Nếu nhìn vào các kênh đầu tư năm 2015 sẽ thấy có điểm ngạc nhiên là các kênh đầu tư không thực sự phản ánh sự tăng trưởng kinh tế. Bởi lẽ các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Việt Nam rất tốt khi tăng trưởng kinh tế lên tới gần 6,7%; kinh tế vĩ mô ổn định khi làm phát thấp hơn 1%... nhưng các kênh đầu tư lại không được như vậy. Kênh chứng khoán, chỉ số VN Index tăng không được như kỳ vọng; USD có biến động nhưng xu thế chung cũng không có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư; bất động sản có ấm lên nhưng cơ hội đầu tư cũng chỉ nằm ở một số phân khúc; kênh giữ tiền là gửi tiết kiệm cũng không thực sự hấp dẫn do chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và tiền gửi USD cũng đã về 0%.
PHÓNG VIÊN: - Ông nhận định thế nào về tiềm năng các kênh đầu tư chứng khoán và bất động sản?
Ông VŨ ĐÌNH ÁNH: - Với chứng khoán, các chỉ số không tăng được như kỳ vọng trong năm 2015, nhưng so với các thị trường xung quanh, mức tăng khoảng 5-6% cũng đáng chú ý. Thị trường chứng khoán tiếp tục tăng về quy mô khi vốn hóa đạt khoảng 34% GDP, đáng chú ý là sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, doanh nghiệp tư nhân lớn đã tăng thêm chất lượng cho hàng hóa trên thị trường. Bên cạnh đó, việc Chính phủ ban hành Nghị định 60 (quy định chi tiết các Luật Chứng khoán) trong đó có quy định về nới room cho nhà đầu tư nước ngoài và cùng yêu cầu về niêm yết đối với các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa từ nay đến 2020 sẽ tạo sự hấp dẫn nhất định cho thị trường chứng khoán năm 2016 cũng như thời gian tới.
Gửi tiền tiết kiệm được coi là kênh đầu tư an toàn. Ảnh: LONG THANH |
Với thị trường bất động sản, chúng ta đều biết sau một thời gian đóng băng khá dài, đến năm 2015 một số phân khúc đã ấm lên và tạo ra khá nhiều cơ hội đầu tư. Phân khúc chung cư trung và cao cấp đã có giao dịch sôi động, từ đó giúp giảm tồn kho bất động sản trong năm 2015. Bên cạnh đó là các phân khúc khác như nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp... năm 2016 sẽ tiếp tục có triển vọng thành công. Các ngân hàng cũng có sự mạnh dạn hơn trong việc cho vay mua, đầu tư bất động sản. Không những vậy, từ giữa năm 2015 một dòng vốn từ nước ngoài đã vào thị trường bất động sản từ nhà đầu tư nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài đi theo các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã cam kết, tạo ra những triển vọng tốt cho thị trường này. Hy vọng thị trường bất động sản năm 2016 sẽ ấm hơn hẳn so với năm 2015.
- Vừa qua, các ngân hàng đã có động thái tăng lãi suất huy động, phải chăng kênh tiết kiệm sẽ hấp dẫn hơn? Các kênh vàng, ngoại tệ sẽ như thế nào?
- Nếu so với vàng giảm giá năm vừa qua, mức độ tăng giá của USD... thì việc lãi suất huy động tăng lên và dự báo khó giảm trong năm 2016 dường như gửi tiền tiết kiệm vẫn hiệu quả, an toàn không khác gì kênh đầu tư vào vàng, chứng khoán hay USD. Những người có khoản tiền nhỏ, không có nhiều lựa chọn đầu tư thì gửi tiết kiệm là kênh khá hấp dẫn trong năm 2016.
Năm 2015, thị trường vàng và ngoại tệ khá ổn định, vàng giảm khoảng 5% so với năm 2014 còn USD tăng trên 5%, nhưng bình quân trong năm cũng chỉ tăng khoảng 3,5%. Dù thị trường ngoại tệ thế giới biến động mạnh do tác động phá giá từ Trung Quốc, nhưng nước ta đã có những chính sách đối phó khá hiệu quả, tạo được sự ổn định. Năm 2016, thị trường vàng được dự báo có xu hướng giảm khi giá dầu giảm, ảnh hưởng đến giảm phát. Với ngoại tệ, nên chú ý xu hướng tiếp tục lên giá của đồng USD. Với Việt Nam, 2016 là năm có cơ chế điều hành tỷ giá mới hoàn toàn khác so với cơ chế điều hành đã áp dụng trước đó. Đó là cơ chế tỷ giá linh hoạt hàng ngày với biên độ +/-3%. Và như vậy, biến động tỷ giá năm 2016 sẽ khác hẳn trước kia, do đó những người muốn hay có thể kinh doanh ngoại tệ phải hết sức chú ý.
- Ông nhận định thế nào về vị trí các kênh đầu tư năm 2016?
- Với những kênh đầu tư tài chính, tôi cho rằng những người hạn chế về khả năng, tính chuyên nghiệp và thì nên gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất ở mức chấp nhận được. Còn với những người có trình độ, có khả năng chuyên môn, kinh nghiệm có thể lựa chọn là bất động sản. Nếu biết lựa chọn các phân khúc phù hợp thì đó là kênh đầu tư tương đối lạc quan. Xếp sau đó là chứng khoán. Với các thay đổi về thể chế và xu hướng hội nhập, đây cũng là kênh hấp dẫn. Kênh đầu tư tiếp theo là tiền tệ, nhưng kênh này đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất cao vì với những biến động về giá trị các đồng tiền trên thế giới, cơ chế điều hành tỷ giá mới, cùng với kiểm soát và chống đô la hóa thì việc tìm kiếm lợi nhuận là không hề dễ dàng. Vàng là lựa chọn đầu tư cuối cùng.
- Xin cảm ơn ông.
Theo saigondautu.com.vn