Ngày 18/5, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết vừa có buổi họp với Cảng hàng không quốc tế Liên Khương, các Sở Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường cùng UBND huyện Đức Trọng để bàn việc nâng cấp sửa chữa đường cất, hạ cánh, đường lăn sân bay Liên Khương.
Theo đó, UBND tỉnh đề nghị Cảng hàng không quốc tế Liên Khương báo cáo Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là đơn vị chủ đầu tư dự án, lựa chọn thời điểm phù hợp để đóng cửa sân bay khi đảm bảo đầy đủ điều kiện thi công và không ảnh hưởng lớn đến du lịch, giao thông và kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đề nghị Cảng hàng không quốc tế Liên Khương báo cáo lại UBND tỉnh trước ngày 30/5, để tỉnh có ý kiến thống nhất làm cơ sở thông báo cho người dân, cán bộ, công chức, doanh nghiệp… chủ động trong việc di chuyển, hoạt động kinh doanh du lịch.
Dự án nâng cấp bao gồm sửa chữa toàn diện đường cất, hạ cánh và đường lăn, do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.045 tỷ đồng. Đây là bước cải tạo quan trọng nhằm nâng cao năng lực khai thác và bảo đảm an toàn bay cho sân bay Liên Khương trong giai đoạn phát triển mới.
Theo ông Nguyễn Văn Gia, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, tỉnh đề nghị ACV tính toán phương án thi công hợp lý nhất, để rút ngắn thời gian thi công từ 8 xuống 6 tháng kể từ ngày đóng cửa sân bay.
Thời điểm đóng cửa sân bay quốc tế Liên Khương để sửa chữa vẫn chưa được ấn định vì cần có sự thống nhất giữa tỉnh Lâm Đồng và ACV.
Tỉnh Lâm Đồng đề nghị ACV nghiên cứu phương án sửa chữa tạm thời nhằm bảo đảm an toàn khai thác trước mắt. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất đầu tư thêm đường cất, hạ cánh thứ 2 trong thời gian tới, để chủ động hơn khi sửa chữa nâng cấp đường cất hạ cánh hiện đang khai thác, nhằm tránh gián đoạn hoạt động của sân bay, ảnh hưởng đến du lịch, kinh tế, xã hội địa phương.
Cảng hàng không Liên Khương trở thành cảng hàng không quốc tế đầu tiên của khu vực Tây nguyên vào tháng 6/2024. Sân bay Liên Khương có quy mô cấp 4E, có thể phục vụ các loại máy bay như Airbus A320, A321. Công suất thiết kế dự kiến đón khoảng 5 triệu hành khách/năm.
Với vai trò cửa ngõ hàng không kết nối vùng Tây nguyên với cả nước và quốc tế, việc nâng cấp hạ tầng sân bay Liên Khương được xem là bước đi chiến lược, góp phần thúc đẩy du lịch, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế địa phương.