Thế hệ 9x phải đi làm bao lâu mới có thể sở hữu một căn chung cư?

Tại thời điểm giá bất động sản tăng chóng mặt, vượt xa mức tăng thu nhập trung bình, nhiều bạn trẻ, dù làm việc chăm chỉ và tiết kiệm tối đa, vẫn đối mặt với bài toán tài chính nan giải làm sao để có thể mua được nhà?

GIẤC MƠ CÓ NHÀ NGÀY CÀNG XA VỜI

Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn công bố tại hội nghị Bất động sản Việt Nam (Vietnam Real Estate Summit - VRES) 2024, nếu so sánh lương trung bình và giá nhà của thời xưa - nay, có thể thấy không riêng gen Z hiện nay mà người trẻ Việt, dù ở thời buổi nào cũng gặp không ít khó khăn trong việc tự mua nhà.

Vào năm 2004, một cá nhân thuộc thế hệ 7x mất khoảng 31,3 năm thu nhập để mua được một căn chung cư (60m2) giá 0,6 tỷ đồng, trong điều kiện lãi suất huy động là 7,4%.

Sau 10 năm, số năm thu nhập để một cá nhân thuộc thế hệ 8x mua được căn hộ như trên là 22,7 năm. Giá căn hộ đã tăng lên 1,5 tỷ đồng trong khi lãi suất huy động giảm còn 6%.

Đến năm 2024, một cá nhân 9x cần 25,8 năm thu nhập để mua căn hộ trên (giá 3 tỷ đồng) trong điều kiện lãi suất huy động là 4,5%. Tuy số năm thu nhập và lãi suất đã giảm dần theo thời gian nhưng nhìn chung, người trẻ thuộc các thế hệ vẫn cần nỗ lực trong thời gian dài mới có thể tự sở hữu nhà.

the-felix-khai-truong-nha-mau.jpg
Giấc mơ có nhà ở của nhiều người trong độ tuổi 25 - 35 sẽ tiếp tục là một thách thức lớn

Như trường hợp anh Nguyễn Hữu (34 tuổi) đã đi làm tại Hà Nội hơn 10 năm, những vẫn chưa thể mua nhà tại đây. Ra trường năm 2011 – 2012 với mức lương thấp, chỉ đủ ăn với thuê nhà ở, mấy năm sau lương mới tăng dần. Dù chắt bóp, chi tiêu tiết kiệm đến mấy, anh cũng chưa thể đủ tiền mua một căn hộ chung cư ở Hà Nội.

“Với cả vừa lập gia đình được 4 năm, vợ vừa sinh con, khi có gia đình nhiều thứ phát sinh thêm. Nên tôi vẫn tiếp tục cân đối, biết là mua nhà sẽ cần đi vay thêm, nhưng tôi chưa dám quyết, chắc phải đợi thêm 1 thời gian nữa”, anh Hữu chia sẻ.

Tương tự, chị Thanh Hoà (29 tuổi) nhân viên marketing tại TP.HCM đang sống trong một căn phòng trọ nhỏ chưa đầy 15m2 suốt 5 năm qua. Với mức lương 20 triệu đồng/tháng, Hòa luôn ấp ủ giấc mơ sở hữu một căn hộ cho riêng mình. Tuy nhiên, trên thực tế giấc mơ này càng trở nên xa vời với chị Hoà

“Tôi từng nghĩ chỉ cần tiết kiệm chăm chỉ và làm việc nỗ lực, mình sẽ mua được nhà trước năm 30 tuổi. Nhưng giá nhà thì tăng quá nhanh, trong khi tốc độ tăng lương lại rất chậm,” Hòa chia sẻ.

Theo tính toán của cô gái trẻ, để mua một căn hộ giá rẻ tại quận vùng ven với giá 2,5 tỷ đồng, cô cần có ít nhất 600 - 800 triệu đồng tiền tiết kiệm để trả trước, số còn lại vay ngân hàng. Nhưng hiện tại, sau nhiều năm tiết kiệm, số tiền cô tích góp được chỉ hơn 300 triệu.

Dù có đủ 800 triệu để thanh toán trước và vay ngân hàng 1,7 tỷ đồng với mức lương 20 triệu/tháng thì chị Hoà cũng phải chật vật lo trả lãi, gốc và chi tiêu cuộc sống.

Theo khảo sát của Savills, giá nhà tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đã tăng trung bình 10-15% mỗi năm trong thập kỷ qua. Trong khi đó, mức thu nhập của người trẻ lại tăng không tương xứng. Điều này khiến khoảng cách giữa khả năng tài chính và giá bất động sản ngày càng rộng ra.

Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người trẻ hiện vẫn còn hạn chế và khó tiếp cận. Còn chương trình vay mua nhà ưu đãi đòi hỏi người vay phải chứng minh thu nhập ổn định trong nhiều năm, điều không dễ dàng với những người làm việc trong môi trường tự do hoặc có thu nhập không cố định.

Với tình hình hiện tại, giấc mơ có nhà ở của nhiều người trong độ tuổi 25 - 35 có lẽ sẽ tiếp tục là một thách thức lớn nếu không có những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn từ các cơ quan quản lý và sự điều chỉnh của thị trường bất động sản.

GIÁ BẤT ĐỘNG SẢN TĂNG 59% TRONG 5 NĂM

Nhận định về thị trường bất động sản năm 2024, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, thị trường ghi nhận mức quan tâm lớn đến các vấn đề về giá bán và khó khăn khi sở hữu bất động sản.

Quảng cáo

Số liệu từ Global Property Guide cho thấy giá bán bất động sản Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng so với thế giới. Cụ thể, tăng trưởng giá bất động sản trong 5 năm của Việt Nam đạt mức 59%, cao hơn nhiều quốc gia khác như Mỹ (54%), Úc (49%), Nhật Bản (41%), Singapore (37%)…

Ông Nguyễn Quốc Anh đánh giá, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế đầu người, lạm phát mạnh mẽ. Đồng thời, môi trường lãi suất và hiệu quả đầu tư các kênh trong nước đều củng cố nhu cầu mua bất động sản của người tiêu dùng.

Bởi tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện ở mức 34,8%, cao hơn trung bình thế giới (20,8%) và các nước đang phát triển (22%). Mặt khác, lạm phát tại Việt Nam cũng ở mức cao hơn so với trung bình các nước.

Hiện tại, môi trường lãi suất ở Việt Nam đang dần trở về mức thuận lợi hơn và tỷ trọng tài sản tích trữ trong GDP của Việt Nam khá cao (32,8%), đứng thứ 27 trên thế giới (trung bình 27,1%).

Với lượng tiền tích trữ, người Việt Nam có một số kênh đầu tư chính như thị trường tài chính, bất động sản, vàng, ngoại tệ và gửi tiết kiệm. Trong khi kênh đầu tư vàng nhiều biến động, rủi ro và có chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới, Kênh ngoại tệ và gửi tiết kiệm có lợi suất ở mức khá thấp, trong khoảng 9 – 13%/2 năm.

anh-man-hinh-2024-12-03-luc-134150.png

Mức giá tăng cao khiến lợi suất cho thuê bất động sản ở Việt Nam chỉ ở mức 4%, trong khi nhiều quốc gia khác như Philippines, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Anh, Úc, Mỹ có lợi suất cho thuê bất động sản dao động từ 5 – 7%.

Đáng chú ý, theo Batdongsan.com.vn, bất động sản được đánh giá là kênh đầu tư có lợi suất tốt nhất tại Việt Nam trong 10 năm qua với tỷ suất lợi nhuận của loại hình chung cư đạt 197% và đất nền đạt 137% vào quý 4/2024 so với quý 1/2015.

Về vấn đề thuế bất động sản, đây vừa là nguồn thu, vừa là công cụ quản lý thị trường. Theo ông Quốc Anh, tham khảo từ một số quốc gia nổi bật trên thế giới, có thể thấy thuế bất động sản được sử dụng làm chính sách quản lý thị trường và tối ưu nguồn thu.

“Tuy nhiên, trước khi áp dụng, nhiều thách thức về lý thuyết và vận hành cần được cân nhắc phù hợp. Điểm nhìn cho Việt Nam nằm ở việc tồn tại nhiều thách thức từ lý thuyết đến áp dụng thuế bất động sản phù hợp”, vị chuyên gia phân tích.

Tại hội nghị Bất động sản Việt Nam, ông Bạch Dương, Tổng giám đốc nền tảng công nghệ Batdongsan.com.vn cũng đã chia sẻ lại hành trình 30 năm phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam.

Theo đó, thị trường bất động sản Việt Nam 30 năm qua có thể chia thành 5 giai đoạn chính khởi đầu (trước 2009), định hình (2009 – 2012), tăng trưởng (2013 – 2019), biến động (2020 – 2021) và thách thức (2022 – 2024).

Ở giai đoạn khởi đầu (trước 2009) với hành lang pháp lý từ Luật, và môi trường vĩ mô thuận lợi. Sau khi gia nhập WTO năm 2007, Việt Nam có FDI vào lĩnh vực bất động sản tăng trưởng mạnh, từ 8,5 tỷ USD năm 2007 tăng lên 23,6 tỷ USD năm 2008 và 21,5 tỷ USD năm 2009. Nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đã ra mắt và các dự án mới đều thu hút sự quan tâm.

Sang giai đoạn định hình (2009 - 2012), việc tín dụng giảm, lãi suất tăng khiến thị trường bất động sản mất thanh khoản và giá giảm liên tiếp. Lượng hàng tồn kho bất động sản đã tăng từ 108,4 nghìn tỷ đồng năm 2009 lên 192,7 nghìn tỷ đồng năm 2011.

Lúc này, các doanh nghiệp trải qua quá trình sàng lọc khắc nghiệt. Khi người tiêu dùng mất niềm tin, nhiều kênh thông tin bất động sản trực tuyến đã ra đời để cải thiện tính minh bạch.

ong-bach-duong-tong-giam-doc-batdongsancomvn-1.jpg
Ông Bạch Dương, Tổng giám đốc nền tảng công nghệ Batdongsan.com.vn

Theo ông Bạch Dương, đến giai đoạn tăng trưởng (2013 - 2019), ba bộ luật mới gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã tiếp tục định hướng cho thị trường, ghi nhận cải thiện tích cực.

Ngay sau đó, thị trường trải qua giai đoạn biến động (2020 - 2021) khi đại dịch Covid - 19 ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực. Dù vậy, hoạt động mua bán bất động sản ở thời điểm này vẫn tiếp tục với nguồn cung tăng và được cao cấp hoá.

Từ năm 2022 đến nay, thị trường trải qua giai đoạn thách thức với tình hình vĩ mô khó khăn, nhiều doanh nghiệp bộc lộ yếu kém về tài chính và pháp lý.

“Hiện tại, người tiêu dùng bất động sản vẫn gặp không ít khó khăn trong quá trình tìm hiểu và lựa chọn. Vì vậy, các chủ đầu tư và nhà môi giới cũng gặp thách thức trong việc tìm kiếm khách hàng và xây dựng uy tín. Trước hoàn cảnh đó, các chủ đầu tư cũng đã có những giải pháp để phát triển và tái cơ cấu lại doanh nghiệp cho phù hợp với xu hướng của thị trường”, Tổng giám đốc nền tảng công nghệ Batdongsan.com.vn cho hay.

Theo https://thuonggiaonline.vn/ Copy

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: [email protected]

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: [email protected]
Website: https://thuonggiaonline.vn/