành một "tượng đài" của ngành lúa gạo Việt Nam. Ông Đỗ Thành Nhân khi đó cũng chia sẻ tham vọng sẽ đưa Angimex trở lại thời kỳ huy hoàng.

Tuy nhiên, mọi kỳ vọng nhanh chóng tan biến khi ông Đỗ Thành Nhân bị khởi tố vào năm 2022 với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán. Điều này khiến tình hình kinh doanh của Angimex lao dốc không phanh.

Cùng với áp lực từ chi phí tài chính cao, bao gồm chi phí lãi vay, chi phí đầu tư tài chính và lỗ tỷ giá, doanh thu của Angimex giảm từ mức 3.924 tỷ đồng năm 2021 xuống còn 3.429 tỷ đồng năm 2022. Công ty ghi nhận khoản lỗ sau thuế lên đến 232,9 tỷ đồng, phá vỡ chuỗi lợi nhuận ổn định trước đó. Tình trạng này tiếp diễn trong năm 2023 với mức lỗ 220,8 tỷ đồng.

Sang đến 6 tháng đầu năm 2024, Angimex tiếp tục ghi nhận những con số đáng lo ngại. Doanh thu thuần chỉ đạt 150,8 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi khấu trừ giá vốn và các khoản chi phí, công ty lỗ 98,3 tỷ đồng trong nửa đầu năm.

Đáng chú ý, tổng nợ phải trả của Angimex tính đến ngày 30/6/2024 lên tới 1.238 tỷ đồng, trong đó hơn 1.000 tỷ đồng là các khoản vay ngắn hạn.

Không chỉ đối diện với khó khăn tài chính, Angimex còn bị cảnh cáo nhiều lần do vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Điều này khiến cổ phiếu AGM thường xuyên nhận cảnh báo và thậm chí bị đình chỉ giao dịch vào tháng 9/2023. Mãi đến tháng 3/2024, cổ phiếu AGM mới được phép giao dịch trở lại, nhưng vẫn nằm trong diện kiểm soát do lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp, theo báo cáo tài chính bán niên năm 2024.

Hiện tại, cổ phiếu AGM đang giao dịch ở mức rất thấp, chỉ khoảng 3.500 đồng/cổ phiếu, giảm hơn một nửa so với mức giá hồi cuối tháng 3/2024. Điều này khác xa với thời điểm sau khi Louis Holdings nắm quyền kiểm soát Angimex, khi đó giá cổ phiếu đã tăng vọt từ 30.000 đồng/cổ phiếu lên 60.000 đồng/cổ phiếu.

anh-chup-man-hinh-2024-10-22-luc-211653-7673-841.png
Diễn biến giá cổ phiếu AGM trong thời gian gần đây

Tuy nhiên, sau sự sụp đổ của hệ sinh thái Louis Holdings, cổ phiếu AGM cũng lao dốc không ngừng, và đến tháng 8/2022, Louis Holdings đã bán toàn bộ 52% vốn tại Angimex, khép lại một chương đầy biến động trong lịch sử doanh nghiệp này.

Trong khi Angimex phải vật lộn với những khó khăn, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (mã chứng khoán: TAR) cũng không thể tránh khỏi vòng xoáy khủng hoảng chung của ngành lúa gạo.

12f6f45eb4b4f49920f46cca1f7891b2-66-5843.jpeg

Là một trong những doanh nghiệp gạo hiếm hoi của Việt Nam thành công trong việc xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Châu Âu, với bao bì nhãn mác, thương hiệu riêng mang tên Trung An. Tuy nhiên, giữa bối cảnh xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt kỷ lục, tình hình tài chính của Trung An lại “lao dốc không phanh”.

Dù doanh thu nửa đầu năm nay đạt 3.179 tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng điều này không thể cứu vãn tình thế. Do giá vốn tăng mạnh hơn tốc độ tăng trưởng doanh thu, Trung An đã phải chịu khoản lỗ sau thuế lên đến 8,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 7,5 tỷ đồng.

Thậm chí, vào tháng 5/2024, cổ phiếu TAR đã bị hủy niêm yết trên sàn HNX và chuyển sang giao dịch tại sàn UPCoM. Nguyên nhân do công ty bị tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2023.

Trước đó, cổ phiếu TAR bị HNX đưa vào diện hạn chế giao dịch, chỉ được giao dịch vào thứ sáu hàng tuần.

anh-chup-man-hinh-2024-10-22-luc-211757-776-3820.png
Cổ phiếu TAR giao dịch quanh mức 4.000 đồng/cổ phiếu

Đón nhận những tin không mấy tích cực, cổ phiếu TAR trên thị trường liên tục “dò đáy”. Kể từ đầu năm 2024, giá cổ phiếu TAR đã giảm 54,4%, xuống còn 4.000 đồng/cổ phiếu, khiến vốn hóa thị trường giảm còn 313,2 tỷ đồng.

Theo https://thuonggiaonline.vn/ Copy

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: [email protected]

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: [email protected]
Website: https://thuonggiaonline.vn/