Tại phiên họp
Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật mới đây, Thủ tướng đã đề nghị Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung “nói về tình hình bức xúc nhất của doanh nghiệp là gì” và yêu cầu các Bộ trưởng chú ý lắng nghe.
Trả lời câu hỏi này, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng các quy định về ngành nghề
kinh doanhcó điều kiện và điều kiện kinh doanh là một trong những vấn đề bức bối trong hệ thống pháp luật về kinh doanh nói chung và môi trường kinh doanh nói riêng. Do vậy, vị này đã trực tiếp đề nghị Thủ tướng cho cắt bỏ gần 3.000 điều kiện kinh doanh.
Để làm rõ xung quanh việc cắt bỏ điều kiện kinh doanh, xoá bỏ giấy phép con, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đình Cung.
TS. Nguyễn Đình Cung nói:
- Việc cải cách các điều kiện kinh doanh là một yêu cầu mang tính quyết định để tăng quy mô và chất lượng của phần cung nền kinh tế, để tăng trưởng GDP đạt mức 7-8%/năm. Nếu không tăng trưởng GDP không thể vượt được lên mức đó.
Tuy nhiên, tính chất phức tạp và các hạn chế của các quy định về điều kiện kinh doanh đã hạn chế sự phát triển các sản phẩm mới, quy trình mới, cách làm mới và công nghệ mới trong nền kinh tế, làm cho tính năng động của nền kinh tế kém hơn.
Với hàng trăm văn bản được ban hành và đã theo dõi vấn đề này 20 năm, tôi suy nghĩ mãi và thấy rằng về mặt ngôn ngữ, khó tìm ra được một từ để mô tả tính phức tạp của các quy định về điều kiện kinh doanh, phải kết hợp với các hình ảnh nữa mới mô tả được bản chất của nó
Có thể lấy ví dụ cho câu chuyện này là việc đăng ký kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo quy định, doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo cũng phải có kho bãi. Đây là một điều kiện bất hợp lý, làm tăng chi phí và cũng lãng phí đầu tư của doanh nghiệp và ngược với nguyên tắc thị trường, là chuyên môn hóa chia sẻ rủi ro. Thay vì doanh nghiệp làm tất cả, họ có thể đi thuê kho của doanh nghiệp chuyên cho thuê kho bãi, như vậy kho bãi sẽ có hiệu suất sử dụng cao hơn, rủi ro được san sẻ…
Chúng ta xây dựng thương hiệu gạo phải đi từ sản xuất nhỏ, xây dựng quy trình sản xuất để kiểm soát được. Xuất khẩu thời gian đầu chỉ 1 - 2 container vào thị trường nhỏ như Singapore thì cần đầu tư kho bãi làm gì?
Rồi quy định yêu cầu xây bệnh viện phải 5.000m2. Nếu một bệnh viện 1.000m2, xây 17 tầng, trong đó dùng hẳn 1 tầng làm vườn hoa như vậy sẽ tiết kiệm không gian, tốt cho người bệnh… Nhưng hiện quy định từng này diện tích khiến cách làm mới không thể tồn tại và triệt tiêu tính sáng tạo.
Chính phủ và Thủ tướng đã rất ráo riết trong việc xoá bỏ giấy phép con. Tuy nhiên, qua phản ánh cho thấy cắt bỏ được giấy phép con lại lòi “giấy phép cháu”,“giấy phép mẹ”. Vì đâu có tình trạng cắt giảm các điều kiện kinh doanh nhưng sau đó lại xuất hiện thêm điều kiện khác?
Nguyên nhân là do cách thức quản lý tốn kém, hành chính, hình thức mà không có hiệu lực do ở nước ta có nghịch lý là quản lý cắt khúc, “ngồi chăm chăm để cấp phép”. Quản lý nền kinh tế như thế chẳng giúp gì được cho doanh nghiệp mà chỉ bảo vệ quyền, lợi ích của người liên quan. Vì thế nên bỏ khoảng 1/2 danh mục hàng hoá đang bị kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh nhằm loại bỏ những rào cản gia nhập thị trường, loại bỏ những thứ hạn chế năng động, sáng tạo, cách làm mới.
Cải cách sẽ rất dễ và cũng có thể sẽ là rất khó
Ông có kỳ vọng như thế nào về cải cách toàn diện hiện nay?
Thủ tướng đã nhìn rất “trúng” vấn đề khi nhìn doanh nghiệp như là nền tảng của tăng trưởng. Chính vì thế ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng đã gặp doanh nghiệp, sau đó cũng có nhiều diễn đàn nhằm đối thoại để tháo bỏ rào cản, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp. Và đi đâu, Thủ tướng cũng liên tục nhấn mạnh tới thông điệp vì doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng yêu cầu địa phương hàng tháng, hàng quý phải đối thoại với doanh nghiệp nhằm mở ra nhiều kênh thu thập thông tin. Trước sự quyết liệt của Thủ tướng, tất cả đã phải dè chừng hơn trong việc gây khó khăn hoặc tạo ra rào cản đối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cải cách sẽ rất dễ và cũng có thể sẽ là rất khó. Sẽ rất dễ nếu được các Bộ trưởng đồng lòng thực hiện, tạo động lực từ bên trong và sức ép từ bên ngoài. Nếu chỉ dừng lại ở cam kết mạnh mẽ thì chưa đủ, mà phải hành động theo đến cùng, truy đến cùng trách nhiệm để tạo áp lực với cấp trung gian trong thay đổi cách thức quản lý, để đồng hành, chia sẻ và hỗ trợ Thủ tướng trong nỗ lực cải cách.
Phải tạo sức ép để các bộ trưởng phải thay đổi, đồng lòng vì sự phát triển của quốc gia, không thể để nền kinh tế cứ trì trệ mãi được. Sức ép có thể đến từ Thủ tướng, Phó thủ tướng, từ báo chí. Còn nếu không thì việc cải cách sẽ rất khó.
Cần có tư duy đổi mới để đưa nền kinh tế khỏi trì trệ, thay đổi mô hình tăng trưởng cao, bền vững. Muốn được như vậy, mỗi người đều phải nhận thấy trách nhiệm, lãnh đạo càng cao thì trách nhiệm càng lớn.
Vậy phải làm thế nào để khuyến khích tinh thần kinh doanh, phải làm thế nào để là cải cách chứ không phải cải thiện, thưa ông?
Muốn thay đổi thì không thể xử lý theo kiểu từng văn bản, vụ việc. Nếu thay đổi nhỏ giọt, cả hệ thống cũng vẫn sẽ tiếp tục theo cách cũ. Cần thay đổi toàn diện, đột phá, từ đó thay đổi cách thức quản lý. Phải có hệ quy chiếu để thực hiện. Nước ngoài họ luôn luôn thay đổi, vì doanh nghiệp, vì sự phát triển. Muốn bằng họ, phải xây dựng hệ quy chiếu của mình như quy chiếu của họ thì nền tảng mới thay đổi.
Nghị quyết 19 đã nêu rõ, cải cách toàn diện công tác quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu và cải cách toàn diện về môi trường kinh doanh, hai mảng này rất quan trọng đối với doanh nghiệp.
Cải cách toàn diện không chỉ cải cách quy định mà còn cần thay đổi năng lực quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm dựa trên hệ thống thông tin phân loại hàng hoá, dựa trên mức độ rủi ro và tuân thủ của doanh nghiệp.
Mục tiêu của chúng ta đặt ra đó là phấn đấu môi trường kinh doanh đạt mức ASEAN4. Theo ông, đến nay chúng ta đã đạt được gì?
Môi trường kinh doanh của Việt Nam so với trước thì có cải thiện nhưng so với yêu cầu cải cách đất nước, đưa nền kinh tế về quỹ đạo tăng trưởng bền vững thì vẫn còn khoảng cách. Những thay đổi đã làm được mới chỉ là những vụ việc cụ thể, chỉ mới là tháo gỡ khó khăn của một vài nhóm doanh nghiệp chứ chưa phải tất cả.
Muốn thay đổi không chỉ là xử lý theo kiểu từng văn bản, vụ việc. Cần thay đổi toàn diện, đột phá, bỏ rất nhiều cái cũ, từ đó thay đổi cách thức quản lý. Chỉ khi nào đổi như thế mới thay đổi được. Bởi nếu thay đổi nhỏ giọt cả hệ thống cũng vẫn đi theo cách cũ.
Cách làm kiểu cải thiện không cải cách được diện rộng. Vậy phải cải cách toàn diện triệt để và dứt khoát hơn, phải làm mạnh để phá thành trì trì trệ, phá thứ bảo thủ, phá thứ kìm hãm để bừng nở thu hút nguồn lực, bừng nở tinh thần khởi nghiệp…
Như tôi đã nói, cải cách toàn diện thì không chỉ cải cách quy định mà cần thay đổi năng lực quản lý, từ tiền kiểm sang hậu kiểm dựa trên hệ thống thông tin phân loại hàng hoá, doanh nghiệp có nguy cơ vi phạm nhiều, quản lý dựa trên mức độ rủi ro của doanh nghiệp và mức độ tuân thủ của doanh nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nhịp sống Kinh doanh