Hội nghị diễn ra vào chiều 3/4 tại TP Quy Nhơn (Bình Định), thu hút sự tham gia của đông đảo đại biểu là lãnh đạo các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa… cùng các doanh nghiệp
Ưu đãi để thu hút
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Năm 2015, Bình Định đón 2.062.000 lượt khách, tăng 25% so với năm 2014 (trong đó khách quốc tế đạt 205.950 lượt); tổng doanh thu du lịch đạt 1.037, 410 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2014.
Bình Định chú trọng thực hiện công tác thu hút đầu tư, chỉnh trang đô thị và xây dựng các dự án du lịch trọng điểm như Quần thể du lịch, lịch sử, sinh thái và tâm linh tại khu vực chùa Linh Phong, khu du lịch Vinpearl Quy Nhơn, khu du lịch Ghềnh Ráng và các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu; Dự án quần thể Reort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC…
Để khuyến khích các nhà đầu tư, Bình Định phê duyệt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạo điều kiện quảng bá thương hiệu, tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường; các chính sách ưu đãi đầu tư về đơn giá thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu tạo tài sản cố định…thời gian tới, tập trung thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông; giải quyết các thủ tục đầu tư kịp thời, nhanh chóng.
Trong năm 2016, tỉnh phấn đấu đạt 3,2 triệu lượt khách, phấn đấu đến năm 2020 đạt 5 triệu lượt khách (trong đó có khoảng 600.000 lượt khách quốc tế)
Năm 2016 đạt 140 cơ sở lưu trú (khoảng 4.000 phòng). Đến năm 2020 đạt 200 cơ sở (5.400 phòng), trong đó 35% đạt chuẩn từ 3 – 5 sao, số ngày lưu trú đạt 2,5 ngày/ khách. Về nguồn nhân lực, đào tạo 90% lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh du lịch của tỉnh đượ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ du lịch…
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam khẳng địnhmột trong những yếu tố quan trọng quyết định đến việc phát triển thương hiệu du lịch Bình Định là “Nhân hiệu”."
"“Nhân hiệu” đó là vai trò, uy tín và sức thu hút của các vị lãnh đạo địa phương. Lãnh đạo cần phải mở Tâm rộng, có dũng khí và quyết tâm thực hiện cho được sự phát triển kinh tế - cộng đồng. Lãnh đạo phải chiếm được tình cảm của người tài, doanh nghiệp…”, ông Nguyễn Hữu Thọ nói.
Cũng theo ông, Nguyễn Hữu Thọ, địa phương cần phải đưa ra được chính sách ưu đãi nhất để thu hút đầu tư. Cần xác định chọn TP. Quy Nhơn là điểm bắt đầu và cũng là thương hiệu của du lịch Bình Định mà điểm nhấn là du lịch biển đảo kết hợp với sự trải nghiệm văn hóa, lịch sử.
Cần sự khác biệt
Theo TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP. HCM, Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng, thì để Quy Nhơn thành điểm đến du lịch của vùng Duyên hải miền Trung cần thực hiện đồng bộ các dự án đầu tư trong các lĩnh vực như đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, trong đó tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển đảo là chủ lực, sản phẩm văn hóa gắn với đặc trưng văn hóa Bình Định, du lịch khoa học để tạo nên sự khác biệt; Đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu hợp lý và chú trọng lao động chất lượng cao; Đầu tư cho công tác nghiên cứu, triển khai ứng dụng KH&CN trong hoạt động du lịch; Đầu tư xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Bình Định; Đầu tư phát triển tài nguyên và bảo vệ môi trường du lịch, đảm bảo Quy Nhơn – Bình Định là điểm đến hấp dẫn và ấn tượng.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng Cục du lịch: Để những định hướng, tư tưởng, mục tiêu chuyển hóa thành hiện thực, Bình Định cần tập trung có trọng điểm và có chất lượng. Cần phải quan tâm đến 4 trụ: Hạ tầng; Dịch vụ, Cơ sở lưu trú; Đào tạo nhân lực.
Đặc biệt, sản phẩm du lịch phải khác biệt (ví dụ võ, thi ca, văn hóa Chăm…). Ngoài ra, quản lý điểm đến cũng là vấn đề Bình Định cần chú trọng, quản lý không tốt sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu du lịch tỉnh. Đây là thách thức lớn đối với cả các thành phố lớn. Đồng thời cần phát triển liên kết vùng, liên kết liên vùng.
Theo Báo Tiền Phong