Quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc
Từ năm 2004, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Từ đó đến nay, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước không ngừng tăng lên. Năm 2014, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 58,6 tỷ USD, tăng 16,8 % so với năm 2013; trong đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 43,71 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2013 và kim ngạch xuất khẩu đạt 14,9 tỷ USD, tăng 12,6% so với năm 2013 (VCCI, 2015).
Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 100 mặt hàng, gồm 4 nhóm hàng chính sau:
- Hàng nhiên nguyên liệu: Dầu thô, than, quặng kim loại, các loại hạt có dầu, dược liệu (cây làm thuốc)…
- Hàng nông sản: Lương thực (gạo, sắn khô), rau củ quả (đặc biệt là các loại hoa quả nhiệt đới như: chuối, xoài, chôm chôm, thanh long…), chè, hạt điều
- Hàng thuỷ sản: Thuỷ sản tươi sống, thuỷ sản đông lạnh, một số loại mang tính đặc sản như: rắn, rùa, ba ba….
- Hàng tiêu dùng: Hàng thủ công mỹ nghệ, giày dép, đồ gỗ cao cấp, bột giặt, bánh kẹo…
Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc các sản phẩm của công nghiệp chế tạo, công nghiệp chế biến (xăng dầu, máy móc thiết bị, phụ tùng, phân bón, sắt thép..).
Việc nhập siêu với khối lượng lớn và cơ cấu hàng hoá chưa hợp lý tạo nhiều bất lợi cho Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam ghi nhận mức thâm hụt 16,5 tỷ USD với Trung Quốc, trong đó nhập khẩu tăng 23% nhưng xuất khẩu chỉ tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ iệc phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) khiến cho hàng hóa Việt Nam trở nên đắt hơn tại Trung Quốc, sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại Trung Quốc giảm. Hàng hóa từ Trung Quốc vốn đã rẻ càng trở nên rẻ hơn và cạnh tranh quyết liệt với hàng hóa ở Việt Nam. Với các hợp đồng xuất khẩu chính ngạch thanh toán bằng đồng USD, doanh nghiệp (DN) Trung Quốc sẽ phải thêm gần 2% để trả cho một đơn hàng với giá như cũ. Như vậy, khách hàng nhập khẩu sẽ phải tăng giá bán hoặc tìm cách giảm giá mua xuống để bù cho chi phí này. Các nhà xuất khẩu Việt Nam, do đó muốn giữ đầu ra tại thị trường Trung Quốc sẽ bắt buộc phải giảm giá. Sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường Trung Quốc sẽ bị giảm sút rõ rệt và không chỉ dừng lại ở đây.
Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu hiện nay chủ yếu gồm, máy móc, thiết bị, điện thoại và phụ kiện, máy tính, đồ điện tử và linh kiện và vải, trong khi đó, xuất khẩu chủ yếu là máy tính, đồ điện tử và linh kiện, sợi, dầu thô, gạo, sắn. Phần lớn những mặt hàng xuất khẩu đều khá nhạy cảm về giá và các nhà sản xuất trong nước phải điều chỉnh giá để duy trì sản lượng xuất khẩu. Việc phá giá đồng NDT sẽ tác động gián tiếp đến xuất khẩu hàng dệt may, sản phẩm công nghệ thông tin và thủy sản của Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, một số ngành gia công xuất khẩu có thể được hưởng lợi do giá nguyên vật liệu đầu vào giảm như dệt may, da giầy hoặc giá nhập giảm như kinh doanh xe tải. Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu là đầu vào cho hoạt động sản xuất trong nước bao gồm: Các mặt hàng máy móc thiết bị (nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 32%); linh kiện điện tử (nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 17%); nguyên phụ liệu dệt may da giày (nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 21,5%). Do sự mất giá của NDT và tiền đồng so với USD là gần tương đương nhau (3% so với 2,7%) nên hiệu ứng hàng giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc khó diễn ra. Vì vậy, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường EU và Mỹ sẽ không bị tác động nhiều. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu sang các nước châu Á sẽ gặp nhiều bất lợi vì không chỉ Trung Quốc, các nước châu Á khác cũng có thể buộc phải phá giá đồng tiền của nước mình để duy trì lợi thế cho hàng hóa nội địa. Do đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường châu Á sẽ kém cạnh tranh hơn và dẫn tới xuất khẩu có thể bị giảm sút.
Các nhóm ngành xuất khẩu chịu ảnh hưởng
Nhóm ngành ảnh hưởng bất lợi lớn trong hoạt động thương mại là nhóm nông lâm thủy sản, khoáng sản, cao su xuất khẩu sang Trung Quốc. Các ngành nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc như thiết bị, phụ tùng, linh kiện, sắt thép và các sản phẩm từ thép, vải vóc, cũng sẽ gặp áp lực.
Chế biến và xuất khẩu thủy sản
Thị trường Trung Quốc được đánh giá là thị trường còn nhiều tiềm năng đối với DN Việt Nam. Chẳng hạn, thị phần cá tra xuất khẩu của Việt Nam chiếm 7-8% thị trường Trung Quốc. Việc Trung Quốc phá giá đồng NDT sẽ khiến cho các nước xuất khẩu thủy sản khác sẽ giảm giá, ảnh hưởng đến sản lượng và kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Hiện tại, hầu hết DN thủy sản Việt Nam chọn USD là đồng tiền thanh toán cho các đơn hàng xuất khẩu. Do đó, sự tăng giá của đồng USD so với các đồng tiền khác tại các thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam như châu Âu, Nhật Bản đã và sẽ ảnh hưởng lớn đến DN thủy sản.
Nông sản
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2015 là 38,1% thị phần, song đang có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2014 (giảm 9,04% về khối lượng và giảm 13,25% về giá trị). Dự báo xuất khẩu gạo sang Trung Quốc có thể tiếp tục giảm mạnh vì đồng NDT yếu, đồng thời khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam đang kém đi so với các nước sản xuất gạo khác như Thái Lan, Indonesia. Tương tự, cà phê và cao su của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc cũng sẽ gặp khó khăn cùng với việc phá giá đồng NDT. Trung Quốc hiện là đối tác chính nhập khẩu cao su của Việt Nam, trong 7 tháng qua với 248 nghìn tấn, tăng 37,8% và chiếm 48% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước. Các mặt hàng cà phê hòa tan, cà phê rang xay xuất khẩu sang thị trường này sẽ trở nên đắt đỏ hơn và DN nhập khẩu có thể sẽ giảm giá mua, gây áp lực cho DN Việt Nam.
Dầu thô
Việc phá giá đồng NDT có khả năng ảnh hưởng ngắn hạn tới giá dầu. Trung Quốc là quốc gia nhập siêu dầu thô lớn nhất châu Á, khi đồng NDT giảm giá, giá nhập dầu vào nước này về căn bản có xu hướng tăng lên, cùng với việc tăng trưởng kinh tế của nước này suy yếu, yếu tố tâm lý đầu cơ có thể sẽ tạo nên một số ảnh hưởng ngắn hạn tới giá dầu, khiến cho giá dầu có thể giảm thêm. Là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, giá trị dầu thô xuất khẩu giảm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam.
Tác động tới xuất khẩu Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn
Việc thay đổi tỷ giá này gây áp lực ngay lập tức tới tỷ giá đồng NDT với các đồng tiền khác. Yếu tố này xuất phát từ bản chất về cạnh tranh giá cả hàng hóa trong quan hệ thương mại giữa các nước. Các quốc gia trong khu vực sẽ chịu thêm áp lực điều chỉnh tỷ giá để tăng sức cạnh tranh xuất khẩu. Nhiều quốc gia trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc đã giảm giá đồng tiền của mình để đáp lại động thái của Trung Quốc.
Trong trung hạn, điều này cũng tạo áp lực cạnh tranh thương mại rất lớn khi tương quan giá cả hàng hóa của Trung Quốc rẻ đi, tạo áp lực cho các quốc gia khác. Áp lực cạnh tranh với hàng Việt Nam không chỉ đến từ Trung Quốc, bởi động thái của Trung Quốc có thể kéo theo cuộc đua phá giá của các đồng tiền châu Á khác, nên cuộc chiến cạnh tranh sẽ ở quy mô rộng hơn. Một số ngành xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn như dệt may, nông sản, nguyên liệu thô, dầu thô…
Về dài hạn, Việt Nam sẽ gặp khó khăn đối với việc tái cơ cấu nền kinh tế và thay đổi cơ cấu xuất khẩu theo hướng bền vững, tạo nhiều giá trị gia tăng từ sản xuất nội địa do việc phụ thuộc vào thị trường và hàng hóa Trung Quốc. Việc Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do, có thể khiến thuế xuất đối với hàng hóa Trung Quốc giảm và bằng 0%, điều này dẫn tới hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn vào Việt Nam và sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất trong nước.
Để đối phó với các ảnh hưởng ngắn hạn, Chính phủ Việt Nam có thể tiếp tục phải nới biên độ tỷ giá và tăng tỷ giá tham chiếu, làm giảm giá VND. Tuy nhiên, một đồng tiền yếu có thể ảnh hưởng không tốt đến tâm lý chung để tái cấu trúc khiến cho Việt Nam khó chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Việc Việt Nam nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc là vấn đề của cơ cấu kinh tế chứ không chỉ từ giá cả cạnh tranh. Theo Tổ chức thương mại thế giới (WTO), tỷ lệ giá trị gia tăng đóng góp trực tiếp vào giá trị xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm 48,6%, gián tiếp thông qua các hàng hóa đầu vào xuất sang nước trung gian chiếm 14,7%; trong khi, giá trị của hàng hóa nhập khẩu đầu vào trong giá trị hàng xuất khẩu chiếm tới 36,6%. Việt Nam cần có một cái nhìn rộng hơn đối với vấn đề này và tìm các giải pháp khác bên cạnh chính sách tỷ giá để nâng cao sức cạnh tranh trong giao dịch thương mại với Trung Quốc nói riêng và thị trường thế giới nói chung.
Một số khuyến nghị với cơ quan quản lý
Như đã phân tích ở trên, việc Trung Quốc phá giá đồng NDT có thể có những ảnh hưởng đến xuất khẩu Việt Nam cả trong ngắn hạn và dài hạn. Nếu Việt Nam không đưa ra những biện pháp đối phó kịp thời sẽ phương hại đến không chỉ hoạt động xuất khẩu mà còn tới hoạt động sản xuất và toàn bộ nền kinh tế. Một số khuyến nghị chính sách được đưa ra như sau:
Thứ nhất, NHNN Việt Nam cần điều chỉnh tỷ giá một cách phù hợp theo cơ chế thị trường. Hiện nay, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc khá lớn nên nếu chúng ta không có đối sách hợp lý, giá cả hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc sẽ rẻ hơn tương đối và cạnh tranh mạnh hơn với hàng hóa sản xuất trong nước.
Thứ hai, Chính phủ cần hỗ trợ hoạt động xuất khẩu một cách mạnh mẽ thông qua việc giảm chi phí về thủ tục xuất nhập khẩu cả về thời gian và tiền bạc, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan, ngân hàng... để DN có thể nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thứ ba, DN Việt Nam cùng với hoạt động xuất khẩu cần được hỗ trợ trong việc khai thác thị trường trong nước. Các DN đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc phá giá đồng NDT cần phải nâng cao chất lượng. Đồng thời, Nhà nước nên sử dụng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ một số mặt hàng sản xuất trong nước để DN xuất khẩu có thể duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn.
Thứ tư, Việt Nam cần kiên trì cơ cấu nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc của xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Trung Quốc. Các DN 100% vốn nước ngoài sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc như dệt may, giày dép cần phải phát triển đồng bộ từ công nghiệp hỗ trợ hoặc thay thế thị trường nhập khẩu Trung Quốc sang các thị trường khác như Singapore, Malaysia, Canada.
Tài liệu tham khảo:
1. Anh, N. (2015, 8 13). http://www.doisongphapluat.com/. (Báo Đời sống và Pháp luật) Retrieved 8 30, 2015, from http://www.doisongphapluat.com/kinh-doanh/thi-truong/nhan-dan-te-pha-gia-noi-lo-ve-hang-trung-quoc-gia-re-a106098.html;
2. Asiya Investments. (2015). Vietnam Quarterly Monitor. Hongkong: Asiya Investments. Baker, P. (2015). Vietnam’s international trade performance. International Trade and Investment Review, 1(1), 4;
3. Ban Quan hệ Quốc tế - VCCI. (2015). Hồ sơ thị trường Trung Quốc. Hà Nội: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
4. Lau, J. (2014). Vietnam’s trade highlights. Hanoi: HSBC Việt Nam. World Trade Organization. (2014). International Trade Statistics 2014. Geneva: World Trade Organization.
TS. ĐINH THỊ THANH VÂN – ĐẠI HỌC KINH TẾ, ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI, TS. NGUYỄN ĐĂNG TUỆ - VIỆN KINH TẾ VÀ QUẢN LÝ, ĐẠI HỌC BÁCH KHOA HÀ NỘI