Tham dự chương trình Bữa sáng Doanh nhân sáng 21/12 có PGS.TS Trương Ngọc Kiểm, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội; ông Đào Thái Phúc, nguyên Giám đốc Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước Việt Nam; về phía Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam – VACOD có bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ thường trực và ông Trần Khắc Tâm, Phó Chủ tịch, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng. Chương trình tuần này còn đón những vị khách đặc biệt gồm ông Nguyễn Quốc Hùng, chuyên gia hiện đang công tác tại Viện Kinh tế - Viện Hàn lâm Liên Bang Nga, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề hội nhập và đối ngoại nhân dân của Liên hiệp các Tổ chức người Việt Nam tại Liên Bang Nga; Giám đốc Quỹ Thúc đẩy phát triển hợp tác Nga - Việt "truyền thống và Hữu nghị"; bà Phạm Thị Thanh Xuân, chuyên gia tư vấn về giáo dục cho Việt Nam tại Liên Bang Nga, đại diện Trường Đại học Sư phạm quốc gia Nga mang tên Herzen tại Việt Nam, đại diện HBA-VACOD tại Liên Bang Nga.
Mở đầu chương trình, TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA đã nồng nhiệt chào đón ông Nguyễn Quốc Hùng và bà Phạm Thị Thanh Xuân vừa trở về từ Liên bang Nga Đây cũng là hai chuyên gia hỗ trợ đoàn công tác của VACOD-HBA trong chuyến công tác 10 ngày hết sức thành công tại Liên bang Nga vừa qua. Ông Sơn nhấn mạnh đây là hai chuyên gia trong nhiều lĩnh vực đang hoạt động tích cực trong công đồng người Việt tại Nga với vai trò kết nối. Chủ tịch Sơn cũng nhấn mạnh, riêng cá nhân ông đã từng có nhiều lần hợp tác với bà Phạm Thị Thanh Xuân trong những chuyến công tác sang Nga. Cũng chính bà Xuân đã từng hỗ trợ làm thông dịch viên cho đoàn công tác của Quốc hội tại Liên bang Nga thời điểm TS. Nguyễn Hồng Sơn đang là đại biểu Quốc hội.
Qua đây, một lần nữa, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến ông Nguyễn Quốc Hùng và bà Phạm Thị Thanh Xuân đã hỗ trợ, tư vấn nhiệt tình, góp phần không nhỏ vào sự thành công cho chuyến công tác của đoàn. Cũng trong chuyến công tác lần này, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn chính thức giới thiệu với các đối tác bà Phạm Thị Thanh Xuân là đại diện của VACOD-HBA tại Nga có nhiệm vụ là đầu mối mọi hoạt động của hai hiệp hội tại Nga.
NHỘN NHỊP HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Tiếp nối dư âm phấn khởi sau chuyến công tác rất thành công tại Liên bang Nga, TS. Nguyễn Hồng Sơn tranh thủ thông tin đến các doanh nhân một số kế hoạch làm việc của hai hiệp hội trong giai đoạn cuối năm 2024 và đầu năm 2025.
Chủ tịch Sơn cho biết, tuần qua ban lãnh đạo hiệp hội đã có nhiều buổi làm việc và đưa ra những quyết định liên quan đến hoạt động xúc tiến thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp hội viên trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sắp tới. Cụ thể, xuất phát từ đề xuất của Viện nghiên cứu Sành sứ - Thủy tinh công nghiệp, Bộ Công Thương về việc tổ chức chương trình hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm hàng hóa tiêu dùng thuộc ngành gốm sứ. Sau khi xem xét, cân nhắc mọi yếu tố, điều kiện, lãnh đạo hai hiệp hội đã quyết định tổ chức chương trình Hội chợ và tọa đàm.
Trong khuôn khổ chương trình sẽ tổ chức gian hàng trưng bày các sản phẩm tiêu dùng của các doanh nghiệp. Chương trình sẽ diễn ra tại địa chỉ 132 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội, địa chỉ trên cũng là nơi đóng trụ sở của Viện nghiên cứu Sành sứ - Thủy tinh công nghiệp và Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam – VACOD. Dự kiến chương trình trưng bày sản phẩm sẽ diễn ra trong khoảng 15-20 ngày.
Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn giao Ban Thị trường và Hội chợ trực thuộc VACOD, Viện nghiên cứu phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam và Tạp chí Thương gia lên kế hoạch quảng bá và thực hiện chuỗi sự kiện trong chương trình. Cụ thể văn phòng hai hiệp hội và Ban Thị trường và Hội chợ sẽ tập trung nghiên cứu đề án chi tiết thực hiện chương trình cùng với đó là thực hiện những thủ tục hành chính để xin phép sự đồng ý của các cấp, ban, ngành; Viện nghiên cứu Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam sẽ phối hợp với Tạp chí Thương gia xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp tham gia hội chợ. Trên cơ sở đó sẽ tiến hành cấp giấy chứng nhận khẳng định chất lượng sản phẩm của VACOD.
Phác thảo chương trình dự kiến, TS. Nguyễn Hồng Sơn cho biết, sẽ có hai buổi tọa đàm: Buổi tọa đàm thứ nhất sẽ tập trung nội dung nghiên cứu những phương án khoa học nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng sành sứ, thủy tinh. Các chuyên gia sẽ hỗ trợ đưa ra những kiến nghị để cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ thuộc ngành hàng này theo xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Buổi tọa đàm thứ hai sẽ nhấn mạnh hơn về lĩnh vực xúc tiến thương mại. Các chuyên gia, nhà khoa học cũng sẽ thảo luận để xây dựng những phương phát để phát triển tiềm năng của ngành hàng với thị trường trong nước và xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng sẽ cân nhắc những điều kiện thực tế để cơ cấu thêm các gian hàng tiêu dùng khác như lương thực thực phẩm, bánh kẹo, đặc sản vùng miền…ngoài lĩnh vực sành sứ, thủy tinh nhằm phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Nói thêm về việc lựa chọn địa điểm tổ chức các hoạt động, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn nêu rõ, đây là vị trí tương đối thuận lợi với hoạt động xúc tiến thương mại do gần nhiều toà chung cư, khu dân cư đông dân. Cùng với đó, vào thời gian này cũng sẽ diễn ra hội chợ hoa xuân của quận Thanh Xuân tạo nên một tổ hợp mua sắm Tết sôi động, thuận tiện cho người tiêu dùng.
Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh: “Hoạt động năm nay sẽ mở đầu cho các chương trình hội chợ xuân do VACOD-HBA phối hợp với các đơn vị tổ chức thường niên. Và đây cũng là tiền đề trong những năm tiếp theo, hai hiệp hội sẽ lên kế hoạch tổ chức các sự kiện quy mô lớn hơn để xúc tiến hoạt động thương mại, giao thương hàng hóa”. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn thông tin đến các doanh nghiệp hội viên có nhu cầu tham gia gian hàng trưng bày cần đăng ký nhanh với văn phòng hiệp hội để lên kế hoạch chi tiết, chuẩn bị tốt nhất cho chương trình lần này.
Đây cũng là chương trình xúc tiến thương mại cuối cùng VACOD-HBA tổ chức thực hiện trong năm 2024. Ngay từ bây giờ, ban lãnh đạo hai hiệp hội cũng đã lên kế hoạch cho công việc đầu năm 2025. Theo đó, tiếp nối chương trình mở rộng quan hệ hợp tác thương mại quốc tế, đặc biệt ngay sau thành công của chuyến công tác tại Liên bang Nga, VACOD-HBA sẽ đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến trên cơ sở các bản thỏa thuận hợp tác đã ký kết với các đơn vị tổ chức tại Nga. VACOD-HBA đã làm việc với Hội đồng Lập pháp thành phố Saint Petersburg và ký kết hợp tác với 3 tổ chức là Tổ chức Truyền thông Doanh nghiệp IMBRICS PLUS, đơn vị tổ chức Diễn đàn Kinh tế đô thị BRICS 2024, Ủy ban Đối ngoại Saint Petersburg và Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga. Bên cạnh đó, riêng đối với Hiệp hội Doanh nghiệp Liên bang Nga, trong quá trình làm việc, dù chưa có ký kết thỏa thuận chính thức nhưng lãnh đạo hai bên đã thống nhất về mối quan hệ hợp tác rất hứa hẹn. Tổ chức này cũng bày tỏ mong muốn hợp tác chính thức với VACOD-HBA trong thời gian sớm nhất.
Trên cơ sở đặt nền móng hợp tác của VACOD-HBA, tính đến nay đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài bày tỏ nguyện vọng sẽ sang Việt Nam phát triển hoạt động trong thời gian tới. Cũng trong nửa đầu năm 2025, văn phòng hiệp hội đã nhận được kế hoạch tiếp đón và đang gấp rút xây dựng kế hoạch tiếp đón, làm việc với một số đoàn công tác từ Nga sang thăm và tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Việt Nam ngay sau chuyến thăm và làm việc của đoàn công tác VAOD-HBA tại Nga.
VACOD-HBA TRỞ THÀNH NHỊP CẦU KẾT NỐI DOANH NGHIỆP VIỆT-NGA
Đó là khẳng định và tin tưởng của ông Nguyễn Quốc Hùng. Ông Hùng đã chia sẻ cảm nhận sâu sắc từ những kết quả trong chuyến công tác của đoàn VACOD-HBA được đối tác Nga ghi nhận. Nhấn mạnh thêm ý nghĩa chuyến công tác của VACOD-HBA, ông Nguyễn Quốc Hùng nêu rõ những hoạt động, làm việc của đoàn trong suốt 10 ngày có vai trò rất quan trọng.
Ý nghĩa quan trọng của chuyến đi được thể hiện ở chỗ: Trước đó vào tháng 10, Hội nghị BRICS mở rộng diễn ra tại Liên bang Nga. Sang tháng 11, chúng ta đã thực hiện chuyến công tác trong bối cảnh cục diện nước Nga còn nhiều khó khăn do bị bao vây, cô lập. Điều này thể hiện thiện chí của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong việc ủng hộ về mặt tinh thần với cộng đồng doanh nghiệp Nga. Đặc biệt, đoàn công tác VACOD-HBA là đoàn doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên sang Nga ngay sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính sang dự Hội nghị BRICS mở rộng tại Liên bang Nga. Điều này thể hiện đường lối đối ngoại đa phương của hai hiệp hội trong giai đoạn hội nhập quốc tế.
“Đặc biệt, bài phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn tại Diễn đàn Kinh tế đô thị BRICS đã được các đối tác Nga đánh giá rất cao, thể hiện được việc cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang hiện thực hóa những đường lối chỉ đạo của Thủ tướng đã hoạch định trước đó. Trên cơ sở quan hệ chính trị bền chặt, chuyến công tác của VACOD-HBA đã đạt được nhiều mục đích về hợp tác kinh tế”, ông Hùng chia sẻ thông tin từ phía đối tác Nga.
Theo ông Hùng, lãnh đạo VACOD-HBA đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác thân thiết với chính quyền thành phố Saint Petersburg. Với hàng chục năm kinh nghiệm sinh sống và làm việc tại Nga, ông cho biết thêm, Saint Petersburg là cái nôi của văn hóa truyền thống Nga, nhưng cũng là điểm tựa kinh tế vững chắc với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Saint Petersburg là thành phố có bề dày lịch sử và truyền thống giáo dục rất cao. Đã có đến 2 vị Tổng thống Nga là Vladimir Putin và Dmitry Medvedev và nhiều Thủ tướng từng theo học tại trường đại học tổng hợp Saint Petersburg.
Saint Petersburg không phải một thành phố bình thường mà giữ vị trí quan trọng đặc biệt đối với nước Nga. Đây cũng là nơi đi đầu trong lĩnh vực công nghệ, trí tuệ nhân tạo tại Nga. Saint Petersburg cũng chính là tổng hành dinh của hãng công nghệ tầm cỡ thế giới của doanh nhân Nga Ravel Durov, CEO Telegram.
Về phía Saint Petersburg cũng rất trân trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam. Bản thân họ cũng tập trung rất nhiều vào các doanh nghiệp khởi nghiệp có định hướng hoạt động tại Việt Nam, họ sẵn sàng mở ra những khóa đào tạo để doanh nghiệp hiểu hơn về môi trường đầu tư của Việt Nam, cùng với đó là những chuyến đi tìm hiểu thực tế hoạt động kinh doanh của Việt Nam. Đây là mô hình “tăng tốc kinh doanh” nhằm đi đến những hoạt động ký kết hợp tác mang lại hiệu quả nhanh chóng.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, với vai trò là cầu nối của VACOD-HBA với các tổ chức, doanh nghiệp tại Nga, ông Hùng khẳng định, trong thời gian tới, bản thân ông sẽ tiếp tục phối hợp với bà Phạm Thị Thanh Xuân tiếp tục đồng hành cùng hai hiệp hội và các doanh nghiệp Việt Nam để có thể tìm kiếm cơ hội phát triển mạnh mẽ ra nhiều địa phương khác của Liên bang Nga.
Tiếp lời ông Hùng về cơ hội hợp tác của doanh nghiệp Việt Nam tại Nga, bà Phạm Thị Thanh Xuân cho biết, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng khá tốt cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Nga. Đặc biệt Việt Nam là đối tác lớn của Nga trong lĩnh vực dệt may. Năm 2024, hàng may mặc của Việt Nam xuất khẩu sang Nga có thể đạt mức 800 triệu USD.
Một lần nữa bà Xuân khẳng định hiện những điều kiện kinh doanh tại Nga đã rất thuận lợi với các đối tác nước ngoài. Hoàn toàn không có vấn đề gì đáng lo ngại, như việc vận chuyển hiện đã rất thuận tiện khi các hãng tàu biển đã tìm ra tuyến đường mới từ năm 3,4 năm trước để hàng hóa Việt Nam được đưa sang Nga chỉ mất khoảng 10 ngày. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam mạnh mẽ, kiên trì thì có rất nhiều cơ hội hợp tác tại Nga.
Các doanh nghiệp có thể tham gia hội chợ Worldfood được tổ chức hàng năm tại Moscow. Đây là cơ hội tốt để quảng bá cho ngành thực phẩm Việt Nam, và cũng là cơ hội không thể bỏ qua của các doanh nghiệp, chuyên gia kỹ thuật, cũng như các nhà xuất khẩu muốn khai thác thị trường Nga. Riêng đối với các doanh nghiệp về lĩnh vực gốm sứ, thủy tinh, đồ mỹ nghệ thì có thể tham gia những hội chợ về văn hóa hay lĩnh vực xây dựng phù hợp. Có ít nhất 2 hội chợ chuyên đề được tổ chức vào tháng 2 và tháng 9 hàng năm.
Bà Xuân khẳng định rằng, các doanh nghiệp hội viên VACOD-HBA quan tâm tham gia các chương trình này hoàn toàn có thể thông qua văn phòng hiệp hội, gửi đến đầu mối tại Nga những yêu cầu và mong muốn của doanh nghiệp. Trong khả năng của mình, bà Xuân sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối với Hiệp hội Doanh nghiệp tại Nga hoặc Phòng thương mại Liên bang Nga và các địa phương. Qua những chương trình này, chắc chắn doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội mở rộng bạn hàng không chỉ ở Nga mà còn nhiều quốc gia khác trên thế giới. Bởi lẽ các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam vẫn mang những hương vị đặc trưng với chất lượng tốt được các đối tác nước ngoài tin tưởng.
Bên cạnh đó, vấn đề thanh toán với các đối tác Nga cũng rất dễ dàng khi nhiều ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục thanh toán một cách nhanh chóng. Thậm chí, các công ty nước ngoài còn có thể mở tài khoản tại nhiều ngân hàng Nga, điều này tạo điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp tránh được các rủi ro trong hoạt động kinh doanh.
Cùng với đó, thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam – Liên bang Nga, nhiều dòng hàng của Việt Nam sang Nga đã được ưu đãi mức thuế “bằng 0”, nên đây càng là lợi thế cho các doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam. “Qua buổi làm việc với Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn và đoàn VACOD-HBA, Hiệp hội Doanh nghiệp toàn Liên bang Nga còn bày tỏ mong muốn tìm một đối tác sẽ trở thành đại sứ của họ tại Việt Nam và VACOD-HBA là sự lựa chọn đầy tiềm năng”, bà Xuân bày tỏ.
“VACOD-HBA là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên ký kết thỏa thuận hợp tác với chính quyền thành phố Saint Petersburg. Đây thực sự là thành phố đặc biệt khi là quê hương của Tổng thống Nga Vladimir Vladimirovich Putin. Do đó, mọi hoạt động đối ngoại của thành phố này đều được đưa thông tin lên thẳng văn phòng Tổng thống Putin.
Và đương nhiên, chuyến thăm và công tác của đoàn VACOD-HBA cùng trưởng đoàn TS. Nguyễn Hồng Sơn tại Saint Petersburg, ngay sau đó đã được chính quyền thành phố Saint Petersburg báo cáo lên văn phòng Tổng thống Nga Putin”, bà Xuân đặc biệt chia sẻ và bộc bạch rằng chính điều này khiến bà cũng cảm thấy áp lực nhất định do kỳ vọng rất lớn.
Điều này một lần nữa cũng đặt ra vấn đề thách thức và trách nhiệm rất lớn với VACOD-HBA trong việc triển khai các hoạt động hiện thực hóa quan hệ hợp tác với chính quyền Saint Petersburg. Bà Xuân cũng bày tỏ, bản thân cũng nhìn nhận phải có trách nhiệm trong việc kết nối tích cực hơn nữa hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sang Nga.
TẬN DỤNG TỐT HƠN NỀN GIÁO DỤC NGA
Chính quyền thành phố Saint Petersburg rất coi trọng sự hợp tác với VACOD-HBA và đặt kỳ vọng rất lớn vào những thỏa thuận hợp tác với hai hiệp hội. Họ tin rằng hoạt động hợp tác sẽ phát triển trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế…
Tiếp thu ý kiến của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi, TS. Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ thêm về những cơ hội phát triển giáo dục đào tạo tại Liên bang Nga. Nhắc lại những thông tin được Đại sứ Đặng Minh Khôi chia sẻ, TS. Nguyễn Hồng Sơn cho biết, mỗi năm, sinh viên Việt Nam có rất nhiều cơ hội để được du học tại Nga với những suất học bổng toàn phần của Chính phủ Nga. Cụ thể, mỗi năm, Chính phủ Nga cung cấp cho sinh viên Việt nam 1000 suất học bổng đào tạo tại nước Nga, nhưng chúng ta sử dụng chưa đến một nửa số đó.
Sự lãng phí cơ hội giáo dục được đặt trong bối cảnh nhiều sinh viên và các bậc phụ huynh trong nước vẫn đang tìm kiếm cơ hội học tập tác quốc gia có nền giáo dục hiện đại, tiến bộ. “Bản thân tôi cũng mới tiếp xúc mới một tân sinh viên chuẩn bị đi du học tại Hà Lan mà không theo diện có học bổng, riêng tiền học vào khoảng trên 300 triệu đồng/năm. Trong khi đó, sinh viên Việt Nam đang có nhiều cơ hội du học tại Nga với học bổng toàn phần, đồng nghĩa phụ huynh sẽ không phải lo tiền học cho con em. Bên cạnh đó, những dịch vụ sinh hoạt tại Nga cũng rất phù hợp với điều kiện kinh tế chung của nhiều gia đình Việt Nam. Do vậy, việc cân nhắc khai thác các cơ hội học tập tại Nga là điều rất tốt”, TS. Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.
Dẫn chứng thêm về những giá trị nền giáo dục Nga mang lại, TS. Nguyễn Hồng Sơn đã nêu lên nhiều nhà khoa học, chính khách, các doanh nhân nổi tiếng của Việt Nam từng theo học và làm việc thời gian dài tại Liên xô cũ đã đạt được thành công rực rỡ. “Hàng loạt đại gia của Việt Nam từng học tập, sinh sống tại Nga trước khi về lập nghiệp tại Việt Nam. Chẳng nói đâu xa, chúng ta ở đây có vợ chồng chị Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn ROX hay vợ chồng chị Nguyễn Thị Liễu, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt Mỹ…Đó cũng là hai doanh nghiệp hàng đầu hiện nay”, Chủ tịch Sơn dẫn chứng.
Đồng quan điểm với TS. Nguyễn Hồng Sơn, ông Hùng và bà Xuân đều bày tỏ tiếc nuối trước thực trạng việc sinh viên Việt Nam mới chỉ sử dụng 40-50% học bổng du học chính phủ tại Nga như hiện nay là cực kỳ lãng phí. Thực tế điều kiện học hành và sinh hoạt tại Nga rất tốt và phù hợp với người Việt Nam. Nga rất mạnh về các ngành khoa học cơ bản, thuộc top hàng đầu các quốc gia dẫn đầu về công nghệ và luôn tạo điều kiện tốt nhất đối với các sinh viên học tập và làm việc tại đây. Hơn nữa, điều kiện sinh hoạt tại Saint Petersburg và Moscow, các phụ huynh và sinh viên hoàn toàn yên tâm về mức độ an toàn khi hệ thống camera được trang bị khắp nơi.
Hiện nay sinh viên Việt Nam hoàn toàn có thể tìm hiểu về các chương trình học bổng của Nga trên các web cộng đồng có cả tiếng Việt. Bản thân ông Hùng cũng đang đại diện cho chương trình “Trung tâm giáo dục mở bằng tiếng Nga tại Việt Nam” do Bộ Giáo dục Nga khởi xướng. Giảng viên của trung tâm sẽ về các trường đại học Việt Nam giảng dạy cho sinh viên tiếng Nga chuẩn bị hành trang sang Nga. Với những điều kiện đã được dành riêng cho Việt Nam mà chúng ta không thể tận dụng là rất lãng phí.
Giải đáp thắc mắc của đại diện doanh nghiệp tham gia Chương trình Bữa sáng Doanh nhân về vấn đề điều kiện để sinh viên Việt Nam được sang Nga du học, bà Xuân cho biết, hiện học sinh chỉ cần tốt nghiệp Trung học phổ thông với điểm số trên trung bình là có thể tham gia chương trình du học Nga. Bà Xuân cũng nhấn mạnh, giảng viên Nga rất tạo điều kiện dạy tiếng Nga cho các sinh viên vì học chắc chắn rằng sinh viên Việt không thể biết rõ tiếng Nga. Dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa hai Chính phủ, đã tạo điều kiện có 1000 suất học bổng tại Nga mỗi năm.
Bà Xuân cũng làm rõ thêm về thỏa thuận hợp tác VACOD-HBA đã ký với Ủy ban Đối ngoại Saint Petersburg thì ngoài vấn đề hợp tác kinh tế còn có nhiều lĩnh vực văn hóa, xã hội khác và trong đó hợp tác giáo dục cũng là vấn đề hết sức được quan tâm. Do đó rất mong VACOD-HBA tiếp tục phát huy vai trò cầu nối để kết nối thêm với các đơn vị đào tạo trong nước có thể giúp học sinh, sinh viên sớm tiếp cận chương trình đào tạo tại Nga. Với trách nhiệm của mình, bà Xuân sẽ cung cấp tới văn phòng hai hiệp hội thêm những thông tin chi tiết về các chương trình giáo dục đào tạo tại Nga, có thể phát huy giá trị, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp.
Về vấn đề này, đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS.TS Trương Ngọc Kiểm đã lý giải thực trạng những suất học bổng sang Nga chưa thu hút được sinh viên. Theo ông Trương Ngọc Kiểm, rào cản về ngôn ngữ là vấn đề tương đối lớn. Thực tế, trong thời kỳ hội nhập, việc sang các quốc gia sử dụng tiếng Anh sẽ được sinh viên ưa chuộng hơn bởi họ có thể nhìn thấy cơ hội việc làm nhiều hơn. Tuy nhiên, quả thực môi trường đào tạo của Nga có rất nhiều ưu điểm, và chính phía Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã triển khai rất nhiều hoạt động thúc đẩy sinh viên tham gia các chương trình đào tạo tiếng Nga tạo tiền đề cho việc cấp học bổng sang Nga du học.
Trước những chia sẻ của hai chuyên gia về từ Nga, ông Kiểm cho biết càng thấy rõ hơn những giá trị giáo dục mà sinh viên Việt Nam đang bỏ phí. Đóng góp thêm về giải pháp giúp học sinh, sinh viên có thể tiếp cận nền giáo dục Nga, ông Kiểm đưa ra kiến nghị: Thứ nhất, hai hiệp hội và Đại học Quốc gia Hà Nội có thể cùng nhau thiết kế các chương trình đào tạo giữa các Trường đại học của Nga và Đại học Quốc gia Hà Nội dành cho các hội viên VACOD-HBA theo hướng các chuyên gia của Nga có thể sang Việt Nam đào tạo với sự hỗ trợ cơ sở vật chất, hỗ trợ giảng viên tiếng Việt của Đại học Quốc gia. Song song với đó, sau khi kết thúc khóa học lý thuyết tại Việt Nam thì có thể đưa học viên sang Nga để tiếp cận thực tế những vấn đề được học. Đây cũng là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp có thể tìm hiểu văn hóa Nga và các cơ hội hợp tác tại đây.
Thứ hai, bằng các hình thức online, các chuyên gia của Nga có thể kết nối để giải đáp những thắc mắc, khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải về những xu hướng toàn cầu như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững… Cũng như cách các chuyên gia, các nhà khoa học, giảng viên của Đại học Quốc gia đang phối hợp cùng VACOD-HBA hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Và chắc chắn, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ hỗ trợ đối tác Nga cùng giải quyết những vấn đề của doanh nghiệp.
“Đặc biệt là khi thảo thuận hợp tác giữa VACOD-HBA và chính quyền thành phố Saint Petersburg được báo cáo Tổng thống Nga thì mọi hoạt động hợp tác càng cần phải sớm đẩy nhanh và hiện thức hóa bằng hành động. Đại học Quốc gia Hà Nội sẵn sàng đồng hành cùng Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn trong vấn đề này”, PGS.TS Trương Ngọc Kiểm khẳng định.
Cũng quan tâm đến vấn đề phát triển hợp tác giáo dục với Nga, ông Nguyễn Duy Ninh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm, đơn vị có Đại học Hùng Vương “hiến kế”, đúng là thực tế những chương trình du học đi Anh, Mỹ được sinh viên ưa chuộng hơn. Nhưng nếu 1000 suất học bổng du học Nga được đưa vào các trường đại học top trên khi mà các sinh viên có nhiều lựa chọn hấp dẫn hơn thì đúng là khó có sức cạnh tranh. Nhưng nếu những suất học bổng này đến được với những trường đại học thuộc top trung thì chắc chắn sẽ nhanh chóng “tiêu” hết bởi vẫn có rất nhiều sinh viên mong muốn có cơ hội tiếp cận những chỉ tiêu du học nước ngoài như Nga.
Ghi nhận những ý kiến chia sẻ của hai chuyên gia trở về từ Nga và các chuyên gia, khách mời tham dự Chương trình Bữa sáng Doanh nhân, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ thêm một số nội dung. Thứ nhất thông qua bản thỏa thuận hợp của đoàn với các tổ chức tại Liên bang Nga, đặc biệt là Ủy ban Đối ngoại Saint Petersburg, hiện hai hiệp hội và cả phía đối tác đang củng cố thêm những thông tin hoạt động của nhau để sớm hiện thực hóa các thỏa thuận hợp tác trong mọi lĩnh vực. “Những thông tin từ ông Hùng và bà Xuân cung cấp từ đầu mối Nga cũng là cơ sở để triển khai những quan hệ hợp tác về giáo dục, y tế…”, Chủ tịch Sơn thông tin.
Thứ hai, về hoạt động xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, sau khi ký kết thảo thuận hợp tác với tổ chức Diễn đàn Kinh tế Đô thị BRICS, thì chỉ sau hai ngày, Chủ tịch Diễn đàn đã gặp Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn và thông báo đơn vị sẽ chính thức tổ chức đoàn công tác khoảng 20-30 doanh nghiệp sang Việt Nam dự kiến vào tháng 4 hoặc tháng 5/2025. Trước đó, để chuẩn bị chu đáo cho chuyến công tác, hai bên sẽ liên hệ và cung cấp những thông tin chi tiết về những lĩnh vực kinh tế đầu tư mà họ quan tâm. Đến thời điểm đó, văn phòng VACOD-HBA sẽ thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp hội viên để sớm nắm được nội dung công việc để có thể đăng ký giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Nói riêng về lĩnh vực giáo dục, tiếp thu ý kiến đóng góp của PGS.TS Trương Ngọc Kiểm, Chủ tịch Sơn cho biết sẽ xem xét kỹ lưỡng và sớm triển khai gây dựng quan hệ hợp tác ba phía: VACOD-HBA, Đại học Quốc gia Hà Nội và các cơ sở giáo dục đào tạo tại Nga. Chủ tịch Sơn cũng bày tỏ, trong tương lai, để triển khai kế hoạch hợp tác này, rất cần đến sự hỗ trợ của đầu mối phía Nga là bà Xuân và đại diện Đại học Quốc gia là PGS.TS Trương Ngọc Kiểm.
“Qua Chương trình Bữa sáng Doanh nhân hôm nay, có thể thấy nhiều vấn đề đã được gợi mở ở mức khởi đầu, đây chưa phải một buổi tọa đàm về giáo dục, đào tạo hay những vấn đề cụ thể. Để giải quyết tốt hơn, hay còn vấn đề gì doanh nghiệp quan tâm sâu hơn nữa thì có thể liên hệ với văn phòng hai hiệp hội. Chúng tôi có trách nhiệm sẽ liên hệ với các đầu mối tại Nga để hỗ trợ. Hy vọng trong tương lai, hoạt động hợp tác của VACOD-HBA tại nước Nga sẽ được triển khai tốt hơn, cụ thể và hiệu quả hơn nữa”, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn bày tỏ.
Một số hình ảnh ghi tại chương trình