Câu hỏi đặt ra là dệt may trong nước có thể tăng tốc phát triển nguyên, phụ liệu kịp thời sau khi TPP chính thức có hiệu lực?
Phụ thuộc lớn nguyên, phụ liệu nhập khẩu
Có thể thấy, phần lớn các nước hiện đang cung cấp nguyên, phụ liệu cho ngành dệt may nước ta chủ yếu nằm ngoài khu vực TPP. Tuy nhiên, theo nội dung toàn văn của TPP được công bố mới đây, ngành dệt may vẫn sẽ được hưởng ưu đãi về thuế trong 5 năm kể từ khi TPP chính thức có hiệu lực, dù sử dụng một số nguyên, phụ liệu được sản xuất từ các quốc gia ngoài TPP. Câu hỏi được nhiều chuyên gia kinh tế đặt ra, sau thời hạn 5 năm đó, ngành dệt may trong nước sẽ có thể tự chủ về nguyên, phụ liệu đến mức nào?
Trong 5 năm tới, khi TPP chính thức có hiệu lực, mức thuế quan đối với sản phẩm dệt may của Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ giảm từ 18% xuống còn 0%, và FTA Việt Nam - EU khi có hiệu lực sẽ giảm mức thuế quan trung bình 11% xuống còn 0% với hàng dệt may xuất khẩu từ Việt Nam.
Về lâu dài, những FTA này được kỳ vọng thúc đẩy ngành dệt may phát triển, tạo công ăn việc làm, cũng như thu hút đầu tư vào khâu sản xuất nguyên liệu - dệt, nhuộm hoàn tất, nâng cao giá trị gia tăng, dịch chuyển lên trong chuỗi giá trị dệt may toàn cầu.
Tuy nhiên, ngành dệt may vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Trong đó, nguyên liệu chính là vải, nhập khẩu trên 80% tổng nhu cầu, riêng nhập khẩu vải từ Trung Quốc chiếm trên 40%. Các công đoạn dệt, nhuộm hoàn tất vải hiện vẫn là khâu yếu. Điều này làm cho ngành dệt may nội địa phát triển mất cân đối và dễ bị tổn thương.
Trước những cơ hội được hưởng ưu đãi thuế từ các FTA, tưởng chừng như nhiều doanh nghiệp sẽ hào hứng hơn với việc đầu tư vào sản xuất nguyên, phụ liệu, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất hàng dệt may.
Song thực tế cho thấy, doanh nghiệp dệt may trong nước hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn nội tại như giá điện tăng, phí cảng biển, phí nhân công tăng, nghiêm trọng nhất là vấn đề tăng lương tối thiểu vùng theo lộ trình đến năm 2018. Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sông Hồng (Nam Định) Nguyễn Đức Thịnh cho rằng, đây là rào cản đối với các doanh nghiệp.
Bởi, nhiều doanh nghiệp tuy đã bắt đầu nghĩ đến việc đầu tư sang một số khâu như dệt, nhuộm, nhưng vấn đề thay đổi lương tối thiểu, bảo hiểm đã ít nhiều tác động đến quyết định của doanh nghiệp. Cụ thể, riêng năm 2015 và 2016, khi mức lương tối thiểu tăng, doanh nghiệp này đã phải đóng thêm 50 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội cho lao động.
Cho đến nay, đầu tư cho các khâu dệt, nhuộm luôn đòi hỏi nguồn vốn lớn, công nghệ hiện đại, chi phí xử lý môi trường rất tốn kém. Trong khi đó, theo nhiều doanh nghiệp, lãi suất hỗ trợ cho vay của thị trường vốn trong nước luôn cao hơn so với nhiều nước khác trên thế giới.
Đây cũng là một bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư vào lĩnh vực này so với doanh nghiệp FDI có được nguồn vốn giá rẻ từ quốc gia bản địa. Đại diện nhiều doanh nghiệp dệt may bày tỏ mong muốn, lãi suất vốn vay thời gian tới sẽ có thể được điều chỉnh giảm xuống để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Bởi để thay đổi công nghệ cũ, đáp ứng yêu cầu thị trường đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn. Khó có thể mơ ước thị trường vốn trong nước như của nước ngoài nhưng phải tiến tới tiệm cận gần sát. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng cố gắng xem xét, điều chỉnh giảm lãi suất ở mức thích hợp. Nhiều doanh nghiệp tuy được phép vay ngoại tệ, nhưng lãi suất trung bình cho các khoản vay ngắn hạn và dài hạn vẫn ở mức khoảng 6%/năm. Đây là mức cao nếu so với lãi suất vay vốn của các doanh nghiệp nước ngoài.
Thay đổi chiến lược đầu tư
Còn nếu tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào khâu dệt, nhuộm cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp trong nước sẽ phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Như vậy lại thêm một bất lợi nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam. Theo Tổng giám đốc Tổng công ty Việt Thắng Nguyễn Duy Khiêm, doanh nghiệp dệt may FDI với thế mạnh về nguồn lực và thị trường, khi thâm nhập thị trường trong nước sẽ thu hút được lượng lao động lớn. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp có thể đầu tư và chấp nhận không có lãi trong 1 - 2 năm đầu để tạo đà phát triển. Do vậy, nếu không có chính sách hỗ trợ thích đáng, đây sẽ là lực lượng cạnh tranh rất lớn, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam không những khó mạnh lên mà có khả năng yếu đi.
Thống kê cho thấy, trong 8 tháng năm nay, vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực dệt may là 2,8 tỷ USD, tăng 0,8 tỷ USD so với cả năm 2014. Nguồn vốn FDI đổ vào dệt may tăng nhanh xuất phát từ những thông tin hội nhập, ký kết các FTA, TPP của Chính phủ Việt Nam. Rõ ràng hấp thụ được nguồn vốn FDI lớn là có lợi để phát triển, nhưng khả năng của doanh nghiệp dệt may trong nước còn hạn chế lớn về vốn, công nghệ, trình độ nhân lực. Vì thế, trước mắt, chấp nhận việc chia sẻ lợi ích là điều đương nhiên.
Kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may Việt Nam năm 2015 dự kiến đạt 27,5 tỷ USD, trong đó riêng các doanh nghiệp FDI chiếm đến 67%. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, với đà này, nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ phù hợp và doanh nghiệp dệt may trong nước không tự mình chủ động tìm ra đối sách trong hoạch định chiến lược đầu tư, mở rộng, tăng tự chủ về nguyên, phụ liệu; đẩy mạnh phát triển công tác thiết kế, xây dựng thương hiệu để bán sản phẩm trọn gói, đạt giá trị gia tăng cao hơn; có lẽ rằng phần lớn lợi ích của các hiệp định TPP, FTA sẽ nhường cho các doanh nghiệp FDI.