Nếu đi tắt, tôi giàu lâu rồi

“Thuyền to thì sóng lớn nhưng nếu gặp sóng tôi chấp nhận neo lại đi lâu hơn chứ không đi tắt, nếu đi tắt tôi giàu lâu rồi nhưng cái giàu đó không bền”, đó là những chia sẻ của ông "ông trùm hàng hiệu" Việt - Johnathan Hạnh Nguyễn về cách làm ăn của mình trước thềm năm mới 2014.

* Ông khởi nghiệp trong ngành hàng không, vậy chuyến bay nào đáng nhớ nhất trong cuộc đời của mình?

- Chuyến bay cách đây 40 năm, khi tôi từ Việt Nam bay qua Philippines, đó là ngày tôi rời xa quê hương và chuyến bay thứ 2 cách đây 30 năm tôi từ Mỹ quay trở về Việt Nam, đây là 2 chuyến bay trong đời tôi không bao giờ quên được với những cảm xúc bồi hồi, xao xuyến, nhớ nhung và nôn nao không thể nào diễn tả được.

* Cảm xúc lần đầu tiên khi bay về Việt Nam như thế nào?

- Lần đầu về nước, ngồi trên máy bay nhìn xuống thành phố, tôi thấy buồn vì các nóc nhà chỉ một màu xám bạc ảm đạm, mái tôn thì gỉ sét, còn mái ngói thì bạc màu.

Lúc đó, tôi ước mơ sẽ làm cho các mái nhà tươi sáng lên và đó cũng là nguyên nhân khiến tôi quyết định thành lập nhà máy sản xuất sơn TOA vào năm 1995.

* Không phải ai cũng có thể biến ước mơ thành hiện thực, ông có thể chia sẻ quá trình học tập để biến ước mơ thành hiện thực?

- Khi ở nước ngoài, lúc tôi ngồi ở gốc cây ngó lên trời tôi ước gì mình có cánh bay về Việt Nam. Sau đó tôi lại ước mơ thành tỷ phú, ước gì có tiền để làm công tác xã hội… tôi nghĩ mọi người cứ ước mơ đi, để cho ước mơ được bay xa và cao lên, vì ước mơ không tốn tiền. Nhưng để biến ước mơ thành hiện thực là một con đường rất dài, đối với tôi mất đến 30 năm.

Tôi sinh năm 1951 ở Nha Trang, năm 23 tuổi tôi sang định cư tại Philippines, sau đó sang Mỹ du học và trở thành thanh tra tài chính của hãng Boeing - Mỹ.

Trở lại Việt Nam khi đất nước còn nghèo, cơm ăn không đủ, lúc đó tôi muốn mình phải làm một điều gì đó để thay đổi cuộc sống gia đình mình và các anh chị em trong nhà. Thế là, tôi quyết định về nước từ bỏ sự an toàn (với mức lương thanh tra tài chính của một hãng máy bay tôi có thể an hưởng tuổi già) và quyết định đầu tư kinh doanh ở nhiều lĩnh vực.

* Vậy có giai đoạn nào ông cảm thấy khó khăn?

- Trường hợp của tôi đặc biệt hơn một tí, cuộc đời tôi nó thẳng lắm vì khi tôi ra trường tôi có cơ hội tập sự tại công ty lớn được phát huy thế mạnh của mình.

Khi về Việt Nam tôi làm đúng chuyên ngành của mình và lúc tôi quyết định kinh doanh thì có nhiều cơ hội kinh doanh. Đường tôi đi dường như được trải lụa vì Việt kiều lúc đó được nhiều ưu đãi của nhà nước.

Nói như thế không phải là tôi không có khó khăn, vì trong kinh doanh chúng ta không phải đi theo đường thẳng mà đi theo hình Sin, nếu đi như Parabol thì chết. Chúng ta sẽ đi lên một tí, rồi xuống một tí, cứ như vậy mỗi lần ngã là một lần kinh nghiệm, một bài học cho chúng ta.

* Có vẻ như ông khá thành công trong hoạt động kinh doanh?

- Không phải tất cả đều thành công, nhưng theo tôi kinh doanh là đường dài, các dự án tôi thực hiện nếu chưa đi được tới đích như dự định thì trước mắt cũng giải quyết việc làm cho rất nhiều người hoặc phục vụ thị trường.

Tôi rất muốn trở thành tỷ phú để đóng góp nhiều hơn cho xã hội nhưng tôi thật sự chưa là tỷ phú và tôi không muốn làm tỷ phú bong bóng. Tôi muốn làm ra đồng tiền để đóng thuế và đóng góp xã hội.

Thuyền to thì sóng lớn nhưng nếu gặp sóng tôi chấp nhận neo lại đi lâu hơn chứ không đi tắt, nếu đi tắt tôi giàu lâu rồi nhưng cái giàu đó không bền. Ước mơ có 1 tỷ USD đầu tiên, giờ tôi mới đi được nửa đường, thôi trời cho bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu, ăn chắc mặc bền.

* Ông có lời khuyên nào cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp?

- Bàn tay chúng ta có 5 ngón, cũng giống như con người sinh ra mỗi người có một năng khiếu, có người thành công trong lĩnh vực này có người thành công trong lĩnh vực kia, vì thế chúng ta cần phải xác định được thế mạnh của mình là gì, vì mỗi người sinh ra đều có thế mạnh cả trừ phi chúng ta đi sai đường thì thế mạnh không phát huy được.

Không có con đường nào dẫn đến thành công mà không phải chăm chỉ kiên trì đeo bám con đường của mình và con đường dài hay ngắn, mục tiêu lớn hay nhỏ cũng quay trở lại thế mạnh của chúng ta là gì và thật sự bạn có chuyên môn sâu trong lĩnh vực đó hay không.

Tôi khuyên mọi người nếu ai có gia đình muốn ổn định thì hãy tiếp tục ngày 2 bữa sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về, có lương, có thưởng. Còn nếu chúng ta có khả năng trong một lĩnh vực nào đó thì phải nắm bắt ngay lĩnh vực đó, học ngành nào tập trung vào ngành đó, vì quyết tâm học hành ngay từ đầu rất quan trọng vì đây là những quyết định ảnh hưởng đến cả cuộc đời.


GIA BẢO/CAFELAND
Theo

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: vanphong.vacod@gmail.com

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: toasoan@thuonggiaonline.vn
Website: https://thuonggiaonline.vn/