“Thế theo anh, triết lý của du lịch Việt Nam là gì, tái cơ cấu tư duy như thế nào?”, từ vị trí điều hành phiên thảo luận, Bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng ngắt lời, hỏi.
Không trực tiếp trả lời thẳng, mà trong phần góp ý vào một số nội dung cụ thể, ông Nghĩa nhấn mạnh quan hệ giữa khai thác và bảo tồn, ngắn hạn và dài hạn, số lượng và chất lượng.
Theo nhận xét của ông thì Việt Nam có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh rất quý giá, nhưng du lịch lại đang nặng về chạy theo khai thác, nặng về thu tiền trước mắt, còn bảo tồn thì thả nổi, trong khi giá trị văn hoá mới đẻ ra tiền bạc một cách lâu dài.
“Du lịch không phải là chuyện ăn xổi ở thì cho nhiệm kỳ này, thế hệ này”, ông Nghĩa nói.
Ở cái nhìn khái quát, nhiều đại biểu Quốc hội có chung nhận xét du lịch Việt Nam đang có nhiều “vấn đề”, tiềm năng không thua kém quốc gia nào, nhưng đóng góp vào GDP còn quá khiêm tốn, mới chỉ 6,6%.
Lần sửa đổi luật lần này được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý đủ dư địa cho du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng chất lượng dự thảo luật được cho là khá hạn chế, quy định còn chung chung, mờ nhạt.
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, nếu coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì hơi lạc quan quá.
“Các nước thì họ làm rất bài bản. Ví dụ như Thái Lan, mặc dù giá người ta rất thấp, nhưng không ai đi Thái Lan mà không mang theo ít nhất 500 - 1.000 USD, sang mua bán hàng hóa. Sang Việt Nam, họ chả mua được thứ gì, hàng hóa rất ít”, ông Lâm nhận xét.
Theo Chính phủ, với lần sửa đổi này, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được kinh doanh lữ hành đưa khách du lịch vào Việt Nam và đưa khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài không giới hạn ở loại hình doanh nghiệp, nhằm đảm bảo quyền lợi của khách du lịch, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp trong hoạt động lữ hành.
Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng - cơ quan thẩm tra dự án luật - nhận xét, dự thảo quy định các điều kiện kinh doanh lữ hành còn đơn giản, chưa đáp ứng được tính đặc thù, phức tạp của dịch vụ lữ hành. Quy định như vậy có thể dẫn đến việc thành lập doanh nghiệp kinh doanh lữ hành tràn lan, không kiểm soát được chất lượng.
Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo bổ sung thêm các điều kiện đặc thù của dịch vụ lữ hành, như điều kiện liên quan đến nhân lực (trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của người phụ trách kinh doanh lữ hành; số lượng hướng dẫn viên cơ hữu).
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết thì lo, quy định như dự thảo luật sẽ khiến ai cũng mở được doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, làm phức tạp thêm những “vấn đề phức tạp” liên quan đến an ninh quốc gia và ngoại giao.
Quy định như dự thảo, theo đại biểu Tuyết cũng là quá mở cho doanh nghiệp nước ngoài. Theo bà thì thời điểm hiện tại “chưa cần thiết” cho doanh nghiệp nước ngoài được đưa khách Việt Nam ra nước ngoài.
Lần sửa đổi này, dự thảo luật cũng quy định việc thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch được áp dụng tự nguyện, không bắt buộc như quy định hiện hành.
Doanh nghiệp có thể đăng ký với cơ quan quản lý du lịch ở Trung ương hoặc địa phương theo phân cấp để thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch hoặc kinh doanh theo quy định của Luật doanh nghiệp và văn bản pháp luật liên quan, mà không cần xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch. Tuy nhiên, điểm mới này cũng chưa nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu.