Không phải Samsung Note 8 thì đâu sẽ là động lực tăng trưởng? Trong báo cáo của
Chính phủ trước Quốc hội, tăng trưởng
GDP quý III tăng mạnh và năm 2017 sẽ đạt mục tiêu 6,7%.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, chúng ta không nên yên tâm dừng ở đó bởi tăng trưởng cao nhưng khoảng cách giữa tăng trưởng và thu nhập khá xa. Tăng trưởng tổng thu nhập quốc dân (GNI) ngày càng thấp và càng xa GDP,
“Năm nay tăng trưởng kinh tế càng cao thì ta càng suy nghĩ nhiều xem năm sau và đến năm 2020 tăng trưởng sẽ ra sao, nhờ vào động lực tăng trưởng nào”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.
Ông Cung cho biết, khi nhìn lại tăng trưởng 9 tháng, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh đạt mức tăng cao nhất kể từ năm 2010 đến nay (trong đó có tăng trưởng mạnh của Samsung Việt Nam bán sản phẩm Samsung Note 8 ra thị trường) đã bù đắp sự sụt giảm của công nghiệp khai khoáng. Tiếp theo là công nghiệp xây dựng và tăng trưởng của dịch vụ du lịch, tăng trưởng từ ngành nông, lâm thủy sản và từ khu vực đầu tư nước ngoài...
Những yếu tố này có còn tiếp tục là động lực cho tăng trưởng trong năm sau hay không, đặc biệt là những sản phẩm như Samsung Note 8 có nữa hay không? Và nếu có thì sẽ góp phần vào tăng trưởng được bao nhiêu, ông Cung đặt vấn đề.
Theo ông Cung, nếu những yếu tốc đẩy tăng trưởng mạnh trong quý III/2017 nhưng sang năm không còn nữa, hoặc còn mà đóng góp không nhiều thì chúng ta trông vào động lực nào để tăng trưởng đạt mức 6,5-6,7% trong năm 2018?
Ông Cung cho rằng, để có được động lực tăng trưởng bền vững cho các năm 2018-2020, trước hết phải xác định năm 2018 là năm giảm chi phí kinh doanh, trọng tâm chính sách là phát triển thành phần kinh tế trong nước để thu hẹp khoảng cách GNI và GDP, đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, giảm chi phí logicstic, đẩy mạnh cải cách DNNN, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển.
“Tất cả những giải pháp này không phải là mới, vừa chúng ta đều đang thực hiện, nhưng vẫn đề là tới đây thực hiện thế nào”, ông Cung nói.
Giải pháp quan trọng khác nữa đó là tăng cường hiệu lực quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công mà giải pháp trước hết là phải nới trần nợ công, tháo nút thắt cho đầu tư công để có tăng trưởng.
Viện trưởng Nguyễn Đình Cung cho rằng, nền kinh tế đang có rất nhiều bài toán đặt ra cần giải quyết, ví dụ như: Xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém cần giải pháp nào tạo nên sự khác biệt so với hiện nay? Dư địa để cải tạo chính sách tài khóa nằm ở đâu? Tăng thu để giảm bội chi, giảm nợ công làm trước hay giảm chi thường xuyên để tăng đầu tư và giảm nợ công? Giải pháp nào để nâng hiệu lực và hiệu quả quản lý chi tiêu ngân sách, đầu tư công?...
Nỗ lực giảm chi phí cho doanh nghiệp
Theo ông Cung, muốn giảm bội chi và giữ an toàn cho nợ công thì phải bằng cách giảm chi thường xuyên và nâng cao hiệu quả và kỷ luật chi tiêu ngân sách chứ không phải kìm hãm đầu tư công.
“Chúng ta không thể để bội chi kéo dài do chi thường xuyên cao mãi như vậy. Cũng không thể kéo dài mãi những việc sờ sờ ra đấy kéo từ năm này qua năm khác mà không ai chịu trách nhiệm chẳng hạn như hầu hết các dự án đầu tư công phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, mức điều chính cứ gấp 1,5 đến 2 lần mức được duyệt. Đây không phải là hiện tượng cá biệt mà đã trở thành phổ biến”, ông Cung nói.
Đi sâu vào các giải pháp cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần tạo áp lực và trách nhiệm đối với các bộ chuyên ngành để cắt bớt ít nhất 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh, loại bỏ ít nhất 1/2 số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành xuất, nhập khẩu và thay đổi cơ bản cách thức quản lý nhà nước.
Cùng với đó là tiếp tục nỗ lực giảm chi phí cho doanh nghiệp bằng các biện pháp như giảm lãi suất cho vay, giảm chi phí hậu cần, giảm các chi phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, chi phí trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thôi việc…
Ông Cung cũng nhấn mạnh việc không tăng lương theo mệnh lệnh hành chính. Và nếu tăng thì không quá tốc độ tăng năng suất lao động theo thỏa thuận của người lao động và chủ sử dụng lao động.
Một vấn đề khác đó là việc thanh tra kiểm tra doanh nghiệp. Theo ông Cung, cần tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng “mỗi năm doanh nghiệp chỉ chịu kiểm tra không quá 1 lần” và thay đổi thái độ và mục tiêu kiểm tra theo hướng hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp tuân thủ đúng luật pháp thay vì chủ yếu để xử phạt doanh nghiệp.