Thương hiệu quốc gia - bệ phóng để doanh nghiệp vươn xa

Chúng ta có thể kỳ vọng việc khẳng định thương hiệu Việt trên trường quốc tế là có triển vọng, song phải có thời gian, lộ trình để tích tụ năng lực và kinh nghiệm, vừa bằng sự hỗ trợ của Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương và sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, các ngành hàng, mới tạo ra đột biến.
Ảnh minh họa. Nguồn: daibieunhanhdan.vn

Còn nhiều khó khăn

Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Bùi Thế Đức, trước tác động nhiều chiều của quá trình vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, việc xây dựng chiến lược phát triển hình ảnh và thương hiệu quốc gia là một yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách, trong đó công tác tuyên truyền đóng vai trò rất quan trọng.

Thực tế, công tác phát triển hình ảnh và thương hiệu quốc gia ở nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ nhận thức và sự quan tâm chưa đầy đủ của các cấp, các ngành, doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam có hàng xuất khẩu đã chịu thiệt đơn, thiệt kép do thiếu hiểu biết về pháp luật, không có ý thức về xây dựng và bảo vệ thương hiệu.

Theo ông Đức, thương hiệu hàng hóa Việt Nam vẫn đang bộc lộ những bất cập lớn như: bị lép vế trước các thương hiệu nước ngoài trên chính thị trường nội địa; vẫn tiếp tục phải vào thị trường thế giới thông qua trung gian hoặc dưới dạng gia công cho các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài; bị đối thủ cạnh tranh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, khai thác một cách bất lợi trên thị trường thế giới… Trong khi đó, hiện nay, hàng hóa, thương hiệu quốc gia nào chiếm lĩnh thị trường quốc tế càng rộng lớn thì quốc gia đó càng hùng mạnh.

Theo thành viên Ban cố vấn Chương trình Thương hiệu quốc gia Nguyễn Quốc Thịnh, hiện có 2 hướng chính trong xây dựng Thương hiệu quốc gia. Một là, xây dựng như một thương hiệu tập thể, trong đó lựa chọn lĩnh vực tiêu biểu để định vị. Hai là như một thương hiệu chứng nhận, là tạo ra bộ tiêu chí, khuôn khổ đáp ứng và chứng nhận về uy tín và chất lượng sản phẩm, chứng nhận về những giá trị văn hóa và bản sắc.

Ông Bùi Thế Đức cũng cho biết, biên giới hành chính có khi bị mờ đi khi hàng hóa, dịch vụ của quốc gia này chiếm lĩnh lãnh thổ quốc gia khác. Do đó, để tránh bị xâm chiếm lệ thuộc vào kinh tế, bị thua thiệt, trở thành nơi tiêu thụ hàng hóa của nước khác, thành bãi rác đồ cũ, Nhà nước phải tạo điều kiện để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, dựa trên tính độc đáo, sự khác biệt…

Hiện trong 2 phân khúc đầu trong chuỗi quá trình tạo giá trị gia tăng trên toàn cầu là nghiên cứu, phát triển sở hữu trí tuệ và sản xuất xây dựng thương hiệu, phát triển thương mại, dịch vụ, Việt Nam không có nhiều lợi thế nhưng có thể đua tranh ở 2 phân khúc sau, đó là xây dựng thương hiệu và phát triển thương mại, dịch vụ.

Cần sự hợp tác của báo chí

Để có thể làm nên thương hiệu quốc gia, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, vai trò của báo chí, truyền thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Với tư duy sắc bén, nhận định sắc sảo, báo chí đóng vai trò vô cùng quan trọng, đã nêu ra những tồn tại, hạn chế trong thực trạng xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu tại Việt Nam; những thách thức mà quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp đang và sẽ phải đối mặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Qua đó, giúp các cơ quan chức năng điều chỉnh chính sách phù hợp, có ý kiến phản biện xã hội cần thiết khi xây dựng các chính sách mới.

Theo ông Hải, báo chí cũng kịp thời phản ánh ý kiến của người tiêu dùng đối với sản xuất và thương hiệu sản phẩm của Việt Nam, giúp doanh nghiệp có thông tin định hướng để xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh và thương hiệu bền vững hơn, đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của khách hàng.

Tuy nhiên, theo ông Hải, để những nội dung, mục đích và ý nghĩa của Chương trình Thương hiệu quốc gia đến được với doanh nghiệp với người dân cần có sự đồng hành, hợp tác chặt chẽ của các cơ quan thông tấn báo chí.

Cùng quan điểm, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, xây dựng thương hiệu quốc gia là trách nhiệm của cả cộng đồng trong đó có vai trò của báo chí. Do đó, để có thể làm tốt công tác tuyên truyền cho Chương trình Thương hiệu quốc gia, thời gian tới cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội, các cấp lãnh đạo, doanh nghiệp về sự cần thiết phải phát triển hình ảnh và thương hiệu quốc gia trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng. Công tác tuyên truyền phải nhấn mạnh giáo dục ý thức tự tôn, lòng tự hào, tự trọng của dân tộc, xây dựng đạo đức, văn hóa, trách nhiệm xã hội và sự tự tin cho doanh nghiệp.

Rõ ràng, trước tác động nhiều chiều của quá trình vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của đất nước, việc xây dựng chiến lược phát triển hình ảnh và thương hiệu quốc gia Việt Nam là một yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách, trong đó công tác tuyên truyền đóng góp một phần rất quan trọng. Và chính việc xây dựng thương hiệu quốc gia thành công sẽ là bệ phóng giúp doanh nghiệp Việt vững bước phát triển trong thời kỳ hội nhập.




Theo daibieunhandan.vn


Theo

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: vanphong.vacod@gmail.com

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: toasoan@thuonggiaonline.vn
Website: https://thuonggiaonline.vn/