Vị CEO 8x tài năng của TikTok trước đây vốn nổi tiếng là người kín tiếng và hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Tuy nhiên, kể từ sau màn phát biểu gây chú ý tại phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ vào tháng 3/2023, Shou Zi Chew đã trở thành một cái tên được “nhà nhà, người người” biết đến.
Phong thái điềm tĩnh, nét mặt thân thiện và khả năng diễn đạt thuyết phục của ông đã nhận được "cơn mưa lời khen" trên khắp các trang mạng xã hội, từ đó thúc đẩy số lượng người theo dõi Shou Zi Chew trên TikTok tăng vọt từ 19.000 lên đến gần bốn triệu người.
“Tôi thực sự không ngờ là mọi người lại chú ý đến mình nhiều như vậy. Với một công ty đang phát triển, việc trở nên gần gũi và mang tới cảm giác dễ tiếp cận là rất quan trọng, bởi nó có thể khiến công chúng đồng cảm và thấu hiểu hơn về chúng tôi. Qua đó, xây dựng và củng cố niềm tin đối với người tiêu dùng”, ông Shou Zi Chew bày tỏ.
SỰ NGHIỆP ĐÁNG NGƯỠNG MỘ
CEO 41 tuổi của TikTok tốt nghiệp cử nhân ngành kinh tế tại Đại học College London trước khi hoàn thành tấm bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) tại Trường Kinh doanh Harvard vào năm 2010.
Ông gặp vợ, bà Vivian Kao, khi cả hai còn là sinh viên tại Harvard. Họ thành đôi vào mùa hè năm nhất, cũng là lúc cả hai tham gia chương trình thực tập sinh ở California (Mỹ). Vào thời điểm đó, bà Vivian Kao gia nhập công ty khởi nghiệp về năng lượng sạch Better Place, còn ông Chew cũng làm việc tại công ty khởi nghiệp công nghệ, mà sau này chính là là Facebook.
Hiện tại, gia đình 5 thành viên của CEO TikTok đang sống tại Singapore, cũng chính là nơi mà ông Chew được sinh ra và lớn lên. Trải qua những năm tháng tuổi thơ ở đảo quốc sư tử trong thập niên 80 và 90, ông Shou Zi Chew từng kể lại: “Tôi học tại một trường tiểu học trong khu vực có tên là Tiểu học Hong Dao. Tôi vẫn nhớ rõ niềm vui khi chơi bóng đá với bạn bè tại nhà văn hoá khu dân cư. Tôi đá không giỏi, nhưng luôn được bạn bè nhường bóng". Lên cấp 2 và cấp 3, Shou Zi Chew theo học tại Trường Hwa Chong Junior và Trường Chinese High School - hiện được sáp nhập thành Hwa Chong Institution - một trong những ngôi trường danh giá nhất trong hệ thống giáo dục Singapore.
“Tôi có những người bạn thân thiết thời trung học, cao đẳng và đến giờ chúng tôi vẫn giữ liên lạc”, ông Chew xúc động chia sẻ trên tạp chí Vogue và cũng không quên nhắc đến quãng thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự ở quê nhà Singapore.
Theo hồ sơ cá nhân trên Linkedln, ngay khi tốt nghiệp Harvard, ông Shou Zi Chew bắt đầu làm việc tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs trong hai năm. Sau đó, ông gia nhập DST, công ty đầu tư được nhà tỷ phú công nghệ Yuri Milner sáng lập, và gắn bó với nơi này trong 5 năm. Cũng chính ở DST, vào năm 2013, Shou Zi Chew đã dẫn dắt một đội ngũ tham gia đầu tư sớm vào ByteDance - công ty mẹ của TikTok, như các báo cáo của Business Chief và The Independent tiết lộ.
Trước khi chính thức gia nhập ByteDance, Shou Zi Chew đảm nhận vai trò giám đốc tài chính (CFO) tại tập đoàn smartphone Xiaomi của Trung Quốc vào năm 2015. Tại đây, ông không chỉ đảm bảo được các khoản tài trợ quan trọng cho công ty mà còn có công lớn giúp Xiaomi hiện thực hoá thương vụ IPO vào năm 2018 và trở thành một trong những đợt chào bán cổ phiếu công nghệ lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Năm 2019, ông được bổ nhiệm làm chủ tịch mảng kinh doanh quốc tế của Xiaomi.
CƠ DUYÊN VỚI TIKTOK
Shou Zi Chew gia nhập ban lãnh đạo ByteDance vào tháng 3/2021, trở thành người đầu tiên được chỉ định vào vị trí giám đốc tài chính tại tập đoàn truyền thông khổng lồ này. Có một khoảng thời gian, ông Shou Zi Chew đồng thời đảm nhận cả vai trò CEO của TikTok và CFO của ByteDance.
Nhà sáng lập ByteDance Zhang Yiming khi đó nhận xét rằng: “Shou Zi Chew có hiểu biết sâu rộng về tập đoàn và thị trường qua những năm tháng đồng hành cùng đội ngũ nhà đầu tư đầu tiên của Bytedance. Ông cũng có kinh nghiệm dày dặn hơn một thập kỷ trong lĩnh vực công nghệ”.
Đến tháng 11, ByteDance thông báo rằng ông Chew sẽ rời khỏi vai trò giám đốc tài chính để tập trung vào việc điều hành TikTok. Trước đó, cựu CEO Kevin Mayer đã xin từ chức giữa lúc công ty đối mặt với áp lực chính trị từ các nhà lập pháp phương Tây.
Kể từ khi CEO Chew lên lãnh đạo, nền tảng mạng xã hội TikTok đã có bước tăng trưởng vượt bậc, nhanh chóng vượt mốc một tỷ người dùng trên toàn cầu.
Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Vogue, ông Shou Zi Chew bộc bạch rằng cơ duyên của mình với TikTok bắt đầu từ một thập kỷ trước khi ông có cơ hội gặp gỡ đội ngũ sáng lập ứng dụng dưới vai trò nhà đầu tư. “Ngay từ 10 năm trước, tôi đã thấy họ đang xây dựng một ứng dụng thật sự thú vị. Ý tưởng đằng sau nó rất đáng để chú ý: Đề xuất nội dung cho người dùng không dựa trên mối quan hệ xã hội, mà dựa trên sở thích cá nhân. Thuật toán này có lẽ là yếu tố độc đáo nhất của TikTok”, ông Shou Zi Chew nhớ lại.
Thuật toán linh hoạt của TikTok có khả năng theo dõi các thay đổi trong sở thích của người dùng theo thời gian, thậm chí còn chi tiết tới từng khoảng thời gian nhất định trong ngày. Đây cũng chính là lý do khiến TikTok rơi vào "tầm ngắm" của chính phủ các nước vì cáo buộc thu thập dữ liệu cá nhân và đe doạ tới an ninh quốc gia.
Tại phiên điều trần trước Hạ viện, ông Shou Zi Chew đã phản bác rằng chính phủ Mỹ đang hiểu sai sự liên quan của ứng dụng với Trung Quốc, khẳng định công cụ đề xuất nội dung cũng như dữ liệu người dùng Mỹ được lưu trữ tại Mỹ trên các máy chủ đám mây do Oracle vận hành. Ngay cả quyết định kiểm duyệt nội dung cũng được thực hiện tại Mỹ.
Trong những năm qua, TikTok liên tục chịu sức ép lớn từ các nhà hoạch định chính sách, thậm chí dẫn đến một cuộc chiến pháp lý căng thẳng chưa có hồi kết với chính phủ Mỹ. Vào tháng 4/2024, Tổng thống Joe Biden ký thành điều luật quy định TikTok sẽ bị cấm tại Mỹ nếu công ty mẹ Bytedance không thoái vốn khỏi ứng dụng video này trước ngày 19/1/2025 - tức là một ngỳ trước khi ông Donald Trump nhậm chức.
Mới đây nhất, CEO TikTok đã có một cuộc gặp riêng với Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. Theo đó, ông Donald Trump dù trước đây có ác cảm với TikTok, nhưng nay lại “bật đèn xanh” và bày tỏ ý định muốn duy trì sự hiện diện của TikTok ở Mỹ.