Sáng 4/4, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2025 với chủ đề “Xúc tiến thương mại tăng cường khai thác thị trường sản phẩm Halal toàn cầu”.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân. Tham dự hội nghị có đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, đại diện các Hiệp hội, ngành hàng, địa phương, doanh nghiệp. Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại tháng 3/2025 sẽ là bước tiến quan trọng, giúp doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt xu hướng, tháo gỡ rào cản và tìm ra giải pháp hiệu quả để gia nhập sâu hơn vào thị trường Halal toàn cầu.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, thị trường Halal toàn cầu trị giá 2 nghìn tỷ USD mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, đây là thị trường cần phải quan tâm chiếm lĩnh. “Với tỷ trọng toàn thị trường trị giá 2 nghìn tỷ USD, chúng ta chỉ cần chiếm thị phần 10% cũng đã mang lại giá trị rất lớn. Nếu phấn đấu trong vòng 5 năm với tốc độ tăng trưởng hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam hoàn toàn có thể chiếm tỷ trọng cao trong thị trường Halal toàn cầu”, Thứ trưởng dự báo.
Giới thiệu về Halal và tiềm năng cũng như cơ hội phát triển các sản phẩm Halal, ông Ramlan Bin Osman - Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT) - Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, hiện nay, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt trung bình từ 6% đến 7% mỗi năm, cho thấy nền kinh tế nội địa vững mạnh với tiềm năng cao.
Việt Nam còn sở hữu nguồn nguyên liệu thô tiềm năng dồi dào cho ngành Halal, bao gồm cà phê, gạo, hải sản, sản phẩm nuôi trồng thủy sản, gia vị, các loại hạt, rau củ và trái cây, cho thấy khả năng lớn trong việc sản xuất các sản phẩm cuối cùng.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã được công nhận là một trong những điểm đến du lịch quốc tế hàng đầu vào năm 2018. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành dịch vụ lưu trú, bao gồm nhà hàng Halal và dịch vụ ăn uống.
Ông Ramlan Bin Osman - Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT) - Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Hội nghị.
Do đó, ông Ramlan Bin Osman đánh giá: “Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia vào thị trường thực phẩm Halal toàn cầu, trị giá 2 nghìn tỷ USD nhưng vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ, với chưa đến 10% nhu cầu được thỏa mãn”.
Tiếp theo, đại diện Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển Thị trường – Bộ Nông nghiệp và Môi trường chia sẻ về định hướng và các chính sách phát triển chuỗi cung ứng nông nghiệp thực phẩm Halal của Việt Nam. Những thông tin này mang tính định hướng chiến lược, giúp các doanh nghiệp nắm bắt được chủ trương của nhà nước trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp Halal.
Với những tiềm năng và cơ hội rộng mở, thị trường Halal đang trở thành một hướng đi quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam trong chiến lược mở rộng xuất khẩu. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi thế này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức chứng nhận nhằm xây dựng một hệ sinh thái Halal bài bản, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Khẳng định thị trường Halal nhận được sự quan tâm lớn của các hiệp hội, ngành hàng, ông Trần Văn Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, trong năm 2024, ngành điều đã xuất khẩu được 700 nghìn tấn hạt điều nhân, trị giá 3,8 tỷ USD, trong đó chứng nhận Halal cũng như các chứng nhận khác về quản lý, kiểm soát chất lượng là rất quan trọng.
Theo ông Hiệp, trong những năm qua, hiệp hội đã chú trọng tới thị trường Halal khi tất cả các sản phẩm điều xuất khẩu đều có chứng nhận Halal cũng như các chứng nhận khác về chất lượng. Trong đó, thị trường lớn nhất vẫn là thị trường Mỹ, đi kèm với yêu cầu có chứng nhận Halal nhiều nhất, chiếm 30% toàn bộ sản lượng xuất khẩu, tiếp đến là các thị trường châu Âu, Australia, các quốc gia Trung Đông…
Chia sẻ những thách thức, rào cản mà doanh nghiệp gặp phải khi xâm nhập vào thị trường Halal, ông Lê Phú Cường - Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Malaysia khẳng định, nhu cầu sản phẩm Halal của cộng đồng Hồi giáo là rất lớn, tuy nhiên để đạt được chứng thực Halal tiêu chuẩn cho xuất khẩu lại là một vấn đề khác.
Theo ông Cường, chứng chỉ Halal không phải là yêu cầu bắt buộc đối với hàng nhập khẩu vào Malaysia, tuy nhiên nhiều nhà nhập khẩu, phân phối, bán lẻ ưu tiên lựa chọn sản phẩm có chứng chỉ này để đáp ứng phần đông người tiêu dùng sở tại, khi dân số Hồi giáo ở quốc gia này chiếm tới 60% nên đa số sản phẩm được ưu tiên lựa chọn phải có chứng nhận Halal.
Nêu thực tế tại Indonesia, quốc gia có nhu cầu nhập khẩu lớn về sản phẩm Halal, ông Phạm Thế Cường - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Indonesia thông tin, chứng nhận Halal của Indonesia cũng được coi là một rào cản phi thuế quan, khi thủ tục, thời gian cấp phép kéo dài, chi phí cao, hiệu lực lại ngắn, gây khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong khi đó, số lượng các đơn vị được Indonesia ủy quyền cấp chứng nhận lại rất hạn chế, chỉ có duy nhất 1 đơn vị và cũng mới chỉ áp dụng cho thực phẩm, trong khi quy trình cấp chứng nhận khá phức tạp, yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm được duy trì trong suốt chuỗi cung ứng chứ không chỉ đầu vào…., bên cạnh sự quan tâm của doanh nghiệp đến các quy trình cấp phép Halal vẫn còn hạn chế, thiếu bài bản, cùng với cạnh tranh từ các nước khác…
Theo bà Nguyễn Thị Điệp Hà - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pakistan, Halal không chỉ là khái niệm tôn giáo mà đã trở thành biểu tượng toàn cầu của chất lượng, đạo đức và lối sống lành mạnh. Ngày càng nhiều người tiêu dùng không theo đạo Hồi cũng lựa chọn sản phẩm Halal. Mặc dù thực phẩm thường được nhắc đến đầu tiên, nhưng lĩnh vực Halal lớn nhất trên thế giới là tài chính Hồi giáo (Islamic Finance), với quy mô 3,7 nghìn tỷ USD, theo sau là thực phẩm (1,4 nghìn tỷ USD), thời trang, truyền thông - giải trí, dược phẩm và mỹ phẩm Halal.
Pakistan là một trong ba thị trường Halal lớn nhất thế giới và hiện đã trở thành đối tác nhập khẩu quan trọng của Việt Nam. Pakistan là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam (hơn 40% tổng lượng chè xuất khẩu). Cá tra chiếm đến 95% thị phần tại đây, còn các mặt hàng như hạt tiêu, hạt điều, cà phê Việt Nam cũng ngày càng được ưa chuộng. Đặc biệt, Việt Nam gần đây đã xuất khẩu thành công nước hoa quả vào Pakistan – một thị trường có ngành chế biến trái cây phát triển mạnh. Ngoài thực phẩm, du lịch Halal của Việt Nam cũng có bước phát triển tích cực nhờ chính sách visa mới. Một số sản phẩm chăm sóc cá nhân và vệ sinh cơ thể của Việt Nam đã có mặt trên thị trường, mở đường cho mỹ phẩm Halal.
Tuy nhiên, lĩnh vực tiềm năng lớn nhất là tài chính Hồi giáo hiện vẫn chưa được Việt Nam khai thác hiệu quả. Thương vụ kiến nghị Bộ và các đơn vị chức năng sớm thúc đẩy ngành ngân hàng và tài chính tiếp cận lĩnh vực này, đồng thời chú ý hơn đến nhóm sản phẩm thời trang Halal, truyền thông và giải trí Halal.
Nhấn mạnh hiện Việt Nam vẫn chưa có nhiều nguồn nhân lực am hiểu về thị trường Halal, ông Trương Xuân Trung - phụ trách Thương vụ Việt Nam tại UAE nêu kiến nghị, cần hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp lý về Halal, trong đó Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-UAE (CEPA) mới được ký kết được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.
Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác với các quốc gia Hồi giáo về chứng nhận Halal, hỗ trợ thúc đẩy nhiều doanh nghiệp có giấy chứng nhận Halal hơn để xuất khẩu vào thị trường nhiều tiềm năng này.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, trước các thách thức đang ngày càng phức tạp, các thương vụ không thể chỉ giải quyết từng thị trường đơn lẻ mà cần mở rộng tư duy kết nối khu vực, hiểu rằng các vấn đề thương mại mang tính liên thông và ảnh hưởng qua lại lẫn nhau.
Thứ trưởng nhấn mạnh: “Chúng ta cần có sự liên kết với khu vực cũng như các quốc gia khác trên thế giới. Không thể chỉ nhìn vấn đề cá biệt mà bỏ qua hệ lụy toàn diện”.
Một trong những kết quả cụ thể được thống nhất tại hội nghị là việc xây dựng báo cáo định kỳ với các tiêu chí rõ ràng về thời hạn, nội dung và chất lượng. Đồng thời, Thứ trưởng giao Cục Xúc tiến Thương mại phối hợp với các đơn vị liên quan để khẩn trương xây dựng một đề án chi tiết, trình báo cáo sơ bộ trong vòng 15 ngày để tiếp tục thảo luận và hoàn thiện.
Đặc biệt, Thứ trưởng cũng yêu cầu hệ thống thương vụ phải tuân thủ nghiêm túc thời hạn xử lý kiến nghị từ các hiệp hội doanh nghiệp và địa phương. “Chúng ta đã thống nhất nguyên tắc này trong các cuộc giao ban trước đây, do đó, đề nghị các đồng chí đặc biệt lưu tâm và thực hiện nghiêm túc”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2025 lần này không chỉ là hoạt động báo cáo thường kỳ, mà còn đóng vai trò như một bước chuyển mình trong tư duy xúc tiến thương mại. Từ chỗ “bị động phản ứng” trước biến động thị trường, các cơ quan và doanh nghiệp Việt Nam buộc chuyển sang trạng thái chủ động thích ứng, đi trước một bước, nắm bắt xu hướng và đề phòng rủi ro từ chính sách của đối tác./.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, các chính sách điều chỉnh thuế suất đối với hàng hóa nhập khẩu được Hoa Kỳ áp dụng với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Trước những thách thức mới từ chính sách điều chỉnh thuế của Hoa Kỳ, Bộ Công Thương đã nhanh chóng đề xuất một loạt giải pháp mang tính chiến lược nhằm bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam cũng như duy trì đà phát triển bền vững trong hoạt động xuất khẩu.
Phía cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng đề xuất một số giải pháp nhằm ứng phó với lệnh thuế quan mới của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Trước hết, cần đẩy mạnh hợp tác song phương thông qua các cơ chế đối thoại hiệu quả như Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA), từ đó tạo nền tảng để tháo gỡ các vấn đề phát sinh một cách kịp thời, minh bạch.
Song song đó, việc cải thiện môi trường kinh doanh trong nước cũng được xác định là nhiệm vụ then chốt. Điều này bao gồm việc đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu, giảm thiểu rào cản hành chính, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế.
Đại diện cơ quan thương vụ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa, xem đây là bước đi cần thiết để từng bước giảm sự phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, gia tăng khả năng tự chủ và sức đề kháng của nền kinh tế trong bối cảnh biến động toàn cầu.
Bên cạnh đó, việc vận động chính sách, đẩy mạnh đàm phán cấp cao với các đối tác thương mại lớn và các tổ chức kinh tế quốc tế cũng được đặt lên hàng đầu. Đây không chỉ là nỗ lực bảo vệ lợi ích trước mắt mà còn là bước đi cần thiết để xây dựng hình ảnh một Việt Nam chủ động, chuyên nghiệp và đáng tin cậy trên bản đồ thương mại toàn cầu.