Nhìn lại chặng đường gần 10 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ông thấy những thành quả đáng kể nào mà chúng ta đã thu được?
Một trong những cái được là Việt Nam thay đổi hệ thống pháp luật đồng bộ hơn. Đó là cái được lớn nhất. Chúng ta thực hiện minh bạch hóa tất cả chính sách. Giờ đây, đến cả ngân sách trong Quốc hội cũng công khai minh bạch.
Thứ hai là, thay đổi tư duy cuộc sống, cách điều hành nền kinh tế đất nước của chúng ta. Thứ ba là đầu tư nước ngoài tăng. Con số này đã tăng gấp 4 lần, từ 50 tỷ USD trước khi vào WTO thì nay đã hơn 200 tỷ. Nhờ đầu tư nước ngoài mà chúng ta được tiếp thu công nghệ, kỹ năng quản lý và mở rộng hàng hóa dịch vụ cho Việt Nam.
Qua đó, xuất khẩu cũng tăng gấp 4 lần so với trước khi gia nhập. Ngày xưa Việt Nam chỉ mơ xuất khẩu 100 tỷ USD thì nay đã là 140 tỷ. Nhờ xuất khẩu mà mặc dù ngay cả trong khủng hoảng kinh tế thế giới thì Việt Nam vẫn là một trong 12 nước tăng trưởng dương. Đấy là một điều tích cực.
Thế còn mặt hạn chế là gì, thưa ông?
Đó là đổi mới trong doanh nghiệp nhà nước chậm. Bây giờ chúng ta mới đẩy mạnh chương trình cổ phần hóa chứ ngay sau khi gia nhập đã chững lại, dù trước đó cũng làm rất mạnh. Bên cạnh đó là kinh nghiệm quản lý vĩ mô trong lĩnh vực tài chính, bất động sản chưa có nhiều. Bởi vậy, rơi vào vóng xoáy khủng hoảng tài chính, đặc biệt là ngân hàng. Nợ xấu tăng quá nhanh, bất động sản đầu tư quá mức, quá nhu cầu. Hậu quả là bong bóng bất động sản làm nền kinh tế mất một thời gian nữa mới thoát ra được.
“Đất nước có nhiều cơ hội nhưng trước cơ hội thì phải biến nó thành hiện thực mới là điều quan trọng. Nếu không nó vẫn chỉ là cơ hội dù có mở cửa thị trường”.
Ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn đàm phán WTO của Việt Nam
Ngoài ra, việc tổ chức thông tin theo cách quản lý mới chúng ta cũng chưa theo kịp. Nói ví dụ, hiểu kinh tế thị trường là ai muốn làm gì thì làm là chưa đủ. Nếu thả cho anh muốn làm gì thì làm mà không có dạy nghề dẫn tới lãng phí xã hội.
Bây giờ nhiều doanh nghiệp kinh doanh theo kiểu đăng ký, xí chỗ hay “tay không bắt giặc” mà không có năng lực hoạt động nên doanh nghiệp sẽ đóng cửa. Kinh nghiệm nước ngoài cho thấy ngoài chuyện vốn liếng anh muốn kinh doanh bất động sản thì phải qua lớp học về bất động sản.
Hạn chế lớn nữa mà ta chưa làm được là đào tạo lao động. Đặc biệt là tiếng Anh. Một trong điểm yếu của lao động Việt Nam là yếu ngoại ngữ, tác phong công nghiệp kém. Tôi đi nhiều nước và nhận ra rằng, nơi nào dân nói được nhiều ngoại ngữ là đời sống người dân ở đó cao. Như Thụy Sỹ người dân nói 4 thứ tiếng; Singapore thì nói 2 ngoại ngữ.
Vậy còn việc thực hiện cam kết theo các nguyên tắc WTO, ông thấy thế nào?
Cách đây 2 năm, WTO có đợt kiểm tra việc chúng ta thực hiện các cam kết này và họ đánh giá chúng ta là một trong các quốc gia thực hiện tốt. Trước hết là mình sửa được hết luật. Lộ trình mở cửa thị trường cũng thực hiện đúng. Thứ ba, nguyên tắc công khai minh bạch đang thực hiện một cách đầy đủ.
Nhưng cũng có ý kiến dù tham gia vào WTO rồi nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn bị phụ thuộc vào một vài nước trong khu vực, quan điểm của ông?
Nói thế là chưa đủ, hơi phiến diện. Ví dụ như, Trung Quốc là đối tác lớn nhất nhưng 90% hàng chúng ta nhập từ họ là nguyên liệu, chỉ 10% là hàng tiêu dùng, trong khi xuất khẩu thì ta lại đẩy sang được hầu hết các nước thành viên WTO. Trong đó lớn nhất xuất sang Mỹ, EU, ASEAN và thị trường châu Phi. Và trong WTO thì mình đứng thứ 24 về xuất khẩu nông sản.
Tất nhiên công nghiệp của mình còn kém, nhất là công nghệ phụ trợ. Nhưng bây giờ đừng nghĩ mình là thị trường 90 triệu dân Việt Nam nữa mà là toàn thị trường ASEAN, nên cũng phải tính tới chuyện sản xuất ra một sản phẩm và phải biết cách liên kết lại, đứng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ví dụ Tôn Hoa Sen đang tính bán ra toàn cầu hoặc Vinamilk cũng đã làm được đấy thôi.
Bây giờ là cuộc chơi toàn cầu
Thưa ông, có ý kiến cho rằng, bây giờ không chỉ doanh nghiệp lo cạnh tranh với nhau mà Chính phủ cũng phải thay đổi, cơ quan nhà nước cũng phải cạnh tranh với nhau?
Cái đó là đúng. Một là cạnh tranh cấp Chính phủ. Phải hướng đến Chính phủ dịch vụ, phục vụ cho doanh nghiệp. Cần coi doanh nghiệp là trung tâm của nền kinh tế. Chính phủ bây giờ cần có chính sách dài hơi, thủ tục nhanh, kiểm tra không chồng chéo, thủ tục thuế, hải quan, cấp phép phải nhanh nhưng vẫn quản lý được. Tất cả những cái đó chính là cạnh tranh cấp Chính phủ.
Nhưng doanh nghiệp trong nước vẫn kêu ca rất nhiều về phí bôi trơn cho các dịch vụ công?
Tôi tham gia cố vấn cho Đề án 30 về chuẩn hóa bộ Chính phủ điện tử. Chính phủ nhận thấy làm sao để giảm tiếp cận với con người thì sẽ giảm thủ tục, giảm bôi trơn.
Một trong những rào cản của Việt Nam hiện nay mà thế giới nhìn nhận là cơ sở hạ tầng vẫn yếu, ông thấy sao?
Cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông bây giờ đang được đầu tư rất mạnh. Cái yếu là kết nối lại với nhau. Lâu nay ít đầu tư vào lĩnh vực có khả năng cạnh tranh, ví như đường sắt. Vận chuyển đường sắt giá thành rẻ nhưng không đầu tư mấy. Vẫn đường sắt cũ thời Pháp, chỉ được nâng cấp, cải tạo một ít. Vận tải đường sông là ưu thế nhưng không quan tâm nhiều. Vấn đề kết nối đường bộ với đường sắt, cảng biển kém.
Bây giờ cũng đang tranh luận với nhau Sân bay Long Thành có thành trung tâm trung chuyển hay không nhưng làm sao vượt được Thái Lan, Singapore thì phải tính. Bây giờ người ta đầu tư xong rồi, sắp hoàn vốn rồi nên họ sẵn sàng hạ giá thì ta phải tính. Cuộc chơi bây giờ đừng nghĩ chỉ là Việt Nam nữa mà phải toàn cầu.
Hiệp định TPP đang dần đi đến hồi kết, ông thấy triển vọng mà Việt Nam có được sau khi ký kết hiệp định này thế nào?
Đất nước có nhiều cơ hội nhưng trước cơ hội thì phải biến nó thành hiện thực mới là điều quan trọng. Nếu không nó vẫn chỉ là cơ hội dù có mở cửa thị trường. Xã hội bây giờ vay vốn dễ hơn, công nghệ cao hơn, thị trường bây giờ thông thoáng… Tất cả cơ hội nằm trong tay nhưng quan trọng là có hành động hay không mà thôi. Ví dụ như tìm thông tin về hội nhập để có đối sách, để chuẩn bị, tôi thấy nhà nước thì quyết tâm nhưng doanh nghiệp phải vào cuộc nữa.
Doanh nghiệp phải có thói quen tìm thông tin về hội nhập như phụ huynh tìm thông tin cho con xét tuyển vào đại học ấy. Phải sôi máu như vậy, phải nghĩ đến cuộc chơi toàn cầu thì mới nắm bắt được cơ hội để hành động, để có được thành công trong buổi hội nhập này.
Cảm ơn ông.
Theo Báo Tiền Phong