Sau 30 năm đổi mới, đất nước ta gặt hái được nhiều thành tựu đáng kể, nhưng PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế độc lập (nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá, Bộ Tài chính) cho rằng, để bứt lên được, “Việt Nam cần một cuộc cách mạng đổi mới thực sự lần hai trước ngưỡng cửa hội nhập”.
Sợ nhất bôi mà không trơn
Ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT tại Đại hội Đảng XII vừa qua có đề cập đến việc chúng ta không thể vươn lên, thậm chí càng tụt hậu so với các nước trong khu vực nếu không thực sự đổi mới về chính trị đồng bộ với nền kinh tế thị trường, ông đánh giá quan điểm đó như thế nào?
Ông Vinh rất thẳng thắn và trách nhiệm. Tôi hiểu nỗi trăn trở đó sau khi nhìn lại 30 năm chúng ta đổi mới, đất nước gặt hái thành công cũng nhiều mà thất bại cũng không ít. Chúng ta từ một nền kinh tế hành chính quan liêu bao cấp, không tạo được động lực để phát triển chuyển qua nền kinh tế thị trường năng động hơn. Đất nước không còn phải nhập khẩu lương thực, hàng hóa phong phú, hạ tầng hiện đại..., mọi hoạt động của người dân được cởi trói theo cơ chế thị trường.
Thu nhập bình quân đầu người tăng 4 lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 90% xuống 5%... Thống kê đó đã nói rất rõ về thành tựu nhưng chúng ta không thể so với chính chúng ta trong quá khứ mà phải so với các nước bạn và nhìn vào tương lai. Thu nhập bình quân của ta chỉ bằng 1/5 thế giới, kinh tế tăng trưởng nhưng chất lượng không cao, năng suất lao động thấp... Hàng loạt rào cản đó đã khẳng định một điều “Việt Nam cần một cuộc cách mạng đổi mới thực sự lần hai trước ngưỡng cửa hội nhập”.
Đảng và Nhà nước đã tiến hành tái cơ cấu kinh tế rất mạnh mẽ, đó có phải là tiền đề cho cuộc cách mạng này?
30 năm qua, đặc biệt 5 năm trở lại đây chúng ta đã tái cơ cấu, đã cải cách để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư nhưng rất tiếc lời nói, tuyên bố còn chưa đi đôi với việc làm, hành động. Từ đổi mới mô hình tăng trưởng chiều rộng sang chiều sâu, tái cơ cấu nền kinh tế với ba mũi nhọn đột phá là đầu tư công, tài chính và doanh nghiệp (DN) nhà nước..., tinh thần đó được thể hiện rõ qua chủ trương, chính sách nhưng kết quả lại khá rời rạc, không như mong muốn.
Đất nước tụt hậu, chúng ta lo ngại và xem đó như là nguy cơ nhưng nay đã thành hiện hữu thật rồi. Ngay cả so với Lào, Campuchia hay Myanmar, chúng ta cũng có những lĩnh vực còn kém rất xa.
Nay thời thế đã khác, mọi điều kiện về tài nguyên, lao động, dân số vàng đã không còn được như trước, cơ hội đã qua đi. Vì vậy, chúng ta phải tiến hành cuộc cách mạng đổi mới lần hai mà bắt đầu từ chính việc cải cách phương thức lãnh đạo, bộ máy chính trị song hành với các thay đổi về kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Nhưng cũng không thể phủ nhận những nỗ lực của chúng ta trong thời gian qua. Việt Nam từng nằm trong nhóm "đội sổ" về thời gian làm thủ tục thuế, hải quan nhưng năm 2015, Bộ Tài chính báo cáo đã cắt 800 giờ xuống chỉ còn khoảng 121 giờ...
Nỗ lực của Chính phủ trong ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh rất đáng ghi nhận, kể cả tinh thần thực thi nghiêm túc của Bộ Tài chính. Trong 30 năm đổi mới, chúng ta đã thực hiện nhiều cải cách, 10 năm trở lại đây cũng đột phá vào khâu thủ tục nhưng cũng không thể cắt giảm nổi được 100 giờ. Nhưng nay chỉ 1 năm mà cắt giảm được tới 600 - 700 giờ, tôi xem đó như một kỳ tích, chí ít là trên... giấy tờ.
Ngân hàng Thế giới (WB) - một tổ chức rất uy tín chỉ ghi nhận giảm được 102 giờ, còn cộng đồng DN thì sao? Họ vẫn kêu trời về phí bôi trơn, về giấy phép con. Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam cuối năm đã khảo sát hàng chục nghìn giám đốc, kế toán, kết quả cho thấy có tới 30% DN khẳng định vẫn phải chi tiền để bôi trơn. Nhưng cái đáng sợ nhất là “bôi nhưng mà không trơn”, điều đó thể hiện qua báo cáo của Hà Nội và TP.HCM 10 năm qua không phát hiện tham nhũng, tiêu cực.
Cán bộ, công chức các ngành thuế, hải quan cam kết 100% không nhận hối lộ, tham nhũng... Vậy tiền bôi trơn đó đi đâu, và tại sao dư luận, DN vẫn bức xúc? Vấn đề đó năm tới chúng ta không thể xem nhẹ, đặc biệt khâu thẩm định, kiểm tra, giám sát, xử lý trách nhiệm để đảm bảo số liệu và chỉ đạo của Chính phủ được thực thi một cách trung thực, khách quan, nghiêm túc nhất.
Các DN tư nhân không thể cạnh tranh nổi với DN nhà nước, DN nước ngoài từ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thưa ông?
Thực ra ở các nước, DN tư nhân cũng không cần quy mô quá lớn. “Thuyền thúng” tuy nhỏ, nhưng vẫn có thể trụ vững nếu biết cách chèo lái và được hỗ trợ. Vấn đề nằm ở môi trường, chính sách đầu tư cũng như phân khúc lựa chọn trong chuỗi giá trị. Ở ta, cái mà DN sợ nhất không phải nằm ở chính sách mà ở người thực thi chính sách đó và lợi ích nhóm. Mình có một số tập đoàn tư nhân làm ăn được, có thương hiệu nhưng nói thật vẫn phải dựa vào “quan hệ đằng sau”, dựa vào sự “chống lưng”. Cái này phải cắt ngay, bỏ ngay vì nó tạo ra cạnh tranh không bình đẳng, làm xói mòn lòng tin.
Kể cả với kinh tế nhà nước, Hiến pháp quy định đây là thành phần chủ đạo, tuy nhiên chúng ta phải tôn trọng sự bình đẳng theo đúng quy định của luật và thông lệ quốc tế. Chúng ta nói hỗ trợ DN vừa và nhỏ phải hỗ trợ thật, không thể nói xong rồi bỏ đó như quỹ bảo lãnh tín dụng, rồi cơ chế vay vốn ngân hàng. Hay như vừa rồi, lần đầu tiên Chính phủ ra nghị định hỗ trợ kinh tế tư nhân được vay vốn ODA. Tuy nhiên, còn quá nhiều thủ tục và rào cản từ thủ tục vay, điều kiện trả nợ, tài sản...
PGS-TS Ngô Trí Long.
Đẩy lùi tham nhũng, lấy lại lòng tin
Song song với đổi mới về thể chế kinh tế, bộ máy lãnh đạo trong ngắn hạn, năm 2016, theo ông chúng ta sẽ có những thuận lợi khó khăn như thế nào?
Chắc chắn năm tới, khó khăn nhiều hơn thuận lợi vì hệ lụy của năm 2015 để lại. Mặc dù, dấu ấn mạnh nhất vừa qua là sự ổn định kinh tế vĩ mô nhưng điều đó chưa thực sự vững chắc. Tăng trưởng đạt ở mức cao hơn - gần 6,9% nhưng phần lớn dựa vào khai thác, bán tài nguyên thô; xuất khẩu làm gia công nên giá trị gia tăng không cao. Đặc biệt, năng suất chất lượng còn rất thấp.
Với nền tảng còn mỏng như vậy, chúng ta rất dễ bị tác động tiêu cực từ sức ép bên ngoài như giá dầu hay đồng nhân dân tệ gia tăng. Nhưng lo ngại nhất nằm ở trần nợ công và cân đối thu - chi ngân sách. Năm rồi có dấu hiệu chúng ta đã “vét” gần như tất cả các nguồn thu, vậy còn dư địa cho năm nay không. Đáng nói, trần nợ công đã ở mức 60%, năm tới dự kiến gần 63% GDP (ngưỡng an toàn của nợ công là 65%). Tuy nhiên, hệ số rủi ro tín dụng của chúng ta bị đánh giá rất kém, khả năng cân đối trả nợ lại không cao. Nếu không nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính, tiết kiệm chi thường xuyên, chắc chắn vấn đề nợ công của ta sẽ không còn ở mức báo động nữa.
Với nền tảng như vậy, chúng ta sẽ đối mặt với hội nhập sâu rộng năm nay ra sao?
Sức ép lớn nhất đối với nước ta là cạnh tranh, cái lợi lớn nhất là thị trường rộng mở và thuế suất giảm theo lộ trình về 0%. Nhưng nên nhớ, phía sau đó cũng kèm theo một loạt hàng rào kỹ thuật về thuế quan, nguồn gốc xuất xứ... Tôi rất lo ngại cho ngành nông nghiệp khi ngay trong nước đang bị bủa vây bởi thực phẩm bẩn, tạp chất... Như vậy làm sao có thể cạnh tranh được với hàng hóa nước bạn. Nếu không có sự đổi mới thực sự, cơ hội sẽ biến thành rủi ro, tạo ra hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế.
Vậy theo ông, chúng ta phải làm gì để vượt qua?
Phải coi việc đổi mới là then chốt, quyết định sự tồn vong, thành bại của đất nước. Như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Lời nói phải đi liền với hành động. Quãng đường từ lời nói đến hành động tưởng ngắn nhưng mà xa lắm. Nếu không có người lãnh đạo dám làm, dám chịu trách nhiệm, người đứng đầu không trong sạch liêm khiết, thì dân mất niềm tin ngay. Một khi đã mất lòng tin là mất cả.
Tăng trách nhiệm giải trình
của người hoạch định chính sách
Nền kinh tế nước ta thời gian qua đã
thiết lập được điều kiện bước đầu để tận dụng tốt cơ hội từ hội nhập, đang trên
quỹ đạo phục hồi bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô cũng từng bước được củng cố.
Tuy nhiên, để tận dụng tốt hơn cơ hội và giảm thiểu các thách thức từ hội nhập,
môi trường đầu tư - kinh doanh cần được tăng tính minh bạch, sự tham gia của
cộng đồng DN và người dân trong quá trình thiết kế, thực hiện chính sách; tăng
tính tiên liệu của chính sách, tăng trách nhiệm giải trình của những nhà hoạch định
chính sách, giảm thiểu chi phí gia nhập, chi phí thực hiện và chi phí thoát
khỏi ngành.
Bên cạnh đó, phải có chiến lược và
chính sách công nghiệp nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để có thể tận
dụng tốt nhất cơ hội từ hội nhập. Đặc biệt, việc nhập khẩu công nghệ hiện đại
cũng là cách thức để nâng cao trình độ sản xuất trong nước vì đó là một trong
những kênh truyền dẫn công nghệ quan trọng từ bên ngoài vào nền kinh tế.
Ông Phạm Sỹ An,
Viện Kinh tế Việt Nam
Đột phá đổi mới trong tư duy
Thách thức trong thời gian tới buộc
chúng ta phải đẩy mạnh cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế, nhưng phải gắn với đổi
mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh
tranh; đảm bảo phát triển nhanh, bền vững; nâng cao trình độ phát triển và năng
lực cạnh tranh của từng ngành, từng DN, từng sản phẩm và toàn bộ nền kinh tế.
Đột phá trong đổi mới tư duy phát triển, nhất quán và đồng bộ với quyết tâm
chính trị cao, lấy lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích của người dân là mục
tiêu cao nhất.
Cần hoàn thiện, bổ sung đề án tái cơ
cấu nền kinh tế, trong đó cần lượng hóa nội hàm, các cấu phần mô hình tăng
trưởng, nêu rõ mục tiêu, lộ trình, phương thức phân bổ lại nguồn lực, huy động
sự tham gia của xã hội, gắn quá trình tái cơ cấu nền kinh tế với quá trình hội
nhập kinh tế quốc tế, gắn tái cơ cấu ngành công nghiệp và dịch vụ với tái cơ
cấu ngành nông nghiệp.
GS-TS Trần Minh Đạo,
Đại học Kinh tế Quốc dân
Cơ chế “phong bì” cản trở sự
phát triển
Cải cách hành chính vẫn là một “cái
phanh” quá lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Báo chí thời gian qua viết
khá nhiều về tình trạng người ta bỏ ra hàng trăm triệu đồng để “chạy cho bằng
được” suất biên chế với mức lương “èo uột”. Có phải người ta mua “cái danh, cái
tiếng” không? Theo tôi là không. Có thể suy đoán rằng, người ta vào biên chế
rồi tìm cách thu lại bằng những con đường “ngoài lương”. Ở Việt Nam hiện nay,
mọi nghề nghiệp có được bằng con đường “đầu tư” ắt phải có “con đường và cơ
chế” thu để bù đắp chi phí và sinh lời. Đây là gốc rễ của vấn đề trì trệ, khó
dễ trong thực thi công vụ, buộc người dân và DN phải dùng đến sức mạnh của cơ
chế “phong bì, bôi trơn”, nếu muốn được việc. Đây chính là nguyên nhân sâu xa
của tình trạng cải cách chậm chạp và rất khó đối với thủ tục hành chính ở nước
ta hiện nay. Con đường và giải pháp để thoát khỏi tình trạng trên chỉ có thể là
nâng cao quyền lực của nhân dân một cách thực chất, kiểm soát chặt thu nhập của
quan chức, đánh thuế tài sản thừa kế.
TS Nguyễn Mạnh Hùng - Ban Kinh tế T.Ư
Theo Báo Thanh Niên