Năm 2025 được kỳ vọng sẽ là năm bùng nổ của thị trường IPO, với hàng loạt doanh nghiệp từ các lĩnh vực tiêu dùng, bất động sản, sản xuất, đến chăn nuôi… đồng loạt lên kế hoạch tham gia thị trường vốn, khởi động từ năm 2024.
HÀNG LOẠT THƯƠNG VỤ HỨA HẸN “BUNG LỤA”
Đáng chú ý nhất là thương vụ IPO của Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, mã chứng khoán: MCH). Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ban lãnh đạo đã tiết lộ định hướng đưa MCH chuyển từ sàn UPCoM lên niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) vào năm 2025. Song song đó, công ty dự kiến phát hành hơn 326,8 triệu cổ phiếu ra công chúng, ưu tiên chào bán cho cổ đông hiện hữu.
Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN), công ty mẹ của MCH, cho biết thương vụ IPO này không chỉ nâng cao giá trị định giá của các cổ phiếu thuộc hệ sinh thái Masan như MCH, MSN mà còn tăng cường sức hút đối với nhà đầu tư. Theo đánh giá của HSBC, kế hoạch niêm yết trên HOSE sẽ cải thiện mạnh mẽ tính thanh khoản cho cổ phiếu MCH, tương xứng với tiềm lực và thành tựu mà doanh nghiệp đã đạt được trong thời gian qua.
Tương tự, "ông lớn" trong ngành thép là Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) đã thông báo về kế hoạch phát hành cổ phiếu ra đại chúng và niêm yết hai công ty con là Công ty Cổ phần Ống thép Hoa Sen và Công ty Cổ phần Nhựa Hoa Sen. Dù kế hoạch IPO đã được doanh nghiệp ấp ủ từ lâu, song dường như Hoa Sen vẫn đang chờ đợi thời điểm "vàng" để chính thức hiện thực hóa chiến lược này.
“Đại gia phố núi” Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) cũng thu hút sự quan tâm với kế hoạch IPO và niêm yết HOSE đối với Công ty Cổ phần Chăn nuôi Gia Lai, một đơn vị đã được tái cơ cấu thành công sau khi xử lý gánh nặng nợ nần khổng lồ. Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) chia sẻ rằng doanh nghiệp đã hợp tác với Công ty Chứng khoán LPBank (LPBS) để thúc đẩy thương vụ này, dự kiến sẽ giúp Chăn nuôi Gia Lai huy động thêm nguồn lực tài chính quan trọng.
Ngoài ra, Công ty Cổ phần Vinpearl đang nổi lên như một ứng cử viên sáng giá trên sàn chứng khoán với kế hoạch IPO đã được Tập đoàn Vingroup xác nhận. Vinpearl đã hoàn thành đăng ký công ty đại chúng vào tháng 11 vừa qua, đánh dấu bước tiến lớn trong lộ trình niêm yết. Cùng với đó, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng từng đề cập về khả năng đưa Xanh SM – công ty chuyên cho thuê xe điện và taxi điện được thành lập vào tháng 3/2022 – lên sàn quốc tế trong tương lai.
Các tên tuổi khác cũng không kém phần nổi bật. Startup Coolmate đang đặt mục tiêu IPO vào năm 2025, trong khi BW Industrial – một đơn vị trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp – cũng chuẩn bị bước chân vào sân chơi vốn. Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) lại hé lộ tham vọng đưa Bách Hóa Xanh lên sàn, dự kiến vào năm 2027, khi các điều kiện kinh doanh đã chín muồi.
Cả thị trường đang dõi theo từng bước đi của những "tân binh" này, kỳ vọng một làn sóng IPO mới sẽ mở ra cơ hội lớn cho nhà đầu tư.
GỠ KHÓ CHO “BÀI TOÁN” IPO
Hoạt động IPO trên thị trường Việt Nam những năm gần đây được nhận định khá trầm lắng. Điển hình, năm 2024 chỉ ghi nhận một thương vụ IPO duy nhất từ Công ty Chứng khoán DNSE, thu về khoảng 37 triệu USD. Mặc dù con số vượt giá trị IPO của cả năm 2023 nhưng vẫn không đủ để tạo nên sức bật đáng kể.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam nhận xét rằng đã 6 năm trôi qua kể từ năm 2018, thị trường chưa xuất hiện thương vụ IPO nào thực sự nổi bật. Theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai thác hiệu quả tiềm năng từ thị trường vốn. Nhiều doanh nghiệp mong muốn tìm kiếm đối tác chiến lược, nhưng lại e dè trước việc tham gia thị trường này.
Đại diện Dragon Capital đánh giá, cấu trúc thị trường vốn Việt Nam vẫn còn mang tính truyền thống. Ngành ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất, tiếp đến là bất động sản, tiêu dùng, và năng lượng, trong khi các lĩnh vực công nghệ và thương mại điện tử lại ít được chú trọng. Một trong những rào cản lớn là quy định doanh nghiệp phải có lợi nhuận mới được niêm yết. Quy định này tuy giúp bảo vệ nhà đầu tư, nhưng lại làm khó các doanh nghiệp khởi nghiệp khi họ cần nguồn vốn để phát triển ý tưởng mới.
Thực trạng này không chỉ phản ánh sự thiếu đa dạng của thị trường mà còn đặt ra bài toán cần giải quyết để thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ hơn từ các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực mới.
Hồi cố lại lịch sử, năm 2018 được coi là giai đoạn đỉnh cao của thị trường IPO tại Việt Nam, khi hàng loạt thương vụ lớn lần lượt ra mắt. Những cái tên đình đám như Công ty Cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán: VHM), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán: POW), Công ty Cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (mã chứng khoán: BSR), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (mã chứng khoán: OIL), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã chứng khoán: GVR), Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (mã chứng khoán: VSF).. đã góp phần đưa tổng số doanh nghiệp tiến hành IPO trong năm này lên khoảng 23 đơn vị.
Sự sôi động của thị trường IPO năm 2018 được các chuyên gia nhận định là kết quả của làn sóng cổ phần hóa mạnh mẽ từ khối doanh nghiệp nhà nước. Hầu hết các thương vụ lớn trong giai đoạn này đều xuất phát từ các doanh nghiệp nhà nước sau khi hoàn tất quá trình chuyển đổi sở hữu.
Trái ngược với thời kỳ hoàng kim đó, bức tranh thị trường hiện tại khá ảm đạm, với số lượng IPO hạn chế và thiếu vắng những thương vụ đáng chú ý. Nhiều nhà đầu tư đã không khỏi tiếc nuối khi nhắc lại thời điểm các cơ quan quản lý từng áp dụng những biện pháp mạnh mẽ nhằm "thúc ép" doanh nghiệp nhà nước lên sàn, tạo nên cơn sốt IPO vào năm 2018.
Trong một tọa đàm được tổ chức gần đây, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết trong quá trình 24 năm kể từ khi thành lập thị trường chứng khoán, Chính phủ, Bộ Tài chính cũng như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có định hướng rõ ràng là hạn chế tối đa can thiệp bằng các biện pháp hành chính vào thị trường, do đó sẽ không diễn ra câu chuyện dùng biện pháp hành chính để ép doanh nghiệp niêm yết hay từ bỏ thị trường.
Ông Hải cho rằng thực trạng về việc số lượng doanh nghiệp IPO, hay niêm yết mới không nhiều là đúng, nhưng đây là câu chuyện 2 chiều, là mối quan hệ hữu cơ giữa việc có nhiều doanh nghiệp lớn và nâng hạng thị trường.
“Nhiều doanh nghiệp cho biết họ chưa lên sàn chứng khoán vì chưa nhận thấy khối lượng nhà đầu tư lớn có thể mua được phần vốn lớn của họ, đồng thời không muốn tỷ lệ sở hữu bị dàn trải. Một trong những biện pháp để hỗ trợ, thúc đẩy vấn đề này là nâng hạng thị trường. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài lại mong muốn vào thị trường Việt Nam khi có nhiều doanh nghiệp lớn niêm yết”, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết.
Về mặt kỹ thuật, ông Hải cho biết hiện tại IPO và niêm yết vẫn là 2 quá trình riêng biệt. Một số doanh nghiệp sau khi IPO sẽ trải qua khoảng thời gian kéo dài cho đến khi niêm yết.
Trong khi đó, đối với nhà đầu tư tài chính nước ngoài, sau khi mua cổ phiếu, việc phải chờ từ 3 tháng trở lên không có giao dịch, không có thanh khoản sẽ là rào cản rất lớn, thậm chí một số quỹ hiện đang cầm những cổ phiếu không được niêm yết.
Để giải quyết câu chuyện này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang rà soát, sửa đổi các quy định để tích hợp 2 quy trình IPO và niêm yết thành 1. Sau khi được sửa đổi, việc niêm yết sẽ gần như được tiến hành ngay khi IPO một cách thực chất.
Ngoài ra, hiện nay cũng có một số doanh nghiệp khá lớn đang đăng ký giao dịch trên UPCoM nhưng chưa đi vào niêm yết. Thứ nhất, điều này là do một phần do ý chí của bản thân doanh nghiệp. Thứ hai, UPCoM là sàn giao dịch cho các doanh nghiệp chưa đáp ứng tiêu chuẩn niêm yết. Có những doanh nghiệp quy mô kinh doanh rất lớn và tình hình sản xuất rất tốt vẫn chưa niêm yết được có thể là do yếu tố kỹ thuật như báo cáo tài chính có những khoản ngoại trừ.
"Có thể là rất bé, song nếu chưa giải quyết được được thì sẽ rất khó khăn để được niêm yết", ông Hải nhấn mạnh.