Tính hiệu quả của công nghiệp chế biến nông, thủy sản
Công nghiệp chế biến nông, thủy sản không chỉ gìn giữ, khắc phục làm giảm hư hao sản phẩm nguyên liệu, mà còn bổ sung, làm tăng giá trị sử dụng của sản phẩm; mở rộng khả năng cung ứng hàng hóa trên thị trường với mẫu mã, hình thức đa dạng, kích thích nhu cầu mở rộng khả năng tiêu dùng của xã hội. Tính hiệu quả của công nghiệp chế biến nông, lâm sản, trên thị trường được thể hiện ở khối lượng lợi nhuận do sự phát triển của công nghiệp chế biến thu được. Công nghiệp chế biến càng phát triển thì sức cung hàng hóa càng lớn, sức mua càng tăng và cuối cùng khối lượng lợi nhuận thu được càng nhiều, thu nhập tăng…
Ở nước ta, công nghiệp chế biến nông, thủy sản hiện nay chiếm tỷ trọng đáng kể trong công nghiệp chế biến/sản xuất, khoảng 20% GDP. Một số sản phẩm của công nghiệp chế biến nông, thủy sản có giá trị xuất khẩu lớn, đã thu về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước như: Chè, cà phê, cao su, thủy hải sản.... Tuy nhiên, đánh giá của giới chuyên gia, ngành Công nghiệp chế biến nông, thủy sản của Việt Nam vẫn còn hạn chế về số lượng lẫn chất lượng, khả năng cạnh tranh còn thấp. Các doanh nghiệp (DN) chế biến nông, thủy sản Việt Nam đa phần đều có quy mô nhỏ, công nghệ và thiết bị lạc hậu; chưa chủ động chế biến những sản phẩm theo nhu cầu của thị trường. Trong khi, liên kết dọc theo chuỗi giá trị cũng như liên kết ngang giữa các DN chế biến với nhau và với các DN sản xuất phụ trợ lại chưa được hình thành hoặc đang trong giai đoạn thử nghiệm, thiếu chặt chẽ. Hầu hết các sản phẩm cũng như DN chế biến của Việt Nam đều chưa có thương hiệu riêng. Sản phẩm có chất lượng chưa cao, phần lớn sản phẩm xuất khẩu đều ở dạng sơ chế. Mẫu mã sản phẩm lại chậm đổi mới và chưa theo kịp những biến đổi của thị trường…
Đơn cử, trong lĩnh vực chế biến cà phê, chế biến công nghiệp chiếm khoảng 96% sản lượng cà phê cả nước. Tuy nhiên, mức độ chế biến nội địa mới chỉ đến phần tạo ra cà phê nhân. Tỷ lệ DN, tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu như cà phê bột, cà phê hòa tan… còn rất khiêm tốn. Sản lượng sản phẩm chế biến sâu chỉ đạt khoảng 20.000 tấn cà phê bột/năm và 68.000 tấn cà phê hòa tan/năm. Trong khi, sản phẩm cà phê là một trong những sản phẩm có thế mạnh trong xuất khẩu, với 85% tổng giá trị chế biến.
Lĩnh vực chế biến cao su cũng vậy, cơ cấu sản phẩm chủ yếu là cao su mủ cốm, hầu hết sản phẩm cao su chế biến (87,3%) dành để xuất khẩu hiện nay chỉ ở dạng sơ chế.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do:
Thứ nhất, quy mô ngành Công nghiệp chế biến nông, thủy sản Việt Nam còn manh mún và nhỏ lẻ, đối tượng tham gia chủ yếu là các DN nhỏ và vừa, quy mô đầu tư không lớn và sử dụng nguồn nhân công giá rẻ.
Thứ hai, hầu hết sản phẩm nông, thủy sản Việt Nam xuất khẩu đều dưới dạng sơ chế; sản phẩm có giá trị gia tăng không cao, không tiếp cận được với thị trường bán lẻ và người tiêu dùng trực tiếp, cho nên áp lực về việc đổi và đa dạng hóa sản phẩm chưa nhiều. Trong khi, các sản phẩm phụ trợ cho quá trình chế biến, nhất là chế biến thủy sản như bao bì, đóng gói, phụ gia… lại được nhập khẩu dễ dàng từ các nước trong khu vực (Thái Lan, Trung Quốc…). Điều này, khiến cho việc phát triển công nghiệp phụ trợ khó hình thành và phát triển mạnh mẽ.
Ba là, hầu hết các DN chế biến nông, thủy sản đều thực hiện chu trình sản xuất khép kín, chưa hình thành được liên kết ngang và liên kết giữa các DN chế biến trong nước với nhau, nhất là giữa DN trong nước với DN đầu tư nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài. Cho nên, nguồn lực để phát triển công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực nông, thủy sản vốn đã yếu lại càng yếu hơn.
Bốn là, phần lớn DN chế biến, nhất là các DN chế biến thủy sản đều chọn phương thức nhập khẩu sản phẩm phụ trợ từ các nước trong khu vực. Điều này khiến công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực chế biến nông, thủy sản có độ rủi ro cao và kém hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Năm là, đến nay, chính sách cũng như hiểu biết của đại bộ phận người dân đều hướng vào công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực chế tạo xe máy, ô tô, điện tử… chưa có sự quan tâm thích đáng đối với công nghiệp chế biến nông, thủy sản.
Tăng cường không gian chính sách để đẩy mạnh liên kết
Điểm mạnh của các DN Việt Nam nói chung và của các DN chế biến nông, thủy sản nói riêng là luôn biết cách tự cân bằng với sự thiếu hụt các sản phẩm phụ trợ đối với ngành của mình. Do đó, vấn đề đặt ra ở đây là cần phát huy lợi thế, khắc phục những hạn chế để phát triển công nghiệp chế biến mang lại hiệu quả kinh tế cho đất nước.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, trước tiên Chính phủ cần, khẩn trương nghiên cứu và ban hành những chính sách ưu đãi phù hợp để khuyến khích đầu tư của các nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, thủy sản. Đồng thời, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, chuyển đổi các DN chế biến nông, thủy sản thuộc sở hữu Nhà nước sang sở hữu của các thành phần kinh tế khác nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các DN chế biến nông, thủy sản.
Thứ hai, tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ phát triển các DN chế biến các nông, thủy sản có lợi thế cạnh tranh, lợi thế vùng, miền và có giá trị gia tăng cao như: Lúa gạo, cây công nghiệp, cây ăn quả, thủy sản… Từ đó, tạo ra những điểm nhấn làm tiền đề kêu gọi nhà đầu tư tham gia vào phát triển ngành Công nghiệp chế biến; tận dụng các thế mạnh nông sản trong nước để chế biến, góp phần ổn định việc tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Phấn đấu đến năm 2020 hình thành một nền công nghiệp chế biến nông, thủy sản hiện đại, sản xuất được các sản phẩm phù hợp với thị hiếu thị trường trong và ngoài nước.
Thứ ba, cần thực hiện đầu tư mới và khuyến khích DN chuyển đổi mô hình sản xuất, từ chế biến thô sang chế biến tinh, tạo ra những sản phẩm vừa có giá trị gia tăng cao lại vừa phù hợp với thị hiếu thị trường, nâng cao hiệu quả sản phẩm xuất khẩu.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển loại hình DN khoa học công nghệ, đặc biệt là các DN khoa học công nghệ hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch nhằm tạo ra động lực phát triển DN chế biến nông sản; tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định và có chất lượng phù hợp phục vụ cho phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản trong tương lai.
Thứ năm, chú trọng kết hợp mọi nguồn lực, mọi cơ hội đầu tư vào phát triển công nghiệp hỗ trợ, phục vụ cho hoạt động sản xuất và chế biến nông, thủy sản xuất khẩu. Đồng thời, có chính sách đẩy mạnh mối liên kết ngang giữa DN chế biến nông, thủy sản một cách vững chắc, qua đó tạo thị trường và động lực khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ lĩnh vực chế biến thủy, hải sản…
Tóm lại, việc ký kết các hiệp định thương mại tự do cũng như hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015, có thể sẽ tạo ra cơ hội để phát triển ngành Chế biến nông sản của Việt Nam nhưng cũng có thể biến ngành Nông nghiệp nước ta thành “nhà cung cấp” nguyên liệu cho các DN chế biến trong khu vực, nếu ngành Công nghiệp chế biến nông, thủy sản Việt Nam không kịp thời có những chuyển biến phù hợp.