Doanh nghiệp phải xác lập một “trận cờ” riêng khi vào AEC

Nếu hình dung Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) như một cuộc cờ thì các doanh nghiệp Việt Nam như những quân cờ, mỗi quân có một thế mạnh riêng. Nhưng ai là người chơi cờ?
Doanh nghiệp phải xác lập một “trận cờ” riêng khi vào AEC

Nêu ra vấn đề này, nhưng TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, thực ra đã có câu trả lời. Điều chỉnh cục diện chung, chuẩn bị về chính sách và thể chế dĩ nhiên là trách nhiệm của Chính phủ, nhưng mỗi doanh nghiệp cũng phải xác lập một trận cờ riêng cho mình. Tiếc thay, cả hai đều chưa làm hết khả năng.

Càng xuống thấp càng… ít sáng

Để có một AEC “sống động” thì còn phải rất xa nữa. Đó là quan điểm được nhiều chuyên gia kinh tế chia sẻ. Việc thực hiện Nghị quyết 19, thúc đẩy cải cách thể chế theo đúng tinh thần cơ chế thị trường là một trong những hỗ trợ quan trọng từ Chính phủ, nhưng quá trình thực hiện vẫn còn khá nhiều vướng mắc.

Đơn cử mới đây, Ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp giám sát Thuế – Hải quan đã công bố Báo cáo thực hiện giám sát thủ tục thuế và hải quan theo Nghị quyết 19. Báo cáo này nhận định khái quát rằng, hai lĩnh vực yếu kém về thủ tục trước đây, chỉ sau 2 năm đã trở thành hai “điểm sáng về cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện phát triển cho môi trường kinh doanh”.

Thế nhưng độ “sáng” ấy giống như một bóng đèn đặt trên ngọn cây cao, càng tỏa xuống phía dưới càng bị cành lá che khuất và… giảm sáng! Chỉ có 27% địa phương có chương trình thực hiện Nghị quyết 19/2015/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cũng chỉ có 20% trong số 180 các tổ chức là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước cho rằng, cán bộ thuế, hải quan đã lắng nghe ý kiến của khách hàng khi giải quyết thủ tục hành chính. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tính chuyên nghiệp trong giao tiếp của cán bộ thuế, hải quan chuyên nghiệp chỉ ở mức trung bình vẫn cao – lần lượt là 37 và 20%.

Những nỗ lực nhằm giảm thiểu tình trạng chi phí không chính thức cũng chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt, khi vẫn còn tới 55% đơn vị e ngại việc bị phân biệt đối xử nếu không “bôi trơn”. 85% đại diện các hiệp hội doanh nghiệp và liên minh hợp tác xã cho biết, khi không chi các khoản lót tay, doanh nghiệp và hợp tác xã sẽ bị yêu cầu bổ sung, giải trình hồ sơ; 68% cho biết sẽ bị kéo dài thời gian làm thủ tục và 66% phiền lòng vì thái độ không văn minh, lịch sự của công chức thuế.

Không thể thờ ơ

Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu ASEAN (ISEAS – Singapore), có 90% doanh nghiệp Malaysia, 81% doanh nghiệp Singapore và hơn 50% doanh nghiệp các nước Đông Nam Á khác đã có sự chuẩn bị sẵn sàng với việc mở nhiều khóa đào tạo, bắt buộc nhân viên theo học thêm một ngoại ngữ của một trong các nước AEC, nơi doanh nghiệp sắp sửa đặt cơ sở kinh doanh. Trong khi, như đã nêu trên, chỉ có khoảng 35% DN Việt Nam biết đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và những tác động có thể dự liệu của AEC, chưa nói gì đến việc bắt tay vào chuẩn bị một cách thiết thực.

Tại một diễn đàn do VCCI chủ trì tổ chức gần đây, khi được mời phát biểu về chiến lược hội nhập thành công vào AEC, đại diện nhiều doanh nghiệp – kể cả doanh nghiệp lớn có tên tuổi cũng chỉ cho biết khá chung chung kiểu như chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần để thu hút rộng rãi nguồn vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường hợp tác quốc tế…

…“Làng Vũ Đại (Nam Hà) trước đây nổi tiếng vì… Chí Phèo, nhưng giờ thì nổi tiếng với cá kho xuất khẩu qua thương mại điện tử”
Đáng mừng là tuy chưa nhiều, nhưng cũng đã có những doanh nghiệp có định hướng và kế hoạch kinh doanh “đo ni đóng giày” cho AEC. TH True Milk là một trong số đó. Ông Ngô Minh Hải, Phó tổng giám đốc Tập đoàn này khẳng định, doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện mục tiêu đưa sản phẩm vào thị trường ASEAN (trước mắt là Lào, Campuchia) và đầu tư sang Myanmar. TH True Milk ưu tiên tham gia các hội thảo, hội chợ của khu vực nhằm quảng bá thương hiệu, khẳng định chất lượng sản phẩm của mình và nhờ đó đã đạt giải thưởng tại Hội nghị Thực phẩm ASEAN lần thứ 14 tổ chức tại Philippines hồi tháng 6 vừa qua…

Một doanh nghiệp khác cũng tỏ ra nhạy bén với thời cuộc là Traphaco. Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Traphaco nhận định, khi tham gia AEC thì rào cản ngôn ngữ sẽ là một khó khăn với các doanh nghiệp. Đây là vấn đề được Traphaco chú trọng đối với nguồn nhân lực trẻ. Bà Thuận cũng bày tỏ mong muốn được Nhà nước ủng hộ trong việc tìm hiểu thêm về chính trị, kinh tế, văn hóa về xúc tiến thương mại, giao dịch, thói quen làm ăn, tiêu dùng, tôn giáo… và khẳng định, doanh nghiệp đã đầu tư cho công việc này một cách nghiêm túc.

TS. Lê Đăng Doanh cũng đưa ra những ví dụ đáng lạc quan khác về những doanh nghiệp đã kịp thời “chuyển mình” để thích ứng với hội nhập: “Làng Vũ Đại (Nam Hà) trước đây nổi tiếng vì… Chí Phèo, nhưng giờ thì nổi tiếng với cá kho xuất khẩu qua thương mại điện tử. Bên cạnh đó, Hiệp hội Sinh vật cảnh xuất khẩu cây cảnh bonsai rất thành công. Tôi nghĩ rằng nếu có sự liên kết, nhiều sản phẩm của Việt Nam sẽ có khả năng xuất khẩu rất tốt”. Một lĩnh vực có nhiều thách thức và có khả năng phát triển, theo TS Doanh là ngành logistics. Các hàng hóa từ Thái Lan, Lào… trung chuyển vào cảng Đà Nẵng, chuyển sang Trung Quốc rất thuận lợi. Và du lịch cũng là lĩnh vực tiềm năng vì ASEAN có kết nối bầu trời mở, giúp hạ giá vé máy bay…

Để có một AEC “sống động” – như từ dùng của ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright – thực sự còn xa, nhưng đâu phải là không thể!



Theo Enternews

Theo

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: vanphong.vacod@gmail.com

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: toasoan@thuonggiaonline.vn
Website: https://thuonggiaonline.vn/