Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục được các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm nhiều nhất với 91 dự án mới, 104 lượt tăng vốn, tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 758,6 triệu USD (chiếm 51% tổng vốn đầu tư), đứng thứ 2 là lĩnh vực xây dựng với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 354,4 triệu USD (chiếm 24% tổng vốn đầu tư). Đứng thứ 3 là hoạt động kinh doanh bất động sản với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 146,8 triệu USD (chiếm 10% tổng vốn đầu tư). Còn lại thuộc về các ngành lĩnh vực khác.
Các dự án FDI của Nhật Bản đa số theo hình thức 100% vốn nước ngoài, với 213 dự án mới, 128 lượt tăng vốn, tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,05 tỷ USD (chiếm 71% tổng vốn đầu tư). Các dự án còn lại phân bổ ở các hình thức khác như hợp đồng BOT,BT,BTO; hình thức liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Trong 10 tháng đầu năm 2015, Nhật Bản đã đầu tư vào 32/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Trong đó tỉnh Quảng Ninh thu hút nhiều vốn đầu tư từ Nhật Bản nhất với chỉ duy nhất 1 dự án Xây dựng cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến theo hình thức BOT, tổng vốn đăng ký của dự án lên tới 343,6 triệu USD (chiếm 23% tổng vốn đầu tư). Đứng thứ hai tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với 4 dự án cấp mới, tổng vốn đầu tư là 169,5 triệu USD (chiếm 11% tổng vốn đầu tư). Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 3 với 75 dự án mới, 23 lượt tăng vốn, tổng số vốn đăng ký mới và tăng thêm là 138,4 triệu USD (chiếm 9% tổng vốn đầu tư). Các dự án còn lại lần lượt phân bổ tại các địa phương khác.
Theo cục đầu tư nước ngoài