Tham vọng chiếm lĩnh của AEON

Với kế hoạch đổ bộ mạnh mẽ của nhiều đại gia ngoại vào thị trường bán lẻ VN, bên cạnh những cơ hội, DN bán lẻ nội sẽ còn phải đối mặt với nguy cơ “chiếu dưới” và bị “nuốt trọn” thương hiệu. Bước tiến thứ 3 của tập đoàn Aeon sắp tới là câu chuyện cần nhìn thấu đáo.

Mở cửa chính thức tại thị trường VN từ đầu năm 2014, nhưng Aeon VN đã không hổ danh là tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước Nhật khi lần lượt có mặt trên bản đồ đầu tư tại các đô thị lớn nhất nước.

Kế hoạch “thần tốc”

Ban đầu, Aeon xuất hiện với cụm trung tâm thương mại theo mô hình trọn gói On-stop shopping ở Tân Phú, một khu vực ven đô TP HCM. Xu hướng đầu tư mặt bằng ngoại thành ven đô theo cách thức chọn điểm bán lẻ xa trung tâm của của các Tập đoàn bán lẻ đa quốc gia ở các nước phát triển đã chứng minh “chân lý đúng” với cả thị trường Việt, cho dù đây vẫn là một thị trường nhiều xe máy hơn ôtô và đại đa số người dân cũng chưa hoàn toàn có thói quen mua sắm tại kênh phân phối hiện đại, như ở các thị trường phát triển.

Một số liệu từ Aeon Mall cho biết từ khi khai trương tại đây đến nay, Aeon Celadon Tân Phú đã thu hút lượng khách hàng vượt dự kiến, với đối tượng phục vụ không chỉ cho dân số thuộc địa bàn Tân Phú mà còn mở rộng phục vụ được cho đại bộ phận người dân tại TP HCM. Cần nhớ Aeon tuy chính thức khai trương tại VN đầu năm nay nhưng trước đó đã đặt văn phòng đại diện từ năm 2009. Một sự chuẩn bị bằng với một chu kì kinh tế tới 5 năm đủ để cho Aeon khảo sát, nghiên cứu sâu sát xu hướng mua sắm tiêu dùng của người dân và biết họ cần gì, muốn gì.

Do đó đại gia bán lẻ này cũng đã chẳng ngần ngại đặt mục tiêu sẽ tăng 20%/năm tại thị trường Việt, bất chấp những yếu tố như: Thương hiệu mới xâm nhập thị trường, sức mua trên thị trường nói chung đang yếu, hệ thống mạng lưới chuỗi tại các đô thị lớn còn mỏng (so với các DN cùng ngành khác) và quan trọng nhất, tăng trưởng bán lẻ bình quân trên thị trường chỉ mới bằng 1/3 mục tiêu Aeon Mall VN đặt ra.

Bước tiến thứ hai của Aeon VN, sau Aeon Mall Celadon Tân Phú là chuỗi TTTM được thành hình, với tổng vốn hơn 500 triệu USD rót vào VN tính đến thời điểm này cho 4 TTTM (Tân Phú, TP HCM), Bình Dương (10/2014) và Long Biên (Hà Nội 2015) và Aeon Bình Tân (TP HCM, sẽ được đưa vào hoạt động giữa năm 2016). Và có lẽ để hoàn thiện cũng như khẳng định khả năng cạnh tranh với các nhà bán lẻ khác theo cách nói của ông Yukio Konishi Chủ tịch, Tổng giám đốc Aeon Mall VN, một nguồn tin chưa chính thức trên thị trường cho biết đại gia này cũng đang có kế hoạch liên kết với với hai DN bán lẻ nội để khai phá cả hai thị trường bán lẻ miền miền Nam và miền Bắc.

Trao đổi với DĐDN, bộ phận truyền thông của Aeon Mall cho biết họ chưa thể chính thức khẳng định thông tin này. Dầu vậy, nhìn trên tổng quan, có lẽ chiến lược liên kết với DN nội để phát triển tại thị trường Việt sẽ là bước đi rất có khả năng xảy ra với Aeon VN trong thời gian tới. Cũng là lựa chọn phù hợp với mục tiêu và năng lực cạnh tranh hiện tại của một số DN tư nhân bán lẻ nội địa, như một xu thế tất yếu của việc mở cửa thị trường.

Lợi của người đến sau

Theo nguồn tin nói trên thì hai DN đang có mặt trên bàn đàm phán kế hoạch liên kết với Tập đoàn Aeon tại thị trường VN sẽ diễn ra vào cuối năm nay là Fivimart với chuỗi 18 siêu thị bán lẻ ở khu vực phía Bắc và Citimart với chuỗi 28 siêu thị tại các đô thị miền Nam VN. Dựa trên chuỗi siêu thị mà hai DN này đang sở hữu, có thể nói, bên cạnh các TTTM chính, việc hợp tác song song với hai DN có sẵn mạng lưới ở 2 thị trường sẽ lập tức giúp Aeon “phủ sóng” tới các đô thị ở hai khu vực kinh tế phát triển nhất VN, và “chữa cháy” được kế hoạch đầu tư thần tốc ban đầu đang có nguy cơ chững lại do VN đang có chính sách “kiểm duyệt” chặt chẽ các kế hoạch đầu tư TTTM, siêu thị quy mô lớn (trên 500m2).

Một số các nội dung đáng lưu ý trong kế hoạch liên kết vẫn dẫn theo nguồn tin này là trong giai đoạn đầu, thông qua hai DN bán lẻ đi trước, Aeon sẽ bán các sản phẩm thực phẩm và hàng tiêu dùng mang thương hiệu Top Value được chuyển từ hệ thống siêu thị của Aeon tại Thái Lan và Malaysia sang. Sau đó, Aeon sẽ liên kết với các doanh nghiệp thực phẩm và hàng tiêu dùng tại VN để phát triển mặt hàng theo đơn hàng riêng của Aeon.

Nhìn lại mục tiêu bán hàng (khoảng hơn 50% hàng hóa nội địa và phần còn lại là hàng nhập) của Aeon đặt ra khi xuất hiện tại VN, rõ ràng việc liên kết nhìn từ phía Aeon sẽ giúp giảm được chi phí đầu tư ban đầu nhưng vẫn xây dựng được xây dựng mạng lưới lưu thông, tiêu thụ hàng hóa. Về lâu dài, những điểm mấu chốt như nắm bắt được hệ thống cung ứng sản phẩm cũng như tăng mức độ quen thuộc, nhận diện thương hiệu, tiếp thị thương hiệu Aeon trên thị trường, sẽ là nền tảng cho kế hoạch phát triển hàng loạt trung tâm mua sắm tại VN trên cơ sở tiêu thụ hàng nhãn riêng của Aeon được sản xuất ngay tại VN. Nói cách khác, nghĩ dài hay nghĩ ngắn, nếu việc liên kết này xảy ra, Aeon đều sẽ tính toán các lợi ích… đồng bộ.

Thay lời kết

Cũng phải nói thêm việc liên kết, theo dạng  đầu tư hoặc lập liên doanh mới giữa các đối tác nội và ngoại không phải là xu thế mới chớm mà đã diễn ra trong suốt thời gian qua, với đa dạng các hình thức như Coop Mart thực hiện lập liên doanh góp vốn cổ phần với một DN Singapore, Tập đoàn Phú Thái hợp tác cùng DN Nhật cho ra Family Mart, Sujitz đầu tư vào hệ thống phân phối bán lẻ Hương Thủy…

Với Aeon, dù đang ở “chiếu trên” khi tiến vào thị trường Việt, để có thể sớm gặt hái từ kế hoạch đầu tư thần tốc” và có chỗ đứng dài lâu như cam kết đầu tư dài hạn, lựa chọn khôn ngoan của đại gia này vẫn là liên kết thay cho đối đầu. Ngược lại, ở “chiếu dưới” về tiềm lực tài chính, năng lực bán hàng và quản trị chuỗi, quản trị kênh phân phối, việc liên kết cũng sẽ giúp DN nội giảm bớt “thương vong” trong thế trận mở cửa thị trường. Tất nhiên, không loại trừ DN nội vẫn sẽ bị “thương vong” sau một thời gian song hành với DN ngoại, và nguy cơ bị nuốt trọn vẫn có thể xảy ra trong tương lai nếu DN nội không đặt mục tiêu “học tập” và nhận được gì từ đối tác, ngoài những lợi ích ngắn hạn hay chỉ đơn thuần có giá trị hữu hình trong trước mắt!

Làm sao để “cúi” nhưng không “thấp”, là điều các DN bán lẻ nội nói riêng, là các DN nội nói chung, đối mặt với làn sóng dịch chuyển đầu tư và mở cửa thị trường hội nhập, vào lúc này, cần nghĩ!

Người đi trước thua thiệt?

Việc liên kết với Aeon có lợi cho DN đi trước và có lợi cho thị trường hay không?

Một chuyên gia chuyên về thị trường bán lẻ cho rằng nếu nhìn vào hai điều khoản cụ thể kể trên, dường như vị thế đàm phán đang thuộc về Aeon. Bởi lẽ, dù là điều khoản ở giai đoạn nào thì Aeon cũng sẽ được “hưởng” nhiều hơn khi: Thứ nhất, xâm nhập được vào mạng lưới cung ứng hàng bán và tiêu thị trên thị trường. Đồng nghĩa, DN Việt sẽ “tiếp tay” cho sự bành trướng của Aeon ngay trên chính thị trường họ đang “canh tác”. Thứ hai, khi qua hai nhà phân phối này, Aeon đặt hàng sản phẩm nhãn riêng, thì DN được hai nhà phân phối thuê sản xuất nhãn riêng tuy có lợi (vì có thêm đơn hàng sản xuất) và bản thân hai nhà phân phối này có lợi nhuận ( từ chi phí đặt hàng trung gian của Aeon) nhưng hơn thế, việc sản xuất nhãn riêng của Aeon sẽ giúp Aeon định vị tốt thương hiệu ngay trên thị trường VN; cũng là một cách gián tiếp tăng sức cạnh tranh cho đối thủ - nếu các DN bán lẻ nội xem Aeon là đối thủ. Chưa kể, Aeon có thể được lợi trực tiếp từ việc tiêu thụ nhãn hàng riêng, như “tấm gương” Metro VN đã làm và thu lợi lớn từ phương thức phát triển nhãn hàng riêng chuyên nghiệp này.

Song, đặt trong tương quan phát triển của DN bán lẻ nội và chiến lược phát triển Aeon tại thị trường VN, cũng theo vị chuyên gia, lựa chọn liên kết xem ra vẫn sẽ có lợi cho DN nội. “Nhiều người đặt câu hỏi tại sao trong các câu chuyện liên kết, DN nội rất ít đàm phán được các lợi điểm như, xuất khẩu hàng vào kênh phân phối của đối tác ở các thị trường khác (vừa giúp DN bán lẻ mở rộng thị trường phân phối vừa giúp DN nội địa tăng thị trường xuất khẩu)? Xin thưa, chúng ta phải đặt câu hỏi ngược lại, rằng lợi thế của DN Việt đang ở đâu? Trong bàn đàm phán với Aeon, nếu có, rõ ràng nếu không chọn liên kết, DN Việt sẽ bị rơi vào thế “face to face” – đối mặt với đối thủ. Vậy DN có đủ sức để đối mặt hay không, hay sẽ có nguy cơ bị đối phương nuốt trọn? Nên nhớ kinh tế thế giới đã chứng kiến những bài học từ cuộc đấu của các Tập đoàn xuyên quốc gia, mà trong đó các tập đoàn sẵn sàng thua lỗ trong nhiều năm, bằng đủ mọi chiêu cạnh tranh đại hạ giá để loại bớt đối phương và sau đó mới rộng đường thẳng tiến trên thị trường. Rõ ràng một khi tiềm lực tài chính chưa đủ mạnh để đối mặt, “kết bạn” sẽ… an toàn hơn so với đối mặt và bị hạ knock-out”, vị này phân tích.


“Chọn bạn mà chơi”

Ở thời điểm này, dù mức tăng trưởng thực tế không cao nhưng hàng loạt nhà đầu tư ngoại đã và đang tiếp tục hành trình thâm nhập và chinh phục thị trường VN. TS Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, một chuyên gia kinh tế và là “người trong cuộc” chia sẻ góc nhìn của mình về vấn đề này.

Theo báo cáo nghiên cứu về thị trường bán lẻ VN đến năm 2014 của Tổ chức tư vấn AT Kearney (Mỹ), thị trường bán lẻ VN - một thị trường đang phát triển với gần 90 triệu dân - được coi có mức tăng trưởng rất hấp dẫn (đến 23%/năm).

Chuyện các tập đoàn bán lẻ “cá mập” thâm nhập thị trường VN là một xu thế đang diễn ra và không thể ngăn cản được, vì VN đã hội nhập, mở cửa. Nhìn từ phía các DN Việt, chắc chắn sự xuất hiện của những đối thủ đáng gờm này có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay: kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản đang đình trệ.

Chắc chắn sự xuất hiện của những đối thủ đáng gờm này có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

Tại sao bất động sản có liên quan? Vì trước khi thị trường này bị đóng băng thì các nhà bán lẻ như chúng tôi có thể đi thuê mặt bằng khá dễ dàng, nhờ đó không phải đầu tư vốn lớn cho khâu này. Nhưng bây giờ tình hình đã khác. Áp lực thanh khoản khiến các nhà kinh doanh bất động sản có xu hướng không muốn cho thuê mà bán đứt tài sản để trả nợ cho ngân hàng. Do đó các nhà bán lẻ VN đang phải đối diện với áp lực vốn rất lớn so với trước đây để thu xếp mặt bằng. Nói cách khác, trước đây chúng tôi không phải ra vốn nhiều cho phần cứng, nhưng bây giờ phải ra vốn cho cả phần cứng lẫn phần mềm. Trong khi đó, các nhà bán lẻ nước ngoài có tiềm lực tài chính dồi dào hơn; khi cần vốn họ có thể huy động được nguồn vốn ở nước họ với lãi suất rất thấp, thấp hơn mặt bằng lãi suất ở VN nhiều.

Thêm vào đó, lo ngại về nguy cơ bị “thôn tính”, xóa sổ thương hiệu của một số DN Việt cũng không phải không có cơ sở. Đã có trường hợp xảy ra như vậy. 

Tôi cho rằng trong việc này yếu tố quan trọng nhất vẫn là nội lực của DN. Mỗi DN phải chọn cho mình một chiến lược với những giải pháp  phù hợp, căn cứ vào mục tiêu, tôn chỉ riêng. Hợp tác với nước ngoài hay không, nếu có thì hợp tác trong lĩnh vực nào và đến đâu? Phải nói thẳng là các tập đoàn bán lẻ trên thế giới với quy mô về vốn liếng, tiềm năng về công nghệ và kinh nghiệm thương trường dạn dày hàng chục, hàng trăm năm luôn luôn có nhiều lợi thế hơn và sẵn sàng nuốt chửng “ông bạn đường” nhỏ bé, nếu mình không đủ sức song hành với họ trong một chặng đường dài. Tóm lại phải lượng sức mà hoạch định chiến lược đề kháng; đặc biệt là phải khéo léo chọn bạn mà chơi!

Bản thân Co.opmart cũng có đối tác nước ngoài. Chúng tôi đã thành lập Liên doanh Saigon Co.op & FairPrice và ngày 17-5 vừa rồi đã chính thức khai trương Co.opXtraplus Thủ Đức - đại siêu thị kết hợp phân phối số lượng lớn đầu tiên tại VN.

Chúng tôi lựa chọn hợp tác trong lĩnh vực kinh doanh đại siêu thị bởi vì đại siêu thị là mô hình kinh doanh quy mô rất lớn, cần có nguồn vốn dồi dào, đối tác giàu kinh nghiệm, nắm vững công nghệ bán lẻ hiện đại. Thứ hai, chúng tôi đã cân nhắc kỹ và lựa chọn đối tác là Tập đoàn NTUC FairPrice (Singapore), một hợp tác xã kinh doanh bán lẻ số 1 của Singapore. Tôn chỉ và quan điểm kinh doanh của các tổ chức hợp tác xã khác hẳn so với các tập đoàn tư bản khác; do cùng là hợp tác xã, FairPrice và Co.opMart sẽ dễ dàng tìm được tiếng nói chung hơn.

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ về tỷ lệ vốn góp. Saigon Co.op nắm giữ 64% vốn, dù đối tác sẵn sàng góp nhiều hơn, nhưng chúng tôi khống chế tỷ lệ ở mức đó và ràng buộc ngay từ đầu trong hợp đồng liên doanh là chúng tôi luôn luôn phải nắm cổ phần chi phối trong mọi trường hợp. Đó là hướng đi của chúng tôi, có thể chưa phải tối ưu đối với các DN khác. Nhưng nếu không muốn bị thôn tính, tôi vẫn muốn nhấn mạnh một lần nữa yêu cầu cực kỳ quan trọng là lựa chọn đối tác. Đi với một người khổng lồ cũng có cái hay, nhưng có cái cần phải cẩn trọng, lường trước các tình huống xảy ra với mình.

TS Nguyễn Ngọc Hòa
Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; 
Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX thương mại TPHCM (Saigon Co.op)

Lê Mỹ

Theo

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: vanphong.vacod@gmail.com

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: toasoan@thuonggiaonline.vn
Website: https://thuonggiaonline.vn/