Kinh doanh, mua bán hàng hóa qua sàn thương mại điện tử đang là xu hướng tất yếu và các sản phẩm nông sản cũng không nằm ngoài xu thế này.
Làm quen với xu hướng tiêu dùng thông qua nền tảng trực tuyến
Sắp tới, từ ngày 13- 15/12, tại Tầng 1, Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Đà Nẵng (số 910A Ngô Quyền, phường An Hải Bắc, Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng), trong Chương trình Ngày hội quảng bá sản phẩm Đà Nẵng - 2024" do Sở Công Thương TP. Đà Nẵng phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và Trung tâm Thương mại Vincom Ngô Quyền Đà Nẵng tổ chức sẽ tổ chức livestream bán hàng. Chương trình dự kiến thu hút sự tham gia của 26 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn Thành phố trưng bày, giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm đạt chứng nhận là sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm quà tặng lưu niệm, sản phẩm làng nghề, sản phẩm khởi nghiệp,… của TP. Đà Nẵng. Bên cạnh đó, Chương trình còn tổ chức livestream trên nền tảng TikTok do các nhà sáng tạo nội dung của nền tảng TikTok phối hợp với doanh nghiệp cùng thực hiện để giới thiệu, quảng bá và bán trực tuyến các sản phẩm cho khách hàng.
Còn tại Yên Bái, cũng trong thời gian này, Chương trình “Ngày mua sắm trực tuyến và trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP thúc đẩy phát triển kinh tế số năm 2024” do Sở Công Thương Yên Bái sẽ tổ chức với sự tham gia của 30 doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm nông sản, thủy sản trên địa bàn tỉnh và 8 TikToker đến từ huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái và tỉnh Điện Biên. Các TikToker livestream 4 phiên bán các mặt hàng của các doanh nghiệp tham gia Chương trình.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, thương mại điện tử không chỉ đơn thuần là một xu thế mà đã trở thành động lực tăng trưởng mạnh mẽ. Tại Yên Bái, tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ tăng từ 8,48% năm 2022 lên 9,3% năm 2023. Qua đó, phản ánh sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng, khả năng ứng dụng công nghệ của người dân và doanh nghiệp. Theo số liệu kết quả rà soát, từ năm 2021 đến nay, Yên Bái có 547 tổ chức, cá nhân giao dịch 60,542 tỷ đồng trên các sàn thương mại điện tử.
Chương trình là hoạt động ý nghĩa với hoạt động livestream bán hàng trực tuyến nhằm giúp các doanh nghiệp và người tiêu dùng tìm hiểu, tiếp cận, làm quen với xu hướng tiêu dùng thông qua nền tảng trực tuyến. Đồng thời, tiếp tục xây dựng, phát triển thương hiệu các sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Yên Bái, từng bước khẳng định thương hiệu hàng Việt trên các kênh thương mại điện tử, nâng cao năng lực cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường.
Có thể thấy, khoảng 2 năm trở lại đây, việc tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử đã trở thành hướng đi tất yếu giúp nông dân mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm và giảm bớt sự phụ thuộc vào các kênh phân phối truyền thống. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đã triển khai, ứng dụng marketing số để quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu thông qua các trang mạng xã hội, website và ứng dụng di động, giúp tăng cường nhận diện, thu hút khách hàng từ các thị trường trong và ngoài nước.
Nhằm hỗ trợ nông sản Việt, vào ngày 12/12/2024, tại Hà Nội, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) cũng sẽ công bố ra mắt sàn Thương mại điện tử nongsan.buudien.vn, nền tảng thương mại điện tử chuyên biệt về nông sản chất lượng cao đầu tiên tại Việt Nam do Vietnam Post làm chủ về công nghệ và vận hành.
Ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) - nhấn mạnh, trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu, ngành nông nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức nhưng đồng thời mở ra cơ hội lớn để bứt phá. Việc xây dựng một sàn thương mại điện tử dành riêng cho nông sản là giải pháp thiết thực để phát triển nông nghiệp số mà còn mang lại giá trị thiết thực.
Trước hết, sàn thương mại điện tử dành riêng cho nông sản hướng tới tiêu thụ nông sản bền vững, kết nối trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng, góp phần giảm thiểu rủi ro ùn ứ sản phẩm.
Đồng thời, thông qua việc truy xuất nguồn gốc và đảm bảo chất lượng, nông sản Việt Nam có thể nâng cao giá trị sản phẩm, tiếp cận và xây dựng niềm tin không chỉ thị trường trong nước mà còn vươn ra trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, sàn giao dịch này hỗ trợ người nông dân tiếp cận công cụ số, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Sàn thương mại điện tử này không chỉ là một nền tảng giao dịch, mà còn là một hệ thống “cửa hàng trực tuyến” với mạng lưới rộng khắp trên cả nước. Theo tính toán, mỗi điểm bán hàng có bán kính phục vụ bình quân 2,67 km và đáp ứng nhu cầu của trung bình 6.259 người. Đây là nền tảng tạo nên hệ thống giao dịch nông sản lớn nhất, nhanh nhất và gần gũi nhất với người dân trên cả nước. Không dừng lại ở thị trường trong nước, sàn thương mại điện tử này sẽ từng bước mở rộng sang các thị trường quốc tế như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác.
Nông sản tìm được “đất sống” trên các “chợ mạng”
Nhằm hỗ trợ họ mang nông sản của mình lên sàn thương mại điện tử, trước đó, các Bộ, ngành, địa phương cũng đã tổ chức tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), nông dân.
Đại diện TikTok Việt Nam Nguyễn Lâm Thanh cho hay, trong năm 2023, sáng kiến "Chợ phiên OCOP" nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và TikTok Việt Nam đã thành công mang sản phẩm OCOP, cùng nông, đặc sản địa phương quảng bá đến đông đảo cộng đồng trên tính năng thương mại điện tử TikTok Shop.
Sau một năm triển khai, "Chợ phiên OCOP" đã tạo được hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ giá trị chương trình OCOP cho người dùng mạng xã hội, như: hashtag #OCOP đạt 1,4 tỷ lượt xem, hơn 800 phiên livestream "Chợ phiên OCOP" được tổ chức, với doanh số đạt hơn 100 tỷ đồng, hỗ trợ cho hơn 3.000 chủ thể OCOP trên cả nước làm quen với kinh doanh trực tuyến.
Tiếp nối thành công đó, năm 2024, TikTok phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX sản xuất hàng Việt Nam, các chủ thể OCOP tại các tỉnh về kỹ năng số, quảng cáo trực tuyến… nhằm mang những sản phẩm đặc trưng của từng địa phương tiếp cận với đông đảo người tiêu dùng trong cả nước. Dự kiến trong năm 2024, TikTok sẽ đào tạo cho khoảng 5.000 doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh thông qua chương trình hợp tác này.
Cũng trong khuôn khổ chương trình hợp tác này, mới đây, TikTok đã tổ chức đào tạo cho các doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh của 5 tỉnh Tây Nguyên hiểu và nắm về các kỹ năng số để quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên sàn TMĐT. Đồng thời, tổ chức một phiên livestream có sự hỗ trợ của các TikToker nổi tiếng tại địa phương (như chủ các kênh Hana Ban Mê, Chuyện của Đức…) để các doanh nghiệp, HTX có trải nghiệm thực tế về bán hàng trên TikTok.
Phiên livestream có 26 sản phẩm đặc trưng của vùng Tây Nguyên tham gia, được hỗ trợ giảm giá từ 5 – 70% nhằm giúp doanh nghiệp, HTX có thêm kinh nghiệm; đồng thời giúp người mua hàng có thể trải nghiệm về sản phẩm đặc trưng của Tây Nguyên với giá ưu đãi. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp, HTX, chủ thể OCOP thành thạo những công cụ, tự vận hành được hệ thống và đưa hàng hóa lên trên tính năng TikTok Shop, cách livestream bán hàng…
Các đơn vị nghiên cứu thị trường dự báo, thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao, là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nông sản, nhất là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Thực tế những năm trở lại đây, làn sóng đưa hàng nông sản, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử được các doanh nghiệp và địa phương trên cả nước triển khai khá rầm rộ. Kết quả bước đầu cho thấy, nhiều nông sản như vải thiều Bắc Giang, xoài cát Hòa Lộc (Đồng Tháp), bưởi Tân Triều (Đồng Nai)… đã tìm được “đất sống” trên các “chợ mạng”.
Tác giả: Hạnh Nguyễn