Ông Lương Văn Lý, Nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM. Ảnh KY
Ông Lương Văn Lý, Nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM chia sẻ trong tọa đàm Doanh nhân trẻ hội nhập thế giới do CLB doanh nhân 2030 tổ chức.
Những vụ kiện sẽ hết sức điên đầu
Khi TPP có hiệu lực, các vụ kiện thương mại sẽ diễn ra với mức độ dày đặc hơn cả bên trong và ngoài quốc gia. Nếu doanh nghiệp nào gian lận, nước ngoài buộc Nhà nước Việt Nam có mức phạt theo quy định, hải quan nước ngoài có quyền qua Việt Nam điều tra..., vậy doanh nghiệp cần chuẩn bị điều gì để nắm vững luật chơi mới.
“Đây là thử thách rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. TPP là một cơn lốc xoáy, có sự gạn lọc hết sức đau đớn. 96% doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ, trong cuộc cạnh tranh toàn diện này, những ngoại lệ sẽ không còn nữa", ông Lương Văn Lý cho biết.
Vẫn theo ông Lý, ngay cả quyền sở hữu trí tuệ, sử dụng lao động sẽ chịu cạnh tranh hết sức quyết liệt. Phải học cách quản trị doanh nghiệp và cách kinh doanh thông thường trên toàn thế giới. Làm sao phải có lực thật sự về tài chính và nhân sự để đi vào cuộc chơi thế giới. Kinh doanh theo kiểu giật gấu vá vai, tay ngang khó tồn tại.
"Tôi tin doanh nhân trẻ có khả năng thích nghi và chấp nhận được thử thách to lớn này”, ông Lương Văn Lý nói.
Làm thế nào để cải tổ bộ máy Nhà nước, chuyển từ vị thế “bề trên” để phán quyết sang nhà nước phục vụ doanh nghiệp? Đó là điều doanh nghiệp mong mỏi.
Về điều này, ông Lương Văn Lý chia sẻ: “ Tôi đã 30 năm làm việc cho Nhà nước, đây là câu hỏi hết sức khó".
Tuy vậy, TPP nói rằng bất kể nhà đầu tư nào làm ăn kinh doanh tại Việt Nam cũng có thể kiện Nhà nước Việt Nam trong tòa án quốc tế. Việt Nam đã có một vài vụ kiện như thế rồi.
Như vậy nếu một ông quan chức ở tỉnh thành nào đó đối xử sai với doanh nghiệp thì Nhà nước Việt Nam phải chịu trách nhiệm. Các thu tục cấp giấy phép cũng không được chậm trễ quá quy định cần thiết, 15 ngày phải trả lời.
"Sau này có nhà đầu tư nước ngoài vào chuyện này không đơn giản. Áp lực này rất lớn buộc Nhà nước dù muốn dù không phải thay đổi”, ông Lý nhấn mạnh.
Liên kết và đừng chờ đợi
Chia sẻ bí quyết giúp chính quyền Mỹ có thể hỗ trợ doanh nghiệp tốt nhất, ông Lane Nathan, Trưởng phòng kinh tế, Tổng lãnh Sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM cho biết: “TPP là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đến với nhiều thị trường khác nhau của thế giới, là động lực rất lớn để thúc đẩy xuất khẩu, thúc đẩy nền kinh tế phát triển".
Vẫn theo ông Lane Nathan, trong cuộc chơi này, vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân rất quan trọng. Chính quyền Mỹ đã kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục, để tạo nên hiệu quả phát triển bền vững cho nền kinh tế. Hiệp hội ngành nghề Mỹ cũng thường xuyên làm việc với các địa phương để tìm ra giải pháp giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp.
"Trong TPP có điều khoản về Chính phủ Mỹ hỗ trợ cho các nước đang phát triển, Phòng Thương mại Mỹ đang hỗ trợ VCCI để cải thiện cách làm việc của bộ phận hải quan”, ông Nathan nói.
Ông Lê Đức Nghĩa, Tổng giám đốc công ty Gỗ An Cường cho rằng, TPP có thể có lợi cho người này, nhưng có hại cho người khác. Để bán vào Mỹ, hưởng thuế suất 0 % phải làm gì?
“Đó là phải có sản phẩm mới, đầu tư công nghệ. Cách đây một năm tôi đã đầu tư rất nhiều máy móc hiện đại, để có sản phẩm tốt hơn, năng suất cao hơn, mới vươn ra cạnh tranh nước ngoài”. Ông Nghĩa cho biết.
Ông Lâm Ngọc Minh, TGĐ nệm Liên Á, doanh nghiệp đã tham gia xuất khẩu 29 nước trên thế giới chia sẻ bí quyết riêng của mình: “Với nệm Liên Á, chúng tôi vừa bán xỉ vừa bán lẻ, thị trường nội địa 90 triệu dân phải có chuỗi phân phối bán lẻ để tránh những nắng mưa bất thường của bán xỉ ra các nước.
Bên cạnh đó là đầu tư mối quan hệ. Tham gia các hiệp hội trong và ngoài nước, có những anh chị đi trước để học hỏi, xây dựng kinh doanh. Gặp những doanh nghiệp Itsraen, họ rất chú trọng việc xây dựng quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp Việt Nam nên đăng ký để bảo đảm kinh doanh không bị rủi ro".
Mình bị cách ly khỏi thế giới lâu quá, đến khi nhảy lên tàu TPP cảm thấy rất chòng chành, chới với. Hãy cố lên để qua cơn lốc xoáy này, để sống còn. Làm thế nào để sống còn? Tất cả gói gọn vào hai chữ: Liên kết và đừng chờ đợi, ông Lương Văn Lý đúc kết lại câu chuyện của buổi tọa đàm.
Theo Nhịp sống kinh doanh