Khủng hoảng kinh tế những năm 2008 đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Dệt may Thành Công (TCM) cũng không ngoại lệ khi chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng. Năm 2008, kết quả kinh doanh của TCM sụt giảm mạnh và chỉ thoát lỗ nhờ đánh giá lại cách tính khấu hao tài sản.
Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu TCM từ đỉnh cao 111 nghìn đồng tháng 11/2007 (giá chưa điều chỉnh) đã liên tục lao dốc và giảm xuống chỉ còn khoảng 6.000đ vào đầu năm 2009.
Trong bối cảnh gặp muôn vàn khó khăn, E-Land - một tên tuổi lớn trong ngành thời trang đến từ Hàn Quốc đã bất ngờ trở thành đối tác chiến lược của TCM. Thông qua 2 đợt phát hành riêng lẻ trong năm 2009, E-Land đã chi 163 tỷ đồng để mua 16,3 triệu cổ phiếu, tương đương 38% cổ phần của TCM.
Sau nhiều đợt nhận thưởng cổ phiếu, mua cổ phần từ các cổ đông công ty, E-land hiện đang nắm giữ 21,3 triệu cổ phiếu TCM (tỷ lệ 43%).
Với tỉ lệ sở hữu gần như tối đa trong phạm vi cho phép của room đầu tư nước ngoài, E-Land không chỉ là cổ đông lớn mà còn trực tiếp tham gia tham gia vào Hội đồng quản trị và Ban điều hành, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.
Kết quả kinh doanh của TCM đã có sự chuyển biến rõ nét. Từ mức 1.000 tỷ đồng trong giai đoạn khủng hoảng năm 2008 thì đến năm 2014, doanh thu TCM đã lên tới hơn 2.500 tỷ đồng.
Doanh thu liên tục tăng trưởng kể từ năm 2009
Nói về E-Land, khởi nguồn là một công ty hoạt động trong lĩnh vực thời trang tại Hàn Quốc, nay đã hướng tới xây dựng tập đoàn toàn cầu bằng chiến lược đầu tư, hợp tác với các công ty nổi tiếng thế giới trong ngành thời trang và bán lẻ.
Sự hợp tác của E-land và TCM được đánh giá mang lại lợi ích cho cả 2 bên khi TCM có hệ thống nhà xưởng dệt, đan, may… có thể đáp ứng các đơn hàng của E-land; Trong khi E-land có thể tiếp cận, phát triển hệ thống bán lẻ thời trang tại Việt Nam.
Hiện tại, đầu ra sản phẩm của TCM đang được E-land bao tiêu tới 50% và hoạt động xuất khẩu của TCM chiếm đến 90% tổng doanh thu công ty.
Xuất khẩu chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu
Sự góp mặt của E-Land đã giúp tình hình kinh doanh của TCM được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, lợi nhuận TCM có chưa ổn định, tiêu biểu là năm 2012 khi TCM bất ngờ lỗ hơn 20 tỷ đồng do giá bông thế giới giảm mạnh.
Những năm gần đây, TCM đã có sự điều chỉnh trong cách thu mua nguyên liệu và lợi nhuận đã tăng trưởng đều đặn trở lại. Năm 2014, lợi nhuận TCM đạt 168 tỷ đồng, cao hơn nhiều lần so với thời điểm khủng hoảng năm 2008 với vỏn vẹn 3 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm 2015, TCM tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng với lợi nhuận đạt 132 tỷ đồng, tương đương 79% thực hiện trong cả năm 2014.
Với việc phát triển đồng thời cả lĩnh vực dệt cũng như may, TCM sẽ có nhiều lợi thế một khi hiệp định TPP có hiệu lực.
Lợi nhuận dần cải thiện
E-Land lãi gấp 10 lần sau 6 năm
Là cổ đông lớn nhất của TCM nên E-Land cũng chính là người được hưởng lợi nhiều nhất từ sự "hồi sinh" của TCM. Xét đơn thuần về mặt tài chính, TCM đã trở thành khoản đầu tư siêu lợi nhuận của E-Land.
Đầu tư khoảng 180 tỷ đồng vào TCM, hiện tại số cổ phiếu TCM mà E-Land đang sở hữu có trị giá gần 700 tỷ đồng. Bên cạnh đó, E-Land còn nhận về hơn 110 tỷ đồng cổ tức trong các năm vừa qua.
Điều chỉnh các yếu tố cổ tức, chia cổ phiếu thưởng thì giá vốn đầu tư E-Land mua chỉ còn chưa đến 3.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, thị giá cổ phiếu TCM hiện đạt trên 30.000 đồng - tức 1 đồng đầu tư năm 2009 hiện đã tăng hơn 10 lần sau 6 năm.
Hướng đến mặt bằng bán lẻ
E-Land không chỉ là công ty thời trang mà còn là tập đoàn đa ngành với những dự án phát triển trung tâm thương mại, nhà ở, khách sạn… tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, TCM vừa sản xuất hàng dệt may, vừa có quỹ đất lớn tại TP.HCM và điều này khá phù hợp với hướng đi của E-Land.
Hiện TCM đang dự kiến triển khai 3 dự án BĐS tại Quận Tân Phú, Quận 4 TP.HCM và 1 resort tại Phan Thiết. Tuy nhiên, mới chỉ có dự án TC Tower tại Tân Phú được cấp phép đầu tư. TC Tower là dự án khu nhà ở chung cư cao tầng kết hợp thương mại có diện tích đất sử dụng gần 10.000m2.
Dự án được thực hiện bởi Công ty TNHH TC Tower do TCM đóng góp 85,33% vốn và phần còn lại thuộc về E-Land.
Ngoài TCM, E-Land hiện cũng nắm giữ 42% cổ phần tại Savimex (SAV), một công ty chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất với quỹ đất khá lớn tại TP.HCM và đây có lẽ là yếu tố quan trọng trong quyết định đầu tư của E-Land bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh chính của Savimex.
Có thể thấy, sau nhiều năm thị trường BĐS gặp chìm trong khó khăn, E-Land đã bắt đầu hướng đến việc hợp tác triển khai các dự án bất động sản và điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong kế hoạch tận dụng mặt bằng thương mại, mở rộng chuỗi bán lẻ của E-Land tại Việt Nam.
Theo Trí Thức Trẻ