Nghị định 07/2016/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam vừa được Chính phủ ban hành.
Theo đó, thương nhân nước ngoài được cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh khi đáp ứng 5 điều kiện:
1- Thương nhân nước ngoài được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận.
2- Thương nhân nước ngoài đã hoạt động ít nhất 5 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký.
3- Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 1 năm tính từ ngày nộp hồ sơ.
4- Nội dung hoạt động của Chi nhánh phải phù hợp với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với ngành nghề kinh doanh của thương nhân nước ngoài.
5- Trường hợp nội dung hoạt động của Chi nhánh không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc thành lập Chi nhánh phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc bắt buộc thương nhân nước ngoài phải hoạt động ít nhất 5 năm là yêu cầu khắt khe, và thời gian quá dài trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu.
Đặc biệt, tới đây, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương chính thức được ký kết cùng nhiều hoạt động thương mại tự do khác, Nghị định trên làm khó khăn, gây hạn chế cho doanh nước ngoài muốn vào đầu tư, làm ăn tại Việt Nam.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định khi ra Nghị định này, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành xin ý kiến của các thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, cũng như xin ý kiến của tất cả các bộ, ngành, địa phương có liên quan.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhận định, để đánh giá Nghị định 07 có phù hợp thực tiễn hay không thì cần phải có thời gian thực hiện, đúc kết, rút kinh nghiệm.
“Chúng tôi khẳng định là không nhất thiết phải trong thời gian bao lâu, nhưng nếu có nội dung nào chưa phù hợp với thực tiễn hoặc gây cản trở, trở ngại cho hoạt động của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam thì chúng tôi sẽ kịp thời đề xuất với Chính phủ và các cấp có thẩm quyền sửa đổi để tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển”, Thứ trưởng khẳng định.
Theo Trí Thức Trẻ