Ford “rút quân” khỏi Nhật và Indonesia
Indonesia, thị trường lớn thứ 2 trong khu vực ASEAN 6 với hơn 250 triệu dân lại là thị trường không triển vọng của Ford. Hãng bắt đầu hoạt động tại quốc gia này từ năm 2002, có 35 nhân viên và bán hàng thông qua 44 đại lý nhượng quyền. Nhưng, năm ngoái, hãng này chỉ bán được 6.100 chiếc xe (cả xe tải và ô tô), chiếm chỉ 0,6% thị phần xe nhập khẩu mới.Vừa qua, hãng xe Ford đã tuyên bố xe rời khỏi thị trường Nhật Bản và Indonesia trong năm nay, nơi mà hãng này đã phải đấu tranh để giành thị phần.
Lý do mà Ford đưa ra khi rút quân khỏi thị trường Nhật và Indonesia là điều kiện thị trường tại hai quốc gia này khiến hãng không thể phát triển bán hàng hay có lợi nhuận bền vững. Điều này có nghĩa là khi năm 2016 kết thúc, các đại lý của Ford sẽ dừng nhập khẩu và bán hàng thương hiệu Ford và Lincoln (thương hiệu con của Ford). Nhật Bản được xem là thị trường khép kín nhất. Hiện ở Nhật, các thương hiệu nhập khẩu chiếm chưa đến 6% thị trường xe mới hàng năm, điều này khiến cho các hãng xe khó len chân được vào thị trường này.
Thậm chí, nhiều hãng xe cũng cáo buộc chính phủ nước này đã sử dụng nhiều biện pháp để bảo trợ cho các nhãn hiệu ô tô sản xuất trong nước. Vì vậy, mặc dù đã hoạt động tại Nhật từ 1974, với tất cả 52 đại lý trong nước, nhưng thị phần của Ford tại đây chỉ chiếm 1,5% thị phần của xe nhập khẩu với lượng bán ra chỉ vỏn vẹn 5.000 chiếc.
Hãng này sẽ chính thức rời khỏi 2 thị trường này vào cuối năm nay sau khi hoàn thành các cam kết về dịch vụ cung cấp phụ tùng và sửa chữa.
Các nhà phân tích thị trường cho biết: Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP với sự tham gia của 12 quốc gia cũng không thể khải thiện được tình hình kinh doanh của Ford ở thị trường này.
Cơ hội nào cho Việt Nam?
Trong email gửi đến các nhân viên và đại lý trong khu vực, Dave Schoch, Chủ tịch Ford khu vực Châu Á Thái Bình Dương viết: “Thật đáng tiếc, điều này cũng có nghĩa các thành viên trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi sẽ không còn làm việc tại Ford Nhật Bản hay Ford Indonesia sau khi các trung tâm này đóng cửa”. Theo đó, khi Ford rút quân khỏi Nhật, bộ phận phát triển sản phẩm của Ford sẽ được chuyển sang quốc gia khác trong khu vực, nhưng vẫn chưa được tiết lộ.
Dù gặp khó tại Nhật và Indonesia, nhưng năm 2015, Ford đạt được mức tăng trưởng đáng kể ở Đông Nam Á. Theo số liệu vừa được công bố, tổng doanh số bán lẻ trên toàn khu vực Đông Nam Á trong năm 2015 là 103.975 xe, tăng trưởng 3.3% so với cùng kỳ năm ngoái. Thành công về doanh số của Ford lại không phải đến từ các thị trường lớn nhất trong khu vực như Thái Lan và rõ ràng là cả Indonesia mà là ở các quốc gia mới nổi trong khu vực. Trong đó, Việt Nam đã vươn lên trở thành thị trường lớn thứ 3 của Ford trong khu vực với mức tiêu thụ 20.740 xe, tăng 48% trong năm 2015. Thế nhưng, liệu việc vươn lên trở thành thị trường lớn thứ 3 của hãng xe này trong khu vực có mang đến cơ hội cho Việt Nam? Khi hãng này rút hoạt động của mình tại Nhật Bản, Indonesia và đang phải tìm kiếm một quốc gia thay thế?
Việt Nam được đánh giá là một thị trường ô tô đầy tiềm năng với hơn 90 triệu dân số, chủ yếu là dân số trẻ và tỷ lệ sở hữu xe hơi vẫn còn ở mức độ thấp. Năm 2015, thị trường xe Việt cũng đạt được nhiều bước tiến khi tiêu thụ tới 245.0000 ô tô. Ford cũng là thương hiệu chiếm thị phần khá lớn tại thị trường Việt Nam trong năm nay.
Nhưng trong khi thị trường được đánh giá là có nhiều khởi sắc, thì vẫn chưa có một tín hiệu đáng mừng nào cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong năm 2015. Thậm chí, từ giữa 2015, ngành công nghiệp ô tô nước ta còn cho thấy nhiều dấu hiệu ảm đạm, mở đầu là việc Toyota đang tính toán việc rời khỏi Việt Nam sau 20 năm. Lý do được đưa ra là chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam hiện cao hơn tới 20% so với quốc gia láng giềng Thái Lan và nguồn cung cấp linh kiện của các doanh nghiệp nội địa vẫn còn yếu.
Đồng thời, nhiều hãng sản xuất đang có nhà máy lắp ráp tại Việt Nam cũng lo ngại, việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết chung từ cộng đồng kinh tế ASEAN (năm 2018) sẽ khiến nền công nghiệp ô tô của Việt Nam thêm nhiều khó khăn khi ô tô của các nước có thể ồ ạt vào Việt Nam.
Về phía liên doanh Ford, nhà máy sản xuất của hãng này đặt tại Hải Dương có công suất 14.000 xe/năm với nhiều dòng xe ăn khách như Transit, Everest, Escape, Ranger, Mondeo, Focus, Laser, Fiesta và Ecosport. Tức là dù hoạt động hết công suất, thì số xe xuất xưởng từ Ford Hải Dương vẫn chưa đủ để cung cấp cho nhu cầu thị trường trong nước.
Nhìn lại bối cảnh chung trong khu vực, mặc dù thị trường nội địa liên tiếp suy giảm trong 4 năm, nhưng Thái Lan vẫn là thị trường xuất khẩu nhiều xe nhất trong khu vực với mức tăng trưởng 6,8 triệu xe. Quốc gia này vẫn xuất khẩu tới 1,2 triệu chiếc xe. Hiện, Ford cũng xây dựng tại đây 3 nhà máy sản xuất và tung ra thị trường khu vực nhiều sản phẩm ăn khách như Ranger hay Foucs. Thái Lan cũng trở thành quốc gia cung cấp ô tô chủ yếu cho thị trường Việt Nam với lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc đổ về Việt Nam trong năm 2015 lên tới 25.000 chiếc trong năm 2015.
Theo ICTnews