Tiểu thương chợ Thái Hà, Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn
Hiện nay, Luật Doanh nghiệp quy định hộ kinh doanh (HKD) có sử dụng từ 10 lao động trở lên là đã phải thành lập DN. Chính hình thức pháp lý này đã và đang tạo ra ngày càng nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ chứ không hẳn đã xuất phát từ mong muốn, năng lực nội tại của người kinh doanh.
Tại Hội thảo “Cải cách Thủ tục hành chính về Thuế và Kế toán: Đánh giá của Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam” tổ chức sáng 23/10 tại Hà Nội, các chuyên gia nhận định với những quy định về chính sách và quản lý thuế hiện nay, các DNNVV - bộ phận chiếm tỷ trọng lớn trong hệ thống doanh nghiệp (DN) sẽ phải thực hiện việc khai, nộp và báo cáo với cơ quan thuế giống như các DN có quy mô lớn. Điều này vô tình trở thành gánh nặng và đòi hỏi cần có những giải pháp tháo gỡ khó khăn từ phía các cơ quan nhà nước.
Trăm mối tơ vò
Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thuế, hiện có khoảng 41,85% số DN có mức doanh thu nộp thuế GTGT đến ngưỡng 1 tỷ đồng/năm. Phần lớn hoạt động dưới hình thức DN tư nhân, công ty gia đình… hoạt động kinh doanh đơn giản (DN siêu nhỏ).
Liên quan tới chế độ thuế và kế toán, các DN siêu nhỏ vẫn đang được áp thực hiện Chế độ kế toán dành cho DN nhỏ theo quy định Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC ngày 14/9/2006 của Bộ Tài chính. Tuy đã rút gọn khá nhiều nhưng chế độ kế toán này vẫn còn rất phức tạp trong tương quan với quy mô kinh doanh và tổ chức nhân sự của các DN thuộc nhóm này.
Cụ thể, nhóm DN này vẫn phải duy trì hệ thống Sổ kế toán; Kết thúc năm phải lập Báo cáo tài chính bắt buộc và gửi hồ sơ khai quyết toán thuế cho cơ quan thuế. Chưa kể, theo quy định của Luật Kế toán, các DN nhỏ, siêu nhỏ phải thực hiện quy định về công bố thông tin tài chính bằng cách lập báo cáo tài chính (tình hình tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu; trích lập và sử dụng các quỹ...) và phải công khai trong vòng 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, điều này là không cần thiết bởi đặc trưng của các DNNVV có số vốn ít, số thu ngân sách nhà nước trên một đơn vị DN thấp; tổ chức bộ máy và quản trị DN đơn giản, việc ghi chép các nghiệp vụ kinh tế phát sinh cũng ở mức độ hạn chế.
Ngoài ra, theo Luật Kế toán, các DNNVV phải tổ chức bộ máy kế toán, thuê kế toán trưởng (KTT) hoặc kế toán (KT) có chứng chỉ bằng cấp đáp ứng yều cầu của luật. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Quốc Thắng - Phó trưởng khoa Kế toán - Kiểm toán (Đại học Tài chính - Quản trị Kinh doanh), các quy định về kế toán trưởng - nhân viên KT dường như không phù hợp với các DNNNVV bởi: “Nếu tuyển dụng theo đúng luật thì chi phí hành chính “độn” lên quá lớn. Cụ thể, nếu DN có doanh thu là 1 tỷ đồng/năm, mức lương kế toán mới là 5 triệu đồng/tháng, tương đương 60 triệu/năm. Như vậy, chi phí tiền lương cho KT, KTT, thủ quỹ chiếm tỷ lệ quá cao trong tổng doanh thu”!
Mặt khác, cũng theo bà Cúc: “Trên thực tế, để tiết kiệm chi phí, các nhân viên này thường phải đảm nhiệm thêm nhiều vị trí khác nhau trong Cty (KT, thủ quỹ, thủ kho, mua bán vật tư…). Chưa kể, tại các DN nhỏ, siêu nhỏ, vị trí KTT thường có quan hệ bố - mẹ - con, vợ - chồng, anh - chị - em ruột với người quản lý điều hành DN, dẫn đến thiếu chuyên nghiệp, chồng chéo”.
Phải giải quyết từ gốc
Nhiều chuyên gia nhận định, khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý thuế nảy sinh từ lỗ hổng thành lập DN. Hiện nay, Luật Doanh nghiệp quy định hộ kinh doanh (HKD) có sử dụng từ 10 lao động trở lên là đã phải thành lập DN. Chính hình thức pháp lý này đã và đang tạo ra nhiều ngày càng nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ chứ không hẳn đã xuất phát từ mong muốn, năng lực nội tại của người kinh doanh. Bởi lẽ, khi đó DN phải thực hiện các quy định về thuế, kế toán, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn… mà đáng lẽ với hình thức HKD không phải thực hiện.
Chính vì vậy, ông Thắng đề xuất cần phải sửa Luật Doanh nghiệp sao cho “người chủ có quyền lựa chọn hình thức kinh doanh là “thương nhân” hay “chủ DN”, không “ép” người kinh doanh theo hình thức pháp lý.
Đồng quan điểm, bà Thu cũng đề xuất, cần nghiên cứu chính sách thuế, cơ chế quản lý thuế riêng đối với DN nhỏ. Có thể cho phếp các DN siêu nhỏ áp dụng mức thuế GTGT khoán trên doanh thu như đang áp dụng cho cá nhân kinh doanh như hiện nay. Về thuế TNDN, cũng có thể cho phép lự chọn phương pháp nộp thuế theo kê khai hoặc nộp theo tỷ lệ cố định thu nhập tính thuế trên doanh thu. Tuy nhiên, cần nghiên cứu tỷ lệ khoán đơn giản, phù hợp hơn mức tính tỷ lệ khoán thuế TNCN như hiện nay.
Nhiều diễn giả tại hội thảo cũng cho rằng cần sửa đổi quy định về điều kiện hành nghề của dịch vụ kế toán và đại lý thuế theo hướng cả đại lý thuế và dịch vụ kế toán được làm từ sổ sách kế toán đến thủ tục về thuế mà không cần có hai chứng chỉ hành nghề, từ đó giảm thiểu chi phí DN phải chi trả.Theo Báo Lao Động