(DĐDN) - Các công ty Nhật Bản đang chuyển hướng đầu tư ra khỏi Trung Quốc và tăng cường đầu tư vào các nước ASEAN. Đây dường như là kết quả của những căng thẳng ngày càng tăng giữa hai cường quốc châu Á.
Một nhà máy của hãng xe Toyota (Nhật Bản).
Trả lời phỏng vấn DW, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương tại công ty phân tích IHS Rajiv Biswas cho biết: Các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Trung Quốc đã giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc vì rủi ro của những khoản đầu tư liên quan đến Trung Quốc ngày càng tăng. Cụ thể, FDI của Nhật Bản vào Trung Quốc giảm gần 50 phần trăm trong nửa đầu năm 2014 so với cùng kì năm ngoái. Năm 2013, trong khi tổng mức đầu tư trực tiếp của Trung Quốc ở nước ngoài tăng 16,8% thì đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Nhật Bản giảm 23,5%.
Việc các công ty Nhật chuyển hướng đầu tư trực tiếp ra khỏi Trung Quốc sẽ không quá lớn đối với Trung Quốc bởi dòng vốn đầu tư của Nhật Bản là tương đối nhỏ so với quy mô của nền kinh tế Trung Quốc nhưng lại có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế Đông Nam Á. Sự chuyển hướng của FDI của Nhật Bản từ Trung Quốc đối với các nước ASEAN có thể tác động lớn lên tổng vốn đầu tư trực tiếp chảy vào các nước như Indonesia, Philippines, Việt Nam và Myanmar.
Được biết, kể từ sau hoạt động tuần hành phản đối Nhật Bản diễn ra tại Trung Quốc năm 2012, Nhật Bản bắt đầu mở rộng đầu tư sang các nước ASEAN. Năm 2013, lượng FDI của Nhật Bản chảy vào Trung Quốc là 9,3 tỷ USD, cùng thời gian đó lượng FDI của Nhật Bản đổ vào các nước ASEAN lên tới 22,9 tỷ USD, tăng 2,5 lần so với đổ vào Trung Quốc. Trong thời gian từ 2011-2013, tổng kim ngạch đầu tư của Nhật Bản vào ASEAN đạt 56,3 tỷ USD, trong khi đó con số FDI của Nhật Bản vào Trung Quốc cùng thời kỳ là gần 350 tỷ USD.
Trước đó, hồi tháng 6/2014, Cơ quan xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cũng đã đưa ra số liệu cho thấy các công ty của Nhật Bản năm 2013 đầu tư 22,8 tỷ USD vào các nước ở khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philipine, nhiều hơn đầu tư vào Trung Quốc rất nhiều cho dù Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản. Điều đáng chú ý nữa ở đây là việc giới kinh tế Nhật Bản tăng cường đầu tư trực tiếp vào các nước ở khu vực Đông Nam Á diễn ra đồng thời với việc họ tiếp tục rút vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc.
Chi phí cho đất đai tăng và lương nhân công lao động ngày càng cao ở Trung Quốc là một trong những nguyên do quan trọng đưa đến diễn biến nói trên trong hoạt động đầu tư trực tiếp của các công ty Nhật Bản ở Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á. Nhưng không phải quyết định nhất bởi chi phí cho đất đai và nhân công lao động ở các nước Đông Nam Á không giảm đi mà thậm chí còn có phần tăng lên so với trước. Ngoài ra, tình hình tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc vẫn ổn định và khả quan.
Vì thế, cú hích quyết định đối với chiều hướng diễn biến nói trên chỉ có thể là quan hệ chính trị giữa Nhật Bản với Trung Quốc và các nước trong khu vực Đông Nam Á. Về phương diện này hiện có thể thấy chiều hướng biến động trái ngược nhau. Trong khi quan hệ chính trị của Nhật Bản với Trung Quốc tiếp tục trắc trở và leo thang căng thẳng, đối đầu và ngờ vực thì quan hệ của Nhật Bản với ASEAN và các nước trong khu vực Đông Nam Á lại được thúc đẩy mạnh mẽ, ngày càng thêm gắn bó và tin cậy hơn trước.
Vân Du tổng hợp