Không phải ngẫu nhiên khi đầu tư vào Việt Nam, Microsoft đã đề nghị Chính phủ cam kết chống vi phạm SHTT. Mặc dù vấn đề bảo hộ quyền SHTT đã được Chính phủ triển khai quyết liệt từ năm 2007, nhưng những nỗ lực của các cơ quan chức năng dường như chưa đạt kết quả khi mức độ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam vẫn còn khoảng 80%.
Quy định ngặt nghèo
Do tính chất quan trọng của SHTT nên trong 30 chương của Hiệp định TPP, người ta đã dành hẳn một chương riêng về SHTT, trong đó điều chỉnh các lĩnh vực về bằng sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền, bí mật thương mại, các hình thức khác của quyền SHTT.
Những nội dung liên quan đến việc bảo vệ những chỉ dẫn địa lý mới, bao gồm cả những chỉ dẫn địa lý đã được công nhận hoặc được bảo vệ ở những hiệp định quốc tế khác. Việc bảo vệ này bao gồm cả việc phân định rõ mối quan hệ giữa nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.
Liên quan đến nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý, Hiệp định TPP yêu cầu Việt Nam gia nhập Điều ước về Luật Nhãn hiệu. Điều ước đòi hỏi phải đơn giản hóa thủ tục, xác định quyền đối với nhãn hiệu, tức là thủ tục đăng ký nhãn hiệu.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng Phòng Pháp chế, Cục SHTT (Bộ KH&CN) cho biết, tham gia TPP, các nước yêu cầu phải bảo hộ chỉ dẫn địa lý, tức là tên gọi của các địa phương dùng để chỉ dẫn hàng hóa, những đặc sản của vùng miền, ví dụ như “Cà phê Buôn Ma Thuột” hay “Nước mắm Phú Quốc”. Họ muốn chúng phải được bảo hộ như nhãn hiệu, thậm chí là nhãn hiệu cá thể.
Tuy nhiên, nếu như có ai đó đã đăng ký chỉ dẫn địa lý dưới dạng nhãn hiệu thì người đó sẽ có quyền chống lại các chỉ dẫn địa lý khác.
Điển hình như khi Việt Nam bị mất nhãn hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột” vào tay một doanh nghiệp Trung Quốc, khi chiếu theo nguyên tắc này thì Việt Nam sẽ không đòi lại được.
Về bản quyền, chương về SHTT xây dựng những cam kết liên quan đến quyền của người sáng chế, và tạo ra bảo hộ rõ rệt đối với các tác phẩm như bài hát, phim, sách, và phần mềm, các biện pháp bảo vệ công nghệ và thông tin quản lý bản quyền.
Bên cạnh các cam kết này, chương về SHTT cũng bao gồm một nghĩa vụ - lần đầu tiên xuất hiện một hiệp định thương mại - đó là các nước thành viên phải có quy chế giám sát nhà cung cấp dịch vụ Internet nhằm ngăn chặn những nội dung vi phạm truyền qua mạng.
Chương này cũng yêu cầu các nước cung cấp công cụ hợp pháp để ngăn ngừa việc sử dụng sai các bí mật thương mại, và xây dựng các quy trình thủ tục và xử phạt hình sự đối với tội phạm trộm cắp bí mật thương mại, bao gồm cả trộm cắp qua mạng.
Cuối cùng, các thành viên TPP đồng ý cung cấp các hệ thống chế tài mạnh, bao gồm cả những quy trình thủ tục dân sự, các biện pháp tạm thời, các biện pháp quản lý biên giới và chế tài hình sự đối với tội giả mạo nhãn hiệu và vi phạm bản quyền.
Vi phạm SHTT, khó thu hút đầu tư
Trên thực tế, Việt Nam đã xác lập được quyền SHTT nhưng hệ thống thực thi quyền SHTT còn yếu kém. Nhiều trường hợp tranh chấp giữa các doanh nghiệp về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp lại không có tòa án chuyên ngành để thụ lý, giải quyết. Trong khi đó các tòa án dân sự lại không có các thẩm phán về SHTT nên chưa xử được các vụ tranh chấp.
Mặt khác, đội ngũ giám định viên hiện nay còn rất ít. Các tổ chức giám định gần như chưa cóđể giám định các vi phạm về SHTT, giúp tòa án dựa vào đó làm căn cứ khi đưa ra các quyết định.
Mặc dù Bộ KH&CN đã đề nghị nhiều tổ chức, cá nhân đủ năng lực có thể đứng ra đảm nhận công việc giám định, nhưng đến nay mới chỉ có Viện Khoa học SHTT đảm nhận được công việc này.
Đây là vấn đề đáng lo ngại khi làn sóng đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam có thể sẽ làm “bùng nổ” các tranh chấp.
Ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KH&CN cho biết, hiện nay tất cả các vi phạm SHTT tại Việt Nam vẫn đang được xử lý bằng xử phạt hành chính. Nhưng khi tham gia TPP thì phải xử lý hình sự. Tùy theo mức độ của các hành vi vi phạm sẽ có biện pháp hành chính, cảnh cáo, phạt tù tương ứng. Vì thế, các doanh nghiệp tiếp tục có hành vi xâm phạm về SHTT sẽ đứng trên bờ vực phá sản.
Còn GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, SHTT là vấn đề trọng đại khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại. Chúng ta sẽ rất khó thu hút đầu tư nước ngoài khi tham gia TPP nếu vấn đề vi phạm SHTT không được xử lý nghiêm. Đây còn là bước tiến lớn để bảo vệ chính các sáng chế, phát minh trong nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đám phán TPP, việc cho phép xử lý hình sự các xâm phạm quyền SHTT là cách tiếp cận đi xa hơn cách tiếp cận trong WTO, chỉ xử lý hình sự khi xâm phạm ở quy mô thương mại và thu lợi bất chính.
Những nội dung quy định liên quan sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm, đăng ký và bảo vệ quyền SHTT ở các thị trường mới và đây là điều rất cần thiết cho các doanh nghiệp nhỏ.
Ông Trần Quốc Khánh cũng cho biết, Việt Nam đồng ý với những tiêu chuẩn của TPP, song sẽ thực hiện cam kết theo lộ trình, phù hợp với trình độ phát triển và năng lực thực thi của mình.