Tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo: Cách nào để tận dụng kênh thương mại mới?

Tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo: Cách nào để tận dụng kênh thương mại mới? Đọc bài

Tiêu thụ hàng hoá miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong các hệ thống phân phối hiện đại dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn khiêm tốn đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của các bên.

Nhu cầu là rất lớn

Là đơn vị kinh doanh chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Dân - Trợ lý giám đốc, Chuỗi cửa hàng Thực phẩm sạch Bác Tôm – thông tin, nhu cầu tiêu thụ những sản phẩm đặc sản vùng miền cũng như các đặc sản miền núi phía Bắc và hải đảo là rất cao. Như tại hệ thống Bác Tôm, những sản phẩm này trở thành những sản phẩm chiến lược mũi nhọn và chiếm tỷ trọng từ 60 - 70% doanh thu bán hàng của cửa hàng. Do vậy, trong thời gian tới, tôi nghĩ là nhu cầu này luôn là cấp thiết và rất lớn.

Điểm hấp dẫn nhất mà khách hàng hướng tới những sản phẩm đặc sản vùng miền, nhất là những đặc sản của miền núi và hải đảo, đó là chất lượng và hương vị tự nhiên của sản phẩm chứ không phải là mẫu mã.

Dù vậy, việc kinh doanh tiêu thụ sản phẩm miền núi vùng sâu và hải đảo tại hệ thống thực phẩm vùng miền của Bác Tôm không phải toàn “màu hồng”. Theo bà Nguyễn Thị Dân, sản phẩm canh tác thuận tự nhiên và vùng miền, do vậy mà chưa ứng dụng được khoa học kỹ thuật nên sản lượng khá thấp, nên cước vận chuyển khá cao, do vậy chi phí giá thành lớn, ảnh hưởng nhiều đến sức mua của người tiêu dùng.

Nói về công tác tiêu thụ nông sản của đồng bào khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, theo ông Phạm Quyết Tiến - Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Sàn TMĐT Nông sản Bưu điện (nongsan.buudien.vn), Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost), dưới góc nhìn của chúng tôi về sản phẩm tươi thì lộ trình logistics là quan trọng nhất. Bởi không giống như những sản phẩm khô được đóng hộp hay đóng gói, các sản phẩm tươi có thời gian hư hỏng rất nhanh.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – cho hay, việc thực thi chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong các hệ thống phân phối hiện đại mang lại nhiều thuận lợi nhờ các chính sách đồng bộ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp.

Dù vậy, tiêu thụ hàng hoá miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, vấn đề chất lượng sản phẩm là một trong những rào cản hàng đầu. Nhiều sản phẩm vùng miền, đặc biệt là nông sản, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm hoặc yêu cầu về truy xuất nguồn gốc mà các hệ thống phân phối hiện đại đòi hỏi.

Chi phí logistics cao và hạn chế hạ tầng giao thông cũng là những khó khăn nghiêm trọng. Do khoảng cách địa lý lớn và điều kiện giao thông chưa đồng bộ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, chi phí vận chuyển sản phẩm đến các trung tâm phân phối rất cao, đặc biệt đối với các sản phẩm tươi sống, dễ hỏng. Bên cạnh đó, việc thiếu các cơ sở kho bãi và bảo quản hiện đại khiến việc duy trì chất lượng sản phẩm trong quá trình vận chuyển gặp nhiều trở ngại.

Hạn chế về năng lực tiếp cận thị trường. Nhiều hộ sản xuất, hợp tác xã tại các vùng khó khăn vẫn chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng kinh doanh, marketing hoặc ứng dụng công nghệ số. Dù các sàn thương mại điện tử đã hỗ trợ đưa sản phẩm vùng miền lên nền tảng, nhưng mức độ tiếp cận và khai thác tiềm năng từ các kênh này còn thấp do thiếu kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết.

Ngoài ra, một số chương trình hỗ trợ chưa đồng bộ và hiệu quả. Mặc dù đã triển khai nhiều chính sách và chương trình lớn nhưng ở một số địa phương, việc thực thi vẫn mang tính hình thức, chậm trễ hoặc chưa tận dụng tốt các nguồn lực hỗ trợ. Các chương trình xúc tiến thương mại thường mang tính thời vụ, chưa tạo được sự ổn định và bền vững trong tiêu thụ sản phẩm.

Đồng bộ các giải pháp, gia tăng kênh tiêu thụ sản phẩm

Quảng cáo

Theo các chuyên gia, thời gian qua, chúng ta có thể thấy những kết quả tích cực trong việc thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong các hệ thống phân phối hiện đại. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, tỷ lệ các sản phẩm này còn rất thấp ở các kệ hàng hóa trong các siêu thị, cửa hàng bán lẻ. Vì vậy, rất cần có những giải pháp đồng bộ, sự liên kết từ các chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy sản phẩm của bà con khu vực này tham gia sâu hơn vào các hệ thống phân phối.

Liên quan đến vấn đề này, ở góc độ ngành Công Thương, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án về phát triển thị trường trong nước; tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng khung khổ luật pháp, chính sách, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho đầu tư, kinh doanh trên thị trường trong nước, thiết lập trật tự thị trường để thích ứng với bối cảnh, tình hình mới; đẩy mạnh cơ cấu lại thị trường trong nước theo hướng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; cần áp dụng các mô hình kinh doanh mới phù hợp với đặc thù địa phương, chẳng hạn như phát triển hệ thống bán lẻ đa kênh kết hợp giữa bán hàng trực tiếp và thương mại điện tử. Việc này không chỉ tạo thuận lợi cho việc mua bán hàng hóa mà còn mở rộng thị trường cho các sản phẩm đặc sản khu vực đặc thù này;…

Ở góc độ doanh nghiệp cầu nối tiêu thụ sản phẩm tới người tiêu dùng, theo bà Nguyễn Thị Dân cho hay, Bác Tôm là một mắt xích cơ bản và có rất nhiều mắt xích nhỏ khác, trong đó, các kênh bán hàng online của người nổi tiếng thì các sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo gần như chưa tiếp cận được. Do vậy, để mở rộng những mắt xích này, đầu tiên phải khuếch trương sản phẩm đặc sản vùng miền, đặc sản miền núi và hải đảo. Theo đó, chính quyền địa phương cần phải hỗ trợ người dân nhiều hơn nữa, quảng bá những chương trình tăng cường xúc tiến thương mại cũng như quy trình kỹ thuật canh tác để làm sao mà cải thiện được mẫu mã của sản phẩm.

“Đa phần là những chuỗi nhỏ hơn hoặc tương tự như của Bác Tôm, họ cũng đang đi tìm kiếm sản phẩm rất tốt nhưng họ lại chưa biết là sản phẩm này có ở tỉnh nào và làm thế nào để tiếp cận được, nên việc kênh quảng bá từ chính quyền địa phương là rất quan trọng”, bà Nguyễn Thị Dân nói.

Ngoài ra, đặc thù của những sản phẩm này số lượng sản xuất rất ít, diện tích sản xuất thì khá manh mún. Để có thể tiếp cận nhiều hơn với thị trường phân phối rộng lớn, bà con cần phải chuẩn bị rất nhiều những hành trang về công bố sản phẩm, hồ sơ chỉ dẫn địa lý cũng như pháp lý cho sản phẩm của mình. Đa dạng hóa sản phẩm, cân bằng sản lượng để cung phù hợp với cầu, không bị quá dư thừa dẫn đến ảnh hưởng đến việc tiêu thụ.

Nhìn nhận ở góc độ tích cực hơn, ông Phạm Quyết Tiến cho rằng, sản phẩm của khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo mang những nét đặc trưng riêng biệt và thậm chí sẽ có nhiều những sản phẩm mang tính chất tinh hoa. Do đó, đối với bà con nông dân, cần phải có định hướng sản phẩm khác biệt so với những sản phẩm đại trà trên thị trường. Cần phải tập trung vào chất lượng sản phẩm phải tốt, cũng như những giá trị cốt lõi của mà Sàn Thương mại điện tử Nông sản Bưu điện (nongsan.buudien.vn) đang xây dựng đó là: Chất lượng phải tốt và phải làm một cách nào đó để gia tăng giá trị văn hóa cho sản phẩm, gia tăng những câu chuyện hay về sản phẩm.

Để hỗ trợ thương mại hóa và mở rộng chuỗi cung ứng sản phẩm miền núi vùng sâu vùng xa và hải đảo, về phía Bộ Công Thương, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn cho hay, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành triển khai một số giải pháp.

Một là, hướng dẫn các địa phương triển khai tổ chức những hoạt động gắn giữa văn hóa, du lịch với thương mại như các lễ hội, hội chợ để vừa tôn vinh văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, vừa phát triển và bán được sản phẩm hàng hóa của bà con. Trên tinh thần chúng tôi hướng dẫn không phải chỉ bán hàng hoá sản phẩm mà còn là bán giá trị trong gắn kết cả văn hoá vào sản phẩm.

Hai là, Bộ Công Thương sẽ tổ chức triển khai nhóm giải pháp lồng ghép các Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025” và Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" cùng với việc truyền thông trong triển khai các giải pháp này.

Ba là, thông qua các Đề án, Chương trình Bộ Công Thương xây dựng những mô hình thí điểm phù hợp với điều kiện kinh tế từng vùng, miền, đặc biệt là mô hình thí điểm về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa cho đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo,

Bốn là, Bộ Công Thương sẽ tổ chức đào tạo được nguồn nhân lực về quản lý nhà nước, về kinh doanh cho bà con miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, và cả các doanh nghiệp hoạt động tại khu vực để hỗ trợ nâng cao nhận thức và hỗ trợ trong việc tiêu thụ hàng hóa một cách thuận lợi hơn.

Năm là, đẩy mạnh nhóm mà giải pháp như tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tới cộng đồng người tiêu dùng trong nước và quảng bá qua kênh thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam tại nước ngoài.

Hy vọng với những giải pháp đồng bộ nêu trên sẽ góp phần xây dựng và phát triển thương mại, hệ thống phân phối, rút ngắn khoảng cách thị trường này với thị trường bán lẻ của các vùng miền khác, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực miền núi nước ta.


Tác giả: Hạnh Nguyễn
Theo https://moit.gov.vn/ Copy

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: [email protected]

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: [email protected]
Website: https://thuonggiaonline.vn/