LTS: Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, BizLIVE đã thực hiện một chuỗi bài phỏng vấn các doanh nhân để lắng nghe những chia sẻ, góc nhìn của họ về các chính sách của Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, cũng như nói lên tâm tư, suy nghĩ nhân ngày tôn vinh cộng đồng doanh nhân Việt. Ông Nghiêm Xuân Đa sinh năm 1966, hiện là Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) - doanh nghiệp hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần với hơn 50 đơn vị trực thuộc, công ty con và công ty liên kết. Chính phủ mới đã có nhiều những chủ trương, chính sách quan trọng để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh. Là một doanh nhân, ông có cảm nhận gì trước những động thái này?
Trong thời gian qua Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách quan trọng, tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, ghi nhận những phản ánh từ doanh nghiệp…
Tất cả những động thái đó thể hiện sự quyết tâm rất cao của Chính phủ trong việc tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh và những điều này được cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi, ủng hộ.
Những chủ trương này mới được ban hành nên chắc chắn sẽ cần có thời gian để đi vào thực tế cuộc sống. Nếu muốn cảm nhận được sự chuyển biến rõ nét thì chắc cần chờ thời gian.
Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng nếu làm đúng những gì đã đưa ra tại Nghị quyết 35 thì chắc chắn sẽ thúc đẩy mạnh sản xuất, phát triển doanh nghiệp.
Nhìn vào bức tranh kinh tế những tháng đầu năm 2016, điều gì khiến ông thấy trăn trở nhất? Ông kỳ vọng gì ở Chính phủ trong thời gian sắp tới?
Tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại, nhiều ngành công nghiệp khó khăn do ảnh hưởng biến động giá của thế giới, hạn hán xâm ngập mặn gây ảnh hưởng nghiệm trọng đến phát triển nông nghiệp rồi ô nhiễm môi trường…
Nhìn vào những con số công bố cho thấy một bức tranh kinh tế chưa mấy sáng sủa. Bản thân chúng tôi, những người kinh doanh hơn ai hết cũng cảm thấy được những điều đó.
Để khắc phục được những khó khăn, giúp phát triển sản xuất, tôi kỳ vọng Chính phủ, các bộ ngành sẽ có những giải pháp quyết liệt hơn nữa trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy sản xuất…
Những biện pháp ấy quan trọng là nó phải được thực thi, được đưa vào cuộc sống một cách hữu hiệu, không chỉ phải dừng lại ở những tuyên bố hay giấy tờ.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, giảm bớt sự tham gia của nhà nước vào hoạt động kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp, trao cơ hội cho các nhà đầu tư.
Hiện chi phí vận tải hiện chiếm khá lớn trong cơ cấu giá thành thép, tôi hy vọng thời gian tới, Chính phủ cũng sẽ thúc đẩy hơn nữa việc phát triển hạ tầng, đặc biệt là đường sắt và đường biển.
Bản thân những doanh nghiệp như chúng tôi cũng vướng rất nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính. Do vậy, tôi cũng rất mong Chính phủ sẽ đẩy mạnh hơn nữa trong việc cải cách thủ tục hành chính, giảm nhẹ gánh nặng cho doanh nghiệp...
Ngành thép đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức như sức ép cạnh tranh từ thép giá rẻ Trung Quốc, các rào cản kỹ thuật, các vụ kiện phòng vệ khi xuất khẩu. Xin ông có thể chia sẻ về những khó khăn mà doanh nghiệp ông gặp phải và hướng giải quyết?
Trong thời gian Chính phủ đã có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ ngành thép trong nước như ban hành áp thuế tự vệ đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu, các giải pháp chống gian lận thương mại.
Đối với chúng tôi nhiều năm nay đã phải đối đầu với nhiều khó khăn như biến động do giá cả, nguyên liệu sản xuất, cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu và các nhà sản xuất thép trong nước khác. Chi phí vận tải cao, lãi vay vốn còn cao so với các nước trong khu vực.
Hơn nữa các cơ sở sản xuất của chúng tôi còn rất phân tán, nhiều cơ sở có quy mô nhỏ, thiết bị đã sử dụng nhiều năm chưa được cải thiện, lao động đông, quan trị doanh nghiệp vẫn mang dáng dấp của doanh nghiệp nhà nước, mặc dù tổng công ty và các công ty thành viên đã được cổ phần hóa nhiều năm nay.
Do vậy, trong ngắn hạn chúng tôi phải tập trung các giải pháp ổn định sản xuất, tái cơ cấu các cơ sở sản xuất, áp dụng các giải pháp về kỹ thuật, quản lý để tiết kiệm tối đa chi phí, giảm giá thành sản phẩm, đổi mới hệ thống phân phối, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Về lâu dài, chúng tôi cho rằng có thể cạnh tranh thành công thị trường trong nước và khu vực chắc chắn chúng tôi sẽ phải đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuận, tổ chức sắp xếp các nhà máy có quy mô kinh tế, tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực quản trị doanh nghiệp hiện đại, tiên tiến.
Bước chân vào VnSteel là một chuyên viên, sau 9 trở thành người đứng đầu doanh nghiệp. Xin ông chia sẻ đôi chút về chặng đường này?
Tôi vào Tổng công ty năm 1995, lúc đó chỉ là chuyên viên nghiên cứu về ngành mỏ. Rồi trải qua các vị trí như chuyên viên ban quản lý dự án, phó trưởng ban quản lý dự án, phó phòng tài chính kế toán, trưởng phòng tài chính kế toán, kế toán trưởng, uỷ viên Hội đồng quản trị chuyên trách Tổng công ty rồi phó tổng giám đốc VnSteel. Đến năm 2014, tôi chính thức trở thành Tổng giám đốc. Có thể nói, sự nghiệp của tôi gắn liền với Tổng công ty thép.
Bên cạnh sự nỗ lực không ngừng, mong muốn làm được những việc người khác làm được thì tôi may mắn vì được cất nhắc những thời điểm quan trọng. Khi lên làm quản lý, tôi có một đội ngũ cán bộ luôn đồng hành, hỗ trợ tôi. Rồi gia đình trở thành hậu phương rất vững chắc cho tôi, để tôi có thể yên tâm làm việc.
Xin chia sẻ đôi chút về cuộc sống riêng tư, ông có áp lực nhiều trong việc cân bằng cuộc sống gia đình và công việc không?
Đối với những người làm quản lý như chúng tôi thì thời gian luôn là một cái gì đó rất xa xỉ và cảm thấy áp lực thường xuyên. Đặc biệt một doanh nghiệp nhà nước như VnSteel thì lại càng áp lực.
Để vừa có thể toàn tâm với công việc nhưng không xao nhãng việc gia đình và vẫn chăm lo được sức khỏe, tôi luôn cố gắng tìm mọi cách cân bằng cuộc sống.
Tôi cố gắng sắp xếp công việc một cách khoa học nhất để làm sao vẫn đảm bảo được thời gian cho gia đình, vợ con, bản thân cũng phải được nghỉ ngơi thư giãn, tập luyện thể thao. Tôi cũng dành khá nhiều quỹ thời gian rảnh của mình cho thú vui đọc sách.
Ngoài ra, những lúc rảnh rỗi, hay chờ đợi ai đó, tôi cũng dùng
Facebook, Zalo, Instagram… Chúng giúp cho tôi nhận, chia sẻ thông tin, kết nối thông tin. Nhưng chỉ những lúc thực sự rảnh rỗi, không muốn để thời gian “chết” thôi, còn tôi không “nghiện” hay sa đà quá.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Theo Nhịp Sống Kinh Doanh