Năm 2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan, tạo tiền đề cho những kỳ vọng bứt phá trong năm 2025. Các chuyên gia tin rằng, những thay đổi từ Luật Chứng khoán sửa đổi kết hợp với sự hồi phục của thị trường bất động sản sẽ trở thành động lực mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
ĐUA PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU
Cuối năm 2024, thị trường bất ngờ sôi động với hàng loạt đợt phát hành từ các "ông lớn" doanh nghiệp. Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty Cổ phần Vinhomes đã huy động thành công 4.000 tỷ đồng qua lô trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 36 tháng, với lãi suất hấp dẫn 12%/năm, không chuyển đổi. Đây là lô trái phiếu không kèm chứng quyền và được đảm bảo bằng tài sản. Trước đó, cuối tháng 11, Vinhomes cũng đã phát hành lô trái phiếu trị giá 2.000 tỷ đồng.
Không riêng gì Vinhomes, nhiều doanh nghiệp bất động sản khác cũng tăng tốc huy động vốn qua trái phiếu. Đầu tháng 12, Becamex IDC phát hành thành công 1.080 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 4 năm với lãi suất 10,7%/năm.
Tiếp đó, ngày 19/12/2024, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển NewCo gây chú ý với 3 lô trái phiếu tổng trị giá 6.900 tỷ đồng, kỳ hạn lần lượt là 1 năm, 3 năm và 5 năm, với lãi suất 9%/năm. Những lô trái phiếu này đều không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và được bảo lãnh thanh toán bởi các tổ chức tín dụng.
Nhóm ngân hàng cũng không đứng ngoài cuộc. VietinBank đã công bố đợt chào bán 40 triệu trái phiếu ra công chúng với tổng giá trị 4.000 tỷ đồng. MSB cũng huy động thêm 1.000 tỷ đồng trái phiếu, nâng tổng số lô phát hành từ đầu năm đến nay lên 12, với tổng giá trị hơn 12.000 tỷ đồng. Trước đó, vào cuối tháng 10, Eximbank cũng đã phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 1.700 tỷ đồng.
Theo báo cáo từ Công ty Chứng khoán MB (MBS), thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024 đã có sự phục hồi đáng kể. Giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 11.542 tỷ đồng, tăng 77% so với bình quân năm 2023. Quy mô niêm yết cũng tăng trưởng tích cực với 466 mã trái phiếu niêm yết, tổng giá trị hơn 2.304 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ.
Trong tháng 11/2024, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công ước đạt 35,8 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ so với tháng trước và cùng kỳ năm 2023. Ngành ngân hàng tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất với 71% tổng giá trị phát hành.
Ngân hàng vẫn là nhóm ngành dẫn đầu thị trường với giá trị phát hành lũy kế từ đầu năm đến nay đạt khoảng 288,3 nghìn tỷ đồng, tăng 130% so với cùng kỳ, chiếm 72% tổng giá trị phát hành. Các ngân hàng có giá trị phát hành lớn nhất gồm: ACB: 36,1 nghìn tỷ đồng; HDBank: 30,9 nghìn tỷ đồng; Techcombank: 26,9 nghìn tỷ đồng.
Lãi suất trái phiếu bình quân của ngành ngân hàng đạt 5,6%/năm, kỳ hạn bình quân 5,1 năm. Nhóm ngành này đẩy mạnh phát hành trái phiếu nhằm bổ sung vốn, đáp ứng nhu cầu tín dụng đang tăng mạnh, với mức tăng 12,5% so với đầu năm 2024, cao hơn mức 9% cùng kỳ năm ngoái.
Ngành bất động sản, mặc dù chiếm 15% tổng giá trị phát hành, đang đối mặt với nhiều thách thức. Tổng giá trị phát hành đạt hơn 60 nghìn tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp phát hành lớn nhất gồm: Vinhomes: 16,5 nghìn tỷ đồng; Vingroup: 10 nghìn tỷ đồng; Hải Đăng: 5,4 nghìn tỷ đồng.
Lãi suất bình quân của trái phiếu bất động sản ở mức 11,6%/năm, cao hơn nhiều so với nhóm ngành khác, trong khi kỳ hạn bình quân chỉ đạt 2,6 năm. Điều này tạo áp lực lớn về nghĩa vụ đáo hạn trong giai đoạn tới.
Một điểm sáng trong tháng 11/2024 là sự xuất hiện của trái phiếu xanh. Vietcombank đã phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu xanh với lãi suất 4,9%, kỳ hạn 36 tháng. Đây là lần đầu tiên Vietcombank thực hiện phát hành loại trái phiếu này, đánh dấu cột mốc quan trọng trong chiến lược tài chính bền vững của ngân hàng.
ÁP LỰC ĐÁO HẠN VẪN “BỦA VÂY”, LUẬT CHỨNG KHOÁN “NẮN” LẠI THỊ TRƯỜNG
Các chuyên gia MBS đánh giá, dù phục hồi mạnh mẽ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn đối mặt với áp lực lớn về nghĩa vụ đáo hạn. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm thanh toán tính đến hết tháng 11/2024 đạt khoảng 204,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 20% dư nợ toàn thị trường, trong đó 69% thuộc về ngành bất động sản.
Với một lượng trái phiếu doanh nghiệp khá lớn đã được mua lại, áp lực đáo hạn trong tháng 11 và 12 của năm nay khá nhẹ nhàng với lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn lần lượt ước khoảng 10,4 và 10 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, việc Nghị định 08/2023/NĐ-CP quy định về việc giới hạn thời gian gia hạn trái phiếu tối đa 2 năm, dẫn đến khối lượng lớn trái phiếu đáo hạn tập trung từ quý 2/2025. Đỉnh điểm áp lực sẽ rơi vào quý 3/2025, với lượng đáo hạn ước tính lên tới 70 nghìn tỷ đồng, gấp 1,6 lần cùng kỳ năm 2024.
Đối với trái phiếu được phát hành bởi ngân hàng, áp lực đáo hạn không quá nặng nề nhờ khả năng quay vòng vốn và sức khỏe tài chính ổn định. Ngược lại, với các lĩnh vực phi ngân hàng như bất động sản và năng lượng tái tạo, bài toán đáo hạn phức tạp hơn đáng kể.
Giai đoạn 2019-2023 ghi nhận các doanh nghiệp phi ngân hàng chiếm hơn 55% tổng lượng trái phiếu phát hành. Áp lực đáo hạn của nhóm này trong giai đoạn 2025-2026 được dự báo lên tới 12% tổng quy mô tín dụng hàng năm, tương đương trung bình khoảng 2 triệu tỷ đồng mỗi năm (giai đoạn 2021-2024). Thêm vào đó, nhu cầu vốn mới để phát triển càng khiến bài toán vốn trở nên phức tạp hơn.
Năm 2025 được đánh giá là giai đoạn đầy thử thách khi khối lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh kỷ lục. Các doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm hoặc gặp khó khăn trong việc huy động vốn từ những kênh khác sẽ chịu áp lực lớn trong việc tái cơ cấu nợ.
Thêm vào đó, áp lực từ việc tăng lãi suất huy động đang gia tăng, kéo theo chi phí vay vốn tăng cao, gây khó khăn cho các tổ chức phát hành trong việc tiếp cận nguồn vốn mới. Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư, vốn chưa hoàn toàn hồi phục sau những biến động trước đó, cùng với các yêu cầu ngày càng khắt khe hơn dành cho nhà đầu tư cá nhân khi tham gia thị trường trái phiếu, đã tạo ra những rào cản lớn.
Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đang mang đến kỳ vọng lớn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là việc mở rộng cơ hội cho nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Theo đó, nhà đầu tư cá nhân có thể tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ nếu doanh nghiệp phát hành đáp ứng một trong hai điều kiện: có xếp hạng tín nhiệm và tài sản bảo đảm, hoặc có xếp hạng tín nhiệm và bảo lãnh thanh toán từ tổ chức tín dụng.
Những quy định mới, cùng với Nghị định 08/2023/NĐ-CP, không chỉ siết chặt điều kiện phát hành mà còn giới hạn rõ ràng đối tượng tham gia. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra một sân chơi minh bạch hơn, loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém và chỉ giữ lại những đơn vị có nền tảng tài chính mạnh mẽ và quản trị tốt.
Với hệ thống xếp hạng tín nhiệm ngày càng hoàn thiện và các quy định minh bạch hơn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang được kỳ vọng phát triển bền vững trong tương lai. Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản, vốn đang đối mặt với nhiều thách thức, có thể được hưởng lợi lớn từ những thay đổi này, khi các rào cản pháp lý được tháo gỡ và dòng tiền được khơi thông. Tương tự, lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng được kỳ vọng sẽ hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ khi các vấn đề tồn đọng được xử lý triệt để trong vòng một đến hai năm tới.
Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển bền vững, các cơ quan quản lý sẽ phải đối mặt với áp lực tăng cường giám sát chặt chẽ, đặc biệt là đối với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và đơn vị cung cấp bảo lãnh thanh toán. Đây là bước đi quan trọng nhằm củng cố niềm tin của nhà đầu tư, đồng thời bảo đảm thị trường vận hành một cách minh bạch và hiệu quả.