Năng lực của dệt may Việt Namvà xu hướng dịch chuyển
Thống kê của Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho thấy, ngành Dệt may Việt Nam đang đóng góp 10% giá trị sản xuất công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân 5 năm đạt 14,74%/năm, đưa dệt may trở thành ngành có kim ngạch xuất khẩu cao thứ hai và đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, duy trì được vị trí top 5 nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới. Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong năm 2015 đạt khoảng hơn 27,1 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2014. Dệt may đã trở thành ngành tạo công ăn việc làm cho 5% lao động công nghiệp, với hơn 2,5 triệu lao động tại 5.000 doanh nghiệp (DN) lớn nhỏ.
Với năng lực trên, dệt may đang được đánh giá là một trong những lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất từ quá trình hội nhập sâu, rộng và mạnh mẽ hiện nay. Từ khi Việt Nam gia nhập WTO (2007) cho đến nay (khi mà Việt Nam đã hoàn tham gia Hiệp định TPP cũng như đã và đang hoàn tất các FTA còn lại), dệt may Việt Nam luôn là lĩnh vực hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Riêng 6 tháng đầu năm 2015, ngành Dệt may thu hút trên 50 dự án với 1,12 tỷ USD, trong đó có dự án của công ty TNHH Hyosung Đồng Nai tới 660 triệu USD đầu tư chế biến sợi tại Đồng Nai là dự án có tổng mức đầu tư cao nhất từ trước tới nay. Ngoài ra, còn có dự án 300 triệu USD sản xuất may mặc của nhà đầu tư Anh Quốc tại TP. Hồ Chí Minh và dự án nhà máy sợi, vải màu Luthai 160 triệu USD tại Tây Ninh của nhà đầu tư Hồng Kông.
Xu hướng dịch chuyển sản xuất từ cường quốc dệt may Trung Quốc sang Việt Nam và một số nước trong khu vực cũng dần rõ nét. Nếu giai đoạn trước, cụ thể là trong năm 2012 có 57 dự án của Trung Quốc với số vốn đăng ký là 191,2 triệu USD, thì thời gian gần đây hàng loạt các dự án lớn được các nhà đầu tư Trung Quốc đổ vào ngành Dệt may Việt Nam. Có thể kể tới như dự án 400 triệu USD xây khu công nghiệp dệt may tại Nam Định, dự án 300 triệu USD của Texhong tại Quảng Ninh và dự án 200 triệu USD của TAL tại Hải Dương…
Mấu chốt khiến các nhà đầu tư quyết định đổ vốn vào ngành Dệt may Việt Nam bao gồm:
Thứ nhất, giá nhân công của Việt Nam thấp, thu nhập của người lao động dệt may Việt Nam chưa bằng 50% thu nhập của người lao động Trung Quốc;
Thứ hai, Việt Nam lại đang ở thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” với nguồn lao động dồi dào.
Thứ ba, dệt may Việt Nam đang yếu ở khâu sản xuất nguyên phụ liệu, trong khi Hiệp định TPP quy định sản phẩm xuất khẩu phải có xuất xứ từ sợi và Hiệp định FTA Việt Nam – EU phải từ vải mới được hưởng thuế suất 0%. Trường hợp, phải nhập nguyên liệu thì chỉ nhập trong phạm vi các nước thành viên của TPP, đối với FTA Việt Nam – EU chỉ nhập từ các nước EU và Hàn Quốc. Trong khi các nước đang cung cấp nguyên liệu chủ yếu cho dệt may Việt Nam lại là Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông – đều là những nước không tham gia TPP.
Thực vậy, bất cập lớn nhất của dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng chính là khâu cung ứng nguyên, phụ liệu đầu vào. Hiện nay mới chỉ cung ứng được khoảng 1,5% trong trổng số nhu cầu 400.000 tấn xơ. Như vậy, hiện Việt Nam vẫn còn nhập khẩu tới gần 85% sản lượng sợi. Trong đó, Trung Quốc chiếm 43,5%, Hàn Quốc 20,2%, Đài Loan 15,4%, Hồng Kông 5,1%, còn từ các nước TPP chỉ mới chiếm 9,7%. Tương tự, nguồn vải nhập từ Đài Loan chiếm khoảng 33%, Trung Quốc 27%, Hàn Quốc 14,6% và từ các nước TPP chỉ 5,3%...
Ngoài vấn đề về nguyên phụ liệu đầu vào, dệt may Việt Nam còn phải đối diện một số vấn đề sau:
(i) Thị trường quá lớn vào thị trường xuất khẩu (chiếm 80% năng lực sản xuất toàn ngành) vốn đầy biến động và rất khó kiểm soát;
(ii) Thị trường trong nước trên 90 triệu dân với sức mua ngày càng tăng chưa được tập trung khai thác;
(iii) May xuất khẩu lệ thuộc quá lớn vào nguồn vải nhập khẩu (chiếm trên 80% tổng nhu cầu, Trung Quốc chiếm 45%), tạo ra tình trạng “nút thắt cổ chai” tại công đoạn dệt nhuộm, tỷ lệ nội địa hóa chỉ trên 50%, tạo ra sự phát triển mất cân đối và dễ bị tổn thương;
(iv) Phương thức gia công xuất khẩu chủ yếu là gia công (70%), phương thức mua nguyên liệu, bán thành phẩm chiếm khoảng 20% và phương thức sản xuất, tiếp thị bán hàng trực tiếp tại các trung tâm thương mại nước ngoài thì chỉ chiếm 1-9%.
Đề xuất, khuyến nghị
Hiệp định TPP cam kết sẽ giúp giảm các loại thuế nhập khẩu một số mặt hàng dệt may Việt Nam xuống bằng 0% hoặc gần bằng 0%, tùy thuộc vào mỗi mặt hàng. Theo đó, hàng da giày của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ thời gian tới có thể sẽ tăng đột biến. Trong khi xuất khẩu dệt may của Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh sang thị trường Mỹ tăng thấp, thậm chí giảm thì xuất khẩu dệt may của Việt Nam qua thị trường này lại tăng cao với gần 13% đạt hơn 11,3 tỷ USD; xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng gần 6% (ước đạt 3,36 tỷ USD), sang Nhật Bản tăng gần 8% (ước đạt trên 2,95 tỷ USD) và sang Hàn Quốc tăng 8,77% (ước đạt trên 2,58 tỷ USD)…
Để có thể đón nhận những cơ hội trên, cũng như hạn chế những thách thức từ các Hiệp định FTA mang lại, vươn lên phát triển nhanh và bền vững, trở thành một trong những trung tâm sản xuất dệt may của thế giới trong thời gian tới, Việt Nam cần phải định hướng phát triển ngành Dệt may phù hợp đối với từng giai đoạn.
Theo kế hoạch, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định 3218/QĐ-BCT ngày 11/4/2014 phê duyệt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, trong đó mục tiêu xuất khẩu năm 2015 đã đặt ra ở mức khiêm tốn là 23-24 tỷ USD, đến năm 2020 là 36-38 tỷ USD và đến năm 2030 là 64-67 tỷ USD.
Giới chuyên gia dự tính, kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 45-50 tỷ USD và 80-90 tỷ USD vào năm 2030. Do đó, dưới tác động của hội nhập ngày càng sâu rộng, khả năng những mục tiêu xuất khẩu đặt ra của các quyết định trên sẽ sớm bị lạc hậu. Chính vì vậy, thời gian tới Việt Nam cần sớm giải quyết những vấn đề sau:
Thứ nhất, đối với Chính phủ: Cần sớm điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành Dệt may Việt Nam giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn 2035 sao cho phù hợp với tình hình và bối cảnh mới. Cụ thể: Quy hoạch lại các khu vực sản xuất dệt may lớn tại 3 miền (Bắc, Trung, Nam) để kêu gọi và thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực sợi, dệt, nhuộn và hoàn tất…; Có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực để phát triển dệt may phù hợp với quy hoạch phát triển mới của Ngành...
Thứ hai, đối với các địa phương: Cần nghiên cứu quy hoạch, bố trí các khu công nghiệp dệt may tại địa phương phù hợp với chiến lược phát triển chung của cả nước, tránh chồng chéo. Phối hợp quản lý tốt các cơ sở sản xuất dệt may tránh gây ô nhiễm môi trường. Hỗ trợ các điều kiện liên quan đến cuộc sống của người lao động và gia đình họ như nhà ở, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, y tế…
Thứ ba, đối với các DN: Ngoài những giải pháp từng bước khắc phục những bất cập trong chuỗi cung ứng nhằm chủ động trong khâu thiết kế, nâng tỷ lệ cung cấp nguyên phụ liệu, thay đổi dần hình thức xuất khẩu từ gia công là chủ yếu sang những phương thức cao. Đặc biệt, những vấn đề như: Nâng cao năng lực người lao động, nâng cao tay nghề, ý thức, tác phong công nghiệp cho người lao động, phối hợp giữa DN với nhau để tăng cường sứ cạnh tranh… là những giải pháp quan trọng để tăng hiệu quả trong chuỗi cung ứng của ngành Dệt may Việt Nam.