Tình hình thu hút FDI từ các nước Asean trước bối cảnh Việt Nam gia nhập AEC 2015

Tính lũy kế đến 6/2015, đã có 8/11 nước Asean có đầu tư FDI vào Việt Nam, gồm: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Indonesia, Phillipin, Lào, Campuchia với tổng số 2.629 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 54,6 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng số dự án và 21,7% tổng vốn đăng ký đầu tư của cả nước.

Đầu tư của Asean qua các giai đoạn:

Giai đoạn 1988 – 1993: thời kỳ này thu hút FDI từ các nước Asean vào Việt Nam rất khiêm tốn, đạt 66 dự án với tổng vốn đầu tư 2,4 tỷ USD. Các dự án đầu tư vào Việt Nam chủ yếu từ Singapore, Malaysia và Thái Lan.

 

                                                                        Nguồn: Cục ĐTNN (lũy kế đến tháng 6/2015)

 

Giai đoạn 1994 – 1996:

Năm 1995 Việt Nam trở thành thành viên Asean và đánh giá một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam cũng như quá trình phát triển của Hiệp hội. Trong giai đoạn này có sự bứt phá về các dự án FDI từ các nước Asean. Trong 3 năm, đã có 125 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 6,2 tỷ USD. Trong đó Singapore vẫn là quốc gia có nhiều dự án đầu tư vào Việt Nam nhất trong thời kỳ này (70 dự án với 4,7 tỷ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 56% tổng số dự án và 76% tổng vốn đầu tư của toàn khu vực Asean). Tiếp theo là Malaysia (18 dự án với 809 triệu USD tổng vốn đầu tư), Thái Lan (930 dự án với 554 triệu USD tổng vốn đầu tư). Ngoài 3 quốc gia trên thì Indonesia, Phillipin, Lào cũng bắt đầu có dự án FDI vào Việt Nam, tuy nhiên số lượng dự án còn rất ít.

Giai đoạn 1997 – 2005:

Năm 1997, khủng hoảng tài chính bắt đầu nổ ra tại Thái Lan và ảnh hưởng đến 1 số nước trong khu vực và đã ảnh hưởng khá nặng nề tới tình hình thu hút FDI của các nước Asean vào Việt Nam. Kết quả thu hút FDI đi xuống khá nhanh. Năm 1997, các nước Asean đầu tư 45 dự án vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư 711 triệu USD, giảm 78% so với cùng kỳ năm 1996; năm 1998 (32 dự án và 391 triệu USD tổng vốn đầu tư); năm 1999 (35 dự án và 297 triệu USD tổng vốn đầu tư); năm 2000 (28 dự án và 149 triệu USD tổng vốn đầu tư). Các năm từ 2001 đến 2005, tình hình thu hút FDI từ các nước Asean đã khả quan hơn song vẫn rất thấp so với giai đoạn trước.

Giai đoạn từ 2006 – 2008:

Đây là giai đoạn đỉnh cao của FDI tại Việt Nam. Giai đoạn này FDI của các nước Asean vào Việt Nam cũng tăng mạnh. Trong 3 năm từ 2006 – 2008 đã có 566 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 23,3 tỷ USD. Riêng trong năm 2008, các nước Asean đã đầu tư 260 dự án FDI vào Việt Nam với 16,4 tỷ USD vốn đăng ký, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Trong giai đoạn này, các dự án chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo ( 247 dự án và 8,9 tỷ USD tổng vốn đăng ký) và kinh doanh bất động sản (27 dự án và 8 tỷ USD tổng vốn đăng ký). Riêng dự án vào 2 lĩnh vực trên đã chiếm 72,3% tổng vốn đăng ký của Asean trong giai đoạn này. Ngoài ra, các dự án khác đầu tư trong lĩnh vực xây dựng, cấp nước, vận tải kho bãi…

Singapore vẫn là quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam trong giai đoạn này (271 dự án và 9,8 tỷ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 47,8% tổng số dự án và 42% tổng vốn đầu tư của cả khối Asean đầu tư trong giai đoạn này). Tiếp theo là Malaysia với 133 dự án và 7,7 tỷ USD tổng vốn đăng ký, chiếm 23,4% tổng số dự án và 33% tổng vốn đầu tư của cả khối Asean đầu tư trong giai đoạn này. Tiếp theo là Thái Lan, Brunei, Indonesia và Phillipin.

Giai đoạn từ 2009 – nay:

Sau thời kỳ đỉnh điểm của FDI năm 2007 – 2008 thì cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bắt nguồn từ khủng hoảng tài chính của Hoa Kỳ đã ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới cũng như tình hình thu hút FDI của Việt Nam. Năm 2009, đầu tư của các nước Asean vào Việt Nam đã giảm mạnh, 207 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD (bằng 9% so với cùng kỳ năm 2008). Năm 2010, tình hình có tiến triển tốt hơn với 181 dự án và 5,4 tỷ USD tổng vốn đầu tư. Năm 2012 là năm có kết quả thu hút FDI từ các nước Asean thấp nhất trong giai đoạn này với 209 dự án và 1,03 tỷ USD tổng vốn đầu tư. Từ năm 2013, với nhiều biện pháp cải thiện môi trường đầu tư chung cho cả nước nên tình hình thu hút FDI khả quan hơn. Tuy chưa bằng giai đoạn đỉnh cao  năm 2007 – 2008 nhưng kết quả thu hút FDI tương đối ổn định với nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.


            Đầu tư của Asean theo ngành, lĩnh vực

Công nghiệp chế biến chế tạo:

Các nước Asean đã đầu tư vào 18/18 ngành kinh tế của Việt Nam. Lĩnh vực thu hút được nhiều dự án của nhà đầu tư Asean là công nghiệp chế biến, chế tạo (1009 dự án và 22,2 tỷ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 38% tổng số dự án và 40,8% tổng vốn đầu tư). Đây cũng là đặc trưng chung của đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì các dự án vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng cao. Việc này cũng thể hiện cơ cấu đầu tư đang đi theo hướng tích cực, tiếp tục có tác động tích cực đến sự phát triển các ngành công nghiệp của Việt Nam, phù hợp với chủ trương công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, đa phần các dự án từ nhà đầu tư Singapore (438 dự án và 13,4 tỷ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 43% tổng số dự án và 60% tổng vốn đầu tư trong lĩnh vực này), tiếp đến là Thái Lan (184 dự án và 5,7 tỷ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 18,2% tổng số dự án và 26% tổng vốn đầu tư). Đứng thứ ba là Malaysia (225 dự án và 1,98 tỷ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 22,2% tổng số dự án và 9% tổng vốn đầu tư).

 Trong công nghiệp chế biến chế tạo thì các dự án trong lĩnh vực điện, điện tử đóng vai trò khá quan trọng trong đầu tư của các nước Asean, đặc biệt là Singapore. Trong giai đoạn từ năm 2008 – 2014, các dự án trong lĩnh vực điện, điện tử đã góp phần nâng tổng vốn đầu tư của Singapore tại Việt Nam lên rõ rệt. Một số dự án lớn tiêu biểu trong lĩnh vực này là Dự án Samsung Electronics tại Thái Nguyên và Bắc Ninh và dự án Samsung CE Complex tại TP Hồ Chí Minh (quốc tịch nhà đầu tư Singapore). Riêng 3 dự án này có tổng vốn đăng ký đạt 5,9 tỷ USD.

FDI của Asean phân theo ngành, lĩnh vực (lũy kế đến tháng 6/2015)

 

Dệt may cũng là một trong các lĩnh vực mà các nước Asean cón nhiều dự án. Đặc điểm chung của các dự án trong lĩnh vực dệt may là quy mô dự án nhỏ, quy mô bình quân 1 dự án dệt may của Asean vào khoảng 6 triệu USD/dự án. Tuy số lượng dự án cũng như quy mô dự án trong lĩnh vực dệt may không cao bằng trong lĩnh vực điện tử song các dự án dệt may cũng góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương và thúc đẩy tạo ra các sản phẩm tiêu dùng chất lượng.

Trong lĩnh vực dệt may thì Singapore, Thái Lan và Brunei là những quốc gia có nhiều dự án hơn cả. Các dự án dệt may thường tập trung tại các địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Long An. Đây là những địa phương đông dân cũng như gần các trung tâm lớn, thuận lợi cho việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm dệt may.

Kinh doanh bất động sản:

Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 97 dự án và 16,6 tỷ USD, chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư. Chỉ tính riêng hai lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo và kinh doanh bất động sản đã chiếm đến hơn 70% tổng vốn đầu tư của Asean. Do đặc trưng riêng nên quy mô bình quân dự án trong lĩnh vực này khá cao khoảng 167 triệu USD/dự án.

Trong lĩnh vực này, Singapore cũng chiếm đa phần các dự án (77 dự án và 10 tỷ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 77,7% tổng số dự án và 60% tổng vốn đầu tư trong lĩnh vực này). Đứng thứ hai là Malaysia (16 dự án và 5,5 tỷ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 33,3% tổng vốn đầu tư trong lĩnh vực này). Brunei chỉ có 2 dự án song tổng vốn đầu tư của 2 dự án này lên tới 1 tỷ USD, trong đó dự án Công ty TNHH New City có tổng vốn đầu tư là 1 tỷ USD. Còn lại là dự án đến từ Thái Lan và Phillipins.

Các dự án bất động sản của các nước Asean tập trung chủ yếu tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội do đây là 2 trung tâm kinh tế lớn của cả nước, rất thuận lợi cho việc phát triển các dự án bất động sản. Tuy nhiên, dự án bất động sản lớn nhất trong Asean tại Việt Nam là dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An tại Quảng Nam với tổng vốn đầu tư lên tới 4 tỷ USD của nhà đầu tư Singapore.

          Nông nghiệp:

Nhìn chung, nông nghiệp là ngành có nhiều tiềm năng và lợi thế tại Việt Nam nhưng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào ngành nông nghiệp còn tương đối hạn chế so với nhu cầu của ngành. Hiện nay, các nước Asean đã đầu tư 81 dự án vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đầu tư đạt 1,08 tỷ USD, chiếm 2% so với tổng vốn đầu tư của Asean tại Việt Nam. Trong khi đầu tư nước ngoài có xu hướng tăng, thì dòng vốn này vào lĩnh vực nông nghiệp lại quá nhỏ về số dự án và tỷ trọng vốn đầu tư.

Nguyên nhân khiến cho nguồn vốn FDI vào nông nghiệp trong thời gian dài vừa qua hạn chế như vậy là do đầu tư vào nông nghiệp không có lợi nhuận nhanh như các ngành hàng khác, trong khi ngành này hay gặp nhiều rủi ro về thiên tai và rủi ro về biến động thị trường. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp Việt Nam nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng và dịch vụ phụ trợ còn thiếu và yếu trong khi chất lượng và năng suất lao động thấp.

Trong số các nước Asean thì Thái Lan có tỷ trọng vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhiều nhất (29 dự án và 477 triệu USD tổng vốn đầu tư, chiếm 44% tổng vốn đầu tư của ngành nông nghiệp Asean). Tiếp theo là Singapore (28 dự án và 335 triệu USD tổng vốn đầu tư, chiếm 30,8% ), Malaysia (18 dự án và 146 triệu USD tổng vốn đầu tư, chiếm 13,4%).

Về địa bàn, Đồng Nai và Bình Dương, Quảng Ninh là 3 địa phương thu hút được nhiều dự án nông nghiệp các nước Asean. Riêng 3 địa phương này đã chiếm trên 50% tổng vốn đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp của các nước Asean (Đồng Nai: 280 triệu USD, Bình Dương: 166 triệu USD, Quảng Ninh: 100 triệu USD).

Phát triển nông nghiệp luôn là mục tiêu và trọng tâm hàng đầu của Việt Nam. Việc thu hút vốn FDI vào ngành này cần được quan tâm thích đáng và có các chính sách thu hút đầu tư thích hợp, đặc biệt là từ các nước trong khối Asean vốn cũng có kinh nghiệm trong đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Định hướng thu hút FDI vào nông nghiệp sẽ tập trung đầu tư, khuyến khích vào lĩnh vực chế biến để tạo nên các sản phẩm nông sản mang thương hiệu quốc gia, có thể chen chân vào chuỗi giá trị thế giới. Ngoài ra, cần chú trọng tăng cường thu hút FDI có chất lượng và giá trị gia tăng cao, sử dụng và bảo vệ tốt tài nguyên thiên nhiên, sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, tạo thêm nhiều việc làm và hỗ trợ cho những khâu yếu trong chuỗi giá trị nông sản. Đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ cao trong phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng và giá trị gia tăng cao.

Đánh giá tình hình đầu tư FDI của Asean tại Việt Nam

Kết quả tương đối tốt nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và hợp tác của các nước:

          Nhìn chung kết quả đầu tư FDI của các nước Asean tại Việt Nam đã có những kết quả vượt bậc qua các giai đoạn song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn hợp tác. Việt Nam và Asean có những lợi thế như cùng là các nước trong khu vực, có vị trí địa lý gần nhau, hiểu rõ về phong tục tập quán cũng như văn hóa của các nước. Ngoài ra, Việt Nam đã gia nhập Asean từ năm 1995 cũng như việc hình thành cộng đồng kinh tế chung AEC vào cuối năm 2015 sẽ là những lợi thế vô cùng thuận lợi để thúc đẩy đầu tư của các nước Asean vào Việt Nam. Tuy nhiên, những kết quả vừa qua chưa phản ánh đúng tình hình cũng như tiền năng hợp tác trong khu vực.

- Quy mô vốn bình quân dự án caotrong khi quy mô dự án trung bình của Việt Nam đạt khoảng 14 triệu USD/dự án thì quy mô vốn trên 1 dự án của Asean đạt khoảng 20 triệu USD/dự án. Đây là đặc điểm tốt bởi đã xuất hiện nhiều dự án có quy mô vốn lớn từ các nước Asean vào Việt Nam.

- Không đồng đều theo đối tác: trong khi Singapore, Malaysia và Thái Lan và 3 nước năm trong top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có kết quả đầu tư FDI cao nhất ở Việt Nam thì một số quốc gia khác có kết quả rất khiêm tốn. Đặc biệt là Singapore, đây là một đầu tư đóng vai trò quan trọng trong thu hút ĐTNN của Việt Nam và cũng có nhiều dự án có tác động tốt với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Các quốc gia còn lại như Indonesia, Brunei, Phillipin, Lào, Campuchia có kết quả còn rất khiêm tốn. Myammar chưa có đầu tư tại Việt Nam.

- Các dự án tác động lan tỏa, giá trị gia tăng cao còn ít: ngoài một số dự án có hiệu quả hoạt động tốt của Singapore thì các dự án của các nước Asean chưa thực sự có tác động lan tỏa cũng như tầm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả ĐTNN chung của Việt Nam.

Triển vọng hợp tác đầu tư Việt Nam - ASEAN

Triển vọng hợp tác đầu tư giữa Việt Nam - ASEAN là hết sức lớn vì Việt Nam là một thành viên tích cực trong cộng đồng này. Việt Nam không chỉ thực hiện các cam kết chung của khối mà còn thực hiện các hợp tác song phương đa dạng trên tất cả các lĩnh vực. Điều quan trọng hơn là Việt Nam đang gắn phát triển kinh tế - xã hội với hội nhập kinh tế quốc tế. Trong khu vực, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - ASEAN phát triển rất tốt đẹp. Con số này đang tiếp tục tăng lên mạnh mẽ. Trong những năm tới, quan hệ hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và các nước ASEAN chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển tốt đẹp...

Việc ASEAN sẽ trở thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, với các Hiệp định chung điều chỉnh về đầu tư (Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN - ACIA), thương mại (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – ATIGA) và dịch vụ (Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ - AFAS), làm tăng sức hấp dẫn của khu vực này trong thu hút FDI. Các công ty đa quốc gia đang liên tục mở rộng hoạt động đầu tư của mình tại ASEAN. Các tập đoàn đa quốc gia (TNC) lớn trên thế giới đã có mặt và đang mở rộng hoạt động đầu tư của mình tại ASEAN. Hơn 80% số công ty có tên trong  Danh sách 500 công ty toàn cầu của Fortune đã có mặt tại ASEAN. Tại ASEAN đã có hoạt động của toàn bộ 10 công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất ô tô, 10 nhà sản xuất phụ tùng ô tô lớn nhất toàn cầu; 10 nhà sản xuất điện tử hàng đầu; 10 doanh nghiệp dược phẩm hàng đầu.

Việt Nam có lợi thế so với các nước ASEAN khác trong quan hệ cạnh tranh thu hút FDI. Thái Lan có lợi thế nhưng một phần thị trường đã bão hòa, nhân công có chi phí ngày càng cao và thiếu về số lượng. Bất ổn chính trị cũng ảnh hưởng đáng kể tới dòng FDI vào đây (FDI của Nhật vào Thái Lan giảm từ mức trên 557 tỷ yên năm 2011 xuống còn 46 tỷ yên năm 2012). Indonesia có thị trường lớn nhưng lại có vấn đề về tôn giáo, văn hóa, chính trị. Myanmar là địa bàn mới nổi lên trong thu hút FDI nhưng với thực trạng yếu kém về chính sách và hạ tầng hiện nay thì phải 3-5 năm nữa nước này mới có thể cải thiện được môi trường đầu tư.

Trong thời gian tới, đối với các nước ASEAN, chúng ta có thể tin tưởng rằng, các dự án đầu tư có quy mô lớn sẽ vào Việt Nam nhiều hơn. Điều này cũng là phù hợp với mức độ phát triển của các quốc gia và sự thịnh vượng chung của ASEAN. Các doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển của khu vực và họ sẽ có những điều kiện để thực hiện các dự án đầu tư lớn hơn.

ASEAN hiện đang chuyển mình sang giai đoạn phát triển mới, hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 với ba trụ cột về chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, có mục tiêu bao trùm là xây dựng Hiệp hội thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ liên kết sâu rộng hơn và vững mạnh hơn, nhưng vẫn mở rộng hợp tác với bên ngoài, đồng thời hướng mạnh tới người dân, phục vụ và nâng cao cuộc sống của người dân./.



Cục ĐTNN - Bộ KHDT

Theo

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: vanphong.vacod@gmail.com

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: toasoan@thuonggiaonline.vn
Website: https://thuonggiaonline.vn/