Diễn biến thị trường chứng khoán 9 tháng đầu năm 2015
Tín hiệu thuận lợi trong những tháng đầu năm đã giúp cho tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2015 đạt mức 6,5%, tăng so với cùng kỳ 2014. Lạm phát được kiểm soát ởmức thấp (2,15%); chỉ số giá cả CPI bình quân 9 tháng cũng đã tăng 0,74% so với bình quân cùng kỳ năm 2014. Tăng trưởng tín dụng đạt mức khả quan; Tác động kinh tế vĩ mô đã giúp thị trường chứng khoán Việt Nam cải thiện đáng kể về mặt tăng trưởng chỉ số giá cổ phiếu (xen lẫn những chu kỳ suy giảm nhẹ).
Trong 2 tháng đầu năm 2015, thị trường bắt đầu bước vào giai đoạn tăng điểm, chỉ số chứng khoán Vn-Index đã tăng từ 544,45 lên 600,30 điểm và HNX-Index tăng từ 82,73 lên 86,81 điểm. Từ tháng thứ 3 trở đi, thị trường chứng khoán lại bước vào giai đoạn giảm điểm, có lúc giảm sâu về 528,95 điểm (VN-Index) và 76,51 điểm (HNX-Index). Giai đoạn từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 7, thị trường chứng khoán Việt Nam lại có bước tăng trưởng đột biến và đạt đỉnh với mức điểm 638,89 điểm (VN-Index) và 89.47 điểm (HNX-Index).
Kể từ khi thị trường chứng khoán Trung Quốc xảy ra biến động từ ngày 8 đến 29/7/2015, việc phá giá đồng nhân dân tệ và tình hình kinh tế vĩ mô của Trung Quốc (từ ngày 11 đến 24/8) đã tác động tới kinh tế và thị trường chứng khoán thế giới, qua đó tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Cụ thể, trong giai đoạn này, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tới 9 trong số 10 phiên giảm điểm, khiến VN Index giảm tổng cộng 14,05% (bình quân mỗi phiên giảm 1,8%). Riêng ngày 24/8, thị trường giảm 5,28%. Đây là đợt sụt giảm lớn nhất của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, từ ngày 25/8 đến nay, thị trường đã có xu hướng hồi phục; thanh khoản tiếp tục cải thiện, tâm lý thị trường đã ổn định trở lại nhờ thông tin tích cực từ chính sách cho thị trường chứng khoán và đặc biệt là việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức đạt được thỏa thuận trong đầu tháng 10/2015. Tính tới ngày 8/10, chỉ số VN-Index đã tăng 7,78% so với đầu năm.
Giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán cuối năm 2014 chiếm 29,42% GDP và đã tăng lên mức cao nhất trong tháng 7/2015 với mức 33,5% GDP (của 2014). Tính đến ngày 8/10, giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 31% GDP.
Giải pháp để ổn định tâm lý và phát triển thị trường
Trước những biến động gần đây của thị trường tài chính - tiền tệ toàn cầu, đặc biệt kinh tế Trung Quốc đi xuống, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá, cũng như khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể nâng lãi suất trong thời gian tới, dòng tiền đang có xu hướng rút ra khỏi thị trường các nước mới nổi. Theo thống kê, có khoảng hơn 940 tỷ USD đã rút ra khỏi thị trường mới nổi trong 13 tháng qua, gần gấp đôi so với mức 480 tỷ USD trong ba quý ở giai đoạn khủng hoảng 2008-2009. Xu hướng này sẽ tiếp tục tạo áp lực lên tỷ giá, dòng tiền đầu tư, cán cân thanh toán và lên thị trường chứng khoán các nước mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Trước những thông tin tiêu cực có tác động xấu đến diễn biến trên thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây, Chính phủ và cơ quan ban ngành chức năng đã ban hành một số chính sách nhằm ổn định tâm lý nhà đầu tư và các giải pháp để phát triển thị trường trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Cụ thể:
Một là, ban hành Nghị định số 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2012/ NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. Nghị định số 60/2015/NĐ-CP đã tạo ra sự đột phá khi mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam theo tinh thần của Luật Đầu tư (mới) và các cam kết, điều ước quốc tế, tạo cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu tối đa 100% vốn trong các doanh nghiệp đại chúng không thuộc diện hạn chế sở hữu.
Theo đó, ngoại trừ các lĩnh vực, ngành nghề hạn chế đầu tư theo cam kết tại các điều ước quốc tế, các ngành nghề hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo quy định của pháp luật chuyên ngành và ngành nghề kinh doanh có điều kiện (267 ngành nghề theo Phụ lục của Luật Đầu tư), thì các lĩnh vực ngành nghề, kinh doanh khác không bị hạn chế sở hữu nước ngoài, ngoại trừ điều lệ công ty có quy định khác. Với quy định này, bước đầu đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài được nắm giữ không hạn chế vào các doanh nghiệp trong nước, qua đó cho phép thu hút dòng vốn nước ngoài, góp phần cải thiện quản trị công ty và tạo sự minh bạch trong công bố thông tin.
Hai là, trên cơ sở Đề án xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh, tạo nền tảng pháp lý đầu tiên triển khai thị trường chứng khoán phái sinh vào cuối năm 2016.
Đây là cơ sở và là nền tảng cho việc thiết lập các sản phẩm phòng vệ rủi ro và gia tăng lợi tức đầu tư cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Dự kiến các sản phẩm ban đầu sẽ được xác lập là Hợp đồng tương lai dựa trên trái phiếu chính phủ và chỉ số chứng khoán sẽ được thiết lập và đưa vào hoạt động đầu tiên vào cuối năm 2016.
Ba là, từng bước hoàn tất các điều kiện để nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam theo chuẩn mực của Morgan Stanley Capital International (MSCI) từ thị trường cận biên lên mức thị trường mới nổi thông qua những thay đổi về quản trị công ty và công bố thông tin minh bạch theo các thông lệ và chuẩn mực quốc tế, qua đó, thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, việc đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nước ngoài thông qua các diễn đàn đầu tư của cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức kinh tế, các định chế tài chính nước ngoài cũng góp phần giúp cho nhà đầu tư hiểu biết sâu hơn về thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bốn là, hoàn thiện cơ chế, chính sách và sản phẩm mới cho thị trường thông qua việc ứng dụng và đưa vào vận hành các nghiệp vụ mới như: (i) Cho phép nhà đầu tư được mua và bán chứng khoán trong cùng ngày giao dịch; (ii) Bán chứng khoán trên đường về tài khoản; (iii) Giao dịch mua bán trong ngày (day trading); (iv) Cấp mã số giao dịch nhà đầu tư nước ngoài trưc tuyến; (v) Công bố thông tin bằng ngôn ngữ tiếng Anh của Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán; (vi) Rút ngắn chu kỳ thanh toán giao dịch chứng khoán từ T+3 về T+2.
Năm là, đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán thông qua hợp nhất, sáp nhập, mua lại, giải thể và cho phá sản các tổ chức kinh doanh yếu kém dựa trên các chỉ tiêu an toàn tài chính. Hiện có 20% trong số công ty chứng khoán đã hoàn tất tái cấu trúc, qua đó góp phần giảm thiểu đáng kể số lượng các công ty chứng khoán so với trước đây. Việc cho phép các tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài được mua, nắm giữ lên đến 100% vốn công ty chứng khoán trong nước cũng góp phần đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc các công ty chứng khoán.
Sáu là, quyết tâm của Chính phủ trong tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước; đẩy nhanh quá trình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thông qua các cơ chế đấu giá; chào bán cạnh tranh và đấu giá theo lô lớn gắn với niêm yết; đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung trong thời gian ngắn... cũng góp phần đẩy nhanh quá trình sắp xếp doanh nghiệp nhà nước và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư của các nhà đầu tư lớn trong nước gắn với tham gia, quản trị điều hành doanh nghiệp.
Theo đánh giá của chuyên gia quốc tế, Việt Nam nổi lên là một quốc gia hàng đầu trong khu vực về thu hút dòng vốn nước ngoài, và việc cho phép tăng sở hữu nước ngoài theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/ NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán vừa mới ban hành…là những giải pháp kịp thời, từ đó góp phần hạn chế tác động tiêu cực của việc điều chỉnh tỷ giá, để tranh thủ nguồn vốn rút khỏi Trung Quốc, dịch chuyển vào Việt Nam.
Tận dụng những thời cơ
Nhìn chung, các giải pháp kinh tế vĩ mô đang đi đúng hướng và được xử lý một cách khéo léo, hoạt động của các công ty niêm yết trong những tháng đầu năm 2015 là khá tốt. Để hạn chế tác động tiêu cực, tranh thủ các mặt tích cực, cần ưu tiên cải thiện cán cân thương mại, tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài; hỗ trợ xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng trong danh mục không cần thiết; giảm thủ tục hành chính, tăng cường xúc tiến đầu tư, sử dụng cơ chế nghị quyết và nghị định của Chính phủ để sửa đổi các nghị định hiện hành, nhằm tháo gỡ các rào cản trong cơ chế cổ phần hóa, bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước và bán ra với tỷ lệ lớn hơn; tăng cường công tác chống buôn lậu, quản lý thị trường…
Các giải pháp này sẽ tận dụng được cơ hội dòng vốn rút ra khỏi Trung Quốc và đi vào Việt Nam, hỗ trợ cải thiện cán cân thanh toán và vấn đề tỷ giá. Đồng thời, cần chuyển đổi chính sách tỷ giá từ ổn định, linh hoạt sang chủ động, linh hoạt để có thể khuyến khích xuất khẩu và hạn chế tác động tiêu cực từ bên ngoài.