Tiềm năng và thách thức đối với phát triển du lịch Việt Nam
Với những lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý kinh tế và chính trị, Việt Nam có rất nhiều thuận lợi để phát triển du lịch. Nằm ở trung tâm Đông Nam Á, lãnh thổ Việt Nam vừa gắn liền với lục địa vừa thông ra đại dương, có vị trí giao lưu quốc tế thuận lợi cả về đường biển, đường sông, đường sắt, đường bộ và hàng không. Đây là tiền đề rất quan trọng trong việc mở rộng và phát triển du lịch quốc tế.
Việt Nam là đất nước có tiềm năng lớn về du lịch. Ngoài những danh thắng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới như: Vịnh Hạ Long, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bảng... Việt Nam còn thu hút khách du lịch nước ngoài với hàng loạt địa điểm du lịch sinh thái kéo dài khắp ba miền Tổ quốc.
Tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn của Việt Nam cũng rất phong phú và đa dạng. Các đặc điểm đa dạng về cấu trúc địa hình biển và hải đảo, đồng bằng, đồi núi, cao nguyên đã làm cho lãnh thổ Việt Nam đa dạng, phong phú về cảnh quan và các hệ sinh thái có giá trị cao cho phát triển du lịch, đặc biệt là hệ sinh thái biển, hệ sinh thái sông hồ, hệ sinh thái rừng, hang động. Thêm vào đó, với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, tài nguyên du lịch nhân văn của Việt Nam cũng rất phong phú. Trong số khoảng 40.000 di tích lịch sử trên khắp miền đất nước, có hơn 2.500 di tích đã được Nhà nước công nhận và xếp hạng.
Ngoài những lợi thế trên, Việt Nam còn là nước có chế độ chính trị ổn định, có nguồn nhân lực dồi dào. Chính sách đổi mới, mở cửa và hội nhập của Nhà nước cũng tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế đối ngoại trong đó có du lịch phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng trên, hiện nay, ngành Du lịch Việt Nam còn gặp không ít khó khăn và thách thức như: Trong giai đoạn đầu của sự phát triển, điểm xuất phát của du lịch Việt Nam quá thấp so với các nước trong khu vực. Khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam cũng còn rất hạn chế trước sự cạnh tranh gay gắt của du lịch trong khu vực và thế giới. Trong khi đó, công tác quản lý môi trường tự nhiên và môi trường xã hội tại nhiều điểm du lịch còn yếu kém và chưa được coi trọng. Công tác quản lý điểm đến chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Tình trạng mất vệ sinh, an ninh, trật tự tại các điểm du lịch vẫn thường xuyên xảy ra. Tình trạng taxi dù, hiện tượng chèo kéo, bán hàng rong, lừa đảo, ép khách du lịch vẫn thường xuyên diễn ra ở nhiều địa phương, nhất là mùa cao điểm...
Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên du lịch chưa được thống kê, đánh giá, phân loại và xếp hạng để quản lý khai thác một cách bền vững, hiệu quả. Dẫn tới tài nguyên du lịch thì nhiều, nhưng khai thác bừa bãi, mới dừng ở bề nổi, khai thác cái sẵn có chưa phát huy giá trị của tài nguyên. Sự xung đột về lợi ích kinh tế giữa các chủ thể kinh tế và các ngành, tầm nhìn ngắn hạn và hạn chế về công nghệ dẫn tới một số tài nguyên du lịch bị tàn phá, sử dụng sai mục đích... tác động tiêu cực tới phát triển du lịch bền vững.
Tính chuyên nghiệp khi xây dựng sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá cũng chưa được nâng cao. Sản phẩm du lịch Việt Nam vẫn chậm đổi mới, còn nghèo nàn, đơn điệu, thiếu đặc sắc, ít sáng tạo, còn trùng lặp giữa các vùng miền, giá trị gia tăng hàm chứa trong sản phẩm du lịch thấp, thiếu đồng bộ và thiếu liên kết trong phát triển sản phẩm. Công tác xúc tiến quảng bá còn nhiều hạn chế, chưa chuyên nghiệp, chưa bài bản, chưa hiệu quả; mới dừng ở quảng bá hình ảnh chung, chưa tạo được tiếng vang và sức hấp dẫn đặc thù cho từng sản phẩm, thương hiệu du lịch. Kinh phí nhà nước đầu tư còn hạn chế, cho nên chưa tạo được hiệu ứng kích cầu đi du lịch Việt Nam tại các thị trường mục tiêu.
Hệ thống cơ sở hạ tầng tiếp cận điểm đến còn thiếu đồng bộ. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch phát triển nhanh nhưng nhìn chung tầm cỡ quy mô, tính chất tiện nghi và phong cách sản phẩm du lịch nhỏ lẻ, vận hành chưa chuyên nghiệp, do vậy chưa hình thành được hệ thống các khu du lịch quốc gia với thương hiệu nổi bật. Thêm vào đó, nguồn nhân lực du lịch cũng là điểm yếu kém rất lớn. Mặc dù có nhiều cố gắng trong công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch thời gian qua, nhưng so với yêu cầu về tính chuyên nghiệp của ngành dịch vụ hiện đại và hội nhập, toàn cầu hóa thì nhân lực du lịch chưa đáp ứng kịp về kỹ năng chuyên nghiệp, hội nhập, liên kết toàn cầu.
Giải pháp phát triển bền vững Du lịch Việt Nam
Để Du lịch Việt Nam phát triển bền vững và hiệu quả, cần tập trung giải quyết những vấn đề sau:
- Nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực tham gia vào quá trình toàn cầu hóa như gia nhập WTO, Cộng đồng kinh tế ASEAN, đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do… ngành Du lịch Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức không nhỏ, đòi hỏi phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Một trong những cách tiếp cận để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch Việt Nam là nghiên cứu xu hướng nhu cầu của du khách để tạo ra những sản phẩm mới, hấp dẫn, đáp ứng đúng nguyện vọng và mang đến sự hài lòng cho du khách.
- Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch địa phương. Ngoài việc nâng cao năng lực cạnh tranh còn cần nâng cao chất lượng dịch vụ các khu, tuyến, điểm du lịch đã khai thác. Khai thác những lợi thế khác biệt để tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, từ đó hình thành các tuyến du lịch nội vùng và liên vùng có tính hấp dẫn và cạnh tranh cao.
- Đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến và liên kết du lịch. Cụ thể, cần tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, tạo ra các sản phẩm du lịch phù hợp với nhiều phân khúc thị trường du lịch. Lựa chọn, tham gia có chọn lọc vào các hoạt động, sự kiện du lịch, thành lập Quỹ Xúc tiến du lịch quốc gia để tăng cường hơn nữa việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế; Đề xuất xây dựng những sản phẩm du lịch mới, tăng cường xây dựng những tour, tuyến du lịch liên vùng nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phối kết hợp các hoạt động du lịch giữa các tỉnh trong vùng với các địa phương khác để du lịch thực sự trở thành một hoạt động thông suốt, có tính cạnh tranh cao hơn.
- Đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Chất lượng sản phẩm du lịch phụ thuộc nhiều vào việc cơ sở hạ tầng có được đầu tư tốt hay không và thái độ phục vụ cũng như trình độ của nhân viên. Vì vậy, phải chú trọng đến việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong đó tập trung đào tạo kỹ năng nghề và thực hành homestay.
- Chú trọng bảo vệ môi trường. Trong khai thác du lịch, các cơ quan quản lý phải luôn nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ môi trường và duy trì hệ sinh thái tự nhiên vốn có tại các điểm du lịch; Đặt vấn đề bảo vệ môi trường trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quy hoạch các đề án, chiến lược phát triển du lịch của tỉnh và các khu, điểm du lịch.
ĐOÀN THỊ DIỆP UYỂN, LƯU KHÁNH CƯỜNG
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 2297/QĐ-BVHTTDL, ngày 03/7/2015 về Kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 02/7/2015 về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch;
2. Du lịch Việt Nam hội nhập, phát triển bền vững, http://www.baodulich.net.vn/Du-lich-Viet-Nam-hoi-nhap--phat-trien-ben-vung-2402-5767.html;
3. Lưu trú của du lịch Việt Nam phát triển theo hướng nâng cao chất lượng văn minh, hiện đại, http://www.baodulich.net.vn/Luu-tru-cua-du-lich-Viet-Nam-phat-trien-theo-huong-nang-cao-chat-luong-van-minh-hien-dai-2402-5697.html.