Bên cạnh đó, EVFTA cũng giúp Việt Nam từng bước cân bằng về trao đổi thương mại với Trung Quốc.
Đầu tháng Tám vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố kết thúc đàm phán và đạt được thỏa thuận FTA "trên nguyên tắc" với Việt Nam. Giới chức thương mại cấp cao EU dự kiến EVFTA sẽ bắt đầu có hiệu lực từ cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018.
Việt Nam và EU đạt được thỏa thuận "trên nguyên tắc" về FTA đúng vào thời điểm tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bị chững lại do bất đồng giữa các bên liên quan. Sau khi được triển khai, EVFTA sẽ giúp Việt Nam giảm bớt sự phụ thuộc về kinh tế vào thị trường Trung Quốc.
EIU cho rằng thỏa thuận FTA giữa Việt Nam và EU là một bước ngoặt quan trọng sau gần ba năm đàm phán. Như vậy, nhiều nội dung mấu chốt của EVFTA đã được hai bên giải quyết. Giờ đây, mặc dù còn phải chờ tiến trình pháp lý và các thủ tục khác để chính thức có hiệu lực, nhưng tương lai của EVFTA đã được đảm bảo chắc chắn.
Có thể nhận thấy rằng nền kinh tế Việt Nam và EU ngày càng gắn bó, ràng buộc với nhau. Tổng kim ngạch trao đổi mậu dịch giữa hai bên đạt 36,8 tỷ USD năm 2014. Trong số đó, trị giá hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu là 27,9 tỷ USD, chủ yếu là dệt may, giày dép. Tuy nhiên, tỷ trọng hàng điện tử như máy tính bảng, điện thoại thông minh..., cũng đang tăng lên.
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc.
Theo EIU, FTA với EU sẽ hỗ trợ đắc lực cho mục tiêu dài hạn của Việt Nam là trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu trên thị trường toàn cầu.
Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có những bước đi quan trọng để thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, ví dụ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, tham gia đàm phán TPP...
Việt Nam cũng vừa kết thúc đàm phán FTA với Hàn Quốc và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU). Và EVFTA là một điểm nhấn trong quá trình Việt Nam triển khai chính sách này.
Trong bối cảnh đó, theo EIU, việc đạt được thỏa thuận FTA với EU sẽ giúp Việt Nam giảm bớt sự phụ thuộc về kinh tế vào thị trường Trung Quốc.
Hiện Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đang tìm cách tăng cường vai trò của một số đối tác thương mại khác như EU và Mỹ để tạo sự cân bằng.
Như vậy, EVFTA sẽ có tác động tích cực, không chỉ đối với công cuộc cải cách kinh tế mà còn cả quá trình hội nhập của Việt Nam, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế khi nhịp độ tăng trưởng và năng suất lao động được cải thiện, cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước được thúc đẩy.
Về trung hạn và dài hạn, FTA với EU sẽ góp phần quan trọng trong nỗ lực phát triển kinh tế của Việt Nam.