Kim tự tháp - Những sự thật hấp dẫn ít người biết đến

Theo nhiều tài liệu ghi lại, người Ai Cập cổ đại có niềm tin mãnh liệt về sự hồi sinh và bất tử. Họ chuẩn bị rất cẩn thận và chu đáo cho cái chết của bản thân mình cũng như những người trong gia đình - dòng họ bằng cách xây dựng lăng mộ.

Kim tự tháp đóng vai trò là lăng mộ cho các pharaoh và hoàng hậu trong 2 thời kỳ Cổ vương quốc và Trung vương quốc. Hình dạng của kim tự tháp tượng trưng cho “mô đất” nguyên thủy mà người Ai Cập tin là từ đó trái đất được tạo ra, cũng như những tia nắng mặt trời chiếu xuống.

Giải mã các kim tự tháp luôn là một trong những chủ đề “nóng hổi”. Qua nhiều năm, đã có những bí mật dần được tiết lộ...

tit-kim-tu-thap.jpg

CÓ NHIỀU HƠN 3 KIM TỰ THÁP

nhieu-hon-3-kim-tu-thap.jpg

Kim tự tháp Djoser là lâu đời nhất, được xây dựng vào khoảng từ năm 2630 đến năm 2611 trước công nguyên ở Vương triều thứ ba. Kim tự tháp này cũng như khu phức hợp xung quanh do kiến trúc sư Imhotep thiết kế và được xem là những công trình bằng đá nguyên khối cổ nhất thế giới.

Kim tự tháp là một cấu trúc có các mặt bên ngoài của nó là hình tam giác và hội tụ về một bậc ở đỉnh. Đáy của hình chóp có thể là hình tam giác, hình tứ giác hoặc hình đa giác bất kỳ. Kim tự tháp hình vuông, có đáy là hình vuông và bốn mặt ngoài là hình tam giác là một phiên bản thông thường.

Ba kim tự tháp nổi tiếng ở Giza là Kim tự tháp Menkaure, Kim tự tháp Khafre và Kim tự tháp Khufu vĩ đại. Nhưng đây chỉ là những kim tự tháp lớn nhất. Trên thực tế, tổng cộng có khoảng 138 kim tự tháp đã được phát hiện trong khu vực Ai Cập cổ đại.

tit-kim-tu-thap.jpg

CAO NHẤT TRONG 3.800 NĂM

Đại Kim tự tháp Giza là Kim tự tháp Ai Cập lớn nhất và là lăng mộ của Vương triều thứ Tư của pharaoh Khufu.

cao-nhat.jpg

Được xây dựng vào đầu thế kỷ 26 trước Công nguyên trong khoảng thời gian 27 năm, đây là kim tự tháp lâu đời nhất còn nằm trong Bảy kỳ quan của thế giới cổ đại và là kim tự tháp duy nhất với phần lớn còn nguyên vẹn. Là một phần của Quần thể kim tự tháp Giza, nó giáp với Giza ngày nay tại Greater Cairo, Ai Cập.

Ban đầu với chiều cao 146,6m, Đại Kim tự tháp là cấu trúc nhân tạo cao nhất thế giới trong hơn 3.800 năm. Theo thời gian, hầu hết lớp vỏ đá vôi trắng mịn đã bị loại bỏ, điều này đã hạ thấp chiều cao của kim tự tháp xuống như hiện nay (còn 138,5m).

Những gì được nhìn thấy ngày nay là cấu trúc cốt lõi cơ bản. Cơ sở đo đạc là khoảng 230,3m2 cho một khối lượng khoảng 2,6 triệu m3, trong đó bao gồm cả một ngọn đồi bên trong.

Đại Kim tự tháp được xây dựng bằng cách khai thác khối lượng đá ước tính khoảng 2,3 triệu khối lớn với tổng trọng lượng 6 triệu tấn. Phần lớn, các viên đá không đồng nhất về kích thước hoặc hình dạng và chỉ được trang trí sơ sài.

Các lớp bên ngoài được liên kết với nhau bằng vữa. Chủ yếu là sử dụng đá vôi địa phương khai thác từ Cao nguyên Giza. Các khối khác được nhập khẩu bằng thuyền xuống sông Nile: Đá vôi trắng từ Tura để làm vỏ và các khối đá granit từ Aswan, nặng tới 80 tấn, cho cấu trúc Phòng Nhà Vua.

tit-kim-tu-thap.jpg

SỬ DỤNG THIÊN VĂN HỌC ĐỂ XÂY DỰNG

Thiên văn học Ai Cập bắt đầu từ thời tiền sử, trong Ai Cập cổ đại.

chom-sao.jpg

Ai Cập La Mã đã sản sinh ra nhà thiên văn học vĩ đại nhất thời đại, Ptolemy 90 - 168 CE (Kỷ nguyên chung theo lịch Gregory). Các tác phẩm của ông về thiên văn học, bao gồm cả Almagest, trở thành những cuốn sách có ảnh hưởng nhất trong lịch sử thiên văn học phương Tây.

Vào thiên niên kỷ thứ 5 trước Công nguyên, các vòng tròn đá tại Nabta Playa có thể đã sử dụng các sắp xếp thiên văn. Vào thời kỳ triều đại lịch sử bắt đầu vào thiên niên kỷ thứ 3 trước Công nguyên, thời gian 365 ngày trong lịch Ai Cập đã được sử dụng và việc quan sát các ngôi sao rất quan trọng trong việc xác định lũ lụt hàng năm của sông Nile.

Sự định hướng chính xác của các kim tự tháp Ai Cập đóng vai trò là minh chứng lâu dài cho trình độ kỹ năng kỹ thuật cao trong việc quan sát bầu trời đạt được trong thiên niên kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Người ta đã chứng minh rằng, các kim tự tháp được xếp thẳng hàng với ngôi sao cực, do sự xuất hiện của các phân vị, vào thời điểm đó, Thuban, một ngôi sao mờ nhạt trong Draco.

Đánh giá địa điểm của ngôi đền Amun-Re tại Karnak (có tính đến sự thay đổi theo thời gian sự xiên của hoàng đạo) đã cho thấy rằng, Đền thờ lớn được xếp thẳng hàng với Mặt Trời giữa Đông chí. Chiều dài của hành lang mà ánh sáng mặt trời chiếu xuống sẽ hạn chế chiếu sáng vào những thời điểm khác trong năm.

Nghiên cứu cho thấy, chòm sao Đại Hùng và Tiểu Hùng được sử dụng để sắp xếp các kim tự tháp theo hướng bắc - nam chính xác đến mức chỉ có biên độ sai số lên tới 0,05 độ.

no-le.jpg

KIM TỰ THÁP KHÔNG ĐƯỢC XÂY DỰNG BỞI NÔ LỆ

Với việc ngày càng có nhiều chứng cứ khảo cổ được tìm thấy đã khẳng định kim tự tháp không phải là sản phẩm của nô lệ, lao động nước ngoài hay các “lực lượng siêu nhiên” mà do bàn tay những công nhân lành nghề người Ai Cập tạo nên.

Trong nhiều năm qua, các nhà khảo cổ Ai Cập đã tìm thấy nhiều ngôi mộ của thợ xây dựng tại thành phố Giza (đối diện thủ đô Cairo qua bờ sông Nile). Những ngôi mộ này có niên đại 4.510 năm và nằm gần kim tự tháp của vua Khufu.

“Các ngôi mộ đó được chôn sát kim tự tháp của nhà vua. Điều đó cho thấy họ không phải nô lệ, bởi mộ của nô lệ sẽ không được đặt gần kim tự tháp của vua”, Zahi Hawass, Tổng thư ký Hội đồng cổ vật tối cao Ai Cập cho biết.

Theo ông Zahi Hawass, mộ của thợ xây dựng là một trong những phát hiện quan trọng nhất của Ai Cập ở thế kỷ 20 và 21. Chúng là nơi yên nghỉ của những người từng xây dựng kim tự tháp của vua Khufu và Khafre.

Trên vách của các ngôi mộ có nhiều hình vẽ và chữ viết mà người thợ tạo nên. Những người thợ tự gọi họ là “người bạn của vua Khufu” - một dấu hiệu khác cho thấy họ không phải nô lệ.

tit-kim-tu-thap.jpg

NHỮNG VIÊN GẠCH NẶNG TỰA CON VOI

vien-gach.jpg

Theo nghiên cứu cho thấy, các kim tháp tại Ai Cập được xây dựng từ những khối đá thiên nhiên nguyên khối.

Những người thợ hoàn toàn không sử dụng các vật liệu liên kết như cách chúng ta sử dụng xi măng trong công nghệ xây dựng hiện đại. Các khối đá khổng lồ có khi nặng hàng chục tấn được đẽo gọt, ghép lại với nhau vô cùng vững chắc, hoàn hảo, trường tồn với thời gian và được liên kết với nhau hoàn toàn dựa trên trọng lượng của chúng.

Loại đá này không phải được lấy ngay ở gần kim tự tháp mà một số trường hợp, phải được vận chuyển từ những địa điểm cách xa nơi xây dựng hàng trăm thậm chí hàng ngàn km. Và cách mà những người Ai Cập cổ đại vận chuyển những tảng đá nặng “như một con voi” này vào những vị trí chính xác để hoàn thành kim tự tháp hiện còn là điều bí ẩn.

tit-kim-tu-thap.jpg

“MÊ CUNG” TRONG KIM TỰ THÁP

Với các pharaoh Ai Cập, kim tự tháp giống như lăng mộ của bản thân và nó sẽ trở thành mục tiêu “dòm ngó” của những tên trộm.

me-cung-trong-kim-tu-thap.jpg

Do đó, trong quá trình thi công, pharaoh Ai Cập đã ra lệnh cho các kiến trúc sư thiết kế hệ thống mê cung đường hầm khổng lồ dưới lòng đất. Mê cung này sẽ khiến những kẻ trộm có thể tìm được lối vào nhưng khó có thể tìm ra căn phòng đặt thi hài pharaoh và những đồ tùy táng giá trị.

Thêm nữa, các kiến trúc sư ở Ai Cập cổ đại còn thiết kế một số cánh cửa giả. Các cánh cửa này không dẫn đến bất cứ căn phòng ẩn nào bên trong kim tự tháp. Dù kẻ trộm có cố gắng tìm cách vượt qua cánh cửa giả đó nhưng đều thất bại vì không tìm đúng chỗ.

Không những vậy, kẻ trộm còn bị đánh lừa bằng những bẫy nhỏ khác như người ta cố tình đặt bình chứa nội tạng đã được ướp xác. Khi nhìn thấy chiếc bình đó, kẻ trộm tưởng rằng đã đến được gian mộ thực sự.

Tuy nhiên, khi tiến sâu hơn, chúng sẽ không tìm được bất cứ châu báu, bảo vật nào. Căn phòng đặt xác ướp pharaoh và đồ tùy táng nằm ở vị trí rất khó tìm trong kim tự tháp.

Những đường hầm dẫn tới căn phòng này được xây dựng rất tinh vi và được che giấu cẩn thận. Vậy nên, nhiều kẻ trộm liều lĩnh đột nhập vào bên trong kim tự tháp nhưng đều “tay trắng” trở ra vì không tìm được bảo vật quý hiếm nào.

tit-kim-tu-thap.jpg

PHẢI MẤT 2 THẾ KỶ ĐỂ XÂY DỰNG KIM TỰ THÁP

200-nam-xay-kim-tu-thap.jpg

Hãy tưởng tượng số lượng người đã đóng góp vào “dự án” này trong hơn 2 thế kỷ. Bao gồm cả thời gian và công sức cần thiết để xây dựng tất cả 138 kim tự tháp.

Trung bình, một kim tự tháp mất khoảng 200 năm để có thể hoàn thành, có nghĩa là phải mất 2 đến 3 đời Pharaon mới hoàn tất một kim tự tháp. Tuy nhiên trong cùng một thời điểm có nhiều kim tự tháp được xây dựng cùng lúc.

Điều này là do họ không chỉ xây dựng ngẫu nhiên mà còn định vị chúng theo một mối quan hệ cụ thể với các vì sao.

tit-kim-tu-thap.jpg

ĐƯỢC XÂY DỰNG Ở NƠI MẶT TRỜI LẶN

mat-troi-lan.jpg

Đa số kim tự tháp của Ai Cập cổ đại được xây dựng ở phía bờ tây sông Nile - con sông duy nhất chảy qua đế chế này. Sở dĩ người Ai Cập xây dựng kim tự tháp ở nơi này vì quan niệm đây là vùng đất mặt trời lặn và cũng là vùng đất của người chết.

Hơn nữa, xây dựng kim tự tháp gần sông Nile thuận tiện cho việc vận chuyển nguyên vật liệu. Điều đáng kinh ngạc là tất cả kim tự tháp đều được xây hướng mặt về phía Bắc một cách chuẩn xác.

kim-cuong.jpg
Quảng cáo

TỎA SÁNG VÀ LẤP LÁNH TỰA KIM CƯƠNG

Theo nghiên cứu của nhiều nhà khảo cổ, kim tự tháp Giza ở Ai Cập ban đầu vốn dĩ có màu trắng, đỉnh dát vàng, trơn bóng như gương và tỏa sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời như một viên kim cương. Điều này khá trái ngược với vẻ ngoài màu vàng cam gồ ghề, cổ xưa như những bức ảnh mà chúng ta thường thấy.

Thật vậy, nhiều nguồn tài liệu ghi lại rằng các kim tự tháp được hoàn thành khoảng hơn 4.500 năm trước. Tại thời điểm đó, bên ngoài kim tự tháp được bọc một lớp vỏ đá vôi gọi là Taru.

Các vỏ đá này được cắt với độ chính xác đến kinh ngạc, đánh bóng hoàn hảo đến mức mịn như gương tạo thành một sườn dốc trơn, thậm chí có thể phản chiếu ánh sáng mặt trời. Nhìn từ xa, trông nó chẳng khác nào một viên kim cương lấp lánh.

Độ chính xác của vết cắt ở mỗi khối đá là 1/100inch. Thậm chí, trên đỉnh tháp còn được dát vàng với mục đích biến kim tự tháp thành kiến trúc rực rỡ nhất thế gian, tựa như "ngọn hải đăng" giữa sa mạc.

tit-kim-tu-thap.jpg

CÓ NỮ GIỚI THAM GIA XÂY DỰNG KIM TỰ THÁP

Theo sử gia Hy Lạp Herodotus (484 - 425 TCN), việc xây dựng kim tự tháp cần một khối lượng lớn công nhân. Thợ xây được chia thành từng kíp 100.000 người, mỗi kíp thợ làm việc 3 tháng, luân phiên thay đổi.

nu-gioi.jpg

Tuy nhiên, theo ông Zahi Hawass, các bằng chứng tìm được cho thấy mỗi ngày nông dân Ai Cập phải chuyển tới 21 con bò và 23 con cừu để nuôi ăn những người thợ xây kim tự tháp. Quân số lực lượng thợ này rơi vào khoảng 10.000 người, tức chỉ bằng 1/10 con số ước đoán của sử gia Herodotus. Các nông dân trên cũng được chính quyền Ai Cập cổ đại miễn thuế.

Mỗi cuộc khai quật lại tìm thấy nhiều bằng chứng hơn về việc những ngôi làng ở Ai Cập đã tạo ra các đạo quân thợ làm bánh, bán thịt, nấu rượu, nuôi ngựa và cả dịch vụ chăm sóc sức khỏe... chỉ để phục vụ đội ngũ thợ xây kim tự tháp. Các lò bánh ở gần các kim tự tháp lớn có khả năng sản xuất hàng chục ngàn ổ bánh mỗi tuần.

Một số thợ là lao động ăn lương của pharaoh, số khác được gọi đi làm việc trong một khoảng thời gian nhất định. Đặc biệt, có cả những lao động là nữ giới tham gia xây dựng kim tự tháp. Các bộ hài cốt nữ ở một vài hầm mộ cho thấy họ đã lao động với đá nặng trong khoảng thời gian dài như nam giới.

tit-kim-tu-thap.jpg

DI CHUYỂN CÁNH CỬA NẶNG 20 TẤN CHỈ BẰNG MỘT CÚ ĐẨY

canh-cua.jpg

Kim tự tháp có 20 cánh cửa khổng lồ với sức nặng lên đến 20 tấn. Nhưng chúng ta sẽ thực sự ngạc nhiên và “bái phục” sự vĩ đại của kỳ quan này khi có thể di chuyển những cánh cửa này chỉ bằng... một cú đẩy.

Chúng ta sẽ trầm trồ, xuýt xoa khi thấy việc đẩy cánh cửa này dễ dàng đến thế nào vì nó cân bằng hoàn hảo từ bên trong. Một số kim tự tháp được trang bị những cánh cửa khổng lồ này, chúng hoàn toàn không bị phát hiện khi chúng ta nhìn từ bên ngoài.

Điều bí ẩn ở đây là vẫn chưa biết làm thế nào những người thợ có thể cắt, đặt và cân bằng chúng một cách chính xác như vậy.

tit-kim-tu-thap.jpg

KIM TỰ THÁP SẼ GIÚP CÁC PHARAOH LÊN NGÔI THẦN THÁNH

Mục đích của kim tự tháp là giúp các vị vua lên ngôi với Sun Ra, vị thần của mặt trời.

kim-tu-thap-se-giup-cac-pharaoh-len-ngoi-than-thanh.jpg

Đối với pharaoh Ai Cập, mộ táng chính là kim tự tháp. Đây sẽ là nơi ở của pharaoh khi sang thế giới bên kia. Khi được chôn cất trong kim tự tháp, họ sẽ sống bất tử cùng với các vị thần.

Xuất phát từ điều này, nhiều pharaoh Ai Cập ra lệnh xây dựng kim tự tháp cho bản thân từ rất sớm. Đồng thời, các pharaoh cũng chôn cất họ cùng với mọi thứ họ cần ở thế giới bên kia bao gồm động vật, người hầu và vàng.

tit-kim-tu-thap.jpg

NẰM Ở TRUNG TÂM LỤC ĐỊA TRÁI ĐẤT

trung-tam-luc-dia.jpg

Nhiều người coi Đại kim tự tháp Giza là một trong những "tượng đài khoa học" lâu đời nhất, vĩ đại nhất và hoàn hảo nhất trên Trái đất.

Nó không chỉ là một kỳ quan về kiến trúc và kỹ thuật, mà còn là một kỳ quan địa lý bởi Kim tự tháp Giza nằm ở điểm giao nhau giữa đường kinh tuyến dài nhất và vĩ tuyến dài nhất thế giới.

Điều này đặt nó chính xác vào trung tâm của tất cả các khối đất liền trên hành tinh của chúng ta.

nhan-su.jpg

“NGƯỜI BẢO VỆ”

Trong thần thoại Ai Cập cổ đại, nhân sư là một nhân vật biến thái động vật, thường được thể hiện như một con sư tử đực hoặc cái nằm và có đầu người. Nhân vật này có nguồn gốc từ thời Cổ Vương Quốc và gắn liền với vị thần mặt trời Sekhmet.

Vai trò của nhân sư là canh gác các ngôi đền, chúng được đặt liền với kết cấu kiến trúc khác như lăng mộ hoàng gia hay đền tôn giáo. Có lẽ nhân sư đầu tiên là tượng thể hiện Hoàng hậu Hetepheres II, vợ của pharaon Djedefra thời Vương triều thứ tư kéo dài từ năm 2723 tới năm 2563 (TCN).

Tượng lớn nhất và nổi tiếng nhất là Tượng Nhân sư lớn ở Giza, tại Thung lũng Giza trên bờ tây Sông Nile và quay mặt về hướng đông. Dù thời gian xây dựng nó còn chưa được biết chắc, đầu Tượng Nhân sư lớn hiện được cho là đầu của pharaon Khafra.

Tuy nhiên, vào năm 2004, nhà Ai Cập học người Pháp là Vassil Dobrev tuyên bố rằng, ông đã tìm ra bằng chứng mới cho thấy Đại Nhân sư là do pharaon Djedefra - anh trai của pharaon Khafra và là con của pharaon Khufu - xây dựng, để tưởng nhớ vua cha Khufu.

Đây cũng là bức tượng nguyên khối lớn nhất thế giới.

tit-kim-tu-thap.jpg

“MẸ” CỦA CÁC MÁY ĐIỀU HÒA

nhiet-do-ben-trong-kim-tu-thap.jpg

Qua nghiên cứu của các nhà khoa học, sự phân bố nhiệt độ, lưu thông không khí trong tòa kiến trúc kiểu kim tự tháp khác hẳn trong các công trình xây dựng khác.

Trong kim tự tháp, tốc độ bốc hơi của nước nhanh, khiến xác động vật dễ dàng biến thành xác khô không bị mục rữa. Không khí trong kim tự tháp khô hanh, nước bốc hơi phân tán nhanh, khó bám vào bề mặt kim loại nên các vật thể kim loại không bị ôxy hóa gây sét gỉ.

Không gian bên trong các kim tự tháp tại Ai Cập đảm bảo điều kiện hoàn hảo về nhiệt độ, độ ẩm… với nhiệt độ luôn ở mức khoảng 20 độ C mặc dù khí hậu bên ngoài sa mạc là rất nóng. Đây được coi là sự vận dụng những hiểu biết về hiệu ứng nhiệt cùng một số yếu tố khác của người Ai Cập cổ đại mà cho đến nay khoa học vẫn chưa thể làm rõ.

tit-kim-tu-thap.jpg

KIM TỰ THÁP CÓ 8 MẶT

8-mat.jpg

Thoạt nhìn, nhiều người nghĩ rằng, kim tự tháp chỉ có 4 cạnh, nhưng thực ra nó là một cấu trúc 8 cạnh. Hiện tượng này chỉ có thể phát hiện vào lúc bình minh hay hoàng hôn tại thời điểm xuân phân hay thu phân, khi mặt trời ngả bóng trên Kim tự tháp.

Điều thú vị ở đây là người kiến tạo ra các đặc điểm này phải có kiến thức hoàn hảo về chu kỳ mặt trời, vốn là một kiến thức cao cấp trong toán học. Trong quá trình nghiên cứu kim tự tháp đã nhận thấy ở trung tâm mỗi mặt đều có chỗ lõm vào và có thể đo đạc được.

Chi tiết độc đáo và khá ít người biết này có thể dễ dàng quan sát từ trên không, nhưng trong điều kiện ánh sáng phù hợp. Nghiên cứu cũng cho thấy mục đích là để giữ các viên đá ốp ở đúng vị trí. Điều đó rất khó thực hiện ngay cả ngày nay.

tit-kim-tu-thap.jpg

KHÔNG CÓ DẤU HIỆU CỦA CHỮ TƯỢNG HÌNH

chu-tuong-hinh.jpg

Mặc dù toàn bộ thể tích của kim tự tháp là khá khổng lồ nhưng thể tích không gian bên trong chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Vì lẽ đó nên kim tự tháp gần như là một kiến trúc hoàn chỉnh và đó cũng chính là lý do công trình này có thể tồn tại sừng sững mấy ngàn năm.

Đã có nhiều bộ phim giả tưởng cũng như các lời đồn cho rằng trong những kim tự tháp là hằng hà sa số những dòng chữ tượng hình ghi lại sự kiện và những mật truyền, lời nguyền của các bậc vua chúa ngày xưa đồng thời nhiều câu chuyện huyền bí được thêu dệt. Tuy nhiên điều này không có căn cứ xác thực và trong kim tự tháp Kheops, người ta không tìm thấy dấu vết của chữ tượng hình.

Có lẽ người Ai Cập cổ xưa đang cố gắng không tiết lộ bí mật của mình(!).

tit-kim-tu-thap.jpg

XUẤT HIỆN HẰNG SỐ TOÁN HỌC TRƯỚC KHI PI ĐƯỢC CÔNG NHẬN

Kim tự tháp cũng chứng minh một điều là người Ai Cập đã biết đến số Pi - một hằng số mà sau này Archimedes được coi là người đã phát hiện ra.

hang-so-pi.jpg

Các kim tự tháp luôn có một tỷ lệ kích thước rất chuẩn dựa trên việc tính toán được số Pi. Ví dụ như kim tự tháp Kheops, nếu chúng ta lấy 2 lần chiều cao chia cho diện tích đấy, chúng ta sẽ được số Pi. Đây được coi là tỷ lệ chuẩn và hiệu quả nhất để xây dựng những kiến trúc như thế này.

Hoặc nếu trừ chiều dài của Kim tự tháp lớn với chiều cao của nó, ta được 314,16 (100 lần Pi). Sau đó, 2 cạnh cộng lại, tính bằng mét, tạo thành 100 lần Pi bình phương (một con số vàng).

Bên cạnh đó, các kim tự tháp cũng được làm chi li đến mức dù được ghép từ các khối đá lớn, riêng biệt nhưng chúng ta thậm chí không thể luồn một lưỡi dao sắc mảnh hay 1 tờ giấy vào giữa 2 phiến đá. Tại kim tự tháp Kheops, chiều cao chênh lệch giữa 2 cạnh đối diện ở mức dưới 2cm - một độ chính xác đến kinh hoàng nhất trong điều kiện người Ai Cập không có các máy móc đo đạc như hiện nay.

Theo https://thuonggiaonline.vn/ Copy

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: [email protected]

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: [email protected]
Website: https://thuonggiaonline.vn/