Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trong những năm qua, kim ngạch XK của Việt Nam sang thị trường EU mặc dù tăng trưởng khá mạnh nhưng mới chỉ chiếm 0,75% tổng kim ngạch nhập khẩu của EU, trong đó chỉ 40% số hàng hóa được hưởng thuế 0%, 60% còn lại phải chịu các mức thuế khác nhau. EV FTA được ký kết sẽ khiến thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Việt Nam giảm mạnh, tạo cơ hội cho DN Việt Nam thâm nhập và tăng thị phần trên thị trường EU.
Ông Jean-Jacques Buoflet - Trưởng Ban Kinh tế - Thương mại Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết: EV FTA sẽ đem lại những lợi ích bền vững cho cả hai bên, trong đó phần lợi ích của Việt Nam là trội hơn. Chẳng hạn, việc cắt giảm thuế quan sẽ tạo điều kiện cho kim ngạch XK của Việt Nam sang EU tăng từ 30 - 40% so với trước khi ký kết hiệp định. EV FTA cũng giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào một số thị trường.
Thực tế cho thấy, việc ký kết EV FTA sẽ thúc đẩy quá trình minh bạch hóa hệ thống quy định, pháp luật của cả hai bên, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam, từ đó đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư từ EU. Quan trọng hơn, các nhà đầu tư sẽ coi Việt Nam là nơi sản xuất hàng XK sang EU. Điều này hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam.
Trong khi đó, việc các DN EU mở rộng đầu tư tại Việt Nam sẽ giúp DN trong nước tiếp cận công nghệ mới, từ đó cải thiện năng suất lao động và tăng đầu ra cho nhiều ngành sản xuất.
Thách thức cũng không nhỏ
Bên cạnh việc tạo thuận lợi cho DN Việt Nam tăng kim ngạch XK, EV FTA cũng có những rào cản nhất định như: Biện pháp SPS (Hiệp định về việc áp dụng các biện pháp kiểm dịch động thực vật), TBT (Hiệp định về hàng rào kỹ thuật đối với thương mại) mà EU đang áp dụng.
Tại Hội thảo Đánh giá tác động kinh tế, xã hội và môi trường của EV FTA do Dự án EU - MUTRAP (Bộ Công Thương) vừa tổ chức, ông Lê Triệu Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết: Ngành dệt may, giày dép sẽ gặp khó từ yêu cầu xuất xứ nguyên liệu của EU; chế biến gỗ sẽ vướng phải Quy chế 995/2010 (FLEGT) về nguồn gốc hợp pháp do 80% nguyên liệu chế biến của ngành gỗ phải nhập khẩu…
Tương tự, ngành dệt may nếu không vượt qua được các thách thức liên quan tới trách nhiệm xã hội của DN và quyền lợi của người lao động, cũng khó tăng kim ngạch XK vào thị trường này. Ở nhóm các sản phẩm nông - thủy sản, bà Đỗ Liên Hương - chuyên gia của EU - MUTRAP cho biết: Để tiếp cận thị trường EU, DN XK hàng nông sản phải thỏa mãn các yêu cầu nghiêm ngặt về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn về các chất nguy hiểm trong sản phẩm, yêu cầu về bao bì…
Ngoài ra, theo Hiệp định, Việt Nam phải đưa thuế nhập khẩu về 0% với hầu hết các dòng thuế, mở cửa thêm thị trường dịch vụ, minh bạch hóa các quy định về quản lý kinh doanh và đầu tư… Điều này sẽ khiến DN trong nước, nhất là DN dịch vụ đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt của DN EU có lợi thế về vốn, kinh nghiệm kinh doanh.
Để vượt qua những thách thức này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong quá trình đàm phán, Bộ Công Thương nên yêu cầu EU công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong việc áp dụng chính sách chống bán phá giá. Ngoài ra, việc thực thị các điều khoản FTA phải có lộ trình thích hợp cho Việt Nam về một số lĩnh vực để bảo đảm sự tồn tại của DN nhỏ và vừa.
Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các DN không nên chỉ tập trung sự quan tâm vào những lợi thế cạnh tranh từ việc giảm thuế quan mà nên chú trọng những tác động vào lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, cải thiện năng lực sản xuất - kinh doanh, từ đó khai thác triệt để các cơ hội cũng như vượt qua thách thức. Như vậy, cơ hội hay thách thức nhiều hơn từ FTA chủ yếu phụ thuộc vào sự chủ động và khả năng cạnh tranh của bản thân DN. Nếu DN Việt Nam nào có một sự chuẩn bị, lộ trình thích hợp trước khi tiến hành ký kết EV FTA, DN đó sẽ vượt qua khó khăn, đẩy mạnh được sản xuất, XK.
Theo ktdt.com.vn