Doanh nghiệp vẫn thờ ơ với nông nghiệp
Nông nghiệp là ngành có tiềm năng và lợi thế nhất của Việt Nam, đây là ngành duy nhất xuất siêu và có ưu thế trong cạnh tranh với các nền kinh tế khác trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản tháng 6/2015 đạt 2,6 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành trong 6 tháng đầu năm 2015 lên 14,42 tỷ USD với các thị trường xuất khẩu chủ yếu như Mỹ, Trung Quốc... Hiện nay, ngành nông nghiệp nước ta mới chỉ tập trung khai thác tài nguyên và tận dụng số lượng đông đảo nông dân để cạnh tranh với các quốc gia khác.
Tuy nhiên, theo thống kê, chỉ có 1% số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trong tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Đa số doanh nghiệp nông nghiệp là doanh nghiệp nhỏ, trong đó, số doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm đến 55%.
Mặc dù lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam có nhiều lợi thế và tiềm năng, nhưng việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn do một số nguyên nhân cơ bản như:
Tỷ lệ sinh lời của nông nghiệp thấp, có nhiều rủi ro vì thiên tai lũ lụt, hạn hán, năng suất thấp và khả năng tiêu thụ sản phẩm bị hạn chế (do ảnh hưởng của tính mùa vụ) cho nên nhà đầu tư thường rất thận trọng khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực này.
Đất đai vẫn đang là cản trở lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn do sản xuất nông nghiệp còn manh mún, đất đai phục vụ sản xuất trên diện rộng không nhiều, gây trở ngại lớn trong việc phát triển sản xuất trên quy mô lớn và áp dụng kỹ thuật tiên tiến. Ở nhiều địa phương trên cả nước, các doanh nghiệp đều khó khăn do quỹ đất không đủ để đáp ứng yêu cầu sản xuất quy mô lớn và hiện đại.
Tính ổn định của quy hoạch và chính sách trong từng lĩnh vực nông nghiệp chưa cao, việc quản lý thực hiện quy hoạch còn thiếu chặt chẽ, thiếu chế tài hiệu quả. Do đó, niềm tin đầu tư của doanh nghiệp giảm, bởi lẽ muốn đầu tư vào nông nghiệp, doanh nghiệp phải bỏ một số vốn lớn và sau từ 15 - 20 năm mới có thể thu hồi được vốn. Tính bất ổn của quy hoạch và chính sách làm tăng thêm rủi ro trong đầu tư vào nông nghiệp.
Bên cạnh đó, mối liên kết giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học và nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất còn ít và chưa chặt chẽ, dẫn đến chi phí sản xuất cao, khả năng cạnh tranh thấp, chuỗi giá trị ngành hàng bị cắt đoạn, hiệu quả thấp.
Trong giai đoạn hiện nay, ngành nông nghiệp đang đứng trước yêu cầu phải tái cơ cấu để nâng cao chất lượng và hiệu quả. Ổn định chính sách và quy hoạch, cùng những điều kiện thuận lợi hơn nữa nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, từ đó phát huy vai trò “bệ đỡ” nền kinh tế của ngành là thực sự cần thiết.
Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 210/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như: Miễn, giảm tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước; quy định mức hỗ trợ từ 2 - 5 tỷ đồng cho các dự án về đầu tư cơ sở giết mổ gia cầm tập trung, chăn nuôi bò sữa cao sản, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng, đồng cỏ và mua thiết bị; các ưu đãi trong tiếp cận vốn vay… Tuy nhiên trên thực tế, việc tiếp cận các hỗ trợ (tín dụng, cơ sở hạ tầng, giống vật nuôi, cây trồng, khoa học công nghệ…) của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Chính vì vậy, Nhà nước cần tiếp tục có những cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhằm phát huy lợi thế của ngành, đồng thời đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp cụ thể sau:
Một là, giải bài toán về đất: Nhà nước có chính sách tạo quỹ đất cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tiền thuê đất tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai, có đủ đất đai để tiến hành sản xuất. Bình quân đất sản xuất nông nghiệp tính trên đầu người rất thấp, cả nước khoảng 0,7 héc-ta, vùng Đồng bằng Bắc bộ chỉ 0,3 héc-ta, trong khi đó, do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội một phần diện tích đất nông nghiệp được chuyển thành đất phi nông nghiệp. Do vậy, để có quỹ đất đủ lớn cho sản xuất, doanh nghiệp cần tăng cường mối liên kết chặt chẽ với nông dân, hợp tác với nông dân để đầu tư phát triển nông nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích của ba bên: Nhà nước - doanh nghiệp và nông dân.
Hai là, về cơ chế giải ngân: Cần chuyển từ cơ chế giải ngân sau như hiện nay sang cơ chế tạm ứng giá trị, sau đó tiếp tục giải ngân theo lộ trình và tiến độ dự án.
Ba là, về chính sách thuế: Xem xét điều chỉnh các mặt hàng phân bón, thức ăn chăn nuôi, máy nông nghiệp vào Danh mục thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) 0%. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, cho phép doanh nghiệp được khấu từ thuế GTGT đầu vào khi thu mua nông sản của nông dân mà không có hóa đơn.
Bốn là, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng như thủy lợi, giao thông nông thôn… làm nền tảng để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Hiện nay, nhiều địa phương không có đủ ngân sách hỗ trợ cơ sở hạ tầng nên nhiều doanh nghiệp phải tự bỏ vốn xây dựng dẫn đến chi phí đầu tư cao, làm giảm động lực đầu tư vào nông nghiệp của doanh nghiệp.
Năm là, về chính sách tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay. Cần hình thành quỹ đầu tư, bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp khi đầu tư vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép sử dụng chuồng trại chăn nuôi, nhà kính làm tài sản thế chấp để vay vốn tín dụng tại ngân hàng.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng đề xuất thành lập câu lạc bộ các nhà đầu tư nông nghiệp với sự tham gia của nhiều cục, vụ thuộc bộ, khoảng 30 tập đoàn lớn như: Vinaseed, Dabaco, T&T, Hòa Phát, Trung Thành, TH true Milk, VinaMit, Trung Nguyên, Vingroup, Viettel, FPT, Vĩnh Hoàn, Thủy sản Minh Phú… đã và đang đầu tư vào nông nghiệp, cùng 8 tỉnh tiên phong trong tái cơ cấu nông nghiệp gồm: Lào Cai, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Định, Lâm Đồng, Đồng Tháp và Quảng Ninh.
Câu lạc bộ các nhà đầu tư nông nghiệp sẽ có mối quan hệ chặt chẽ với Ban chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu nông nghiệp, từ đó giúp cơ quan quản lý kịp thời tháo gỡ các khó khăn và đưa ra các cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu của các nhà đầu tư. Bộ NN&PTNT kỳ vọng rằng, 8 tỉnh tiên phong và gần 30 doanh nghiệp trên sẽ là lực lượng chủ lực, tạo sự đột phá trong đổi mới phương thức sản xuất - kinh doanh, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ở nước ta trong thời gian tới.