Với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua cùng với các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống, tỉnh Thanh Hoá đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại gắn với chuyển đổi số nhằm thúc đẩy, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và hướng tới xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của tỉnh.
Nhiều sản phẩm của tỉnh Thanh Hoá được quảng bá, giới thiệu sản phẩm và bán hàng trên nền tảng số
Khai thác sớm các kênh thương mại điện tử
Song song với việc tiêu thụ qua các kênh truyền thống, việc quảng bá, kết nối tiêu thụ qua ứng dụng công nghệ số là xu thế tất yếu, đã và đang khẳng định là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, các chủ thể lan tỏa thương hiệu trên môi trường thương mại điện tử.
Trong đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ số là một trong những yếu tố then chốt giúp sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh Thanh Hóa nâng cao về chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường. Từ việc sớm nắm bắt lợi thế của công nghệ số và khai thác sớm các kênh thương mại điện tử, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh không chỉ tìm được thị trường tiêu thụ ổn định trên các trang thương mại điện tử, website bán hàng và mạng xã hội, mà còn tìm ra cơ hội phát triển sản phẩm trên thị trường.
Đến nay, Thanh Hóa đã có khoảng 1.050 sản phẩm của khoảng 600 doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản thực phẩm tham gia quảng bá giới thiệu và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử Voso.vn, Posmart.vn, Lazada, Shopee, Tiki. Thông qua việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đã góp phần đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh và giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã tăng doanh số bán hàng bình quân từ 15 - 20%/năm.
Thông qua các hoạt động thương mại điện tử, nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩn tiêu biểu chủ lực của tỉnh đã có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như sản phẩm mắm tôm, mắm tép Lê Gia; dứa, ngô ngọt, dưa bao tử đóng hộp Trường Tùng và dứa khoanh, dưa bao tử đóng hộp của Công ty TNHH Tư Thành; các sản phẩm chế biến từ rau má của Công ty CP Phong Cách Mới; các sản phẩm vải thiều của Công ty Hồ Gươm Sông Âm…
Hiện nay, các sở, ngành, đơn vị của tỉnh cũng đã và đang hỗ trợ cập nhật, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tiềm năng, có lợi thế của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh trên chuyên trang thông tin điện tử giới thiệu nông sản Thanh Hóa. Ngành nông nghiệp phối hợp với các ngành công thương, thông tin và truyền thông đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Thống kê cho thấy từ đầu năm 2024 đến nay các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân đưa thêm 355 doanh nghiệp, hộ sản xuất tham gia sàn thương mại điện tử, với tổng số 400 sản phẩm OCOP. Bên cạnh việc được hỗ trợ tiếp cận công nghệ và đưa hàng hoá lên sàn thương mại điện tử, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã đầu tư kinh phí xây dựng website quảng bá sản phẩm, doanh nghiệp và thành lập riêng một bộ phận truyền thông chuyên bán hàng online qua các kênh thương mại điện tử như TikTok, Shopee, Sendo.
Hiện nay, 100% doanh nghiệp trong tỉnh đã có website được cập nhật đầy đủ thông tin về giới thiệu, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp; khoảng 6.500 doanh nghiệp được tiếp cận, thông tin, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ của tỉnh về phí tư vấn chuyển đổi số và mua, thuê giải pháp công nghệ số. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể đã tham gia các sàn thương mại điện tử; sử dụng các nền tảng mạng xã hội Facebook, YouTube, Zalo… để quảng bá, bán hàng; hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh đưa hơn 87.000 sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử voso.vn và portmart.vn; trong đó có 187 sản phẩm OCOP...
Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại
Tại các chương trình hội chợ sản phẩm OCOP, tuần xúc tiến thương mại, tuần bán hàng trực tuyến, hội chợ thương mại Việt - Lào... do tỉnh Thanh Hoá chủ trì tổ chức hoặc tham gia tại các địa phương khác, hầu hết các chương trình đều được lồng ghép với các hoạt động chuyển đổi số như: Thanh toán quét mã QR code; đặt hàng trực tiếp qua các sàn thương mại điện tử; hướng dẫn, định hướng người dân phương thức đặt hàng, hình thức thanh toán thông qua internet khi mua sản phẩm...
Các hoạt động đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP Thanh Hóa đã triển khai kết nối, tiêu thụ sản phẩm của tỉnh tới các địa phương, các tỉnh, thành phố trong nước. Điển hình như, thông qua tuyên truyền, tập huấn, các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng mã QR truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm...
Theo Sở Công Thương tỉnh Thanh Hoá, hiện nay trong sản xuất và lưu thông hàng hóa với trình độ công nghệ ngày một phát triển, việc quản lý hàng hóa bằng máy móc điện tử đã không còn xa lạ đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là mã QR code có chức năng truy xuất được nguồn gốc thông tin sản phẩm. Ngay từ năm 2023, Sở Công Thương Thanh Hoá đã đẩy mạnh việc hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã nâng cao năng lực xúc tiến thương mại trên nền tảng số cũng như phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản. Qua đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã tham gia quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử.
Nhằm hỗ trợ các tổ chức xúc tiến thương mại và các doanh nghiệp trên địa bàn nâng cao nhận thức, năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành kế hoạch “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030”.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 Thanh Hóa có 100% tổ chức xúc tiến thương mại; 70% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được cấp tài khoản trên hệ sinh thái xúc tiến thương mại số quốc gia và 50% trong số này có phát sinh giao dịch và chia sẻ thông tin; 25% số lượng hội chợ, triển lãm trên địa bàn được tổ chức trên môi trường trực tuyến. Đồng thời, đưa nền tảng số trở thành công cụ giới thiệu, quảng bá hữu hiệu cho các sản phẩm của tỉnh Thanh Hóa cũng như làm cầu nối giúp các doanh nghiệp của thành phố tìm kiếm các đối tác, mở rộng thị trường.
Tác giả: Thu Trang